Sứ mạng của người mẹ - Bài NLXH ấn tượng

Nghị luận về câu nói “Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết”.

Đỗ Thu Nga
15:00 23/05/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Hành trình của một người mẹ khi đưa con mình đến với thế giới có lẽ là một hành trình thiêng liêng và cao đẹp nhất trên đời này. Nhưng con lại có một hành trình của riêng mình nên Bables đã nói: “Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết”.

“Sứ mạng” được hiểu là một trách nhiệm lớn lao và cao cả của người mẹ. Ý câu nói nhắn nhủ đến những người mẹ dù cho có yêu thương con cái đến đâu đi chăng nữa thì hãy nghiêm khắc với con của mình, dạy chúng thành người thật tốt, hãy để chúng tự bước đi trên đôi chân của mình, tự lập với cuộc sống của chính mình. Tình yêu của mẹ dành cho con bắt đầu từ những ngày tháng con mới chỉ là một em bé “chưa hoàn hảo” nằm trong sự bao bọc của cơ thể mẹ. Khi có sự chào đời của con, mỗi ngày mẹ đều phải làm tất cả mọi việc chỉ để cho con một giấc ngủ. Người mẹ nào cũng đều rất thương con, muốn mang đến cho con mình những điều tuyệt vời nhất, đẹp đẽ nhất để chúng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng đôi khi vì nâng niu che chở cho con hết mực lại trở thành những hành động sai lầm trong cách nuôi dạy con cái. Họ tạo cho con mình nhưng vỏ bọc chắc chắn, không muốn ai làm tổn thương con mình. Chính vì chiếc bọc ấy được hình thành từ khi còn bé, nên nó ngày càng trở nên lớn dần và chắc chắn, khiến cho cuộc sống con mãi có sự can thiệp của mẹ, con không được va vấp với bên ngoài, không rút ra được những kinh nghiệm sống riêng cho bản thân. Đây chính là rào cản ngăn con thành công trong cuộc sống. Con luôn là một đứa trẻ trong mắt mẹ, nhưng đứa trẻ ấy cũng có cuộc đời cần phải sống hết mình. Thế nên thay vì sự bao bọc cứng nhắc ấy, người mẹ hãy là hậu phương cho những người con, hãy dạy chúng tự lập, tự đứng trên đôi chân của mình, tự tạo ra cho bản thân giá trị tốt đẹp để trở thành người công dân tốt, cống hiến cho xã hội. Mẹ cha không thể theo ta đến hết đời và chúng ta không thể theo con cái mãi mãi, việc dạy dỗ, uốn nắn con trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đến chúng có thể thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt ngoài kia.

su-mang-cua-nguoi-me-bai-nlxh-an-tuong-0

Hãy như bà mẹ Hàn Quốc Hesung Chun Koh khiến cả thế giới nể phục khi sáu con bà đều là tiến sĩ tại Đại học Harvard và Đại học Yale. Nhà báo Thu Hà – tác giả cuốn sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết” cũng là một ví dụ cho tinh thần dạy con tích cực ấy. Chị cho rằng cha mẹ không nên trở thành những bậc phụ huynh “biết tuốt”, đứng ra giải quyết thay con mọi vấn đề trong đời sống. Trẻ cần học cách tự suy nghĩ để giải quyết vấn đề chứ không nên sống như cây tầm gửi. Người mẹ hai con chia sẻ: “…thỉnh thoảng tôi còn giương cờ trắng đầu hàng. Chẳng mắc mớ gì phải giấu dốt. Trước một đứa nhỏ đang thần tượng mẹ mình như một vị anh hùng bách chiến bách thắng mà thú nhận mẹ dốt, quả là một cảm giác khó khăn. Nhưng được dốt như là chính mình, cũng có cái sung sướng của nó. Con phải biết thông cảm với những hạn chế của mẹ”. Đây thực sự là cách dạy con nhân văn và tích cực.

Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người mẹ vô tâm, không yêu thương con mình, thậm chí là bỏ rơi con khi con còn rất nhỏ. Lại có những người mẹ quá yêu thương, cưng chiều con của mình khiến chúng trở nên hư hỏng,… Những trường hợp này thật đáng lo ngại.

Những người mẹ hãy yêu con có “chất lượng” bởi yêu thương là một nền tảng để tiếp bước con đến với thành công! Mỗi con người là một cá thể độc lập và nếu ta yêu con, hãy để chúng được tự do khám phá.

Xem thêm: NLXH: Bàn về sự nỗ lực qua hình ảnh "ốc sên bò lên đỉnh núi ngắm phong cảnh"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận