Tấm lòng vàng của chủ nhân "chiếc cầu nối bác ái" giúp đỡ người nghèo

Dành cả thanh xuân tham gia thiện nguyện, anh Đoàn Quốc Quỳnh luôn ấp ủ sau này sẽ làm một điều gì đó cho người nghèo. Và anh đã tạo ra "chiếc cầu nối bác ái" để thực hiện phần nào mong muốn này.

Đỗ Thu Nga
17:00 29/09/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Làm việc thiện nguyện là tùy vào tâm ý mỗi người, nó chẳng để chứng mình hay thể hiện điều gì cả. Nếu làm việc bác ái chỉ vì mong muốn được khen ngợi hay để được lợi ích nào đó thì sẽ chẳng được ơn phúc gì. Mình làm việc thiện là để tích lũy ơn phước ở "đời sau" cho mình, cho cha mẹ và những người thân yêu".

Một buổi sáng đẹp trời giữa tháng 9, khi tôi đang ngồi nói chuyện cùng anh Đoàn Quốc Quỳnh (41 tuổi, ở Thủ Đức, TP.HCM) thì máy điện thoại của anh đổ chuông.

Anh bắt máy, và trong loa điện thoại, tôi nghe phía bên kia một giọng nữ vang lên: "Có một người nước ngoài muốn đi dạy tiếng Anh cho các em trong mái ấm, nhờ anh Quỳnh giới thiệu giúp!"...

Chỉ cần một tấm lòng!

Từ những chuyến đi thiện nguyện, gặp những con người có hoàn cảnh nghèo khó bất hạnh, anh Quỳnh đã tâm nguyện sẽ dành một phần cuộc sống sau này "làm một điều gì đó" để giúp đỡ những người kém may mắn.

Và hơn ba năm trước, anh đã bắt tay thực hiện ấp ủ của mình bằng cách tạo ra "chiếc cầu nối bác ái" mang tên "SFC Charity - share for change" mang ý nghĩa "chia sẻ để thay đổi" và là một website tổng hợp thông tin của nhiều mái ấm tình thương trên khắp cả nước.

Anh chia sẻ có những lần gọi điện liên hệ một số mái ấm tình thương nhưng có nơi thì điện thoại không liên lạc được, có nơi thì không ai nghe máy... Từ đó, anh suy nghĩ rằng các mái ấm nhiều khi không có đủ nhân sự hoặc quá bận rộn với nhiều việc nên đôi khi bỏ sót nhiều sự giúp đỡ!

Đó là lý do khiến anh Quỳnh có ý tưởng xây dựng một trang web. Những mái ấm trong trang web này đều có đầy đủ thông tin về địa chỉ, số điện thoại liên hệ và được phân bố thành từng khu vực địa lý như miền Bắc, miền Trung, miền Nam để thuận lợi cho việc tìm kiếm.

Đặc biệt là trang web có địa chỉ email và số hotline hỗ trợ riêng của SFC Charity để trong quá trình tra cứu, những nhà hảo tâm nào cần hỏi thêm thông tin gì anh lại là "chuyên viên" tư vấn nhiệt tình, miễn phí... Những công ty hay nhóm, kể cả ở nước ngoài, muốn tổ chức chương trình thiện nguyện mà liên hệ thì anh sẽ đề xuất địa điểm phù hợp với yêu cầu và hỗ trợ kết nối.

"Xã hội có rất nhiều người tử tế, có tấm lòng bác ái. Không phải đại gia mới là nhà hảo tâm như mọi người thường nghĩ... Chúng ta không cần phải giàu có mới có thể cho đi, mỗi người chỉ cần chia sẻ một chút thôi là cũng có thể giúp đỡ phần nào cho những người bất hạnh. Bất cứ ai nếu có tấm lòng bác ái đều có thể cho đi, không quan trọng nhiều hay ít", anh Quỳnh chia sẻ.

tam-long-vang-cua-chu-nhan-chiec-cau-noi-bac-ai-giup-do-nguoi-ngheo-8
Một chương trình của anh Quỳnh và nhóm tại mái ấm Tín Thác ở Bảo Lộc

SFC Charity thường chủ yếu làm nhiệm vụ tư vấn, cung cấp thông tin, kết nối, còn sau đó, những nhà hảo tâm sẽ trực tiếp liên hệ và tự tìm đến những địa chỉ mà họ cần nếu như không có yêu cầu hỗ trợ gì thêm.

Đồng hành với anh Quỳnh là bạn Huỳnh Ngọc Bích Thảo, một cộng sự đã hỗ trợ những công việc cộng đồng của SFC Charity.

Bạn Thảo là người phụ trách việc thủ quỹ, thu chi, mời gọi các nhà hảo tâm quen biết đóng góp cho những đợt tổ chức bác ái và đặc biệt, Thảo là người đã dành thời gian, công sức để tổng hợp dữ liệu của hàng trăm mái ấm và cập nhật lên website.

Anh Quỳnh chia sẻ thêm: "Nếu như không có bạn Thảo hỗ trợ thì chắc ý tưởng thành lập website của anh còn bị trì hoãn và anh sẽ khá vất vả để vận hành "chiếc cầu nối bác ái"".

Ngoài ra, còn có em Nguyễn Văn Lành là người hỗ trợ phần kỹ thuật cho website và một số chị em khác tham gia một số chuyến bác ái.

Từ khi được hình thành đến nay, trang web luôn được Google đánh giá tốt. Hiện trang web có khoảng vài ngàn lượt truy cập mỗi tháng. Với số lượt truy cập này không phải là lớn so với những trang web khác nhưng lại là lớn so với một trang web phục vụ cho việc thiện nguyện. "Vài ngàn người truy cập tương đương mỗi tháng sẽ có vài ngàn người có mong muốn tìm đến các mái ấm để giúp đỡ", anh Quỳnh nhẩm tính.

Ngoài công việc cầu nối, SFC Charity cũng tổ chức những chuyến bác ái chủ yếu để các nhà hảo tâm thân quen có cơ hội đóng góp và chia sẻ. Các chuyến bác ái đều có các bài tổng kết với đầy đủ thông tin, hình ảnh để bảo đảm sự minh bạch và tạo niềm tin cho các nhà hảo tâm.

Hơn ba năm qua, SFC Charity đã tổ chức được 25 chuyến bác ái đến thăm các mái ấm và những vùng sâu, vùng xa ở Tây Bắc, Kon Tum...

Toàn bộ số tiền các nhà hảo tâm đóng góp đều được sử dụng 100% cho việc bác ái, còn những chi phí khác của chuyến đi thì anh Quỳnh và những người tham gia đều tự bỏ tiền túi.

Sống tình yêu thương

"Mặc dù những gì mình đang làm quá bé nhỏ so với nhiều người, nhiều nhóm hay nhiều tổ chức khác, nhưng tôi luôn thấy vui khi có cơ hội được giúp đỡ những người nghèo, bất hạnh cách này cách khác", anh Quỳnh chia sẻ.

Anh kể rằng quãng thời gian làm công việc cầu nối của anh có đầy những kỷ niệm, những hình ảnh, những câu chuyện chạm vào cảm xúc...

Ngày đó, có một chị Việt kiều ở Đức muốn nhờ anh đi thăm một số hoàn cảnh khó khăn và anh đã có dịp gặp một cặp vợ chồng nghèo ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) khiến anh thật sự xúc động. Họ là những người khiếm thị nhưng không nản lòng với cuộc sống mà ngược lại, họ đã cố gắng mày mò, tự học nghề đan thảm để kiếm sống và nuôi người con gái học đại học.

Nhìn thấy hình ảnh họ ngồi đối diện nhau, cười nói với nhau một cách trìu mến và cùng nhau đan một tấm thảm, anh Quỳnh cảm thấy lòng dâng trào một niềm vui khó tả, bỗng thấy cuộc đời sao đẹp đến lạ. Những con người dù bất hạnh nhưng đã nỗ lực, cố gắng. Họ đã yêu thương và hạnh phúc bên nhau như thế đó.

Nói đoạn, anh dừng lại, trầm ngâm một chút rồi chia sẻ về cảm xúc nghẹn ngào của những lần nghe những cú điện thoại từ các em trót lầm lỡ đã nạo phá thai, không biết gửi thai nhi về đâu để an táng.

Tốt nghiệp thạc sĩ, từng trải qua những vị trí công việc như giảng viên đại học, điều hành doanh nghiệp vài chục nhân sự..., cuộc sống cũng trải qua những biến cố, những vấp phạm, đến giờ anh chọn hướng làm việc tự do để có thể chủ động thời gian làm những việc cộng đồng mình yêu thích và thấy có ý nghĩa.

Anh còn ấp ủ những kế hoạch khác với ước mong có thể tạo ra nguồn kinh tế để có thể thành lập được một quỹ nhỏ phục vụ cho những công việc bác ái hiệu quả hơn.

Đối với anh, những chuyến đi đến với trẻ em và bà con nghèo nơi xa xôi hẻo lánh là những hành trình mang ý nghĩa thật đặc biệt, nó thật sự chạm đến con tim và cảm xúc. Mùa Trung thu sắp đến, anh Quỳnh lại đang chuẩn bị cùng một số anh chị em lên thăm trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa trên Gia Lai, Kon Tum.

Thật đúng như lời bài hát Sống tình yêu thương mà anh đã viết lời. "Bao nhiêu nơi khó khăn đang ngày đêm mong tình người. Nguyện cùng nhau vươn đôi cánh tay để sớt chia... Hãy dìu nhau qua muôn khó khăn, hãy cùng nhau chung xây ước mơ mãi cho đời tươi. Bên nhau tay nắm tay kết nối con tim yêu thương bốn phương...

Người ơi cúi xuống hạ mình

Khiêm nhu bác ái sống tình yêu thương".

(Theo Tuổi trẻ)

Xem thêm: Sự nhân ái của người bảo vệ: Từ chia sẻ tủ đồ từ thiện đến thích làm từ thiện

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận