"Em bé" U100 và đứa con trai út: Tan chảy với "kỹ nghệ" chăm mẹ người đàn ông U50

"U ơi, con đã đi làm về. Hôm nay "Em bé U" ở nhà có ngoan không?" - đó là những lời ngọt ngào của ông Đỗ Văn Hương (50 tuổi) dành cho người mẹ già Ninh Thị Còi (97 tuổi). 

Đỗ Thu Nga
09:03 10/05/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

- U ơi, u uống sữa đi nhé!

- Để đây cho tôi, không đổ bây giờ.

- Thế u thơm con cái. Thơm quá!

- Cứ để đây rồi tôi uống.

- Để rồi u toàn bùng thôi!

- Tôi chả nói nữa!

- Ôi, bế u cái nào. Nói thế thôi chứ u lúc nào cũng tuyệt vời. Uống sữa hay cực kỳ luôn. U uống cực một cái là thích cực kỳ, uống vèo một cái luôn. Đây đây, như con uống đây này…".

Trong căn nhà nhỏ trên phố Định Công Thượng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), ông Đỗ Văn Hương (47 tuổi) đang kiên trì thuyết phục người mẹ 95 tuổi của mình uống sữa. Hết ngồi trên ghế dỗ dành, ông Hương lại ngồi thụp xuống đất mô tả động tác "uống sữa vèo vèo". Người mẹ cứ xoay phải rồi xoay trái, lắc đầu giận dỗi.

tan-chay-voi-ky-nghe-cham-me-u100-nguoi-dan-ong-u50
Nhiều lần chưa thấy ông Hương đi làm về, cụ Còi đã khóc, sau đó lại đòi thơm má con

Ông Hương chuyển qua rủ mẹ đập tay, giơ ngón trỏ "like" và làm động tác xoay xoay tay vận động. Cụ bà lại chê sữa nhạt, ông chiều theo ý mẹ, vờ sẽ lấy thêm đường cho vào trong cốc.

Cuối cùng, sau màn "nịnh nọt" đầy dí dỏm của con trai, cụ bà cũng hoàn thành bữa sáng. Cũng là cốc sữa ấy, nhưng đôi khi, người đàn ông 47 tuổi phải dành cả tiếng đồng hồ mới có thể cho mẹ ăn hết được.

Được biết, gia đình ông Hương quê gốc ở Nam Định. Ông là con trai út trong gia đình có 7 anh chị em. Là con út nên ông Hương có thời gian sống với bố mẹ nhiều nhất, vì thế ông cũng là người thấu hiểu rõ nhất sự vất vả của bậc sinh thành trong những năm tháng khó khăn.

"Gia đình tôi ai cũng yêu thương, kính trọng mẹ già. Có điều tôi ở với bố mẹ nhiều và mẹ cũng quý tôi hơn một chút nên mẹ ở với gia đình tôi", ông Hương chia sẻ. 

tan-chay-voi-ky-nghe-cham-me-u100-nguoi-dan-ong-u50-7
Với ông Hương, điều quan trọng nhất là được chăm sóc mẹ

Cũng theo ông Hương, kể từ khi mẹ sa sút trí nhớ (hay lẫn), ông đón bà từ Nam Định lên Hà Nội để tiện thăm khám. Bác sĩ nói, đây là "bệnh người già", não teo đi không phục hồi được, muốn mẹ không bị nặng thêm thì việc chăm sóc, quan tâm của các thành viên trong gia đình là rất quan trọng.

Cũng kể từ khi nhận được lời tư vấn của bác sĩ, ông Hương xin phép đón mẹ từ quê lên Hà Nội để tiện chăm sóc. Hằng ngày, dù công việc bận bịu nhưng vợ chồng ông Hương vẫn dành thời gian chuẩn bị và cho mẹ ăn sáng xong mới đi làm. Mỗi khi đi làm về, mọi công việc ông đều bỏ sau cánh cửa để dàh thời gian chăm sóc mẹ già. Ông kể, với điều kiện hiện nay, cái ăn cái mặc không phải là vấn đề lớn, điều quan trọng nhất chính là tình cảm, sự quan tâm cha mẹ, có như vậy mẹ mới khỏe mạnh, sống lâu cùng con cái. 

Việc chăm sóc người cao tuổi vốn đã không hề đơn giản, việc chăm sóc một người già lúc nhớ lúc quên lại càng vất vả hơn. Ông Hương từng kể, những lúc cụ cáu gắt, giận dỗi, thậm chí khóc tu tu như một đứa trẻ, ông thường kiên nhẫn dỗ dành, chiều theo ý để mẹ nguôi cơn giận. Nhưng cũng có lúc mẹ lại nũng nịu như trẻ lên ba. Ông Hương lại hóa thân thành "bảo mẫu" dỗ dành. Chính vì thế mà ông gọi mẹ là "Em bé U". Và mẹ ông cũng thích như vậy.

tan-chay-voi-ky-nghe-cham-me-u100-nguoi-dan-ong-u50-54

Những cảnh chăm mẹ, dỗ mẹ đều được ông Hương quay lại, chia sẻ lên mạng xã hội. Khi mọi người xem được ai cũng nể phục các chăm sóc của người con trai U50 dành cho mẹ già suýt soát trăm tuổi. Còn với bản thân ông Hương, ông coi đó là sự lan tỏa yêu thương, cũng như lan tỏa những điều tích cực tới cộng đồng. Hơn thế nữa, với ông khi được ở bên mẹ, chăm sóc mẹ đó là điều hạnh phúc nhất.

"Tôi phải có phúc lắm mới được chăm sóc mẹ già. Nhiều người khi nhìn lại, có muốn cũng chẳng được nữa", ông hương nói và kể thêm rằng, ở tuổi U50, mấy ai còn được ngủ trong vòng tay mẹ như ông. Hay chiều chiều đi làm về có mẹ ngồi dưới cửa chờ con trai và ôm trầm...

"Nhiều người nói, cụ lẫn rồi nên mới vậy. Còn với tôi lại khác, tôi thấy hạnh phúc và tận hưởng từng phút giây hạnh phúc ấy. Bởi giờ đây, cụ giống như một đứa trẻ, luôn muốn được bên cạnh người mình yêu thương và tin tưởng nhất, ông Hương chia sẻ.

tan-chay-voi-ky-nghe-cham-me-u100-nguoi-dan-ong-u50-0
Vợ chồng ông Hương bên cụ Còi

Người đồng hành với ông Hương trong việc chăm sóc mẹ già là người vợ thảo hiền Nguyễn Thị Chiến (45 tuổi). Bà Chiến tâm sự, hơn 20 năm làm dâu, bà luôn tự hào khi chưa một lần to tiếng với bố mẹ chồng. Bà coi bố mẹ chồng như bố mẹ ruột, đối xử và chăm sóc như nhau. Bà cho rằng, cách bà đối xử với bố mẹ hai bên sẽ là tấm gương để con cái nhìn vào và học tập theo.

Qua câu chuyện của bản thân, vợ chồng ông Hương muốn nhắn nhủ tới mọi người rằng, hãy trân trọng những phút giây chúng ta còn được ở bên cha mẹ, đừng chờ bố mẹ ốm đau rồi mới thể hiện lòng hiếu thảo. Còn cha còn mẹ là phúc đức lớn nhất ở đời.

Xem thêm: Kiểu cha mẹ nào không thể nuôi dạy con hiếu thảo?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận