"Phải chăng, sống là tỏa sáng" - Bài văn đoạt giải quốc gia năm 2014
Sống có phải là sống không nếu chỉ là một ngày ba bữa cơm, là làm những công việc vô bổ để "giết thời gian" và tối đến thì ngủ vì "không có việc gì làm"?
ĐỀ BÀI:
Nghị luận xã hội: "Phải chăng, sống là tỏa sáng?"
BÀI VIẾT ĐOẠT GIẢI NHÌ:
Mỗi vì sao đều cố gắng chiến thắng mây mù để tỏa sáng. Mỗi chú sư tử đều chiến đấu để bước lên vị trí tối cao trong đàn. Mỗi con người đều mang khao khát thành công cuộc sống. Vậy, phải chăng “sống là tỏa sáng”?
Tỏa sáng nghĩa là khẳng định được bản thân, tìm được vị trí xứng đáng của mình trong xã hội, là bước chân lên đỉnh vinh quang. Nhưng toả sáng cũng có thể đơn giản chỉ là làm một việc với hết sức của mình, là dũng cảm đi theo lí tưởng, thách thức gian nguy và dông tố cuộc đời. Tỏa sáng tưởng chừng là một khái niệm rất trừu tượng mà lại vô cùng gần gũi. Tỏa sáng là khát vọng sống cao đẹp của mỗi con người, đó cũng chính là ước muốn con người trở nên có ý nghĩa và hữu ích với nhân sinh.
Sống không nên hiểu là việc tồn tại vật chất. Sống không chỉ là hoạt động trao đổi chất với môi trường, không chỉ ăn và ngủ. Sống phải là một hoạt động mà sự tồn tại của nó góp ích cho nhân loại. Sống phải xứng đáng với danh hiệu cao quý – CON NGƯỜI. Sống là toả sáng, ý kiến đã đưa ra một quan niệm sống tích cực cho con người. Sống để khẳng định bản thân mình? Sống là nỗ lực không ngừng.
Sống là tỏa sáng! Đây là một quan niệm đúng đắn. Sống có phải là sống không nếu chỉ là một ngày ba bữa cơm, là làm những công việc vô bổ để mà “giết thời gian” và tối đến thì ngủ vì “không có việc gì làm”? Có phải là sống không nếu ngày nào ta cũng chỉ biết làm có từng ấy việc, lặp đi lặp lại, không hề có điều gì mới mẻ, không hề có niềm vui hứng thú? Phải chăng, sống chỉ là bình yên trong “ao đời phẳng lặng”? Một cuộc sống như thế đâu đáng sống! Một xã hội chỉ toàn những kiếp sống (mà đúng ra là tồn tại!) như vậy thì đâu thể nào phát triển được. Khi con người cố gắng để “tỏa sáng” họ sẽ sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn rất nhiều. Họ sẽ nỗ lực hoàn thiện bản thân, sẽ không ngần ngại bước đi trên con đường lí tưởng, sẽ không bỏ lỡ một phút giây vàng ngọc nào. Đó mới đích thực là cuộc sống.
Trong thực tế, đã có rất nhiều tấm gương trở thành minh chứng cho quan điểm trên. Có biết bao nhiêu tài năng âm nhạc đã cố gắng rèn luyện bản thân để “tỏa sáng” trên sân khấu bằng chính thực lực của mình. Ngay cả chúng tôi, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, ai cũng cố gắng rèn luyện, học tập để có thể khẳng định vị trí của mình khi bước vào đời. Hằng năm, nước ta có biết bao nhiêu giải cao trong các cuộc thi Ô-lym-píc quốc gia và quốc tế. Trong các kì thi Rô-bô-con (Cuộc thi sáng tạo rô-bốt châu Á-Thái Bình Dương), rô-bốt của Việt Nam luôn đúng trong thứ hạng cao. Có biết bao thanh niên góp hết sức mình trong các phong trào tình nguyện. Đó chẳng phải là những con người đã “tỏa sáng” sao?
Là học sinh miền sơn cước, tôi rất ngưỡng mộ anh học sinh hai lần đoạt huy chương vàng trong kì thi Vật lí quốc tế. Một học sinh Sơn La đã đạt được một thành tích mà ngay cả học sinh nơi các thành phố lớn cũng phải khâm phục. Đó là anh Ngô Phi Long, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Sơn La. Anh đã “tỏa sáng”, mang lại danh tiếng cho chính bản thân mình. Đồng thời, đó cũng là ngôi sao soi sáng tên tuổi của ngôi trường anh học: Trung học phổ thông chuyên Sơn La, một trường mà trước đó vẫn chưa có vị trí cao trong hệ thống các trường học trên cả nước.
Tuy nhiên, sống toả sáng, không phải là dễ dàng. Ai cũng có cơ hội để tỏa sáng. Nhưng con đường nào trải bằng hoa hồng cũng ẩn giấu vô số những mũi gai. Và không phải ai cũng có đủ dũng khí, quyết tâm, tài năng để đi hết con đường ấy. Để có thể đội lên chiếc vòng nguyệt quế cao quý kia, mỗi con người cần có ý chí kiên cường và cũng phải rèn luyện tài năng của mình. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về một chú chim chỉ hót một lần trong đời nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần, chú bay đi tìm bụi mận gai và giữa dám cành gai góc, chú cất lên bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Những bài ca kia đã khiến cho thế giới im lặng lắng nghe, cho sơn ca, hoạ mi phải ghen tị và cả thượng đế cũng phải mỉm cười. “Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được nếu chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại.” (Tiếng chim hót trong bụi mận gai).
Khi “sống tỏa sáng”, họ sẽ được mọi người kính phục, noi theo. Chàng thanh niên Pa-ven dù phải chịu bao hi sinh, bao đau đớn nhưng vẫn một lòng phục vụ cách mạng, theo đuổi lý tưởng (Thép đã tôi thế đấy). Một Ri-va-rếch dù phải hy sinh cả tình cảm cá nhân và cá tính mạng mình vẫn sống với lý tưởng của mình, sống với cuộc đấu tranh thống nhất nước Ý (Ruồi trâu). Trong kháng chiến chống Pháp và Mĩ có biết bao chàng trai, cô gái, đã hi sinh cuộc sống của bản thân vì tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc. Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã bôn ba khắp nơi trên trái đất để tìm “hình của nước”, để tìm con đường đấu tranh đúng đắn cho dân tộc. Những con người ấy đã ghi tên mình vào bất tử. Thời gian có thể huỷ hoại thân thể họ nhưng linh hồn họ, trái tim họ vẫn mãi trường tồn.
Tuy nhiên không phải ai cũng biết “sống là tỏa sáng”. Có rất nhiều người sống trong đời một cách mờ nhạt. Họ sống trong vòng quanh quẩn, ngày nào cũng thế, tháng nào cũng vậy. Họ sống “Quanh quẩn mãi với vài ba dáng điệu/ Tới hay lui cũng từng ấy mặt người” (Huy Cận). Họ có “khát khao cất cánh bay nhưng lại bị nỗi lo cơm áo ghì sát đất” (Nam Cao, Sống mòn) để rồi phải chịu sống cuộc “Đời thừa”, “Chết ngay cả khi đang sống”. Cũng có những người tuyệt đối hoá sự “tỏa sáng” đến mức cực đoan. Họ cho rằng “tỏa sáng” là nổi tiếng. Họ làm đủ mọi cách để có sự “toả sáng” ấy. Có rất nhiều ca sĩ, người mẫu cố tình tạo ra những vụ bê bối, tai tiếng mong để được mọi người quan tâm đến. Như vậy là “toả sáng”, là họ đã được nối tiếng! Những cách nghĩ, lối sống như vậy cần phải lên án và bài trừ. Có vậy thì xã hội mới có thể phát triển được. Xuân Diệu đã từng viết:
Thà một phát huy hoàng rồi chợt tắt,
Còn lại buồn le lói suốt trăm năm
(Giục giã)
Cuộc đời con người là vô cùng ngắn ngủi mà thời gian thì lại trôi chảy nhanh đến không ngờ. Chúng ta dùng để thời gian trôi đi mất rồi mới tiếc nuối vì sao không thế nọ, đáng lẽ phải thế kia. Hãy sống hết mình, sống để toả sáng. Dù đã rất lâu rồi, tôi vẫn nhớ đến Thép đã tôi thế đấy cùng câu châm ngôn của Pa-ven: “Cái quý nhất của con người là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những tháng năm đã sống hoài, sống phí; cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn…”.
Xem thêm: Hữu xạ tự nhiên hương - Bài văn NLXH đạt giải ba kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia 2023
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận