Sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người?

Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Khi đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người?

Đỗ Thu Nga
10:00 29/04/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Khi đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người? Bằng trải nghiệm văn học, anh/ chị hãy trình bày quan điểm của mình. (Đề thi HSGQG năm 2019)

BÀI VIẾT GỢI Ý:

Tôi được sinh ra trong thời đại mang tên đổi mới và sáng tạo. Từ nhỏ, tôi đã được tiếp cận với những chiếc điện thoại đủ màu sắc, với những máy móc hiện đại. Đến khi tôi lớn lên, điện thoại, máy tính hay laptop không còn là những thứ lạ lẫm với nhân loại. Ngày nay, nhiều đất nước trên thế giới đã và đang ứng dụng robot vào làm việc để thế chân con người. Vậy văn chương, một loại hình nghệ thuật cứ ngỡ mãi mãi chỉ được sáng tạo bằng tài năng và trí óc con người, liệu có bị thống trị bởi đội quân robot tinh nhuệ trong tương lai hay không? Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Khi đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người?

Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo đã tạo nên những ảnh hưởng không nhỏ lên đời sống nhân loại. Nhiều công xưởng giờ đây thưa thớt công nhân mà thay vào đó là một dây chuyền máy móc to lớn, miệt mài lắp ráp các linh kiện để hoàn tất sản phẩm với độ sai sót gần như bằng 0. Trong lĩnh vực kinh tế, robot tính toán các con số, dữ liệu thống kê chính xác hơn gấp nhiều lần so với kế toán viên. Cuộc cách mạng công nghệ sẽ sớm trục xuất hàng tỉ người ra khỏi thị trường lao động và tạo ra “tầng lớp vô dụng” khổng lồ mới. Hiện nay, người máy viết tin tức, phát thanh viên kỹ thuật số hay thậm chí là cỗ máy biết viết văn thơ đâu còn là chuyện tương lai. Thế giới đã có những tác phẩm do trí tuệ nhân tạo viết ra suýt đoạt giải Nobel văn chương. Thậm chí, người ta có thể dịch văn bản văn học ra nhiều thứ tiếng khác nhau chỉ bằng một cú click chuột. Vậy con người có còn giữ được vị trí của mình trong sáng tác văn học thời đại kỹ trị hay không?

Ta không thể phủ nhận được vị trí của máy móc, robot trong thời đại 4.0 hiện nay. Tuy nhiên, tôi tin rằng con người sẽ không phải nhường ghế cho bất kỳ cỗ máy nào trong việc sáng tạo những sản phẩm tinh thần. Cỗ máy dù có thông minh, tiện ích đến đâu cũng không thể sánh với những tư tưởng, tình cảm, tài năng được tinh lọc và chưng cất qua bao năm tháng của người cầm bút.

Sang-tao-van-hoc-co-con-la-doc-quyen-cua-con-nguoi-9

Trong tương lai, các văn nhân hay thi gia sẽ chẳng bao giờ dễ dàng bị phế truất khỏi văn đàn bởi máy móc vì mỗi tác phẩm luôn chứa đựng một cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm của nghệ sĩ. Trí tuệ nhân tạo AI và con người đều có khả năng tạo ra những áng thơ văn mang đậm hơi thờ cuộc sống nhưng điều khác biệt giữa hai cá thể là sự trải đời, suy tư về nhân thế. Với tư cách là một thành viên trong xã hội, nhà văn không có phép thần thông nào kháng cự lại sự tác động của thời cuộc nên mỗi lời thơ cất lên là những tiếng bâng khuâng về thế thái nhân tình, tiếng phản kháng cho những điều “chướng tai gai mắt”. Những sản phẩm tinh thần do con người sáng tạo ra đều thể hiện được những vấn đề xoay quanh nhân loại, phản ánh được lí tưởng thẩm mỹ, ý thức hệ của thời đại bấy giờ. Đây chính là kết quả của quá trình suy tư và trăn trở, chiêm nghiệm và bâng khuâng, không ngừng đặt ra câu hỏi và tìm cách trả lời, để đề xuất một con đường, hướng đi, giải pháp. Còn tác phẩm do người máy tạo ra thì sao? Chúng ta không thể phủ nhận việc nhìn đời sống một cách chi tiết hơn các nhà văn của robot nhung thứ mà nó không bao giờ làm được chính là sự thể nghiệm. Nhà văn Nam Cao từng nói: “Sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân”. Bởi chỉ khi hòa mình vào cuộc đời, ta mới khám phá được những ý niệm của con người trong thời đại ấy, mới hiểu thấu những đứt gãy bên trong tâm hồn nhân loại. Bằng không, cũng như tấm kính hay bức ảnh, áng văn thơ kia chỉ là bản sao y hiện thực vô hồn, khô khan. Cỗ máy sắt thép kia chỉ biết tái hiện cuộc đời một cách thô kệch, không thể hiện được các mối quan hệ trong đời sống thực tại và đánh giá chủ quan của cá nhân. Mà nhiệm vụ, bản chất của văn thơ là thể hiện kiến giải riêng của nghệ sĩ về các vấn đề xung quanh con người. Ấy thế thì máy móc có khả năng thực hiện được hay không?

Virginia Woolf từng nói: “Bởi chuyện hư cấu, tức một tác phẩm tưởng tượng, không được thả như hòn sỏi rơi trên mặt đất, như khoa học vốn thế, mà nó giống như mạng nhện, có thể kết nối hơi lòng lẻo nhưng vẫn luôn kết nối với cuộc sống từ cả bốn góc”. Rằng văn học, dù đó có là câu chuyện hư cấu, mơ mộng hão huyền vẫn luôn gắn kết với đời sống, nói lên những suy tư của nghệ sĩ về vận mện cuộc đời. Cũng giống như “Hóa thân” của văn hào Franz Kafka vậy. Là câu chuyện kể về chàng trai bỗng một ngày bị hóa thành con bọ, tác phẩm tuy là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng vẫn không ngừng lay tỉnh bạn đọc về mặt trái của lối sống công nghiệp ở các nước phương Tây. Xã hội hiện đại đã biến con người trở thành những con rối bị giật dây bởi đồng tiền và nỗi sợ mất việc. Sự hóa thân và cái chết của Geogor tố cáo một xã hội công nghiệp chạy theo tiền tài vật chất để rồi đánh mất đi nhân tính con người. Bản chất của công nghệ thông minh, robot được sinh ra là để phục vụ con người làm việc nhanh hơn, năng suất hơn, kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Vì thế nó đâu thể hiểu được đồng tiền, vật chất đã làm thui chột nhân tính, băng hoại đạo đức con người ra sao. Máy móc thấy được bề nổi phát triển của xã hội nhưng diễn biến bên trong xã hội thì không thể. Duy chỉ nhà văn sống trong đời, không ngừng trăn trở, giao thoa với đời sống, đi tìm những mảnh vỡ hoang tàn khuất lấp sâu bên trong nội cảm con người thì mới có thể tạo ra những tác phẩm vừa phản ánh đời sống, vừa “vẽ nên bức chân dung” về tâm hồn, nhân tính của nhân loại.

Người ta thường nói viết văn, làm thơ luôn gắn liền với cảm xúc nên cỗ máy xơ cứng kia chẳng thể nào sáng tạo được văn học. Thế nhưng, giờ đây, robot đã có thể biểu lộ được nhiều cảm xúc khác nhau, xúc cảm buồn-vui-yêu-ghét giống hệt con người. Điển hình là robot Sophia – robot đầu tiên trên thời giới được cấp quyền công dân – thể hiện được hơn 62 cảm xúc khác nhau. Vậy lẽ nào các nhà văn, nhà thơ đã thúc thủ trước sự phát triển của công nghệ? Tôi có thể khẳng định chắc nịch là không! Sáng tạo văn học là một nhu cầu bộc lộ cảm xúc. Tình cảm trong văn học chẳng phải là thứ tình cảm dung dị, bình thường mà là cảm xúc mãnh liệt, toát ra từ tình huống. Với con người, viết văn là để thỏa mãn nhu cầu giải bày và giãi tỏa. Giải bày để giãi tỏa và thông qua giải tỏa để được giãi bày. Trong khi đó, những bộ óc nhân tạo vốn dĩ được lập trình thô cứng thì lấy đâu ra những cảm xúc chân thật xuất phát từ tận đáy lòng? Tình cảm của robot chỉ là thứ cảm xúc vu vơ, hời hợt, được khơi xướng lên một cách sống sượng. Hơn thế nữa, nhà văn viết văn, làm thơ là khi đầu óc chất chứa nỗi niềm, suy tư không nói ra là không được. Họ viết trước hết là để thỏa mãn, sau đó là muốn tạo ra tiếng vọng gọi đồng cảm, để bao độc giả tìm thấy mình trong từng trang giấy. Còn máy móc, nó sáng tạo nghệ thuật chỉ nhằm mục đích chứng tỏ khả năng lao động nghệ thuật mà thôi. Nhưng đích đến cuối của văn thơ không phải đem ra so sánh, thi thố mà là “trải ra cùng với đống vỡ vụn của con người” (Virginia Woolf). Có ai có thể cất tiếng chửi thay cho Hồ Xuân Hương khi bản thân nữ sĩ là người thấm thía nhất nỗi đau đớn và khổ hạnh của kiếp làm lẽ: “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/ Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”? Có ai thấu được tường tận nỗi đau khắc khoải, nỗi ám ảnh về một thuở chẳng gì ngoài sự chia lìa hay ly biệt hơn chàng thi sĩ họ Hàn: “Ai biết tình ai có đậm đà”? Nếu máy móc có hư hỏng thì chỉ cần vài câu lệnh, thuật toán đã có thể giải quyết nhanh chống. Còn con người, phải nhờ đến thơ văn để nương tựa, để chữa lành vết thương tâm hồn. Do đó, sáng tạo văn học thuộc về con người, là phương thức hàn gắn những tổn thương ta mang trong lòng.

Nhà văn Nam Cao đã từng nói rằng: “Văn chương không cần đến người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Kì thực, viết lách văn thơ luôn đòi hỏi cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Theo nghĩa Hán Việt, “Sáng” là bắt đầu một thứ mới, “Tạo” là phát minh, xây dựng. Sáng tạo là chế tạo ra một thứ mởi mẻ. Họ phải không ngừng tìm tòi, trải nghiệm, luôn trau dồi bút lực, sức viết của mình để có thể tạo ra áng văn thơ độc đáo, sống mãi trong lòng độc giả, trở thành “bản thảo không bao giờ cháy” (M. Bulgakov). Qua mỗi văn phẩm, cho dù đó là đề tài xưa cũ thì phải luôn thể hiện được quan điểm mới, góc nhìn mới. Chính vì lí do này mà văn học đặt ra yêu cầu về trách nhiệm của văn nhân: không được lặp lại người khác và cũng không được lặp lại chính mình. Đây là điều mà trí tuệ nhân tạo kia không bao giờ làm được. Vốn dĩ được lập trình bởi con người, máy móc chỉ có thể huy động những gì sẵn có trong bộ nhớ để sáng tạo. Văn chương là những cách tân, tiếp biến mà ta chẳng bao giờ định sẵn được. Thậm chí, đôi lúc nó bộc phát ngay trong tiềm thức của người cầm bút. Thử hỏi những công nghệ thông minh kia được lập trình sẵn theo khuôn mẫu thì có năng lực đổi mới và sáng tạo được hay không?

Khi viết “Nỗi buồn chiến tranh”, Bảo Ninh đã đi ngược lại với đàm tiếu dư luận, quy chuẩn của thời đại để nói lên sự khốn cùng của thời hậu chiến. Nhà văn len lỏi vào sâu trong tâm hồn người lính để rồi nói lên những tổn thương bên sâu tâm khảm, từ chiến tranh mà di căn đến hậu chiến tranh: “Mùi hôi hám pha tạp của đường phố bị nống lên thành mùi thối rữa. Tôi tưởng mình đang đi qua đồi xáo thịt la liệt người chết sau trận sáp lá cà tắm máu cuối tháng chạp 72. Tử khí xộc lên từ vỉa hè nồng nặc đến nỗi tôi phải vội đưa tay lên bịt mũi như kẻ hóa rồ giữa đường phố. Có đêm, tôi giật mình thức dậy nghe tiếng quạt trần hóa thành tiếng rú rít rợn gáy của vũ trang”. Cái bóng ma chiến tranh vĩnh viễn ám lấy cuộc đời họ. Họ đã trở thành thứ gì đó “nửa người nửa ma”, một chân đã bước vào mảnh đất hòa bình mà tâm tưởng vẫn bám víu lấy chiến tranh loạn lạc. Tưởng rằng đã tìm lại màu xanh hòa bình của nhân loại nhưng thật chất chiến tranh quốc gia kết thúc cũng là lúc họ phải đối diện với một cuộc chiến tranh khác – cuộc chiến tìm lại ý chí sống, chống lại những ám ảnh, tổn thương trong tâm hồn. Bảo Ninh đã rất xuất sắc khi chọn lọc ngôn từ bình dị, sử dụng yếu tố nhật ký để tạo nên cuốn tiểu thuyết chiến tranh nhưng chẳng nhuốm màu đau thương. Sẽ chẳng có một trí tuệ thông minh nào có thể “nắm bắt” và cất lên tiếng nói về sự vận động trong tâm hồn con người như thế. Và bởi vì do con người lập trình nên không có máy móc nào có thể viết nên trang văn đi ngược lại với tư tưởng về một thời hoa lửa hào hùng với những trận đánh oai phong lẫm liệt của các chiến sĩ anh dũng. Chỉ có nhà văn, nhà thơ có trách nhiệm với nghề, có phong cách, cá tính mạnh mẽ dám “chiến thắng dư luận”, nói lên “những điều trông thấy” thì mới có thể tạo ra áng văn thơ không “thui chột cùng đống hoang tàn trong tâm hồn con người” (Virginia Woolf).

Dù muốn dù không, trong tương lai, sản phẩm văn học của người máy cũng sẽ là một phần tất yếu trong đời sống nhân loại. Tuy nhiên, sáng tạo một tác phẩm đích thực, chân chính đúng nghĩa vẫn luôn là độc quyền của con người, thuộc về con người, thuộc về nhân loại. Hiện nay ta có thể dịch thuật văn học hay thậm chí viết văn bằng trí tuệ nhân tạo nhưng sản phẩm nhận được vẫn còn mắc nhiều lỗi ngữ pháp và diễn đạt. Sáng tạo văn học là một cuộc chơi, nghệ sĩ là người sành chơi. Đó là cuộc chơi cùng cảm xúc và ngôn từ. Bởi lẽ vậy mà người ta dùng hình ảnh “thai nghén”, “sinh nở” để nói về hoạt động sáng tạo văn học. Hạnh phúc “sinh nở” chỉ có ở nhà văn lao tâm khổ tứ với cảm xúc của mình để viết thành tác phẩm. Không một bộ óc nhân tạo nào có thể cảm nhận thay cho con người niềm vui sướng trong quá trình viết và khi kết thúc.

Không chỉ riêng văn nhân, thi sĩ, sáng tạo văn học còn thuộc về bạn đọc, con người nói chung. Mỗi lần đọc tác phẩm là mỗi lần đồng sáng tạo. Bạn đọc tùy vào ý thức hệ, bối cảnh thời đại, kinh nghiệm thẩm mỹ mà có cách kiến giải văn bản khác nhau. Do đó mà ý nghĩa tác phẩm không chỉ dừng lại ở con chữ trên trang giấy mà luôn được phát tán và sinh sôi qua từng cặp mắt độc giả. Còn máy móc, vốn dĩ thô cằn, dù nó có đọc đi trăm ngàn lần thì chỉ có thể hiểu được tầng lớp mặt chữ, ngôn từ mà thôi. Vì nghệ thuật là một thứ gì đó sâu sắc hơn cảm xúc con người, thể hiện một chân lí nào đó vượt ra ngoài những rung động cảm xúc của chúng ta nên các thuật toán sinh trắc học sẽ không bao giờ có thể trở thành những nghệ sĩ giỏi.

“Thời gian trôi qua kẽ tayLàm khô những chiếc láKỷ niệm trong tôirơinhư tiếng sỏiTrong lòng giếng cạnRiêng những câu thơ còn xanhRiêng những bài hát còn xanhVà đôi mắt em như hai giếng nước”.(“Thời gian”, Văn Cao)Thời gian chảy trôi qua kẽ tay cuốn đi hết vạn vật nhưng những gì là tình yêu, là nghệ thuật vẫn còn mãi. Tôi tin văn chương vẫn ở lại với con người. Vì những giá trị nghệ thuật đích thực chỉ có thể được tạo nên bằng cái tâm, cái tài của người cầm bút. Đó là điều không một cỗ máy nào có thể thay thế!

Xem thêm: Học cách diễn đạt hay từ bài văn đạt giải nhất quốc gia năm 1999

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận