Ôn thi tốt nghiệp: Góc nhìn về Đất Nước trên bình diện địa lý

“Nếu như trong thơ Nguyễn Đình Thi, hình ảnh đất nước hào hoa, kiêu hãnh, lãng mạn và tràn đầy sức sống thì trong thơ Nguyễn Khoa Điềm hình ảnh đất nước lại giàu có về văn hóa, là sức mạnh của chân lý".

Đỗ Thu Nga
11:00 22/05/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt

Như mẹ cha ta, như vợ như chồng

Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”

Hai tiếng “ Đất nước” nhỏ bé thôi, nhưng mỗi khi nó vang lên làm rạo rực biết bao trái tim của người thi nhân. Chính vì thế, “Đất Nước” đã đi vào thơ ca , trở thành cảm hứng bất tận, Đất Nước trong thơ Nguyễn Đình Thi là “ những cánh đồng thơm mát, những ngả đường bát ngát, những dòng sông đỏ nặng phù sa” lớn lao và đẹp đẽ. Nhưng “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm là những hình ảnh gần gũi đến lạ, với những khía cạnh hết sức thân thuộc, bình dị thông qua bản trường ca mang tên “ Mặt đường khát vọng” mà tiêu biểu là trích đoạn “ Đất Nước” trong chương thứ năm. Với hình tượng trung tâm là đất nước, thông qua những vần thơ kết hợp giữa cảm xúc và suy nghĩ, trữ tình và chính luận, Nguyễn Khoa Điềm muốn thức tỉnh ý thưc, tinh thần dân tộc, tình cảm gắn bó với nhân dân, đất nước của thế hệ trẻ trong những năm kháng chiến đầy gian khổ. Mà đặc sắc hơn cả là hình ảnh đất nước được hiện lên thật sinh động và đáng tự hào qua ngòi bút của nhà thơ:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên.

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…”

Đến với mảnh đất màu mỡ của văn chương, đã có nhà văn từng nhận định rằng: “Nếu như trong thơ Nguyễn Đình Thi, hình ảnh đất nước hào hoa, kiêu hãnh, lãng mạn và tràn đầy sức sống thì trong thơ Nguyễn Khoa Điềm hình ảnh đất nước lại giàu có về văn hóa, là sức mạnh của chân lý.” Và đúng là như thế, trường ca "mặt đường khát vọng "được tác giả sáng tác và hoàn thành ở chiến khu Trị Thiên vào năm 1971. Tác phẩm dường như đã mang đến sự thức tỉnh cho tuổi trẻ miền Nam vùng đô thị tạm chiếm, thức tỉnh về sứ mệnh của thế hệ mình xuống đường đấu tranh để giải phóng đất nước.Đoạn trích “đất nước” thuộc chương V của bản trường ca này. Đoạn trích là suy nghĩ của tác giả về đất nước được nhìn trên nhiều khía cạnh, với tư tưởng chủ đạo "đất nước của nhân dân". Thơ của Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư cảm xúc dồn nén, thể hiện tâm tư của một người trí thức, tích cực tham gia vào cuộc chiến đấu của nhân dân. Có lẽ vì vậy mà “… Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm đã sáng tạo một hình tượng Đất Nước thân quen mà mới lạ trong thi ca Việt Nam… Nguyễn Khoa Điềm đã khắc họa nên một Đất Nước toàn vẹn, là sự thống nhất của lãnh thổ và văn hóa, của lịch sử và sự sống, một Đất Nước trong không gian tinh thần của người Việt Nam.” Mà ấn tượng hơn cả là một Đất Nước được hiện lên trên phương diện địa lý.

Nguyễn Khoa điềm đã có một sự phát hiện và đóng góp mới mẻ vào tư tưởng đất nước của nhân dân: tư tưởng đất nước của nhân dân trên bình diện địa lý không gian. Nhà thơ đã gửi ánh nhìn của mình vào tất cả các danh lam thắng cảnh của đất nước, mà mỗi địa danh đều có những câu chuyện riêng, những tâm hồn riêng:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên.

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…”

on-thi-tot-nghiep-goc-nhin-ve-dat-nuoc-tren-binh-dien-dia-ly
Hòn Vọng Phu

Tác giả đã sử dụng nghệ thuật liệt kê một loạt các địa danh: núi Vọng Phu, hòn trống mái, đất tổ Hùng Vương, ông đốc, ông Trang, bà đen, ba điểm,. Tất cả những địa danh ấy được sắp xếp từ Bắc xuống Nam, được liệt kê một cách dày đặc. Tất cả đều là những địa danh nổi tiếng, những cảnh đẹp, những kỳ quan thiên nhiên của đất nước. Từ đó tác giả đã vẽ lên một bức tranh khiến cho đoạn thơ như một bản đồ địa lý giúp người đọc hình dung được sự rộng lớn, giàu đẹp của đất nước. Từ đó thể hiện niềm tự hào của tác giả, đặt trong bối cảnh đế quốc Mỹ đang tìm cách xâm lược và chia rẽ nước ta, đoạn thơ còn có ý nghĩa khẳng định về sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Không chỉ thế tác giả còn sử dụng điệp từ “góp” đến bảy lần, nhằm nhấn mạnh được vai trò tầm quan trọng của người dân bình thường trong việc hình thành nên dáng núi hình sông, diện mạo hình hài của đất nước. Có lẽ thông thường các danh lam thắng cảnh là do bàn tay của kiến tạo tự nhiên. Nhưng trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm, từ thời ông cha ta đã phủ lên những danh lam thắng cảnh ấy, những câu chuyện huyền thoại. Chính cuộc đời số phận của người dân đã tạo nên danh lam thắng cảnh, và tư tưởng ấy được phát triển một cách độc đáo trong thơ của Nguyễn Khoa điềm:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái”

Núi Vọng Phu, hòn trống mái không chỉ là những địa danh góp nét đẹp cho dáng núi, hình sông mà chúng tự bao giờ đã hóa thành những câu chuyện trong thơ Nguyễn Khoa điềm: hình ảnh người vợ chờ chồng đến hoa đá tạo thành núi Vọng Phu ở lạng Sơn, câu chuyện những cặp vợ chồng yêu nhau làm nên hòn trống mái, làm nên đất nước nồng thắm, nhân tình. Đó là truyền thống thủy chung tình nghĩa son sắt vợ chồng đã từng bắt gặp trong ca dao xưa:

“Vọng Phu cảnh đẹp núi Nhồi

Có người chinh phụ phương trời đăm đăm”

Trong thơ Nguyễn Khoa điềm, đất nước còn hiện lên cùng những truyền thuyết những hình ảnh của người anh hùng Việt Nam:

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương

Hai câu thơ đã giúp chúng ta liên tưởng đến khí phách của con người Việt Nam: gót ngựa Thánh Gióng, chín mươi chín con voi. Hình ảnh thấm đậm tinh thần yêu nước đã được tác giả sử dụng kết hợp với các động từ: “đi qua, để lại, góp mình” tạo nên một nét tự hào rất riêng, rất thiêng liêng, sông núi, về khí phách, và sức mạnh đậm chất Việt Nam và tự hào cả và truyền thống văn hóa. Đó là truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh đuổi giặc ân, gót ngựa sắt để lại ao đầm. Đây là truyền thống yêu nước chống ngoại xâm từ hàng ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, câu thơ thứ hai đã gọi lên một huyền thoại: xung quanh ngọn núi hy Cương nơi có các đền thờ vua hùng có chín mươi chín ngọt đồi. Đó là chín mươi chín con voi quây quần chầu mình về đất tổ. Đây là truyền thống uống nước nhớ nguồn, luôn hướng về nguồn cội với một tấm lòng thành kính thiêng liêng. Thơ của Nguyễn Khoa Điềm luôn mang lại cho người ta một cảm giác tự hào, những trái tim rung động vì những lịch sử huy hoàng xưa cũ. Đó cũng là sự gợi nhắc cả một thế hệ trẻ về truyền thống dân tộc, về lòng biết ơn những thế hệ cha ông đi trước:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Tiếp đến tác giả đã nhắc về một truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam:

“Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên.

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”

Nguyễn Khoa điềm đã khéo léo nhắc lại thời sự tích của tháp Bút, non Nghiên, nhắc lại người học cho nghèo nên núi Bút, non Nghiên để làm rõ truyền thống hiếu học truyền thống văn hiến lâu đời của dân tộc. Đó là biểu tượng của vẻ đẹp trí tuệ, đạo đức và cả đời sống tâm linh của con người Việt Nam. Con cóc con gà những con vật tưởng chừng như nhỏ bé, bình thường này cũng góp một phần hồn cho vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của đất nước. Và từ bao giờ trên đất nước ta mọc lên vô vài ngọn núi mang tên bà Đen, bà Điểm, ông Trang, ông đốc hay mang tên của những người dân khác nữa đó là những con người hòa thân tạo nên đất nước hôm nay:

“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…”

Đoạn thơ được viết theo kết cấu quy nạp làm nổi bật chất trữ tình trong thơ chính luận của Nguyễn Khoa điềm. Câu thơ thứ nhất dường như khái quát về mặt không gian đó là tất cả mọi nơi trên đất nước. Dù đi về đâu ta cũng có thể thấy được những cuộc đời đã hóa núi sông, mỗi nơi đều là một địa chỉ văn hóa được tạo nên bởi nhân dân. Qua nghệ thuật liệt kê kết hợp với điệp từ một tác giả đã khẳng định tất cả mọi nơi đều có sự hiện hữu của nhân dân.Tiếp đến thán từ “ôi” đã vang lên thể hiện một tình cảm trào dâng mãnh liệt không thể kìm nén được mà bật lên thành lời. Bởi có lẽ đây là niềm tự hào khi đất nước đã trải qua một thời gian lịch sử dân tộc vô cùng dài: bốn ngàn năm:

“Hỡi sông Hồng khúc hát bốn ngàn năm

Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng”

Có lẽ tác giả đã khẳng định chính cuộc đời, số phận, tính cách, tâm hồn của nhân dân đã làm nên đất nước. Đó là sự hóa thân là sự góp hồn cho những địa danh đưa chúng vào đời sống dân tộc tự bao giờ.

Hay như triết gia người Đức – Engels đã từng nói: “Nếu như không có máu, mồ hôi và nước mắt thì không có lịch sử dân tộc”. Đúng là như vậy, “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm khép lại, nhưng âm vang của lịch sử hào hùng, của vẻ đẹp bình dị, đỗi quen thuộc vẫn trở thành một điểm sáng, một nốt nhạc du dương thức tỉnh mỗi thế hệ trẻ về trách nhiệm cao cả đối với đất nước và khẳng định một quan niệm mới mẻ “ Đât nước của nhân dân” được phát hiện ở chiều sâu trên nhiều bình diện : lịch sử, địa lý, văn hoá,..Từ Đất Nước được lặp lại nhiều lần và viết hoa ,giọng thơ tâm tình, tha thiết trầm lắng góp phần thể hiện chủ đề đất nước trong bút pháp chính luận trữ tình. Nhà thơ đã vận dụng vốn ca dao, dân ca một cách sáng tạo: không lặp lại nguyên văn mà chỉ sử dụng ý tứ và hình ảnh của ca dao, vẫn gợi nhớ đến ca dao nhưng lại trở thành một câu thơ, một ý thơ gắn bó trong mạch chung của toàn bài để từ đó khẳng định: Con người Việt Nam say đắm trong tình yêu. Hơn hết,thành công nghệ thuật của đoạn thơ này chính là là sự vận dụng những yếu tố dân gian kết hợp với cách diễn đạt và tư duy hiện đại, tạo ra màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ. Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng tối đa đã tạo nên không khí, giọng điệu, không gian nghệ thuật riêng: vừa có sự bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa bay bổng, mơ mộng của ca dao, truyền thuyết nhưng lại mới mẻ qua cách cảm nhận và cách diễn đạt bằng hình thức thơ tự do.

Sự đời thương hải tang điền , rồi một ngày kia dòng sông năm tháng sẽ cuốn trôi đi tất cả những thành quách ,lâu đài , những kì quan của tạo hóa . Nhưng những gì là giá trị đích thực thì vẫn còn mãi với tháng năm . Cũng như những vẻ đẹp của “ Đất Nước” trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm sẽ sống mãi trong hành trình phát triển của nhân loại. Nó sẽ như một nốt nhạc du dương trong bản tình ca để nhắc nhở thế hệ trẻ phải biết gìn giữ và nâng niu những giá trị mà cha ông ta để lại.

Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp: Những nội dung mở rộng tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận