Nước tắm Phật trong Lễ Phật Đản gồm những gì?
Tắm Phật là nghi thức truyền thống trong Lễ Phật Đản. Khi múc gáo nước tắm lên tượng Đức Phật mình quán tưởng rằng mình đang tắm chính mình để thâm tâm mình tắm sạch, qua đó, Phật tâm, Phật tán được biểu hiện...
Nguồn gốc nghi thức tắm Phật trong Lễ Phật Đản?
Tắm Phật không chỉ là nghi lễ truyền thống trong Đại lễ Phật Đản mà còn là dịp để Phật tử bày tỏ tâm tri ân tới sự xuất hiện của Đức Phật trên thế gian. Đồng thời là cơ hội để những người con Phật gột sạch những cấu uế nơi tâm, phát nguyện diệt trừ tham, sân, si. Từ đó làm thanh tịnh quốc độ lòng mình.
Theo nhiều tài liệu, nghi thức tắm Phật xuất hiện lâu đời tại Ấn Độ, Trung Quốc, khu vực Trung Á. Đến nay, nghi thức này đã được thực hiện ở hầu hết các cộng đồng Phật giáo trên thế giới.
Nghi thức tắm Phật có nguồn gốc từ câu chuyện đản sinh của Đức Phật hơn 2.600 năm trước. Kinh điển Nam Tông có chép, sau khi mẹ Ngài - Hoàng hậu Mahamaya, sinh ra Ngài ở vườn Tâm Tỳ Ni, bên gốc cây vô ưu, bốn vị đại phạm thiên từ trời hạ xuống, dùng lưới vàng quấn lấy hài nhi. Ngay lúc đó, hai trận mưa từ trên trời dội xuống vị Phật tương lai.
Còn kinh điển Bắc tông lại chép rằng, sau khi Đức Phật ra đời từ sườn bên phải của Hoàng hậu Mahamaya, có bông hoa sen nảy lên đỡ lấy và 9 con rồng từ trên trời bay xuống phun hai dòng nước lạnh và nóng để tắm cho Ngài. Cảnh Phật đản sanh với rồng phun nước được ghi lại trong nhiều tác phẩm điêu khắc tại Lộc Uyển – di tích Phật giáo quan trọng ở phía bắc Ấn Độ.
Còn theo các học giải Phật giáo, hai dòng nước lạnh và nóng tượng trưng cho vui và buồn, sướng và khổ của đời người, điều mà mọi người trên thế gian này phải đón nhận. Người nào chịu đựng cả cảnh thuận và nghịch mà tâm thản nhiên, tự tại thì sẽ có thể thành Phật.
Chính vì thế, khi thực hiện lễ tắm Phật, điều quan trọng nhất là người tham gia phải quán tưởng đến việc gội sạch thâm tâm để được nhẹ nhõm, mát mẻ, an vui. Khi múc tưới nước lên vai phải Ngài, cần tâm nguyện rằng, dù gặp chuyện vui mừng, đắc ý thì tâm vẫn bình thản. Khi tưới nước lên vai trái của Ngài, cần tâm niệm, dù gặp nghịch cảnh, khổ đau, tâm vẫn bình an phẳng lặng.
Nước tắm Phật trong Lễ Phật Đản gồm những gì?
Thượng tọa Thích Trí Chơn - Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM chia sẻ trên báo Thanh Niên: Ở các chùa không thể thiếu trên bàn thờ là tượng Đức Phật đản sinh 1 tay chỉ lên trời 1 tay chỉ xuống đất. Đó gọi là kim tướng sơ sinh.
Ở các chùa, khi diễn ra lễ tắm Phật, các Phật tử sẽ trang trí cờ, đèn, thiết lập đàn tràng có bồn tắm ở nơi thanh tịnh, trang hoàng trang nghiêm, đẹp thơm (thường đặt ngay dưới điện Phật), rồi cung kính dâng hương hoa, tịnh phẩm lên Đức Phật, với tấm lòng nhất tâm hướng Phật để tâm tịnh, thân thanh, nghi thức mới trọn vẹn.
Những người không theo Đạo Phật khi xem nghi lễ tắm Phật thường hay thắc mắc: Nước tắm Phật trong Lễ Phật Đản gồm những gì?
Theo tờ Gia đình & Xã hội, các nhà sư dùng nước tắm Phật là thứ nước sạch thơm, thanh khiết, pha với nhiều loại tinh dầu, hương hoa thơm (như ngưu đầu chiên đàn, bạch đàn, tử đàn, trầm hương, uất kim hương, long não, xạ hương… ), đựng trong các bình chứa sạch để tắm Phật.
Buổi sáng lễ tắm Phật sẽ gióng chuông, giăng lọng báu, sắp những bình nước thơm tưới tắm tượng Phật, tất cả nghi thức tắm tượng Phật đều làm theo hướng dẫn của sư thầy.
Phật tử sau khi tụng kinh niệm Phật sẽ lần lượt xếp hàng chờ đến lượt tưới nước thơm lên tượng Phật, với ý nghĩa tẩy rửa để thân - tâm thanh thản, tịnh khiết. Điều khó nhất trong lễ tắm Phật là làm sao để "thân hành, khẩu phát, ý nghĩ thanh tịnh", tránh đem đến nỗi khổ niềm đau cho mình và mọi người.
Khi tắm Phật, các nhà sư tưới nước thơm từ trên đầu tượng Phật xuống (hàm ý gội đầu). Còn Phật tử tùy vùng, tùy chùa mà có nơi dội từ đỉnh đầu xuống tới vai, chân, tay tượng. Lại có vùng, Phật tử tôn kính Phật nên chỉ dội nước từ hai hai và thân tượng.
Sau khi tham dự lễ tắm Phật thì coi như đã thanh tịnh "3 nghiệp thân - khẩu - ý”, mỗi người đã bớt đi tật xấu, sống chan hòa, bao dung với mọi người trong bình an, hạnh phúc.
Theo các nhà sư, nếu vì lý do nào đó mà không dự được lễ tắm Phật thì cũng không nên khó chịu. Bởi lễ tắm Phật chỉ tẩy rửa được chất bẩn bên ngoài tượng, còn cốt lõi là tắm phật tại Tâm (nhằm rửa sạch mọi phiền não, tham lam, sân hận, đố kỵ, cấu uế, mất mát, đau đớn…) để Tâm trở nên thanh tịnh, nhẹ nhõm.
Nước tắm Phật sau nghi lễ được chia, hoặc vẩy lên mọi người với tâm niệm mang lại bình an, sức khỏe cho mình và chúng sinh. Nhiều người bảo nhau dùng hai ngón tay thấm nước đã tắm PHật rồi thoa lên đầu, hoặc múc nước vẩy cho mọi người hay mang về nhà để có được may mắn, cát tường.
Xem thêm: Lễ Phật Đản nên tụng kinh gì tại gia?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận