Sức mạnh của lòng từ bi theo giáo lý nhà Phật
Trong bộ Đại trí độ luận quyển 27 của ngài Long Thọ từng viết: "Từ bi là căn bản của đạo Phật". Từ bi là nguồn suối mát, là niềm hạnh phúc, là vẻ đẹp, là nền tảng căn bản cho con đường tâm linh.
Từ bi là gì?
Đức Phật từng dạy rằng, một người muốn giác ngộ phải phát triển đồng thời cả hai phẩm chất đó là trí huệ và từ bi. Trí huệ và lòng từ bi đôi khi được so sánh với đôi cánh làm việc cùng nhau bay lên hoặc hai mắt làm việc cùng nhau để có tầm nhìn rõ ràng. Trên thực tế, trí huệ làm tăng từ bi, từ bi giúp trí huệ tăng lên.
Vậy từ bi nghĩa là gì? Theo Thắng Pháp Tập Yếu Luận: Từ (Mettà) có gốc từ ngữ căn mida là làm cho dịu, thương yêu. Đây chính là sự mong ước khẩn nguyện cho hết thảy chúng sanh an lành. Mettà không phải là tình thương vật chất, cũng không phải là cảm tình riêng tư. Mettà bao trùm toàn thể chúng sanh không trừ một ai. Cùng tột của Mettà là sự thể nhập bản ngã với tất cả chúng sanh (Sabbatthtà).
Bi (Karunà), từ ngữ căn Kar (làm) + Unà là cái làm cho tâm sở người thiện thêm rung động trước sự đau khổ của chúng sanh; cái làm tiêu tan sự đau khổ của chúng sanh. Đặc tính của karunà là thương xót trước sự đau khổ của người khác, cầu mong diệt trừ sự đau khổ của người khác.
Cả từ và bi đều đi chung với chữ Citta: Tâm, sự hiểu biết. Đối tượng của tâm “Từ” là chúng sanh đáng yêu, đáng mến, đáng kính (piyamanapasattapannatti); Còn đối tượng của tâm “Bi” là chúng sanh đang bị đau khổ (dukkhitasattapanntti).
Nếu xét theo nguyên lý riêng thì tâm từ và tâm bi không bao giờ đi đôi, không đồng sanh với nhau. Bởi vì chúng có đối tượng chúng sanh khác nhau. Cho nên khi nào có tâm từ thì không có tâm bi và ngược lại. Nhưng nếu xét theo tâm lý chung thì từ và bi đều không câu hữu với xả vì chúng lấy chúng sanh làm đối tượng, nên không khởi trong các siêu thế tâm vì siêu thế tâm lấy Niết bàn làm đối tượng.
Lòng từ bi (tiếng Anh: compassion – tiếng Phạn: karuna) trong đạo Phật thường được hiểu là sự đồng cảm tích cực hoặc khát vọng mong muốn người khác không còn khổ đau. Thuật ngữ này khác so với maitri (tình yêu – Pali: metta), đó là mong muốn mang hạnh phúc đến cho người khác.
Trong Thập địa kinh luận, Bồ-tát Thiên Thân nói rằng: “từ là đồng với nhân quả hỷ lạc; bi là đồng với nhân quả ưu khổ”. Như vậy, chúng ta không những sanh tâm hỷ lạc với chúng sanh mà còn phải đem đến cho chúng sanh quả hỷ lạc, đó mới là từ. Thấy chúng sanh ưu bi khổ não không những khởi tâm thông cảm mà còn tạo cho chúng sanh những quả lành khiến họ bớt khổ đau, vây gọi là từ bi.
Từ đây có thể thấy, từ bi chính là cùng chúng sanh thống nhất nguyên nhân và kết quả của sự khổ và vui. Trong Kinh Bồ tát niệm phật tam muội nói: "Từ tâm quán chúng sanh, như mẫu niệm nhứt tử. Vu thù bất truy ác, cánh sanh lân mẫn tâm”, nghĩa là dùng tâm từ quán sát chúng sanh như người mẹ nghĩ nhớ đến con, đối với kẻ thù không sanh khởi tâm ác, ngược lại phải sanh tâm thương xót họ.
Khi Phật Thích Ca Mâu Ni đạt được Giác Ngộ, quyết tâm và phát nguyện đầu tiên Ngài chính là Karunâ, tức là lòng Từ bi, Ngài quyết định thuyết giảng cho chúng ta "Con đường đưa đến chấm dứt khổ đau" (tức là Đạo đế, điều thứ tư trong Tứ diệu đế).
Khía cạnh cao đẹp của Từ bi hay Karunâ cũng là một trong những chân lý cao cả hơn hết của Đạo Pháp: khổ đau không phải là một định mệnh, khổ đau có thể tránh khỏi, ta có thể tự giải thoát được, và tất cả mọi chúng sinh đều có thể thực hiện được sự Giải thoát đó, không phải chỉ riêng có Phật mà thôi (đây là các điều 1,2 và 3 trong Tứ diệu đế : Khổ đế, Tập đế và Diệt đế).
Nếu không có từ bi biết đâu cũng không có Phật, cũng không có đạo Pháp và cũng chẳng có Tăng đoàn. Vì sao vậy? Vì chính Phật là từ bi, chính Phật lại giảng cho ta Đạo Pháp của Từ bi và Tăng đoàn đứng ra duy trì Đạo Pháp. Từ bi chính là hiện thân của tam bảo. Có thể nói từ bi chính là sự Giác ngộ.
Nói tóm lại, từ bi không đơn giản là sự xót thương và chia sẻ khổ đau với kẻ khác, dù cho đi kèm với bố thí cũng thế. Từ bi trong đạo Phật cao cả, tích cực và mãnh liệt hơn những gì chúng ta hiểu một cách thông thường. Từ bi là sức mạnh thiêng liêng, siêu việt đưa đến trí tuệ. Trí tuệ là một khí cụ toàn năng giúp xóa bỏ vô minh. Xóa bỏ vô minh tức là đạt được giác ngộ, đạt được giác ngộ tức là thành Phật.
Vì sao phải thực hành lòng từ bi?
Phật giáo Đại thừa đã nhân cách hóa lòng từ bi thông qua hình tượng Bồ tát. Bồ tát được xem là chuẩn mực lý tưởng cho mọi Phật tử noi theo. Người đã nhận ra "Tánh không" của vạn vật nên phát tâm từ bi vĩ đại hướng đến tất thảy chúng sanh.
Trong một số ghi chép của Phật giáo Đại thừa, lòng từ bi của Bồ tát to lớn đến nỗi có thể trì hoãn việc nhập Niết bàn để ở lại cõi ta để phổ độ chúng sinh, thoát khỏi sự khổ. Trong một số ghi chép khác lại chỉ ra, Bồ tát đã quyết tâm trở thành một vị Phật càng nhanh càng tốt để giúp đỡ chúng sanh.
Trong các vị Bồ tát, Quan Thế Âm được xem là biểu tượng phổ biến nhất thể hiện lòng từ bi vĩ đại của chư Phật. Do đó nhiều Phật tử theo Đại Thừa thường xuyên cầu nguyện ngài để giảm bớt đau khổ, tụng chú Đại Bi để nuôi dưỡng hạt giống từ bi bên trong.
Theo giáo lý nhà Phật, lý tưởng thực hành lòng từ bi là hành động nhằm giảm bớt đau khổ trong cuộc sống. Đại từ, Đại bi, Đại hỷ và Đại xả là bốn liều thuốc hóa giải chống lại những thái độ sai lầm. Đại từ hóa giải ý nghĩ "sống chết mặc bay". Đại bi hóa giải ý nghĩ "mặc kệ họ cứ đau khổ, chẳng dính líu gì đến ta". Đại hỷ không cho phép ta cảm thấy "càng thích thú khi kẻ khác gánh chịu đau khổ, đáng đời cho họ". Đại xả đem đến cho chúng ta những xúc cảm trong sáng, bình đẳng, hóa giải ý nghĩ "cái này của ta, của gia đình ta, của bạn bè ta, không tội gì mà buông xả cho người dưng nước lã".
Trong “Bản chất của Tâm Kinh”, Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 đã viết: "Theo đạo Phật, lòng từ bi là khát vọng, một trạng thái của tâm trí mong muốn người khác thoát khỏi đau khổ. Nó không thụ động – nó không phải là sự đồng cảm đơn thuần mà là một sự đồng cảm tích cực phấn đấu để giải phóng người khác khỏi khổ đau.
Chúng ta phải hiểu bản chất của đau khổ mà từ đó mong muốn giải phóng người khác (đây là sự khôn ngoan), và chúng ta phải trải nghiệm sự gần gũi và đồng cảm sâu sắc với các chúng sinh khác (đây là tình yêu thương)".
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận