Những vị quan "lạc lối" vì ham ăn [Kỳ cuối]: Món chả chim sẻ bẻ cong luật pháp  

Trải 50 năm làm quan, Phạm Công Trứ đã đạt đến đỉnh cao của công danh và quyền lực. Ấy thế mà, ông cũng một lần từng vì miếng ăn mà sinh lòng áy náy.

Đỗ Thu Nga
09:00 05/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phạm Công Trứ (1600 - 1675) là tể tướng nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông là người làng Liêu Xuyên, tổng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). 

Con đường quan lộ của ông bắt đầu từ khi ông thành công trên đường khoa cử. Khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), Phạm Công Trứ dự kỳ thi Đình, đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ) và được bổ làm Hàn lâm viện Hiệu thảo.

Từ đó trở đi, ông lần lượt giữ các chức vụ: Hiến sát sứ xứ Thanh Hoa (1631), Phụng Thiên Phủ doãn (1639), Tham chính xứ Thanh Hoa (1640), Thái thường Tự khanh (1642), Phó đô Ngự sử tước Khánh Yên bá (1645), Đô ngự sử (1646), Lễ bộ Thượng thư tước Yên Quận công (1657), Thiếu bảo kiêm Đông các Đại học sĩ, Tham tụng (1661), Lại bộ Thượng thư (1664), Thái bảo Quốc lão tham dự triều chính (1668), Chưởng Lục bộ sự - Thượng thư của sáu bộ (1673). Năm 1675, ông mất, thọ 75 tuổi, được truy tặng Thái tể, ban tên thụy là Trung Cần.

Pham-Cong-Tru-va-chuyen-mon-cha-chim-se-be-cong-phap-luat-7

Trải qua 50 năm làm quan, Phạm Công Trứ phò tá 5 đời vua Lê, 2 đời chúa Trịnh, từng giữ nhiều chức vụ và cương vị khác nhau. Phạm Công Trứ đã đạt đến đỉnh cao của công danh và quyền lực. Ông là người mưu lược, luôn chăm lo việc nước, tài năng xuất chúng trên mọi lĩnh vực: Nội trị, văn hóa, sử học, ngoại giao. Sử gia Phan Huy Chú nhận định về ông như sau:

"Ông là người thâm trầm giản dị, chắc chắn... đặt ra phép tắc, sửa soạn kỷ cương, đè nén những kẻ cậy thế nhũng lạm, yêu chuộng những người có phong cách tiết tháo, được đời khen là bậc tể tướng tốt. Ông lại ham đọc sách, đến già vẫn không mỏi. Có đức tốt, có danh vọng, công lao sự nghiệp là bậc hiền tể thứ nhất sau đời Trung hưng".

Nói về chuyện những vị quan "lạc lối" vì tham ăn thì Phạm Công Trứ cũng đóng góp một phần. Chuyện này đã từng khiến ông áy náy mãi không thôi. 

Sử chép rằng, số là thuở ấy, có viên tù trưởng miền thượng du do lỗi lệch mà phạm vào tội chết. Biết ông là người có quyền nghiêng thiên hạ, bà vợ viên tù trưởng mới tìm cách đút lót cho tên làm bếp nhà ông. Được tên làm bếp xui biếu món ăn ông thích là món chim sẻ vàng nước.

Nghe vậy, bà vợ viên tù trưởng nhất mực thi hành. Món chim sẻ được tên đầu bếp làm xong, dâng lên Quốc lão. Gặp đúng món yêu thích, ông ăn hết sạch cả đĩa chả chim sẻ. Ăn xong ông mới hỏi tên đầu bếp. Lúc ấy hắn mới đưa số vàng vợ viên tù trưởng đút lót cho, phục xuống trước mặt ông xin chịu tội.

Biết mình vừa ăn phải của đút, ông thò tay móc họng nôn ra cho hết, rồi nói với tên người hầu việc bếp: "Thôi mày đem số vàng ấy đi, tao tha cho không quở trách nữa".

Đến khi xét án, xử đến viên tù trưởng, nhớ lại món chả chim sẻ lỡ ăn hôm nọ, ông nói với chúa Trịnh tha cho người tù trưởng ấy, được chúa chuẩn y. 

Việc của quan Chưởng quản Lục bộ Nguyễn Văn Giai và Quốc lão Phạm Đình Trọng, người đời sau xét đến, mới ghi rằng: “Ôi! Hai ông là quan tể tướng thời Lê Trung hưng; một người vì thịt lợn, một người vì chả chim, vậy những sự ưa thích, há chẳng rất nên cẩn thận ru!” (Lời Tang thương ngẫu lục – Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án). 

Kể ra ở những trường hợp trên, dù vô tình hay hữu ý, thì đúng là bởi món ăn mà làm việc trái lương tâm, hoặc bởi miếng ăn mà phạm lỗi lầm. Câu ngạn ngữ “Dân dĩ thực vi thiên”, quả là đời nào cũng đúng. 

Xem thêm: Trần Văn Kỷ - vị quân sư tài trí của Nguyễn Huệ: Giữ vai trò then chốt trong việc tuyển nhân tài, nhiều lần hòa giải nội chiến nhà Tây Sơn

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận