So sánh "giọt nước mắt" của Chí Phèo và A Phủ: Nước mắt rơi xuống, tình người dâng lên!
Giọt nước mắt của Chí Phèo và cả giọt nước mắt của A Phủ, dù rơi trong hoàn cảnh khác nhau, từ những nhân vật hoàn toàn trái ngược, nhưng đều là giọt nước mắt rơi vào lòng người, đều là giọt nước mắt cháy lên khát vọng sống, khát vọng tự do.
GIỌT NƯỚC MẮT CỦA NỖI ĐAU SỐ PHẬN
Đối diện với cái chết đã gần kề, một người cứng rắn như A Phủ cũng không tránh khỏi giọt nước mắt bất lực. Trước hết, đó là giọt nước mắt uất ức khi phải chịu đựng cái chết phi lý, chịu đựng sự áp bức của cường quyền mà không cách nào thoát ra. Một giọt nước mắt rất "người" mà Tô Hoài đã khắc họa hoàn hảo khi xây dựng hình tượng nhân vật A Phủ.
GIỌT NƯỚC MẮT CHÍ PHÈO CHO MỘT KIẾP LẦM THAN
Đứng trước lằn ranh sự sống - cái chết, thiện - ác, Chí Phèo đã rơi nước mắt. Giọt nước mắt của Chí cũng bùng lên khát vọng sống, sống như một con người với thiên lương thực sự, với cái lương thiện hắn từng đánh mất.
Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên, một tên quỷ dữ của làng Vũ Đại, kẻ đã bị tha hóa đến cùng cực - bị đẩy ra khỏi xã hội loài người mà vẫn còn biết khóc. Hắn khóc khi lần đầu cảm nhận được hơi ấm tình người - khi vẫn còn thấy lo sợ, thấy bất ngờ trước bát cháo ấm nóng lạ lẫm kia: "Hắn thấy mắt mình ươn ướt". Hắn khóc lặng lẽ, kín đáo; khóc mà không nhận ra sự chuyển hóa âm thầm trong đời mình. Từ một con mắt của quỷ dữ, chỉ nhìn đời bằng sự ráo hoảnh, căm thù; đôi mắt của hắn đã biết khóc, biết chảy nước mắt vì hơi ấm tình thân, tình người ấm nóng. Giọt nước mắt của hắn cũng là nỗi phẫn uất với tội ác cường quyền. Chính kẻ mượn quyền áp dân ấy đã gây ra bao nỗi đau khổ, mà lần này chính là Phủ và Chí Phèo.
GIỌT NƯỚC MẮT A PHỦ ĐÁNH THỨC LƯƠNG TRI
Nếu giọt nước mắt của Chí Phèo đánh thức thiên lương trong chính con người hắn, thì giọt nước mắt của A Phủ đã đánh thức trái tim ấm nóng đã ngủ yên quá lâu của Mị. Có lẽ sau này, khi nên duyên vợ chồng, Mị sẽ có tình cảm với A Phủ, nhưng tình cảm lúc này Mị dành cho A Phủ có lẽ chỉ có sự đồng cảm, có sự kết nối giữa những người chung kiếp đày đọa, có bản tính lương thiện vốn có của một cô gái từng nhạy cảm và yêu thương. Thấy người kia bị trói đứng ở đó, lúc đầu Mị vẫn dửng dưng "thản nhiên thổi lửa, hơ tay" - không phải vì cô tàn ác, lạnh nhạt; mà là bởi đã quá lâu không cảm nhận được tình thương, không sử dụng con tim để yêu thương ai nữa. Nhưng khi "một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại", Mị nhớ ra "đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải đứng như kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ mà không biết lau đi được". Mị nhận thấy sự tàn bạo đến vô lý của xã hội, của cha con nhà thống lý, của bọn địa chủ phong kiến: "Chúng nó thật độc ác" - Một ý nghĩ đơn giản thức tỉnh người con gái ấy "người kia việc gì mà phải chết".
Vậy là giọt nước mắt của A Phủ đã rơi xuống, làm khuấy động mặt nước tĩnh lặng trong tâm hồn Mị, thức tỉnh Mị, để Mị vẫn nhớ mình là một người thiện lương, làm những việc thiện lương. Và từ suy nghĩ đột nhiên ấy, Mị đã đi tới một quyết định táo bạo, nhưng cũng đầy tính "người" - cởi trói cho A Phủ. Nhà phê bình Hà Minh Đức đã viết về "hạt bụi vàng" ấy của "Vợ chồng A Phủ" trong "Nhà văn và tác phẩm" như sau: "Cái biểu hiện cởi trói cho A Phủ chỉ trong một khoảnh khắc, những khoảnh khắc quyết định và tồn tại đời đời. Vẻ đẹp của một tâm hồn con người bao giờ cũng vậy, một tấm lòng, một tinh thần vị tha, một hành động không chỉ vì mình, đấy mới trở thành những câu chuyện đời đời nhớ mãi cùng với những con người và lịch sử mang giá trị vĩnh cửu". A Phủ khóc không phải nguyên nhân sâu xa cho sự vùng lên khỏi ách nô lệ của người khốn khổ ấy, nhưng đã đánh thức tất cả lương tri và khát vọng sống của những kẻ bị cho là yếu thế, để họ đạt đến ước vọng của tự do.
(Nguồn: CLB giáo dục Trường Văn)
Xem thêm: So sánh "nồi cháo cám" (Vợ Nhặt) và "bát cháo hành" (Chí Phèo)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận