Quả hồng trầu mọc ở khu vực núi đá, nhìn đẹp mã nhưng rất độc: Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Ngày 2/10 tại thôn Hát Tình (xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) xảy ra vụ 17 học sinh bị ngộ độc, trong đó có 1 em tử vong tại bệnh viện do ăn quả hồng trầu. Vậy quả hồng trầu là quả gì và quả hồng trầu độc như thế nào?
Những vụ tử vong do ăn quả hồng trầu
Theo báo Lào Cai, khoảng 12 giờ ngày 2/10, trên đường đi học về, một nhóm học sinh gồm 17 em thấy cây rừng ven đường trên đồi có nhiều quả chín đã rủ nhau hái ăn. Đến 14h cùng ngày, một số học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy.
Sau đó, các em học sinh được đưa đến Bệnh viện huyện Văn Bàn cấp, điều trị với các triệu chứng chứng đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn và thượng vị, buồn nôn nhưng không nôn. Đến 23h ngày 3/10, tổng cộng có 17 học sinh nhập viện cấp cứu. Trong đó có em Giàng Seo N, 9 tuổi, diễn biến nặng, hôn mê, được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để tiếp tục cấp cứu và điều trị nhưng em đã tử vong tại bệnh viện.
Ngày 3/10, có 8 bệnh nhân được hội chẩn và chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán: Suy gan cấp/bệnh nhân rối loạn điện giải do ngộ độc quả hồng trâu. 8 bệnh nhân còn lại hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn sức khỏe đã dần ổn định. Trung tâm Y tế huyện lấy mẫu quả hồng trâu nhóm học sinh đã ăn gửi Viện Kiểm nghiệm phân tích.
Trước đó vào chiều 1/8/ 2014, các em nhỏ dân tộc H’Mông trú tại xóm Lũng Rạc, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng hái quả dại mọc trên rừng có màu tím, tròn, hạt bên trong màu hồng về ăn. Có 10 người khác cùng ăn và mắc các chứng ngộ độc, trong đó, 3 em nhỏ đã tử vong (02 trường hợp tử vong tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lạc và 01 người tử vong tại gia đình).
Quả hồng trầu là quả gì?
Theo kết luận của các cơ quan chức năng cùng Trung tâm phòng chống nhiễm độc – Học viện Quân y, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam: Quả hồng trầu (Capparis versicolor Griff), họ Màn màn (Capparaceae). Tên gọi theo địa phương khác là: cây Rom, cây Mề gà, cây Khua mật, cây Móc quạ (Thái Nguyên), chi pản sloa (Cao Bằng)...
Cây hồng trầu thường mọc ở khu vực núi đá, nó thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài từ khoảng 11 - 12cm, màu của lá xanh đậm.
Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt, không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơn mềm, bửa vào trong có lớp màu hồng, mỗi quả có từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹp. Quả Hồng Trâu chín vào thời gian tháng 6, 7, 8 hằng năm.
Quả hồng trầu độc như thế nào?
Các nghiên cứu chỉ ra, độc tố bên trong quả hồng trầu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Chất độc này tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp.
Thử nghiệm trên động vật cho thấy liều tối thiểu gây chết (LDmin) qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng (động vật chết do suy hô hấp và trụy tim mạch).
Một vấn đề đáng quan tâm là, khi bị ngộ độc hồng trầu, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng là chủ yếu.
Báo Sức khỏe đời sống cho biết, khi bị ngộ độc quả hồng trầu, cần vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện bằng xe cơ giới (tuyệt đối không để bệnh nhân đi bộ). Gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt, uống than hoạt với liều 1-2 g/kg thể trọng kèm theo 4-6 gói sorbitol (nếu không có thể cho uống lòng trắng trứng), tăng cường thải độc tố, duy trì chức năng sống (trợ tim, trợ hô hấp, chống co giật, chống phù phổi cấp), xét nghiệm, theo dõi và điều chỉnh chất điện giải trong máu.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đưa ra lời khuyến cáo đối với người dân nói riêng và đồng bào dân tộc nói chung: Tuyệt đối không tự ý ăn quả Hồng trâu (dù chỉ là thử nghiệm 1 lần) cũng như ăn các loại cây, củ, quả lạ mọc trong rừng. Nếu thấy bất kỳ một hiện tượng lạ nào xảy ra thì cần đưa người bệnh đến trạm xá hoặc các trung tâm y tế nhanh nhất.
Xem thêm: Kỳ lạ cô bé cứ ngủ là gặp tử thần, phải dùng ống thở 21 tiếng mỗi ngày để sống sót qua giấc ngủ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận