Nữ sinh ẵm điểm 9+ thi tốt nghiệp nhờ bài văn phân tích Việt Bắc - Tố Hữu
Thí sinh Trần Thị Thủy xuất sắc giành 9,25 điểm môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 nhờ phân tích thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau, trong bài thơ "Việt Bắc" - Tố Hữu:
- Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không?
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.
- Tiếng ai tha thiết bên bồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...
BÀI VIẾT:
Nếu ai đã từng thả hồn mình lên núi rừng quê hương đất nước thanh bình, tận hưởng cái hồn quê man mác, với những dòng sông đỏ nặng phù sa nơi chất chứa những tâm tư, thổn thức tự đáy tâm hồn của bao thi sĩ thì chắc hẳn không thể quên "Việt Bắc" của Tố Hữu. Cứ như là gió mênh mang, là mây xanh thẳm chở nỗi nhớ đi muôn dặm, Tố Hữu đã đưa ta từ cõi quên về với cõi nhớ. Nhớ về mảnh đất Việt Bắc ân tình - thủy chung của kháng chiến,c ủa quê hương những con người với tấm "áo chàm" nghèo khó nhưng vẫn "đậm đà lòng son" khiến bất cứ ai đặt chân đến đây cũng phải bồi hồi, xao xuyến. Niềm thương nỗi nhớ của kẻ ở người đi đã được Tố Hữu khắc họa trong 8 câu thơ đầu bài thơ "Việt Bắc".
Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, các chặng đường sáng tác của Tố Hữu song hành với những chặng đường lịch sử gian khổ, hy sinh nhưng cũng đầy những thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Nhận xét về thơ Tố Hữu, Xuân Diệu từng viết: "Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên trình độ là thơ rất đỗi trữ tình". Đọc những vần thơ đầy tính chính trị nhưng ta không hề thấy khô kha, thi nhân đã thổi vào đó những nhịp điệu của tâm hồn của một trái tim nhỏ bé lúc nào cũng rung lên thổn thức suy nghĩ cho vận mệnh của quê hương đất nước. Chính vì vậy, thơ Tố Hữu vẫn làm người đọc say mê ca ngợi không chỉ từ cái chất trữ tình, nhẹ nhàng mộc mạc giản dị đơn sơ mà còn từ nét đặc sắc trong nghệ thuật biểu hiện của thơ ông. Thơ Tố Hữu đậm đà bản sắc dân tộc, thấm đẫm những nét đẹp của quê hương đất nước, để rồi Nguyễn Đình Thi đã có đánh giá sâu sắc về ông: "Từ cuộc sống hiện đại, thơ anh ngày càng bắt nguồn trở lại với hồn thơ cổ điển của dân tộc".
Tố Hữu từng nói: "Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy", chính vì những cảm xúc trong tâm hồn đã tạo ra những rung động mạnh mẽ, mãnh liệt trong cảm xúc để những vần thơ của Tố Hữu nở hoa trên trang giấy. Những dòng cảm xúc sâu lắng, thân thương nỗi nhớ về một mảnh đất, miền quê đã kết tinh hội tụ tràn ra để hôm nay chúng ta có một "Việt Bắc" để thương để nhớ. Tác phẩm sáng tác tháng 10 năm 1945 nhân sự kiện lịch sử:
"Chín năm làm một Điện Biên
nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng"
Trung ương Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Bài thơ tựa như một khúc hát tâm tình, một làn điệu dân ca thấm đẫm linh hồn Việt, Tố Hữu đã viết nên những tình cảm thiết tha, đầy lưu luyến giữa kháng chiến và những con người kháng chiến được thể hiện qua lăng kính trữ tỉnh của nhà thơ.
Tố Hữu từng tâm sự: "Tôi yêu đất nước và nhân dân tôi, tôi viết về đất nước và nhân dân tôi như viết về người đàn bà tôi yêu". Thật vậy, thấm đẫm trong mỗi trang thơ của Tố Hữu là một bản tình ca về quê hương, thắm đượm nghĩa tình. Và có một mảnh đất nước để thương để nhớ trong lòng người cán bộ về xuôi đó là mảnh đất giàu kỷ niệm, nhiều gắn bó. Mở đầu bài thơ, Tố Hữu mượn lời người dân Việt Bắc ướm hỏi người ra đi về những kỷ niệm đã qua, về không gian cội nguồn tình nghĩa.
"Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn"
Câu thơ mới đọc lên đã nghe như có tiếng nói thì thầm bên tai ta: "Mình về mình có nhớ ta?". Tiếng lòng bật thành tiếng nói, một câu hỏi tu từ mang nhiều sắc diệu, mới đọc lên thôi ta đã thấy ngay tình cảm dạt dào, thương mến. Cái gần gũi, thân tình được tác giả khéo léo đặt để bằng việc sử dụng đại từ nhân xưng "mình - ta" một cách ngọt ngào, sâu lắng mà có lẽ chỉ trong ca dao mới có
"Mình về ta chẳng cho về
Ta níu vạt áo ta đề câu thơ"
Dường như dưới những câu thơ của Tố Hữu, ta cũng thấy một khung cảnh chia li đầy lưu luyến, bịn rịn, bâng khuâng như thế! Người ở lại - nhân dân Việt Bắc hỏi người ra đi - người chiến sĩ có nhớ "ta" không? Thử hỏi xem có nhớ không? Sao có thể không nhớ được. "Mười lăm năm ấy" là trạng ngữ chỉ thời gian và nó đo độ dài của nỗi nhớ, sự gắn bó vô vàn ân tình, xiết bao ân nghĩa giữa người thương và kẻ ở. Câu hỏi đã đánh thức biết bao kỷ niệm, theo tiếng gọi của tiềm thức nỗi nhớ ùa về bao trùm lên cả không gian, phủ mờ lên cả mây núi Việt Bắc bao la, rộng lớn. Mười lăm năm kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, súng vác trên vai, hành quân giữa từng, san nhau từng hạt cơm, thay nhau từng đôi đũa, phúc cùng hưởng, họa cùng chia, mười lăm năm "mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù". Ân tình ấy "thiết tha mặn nồng" đâu dễ ai quên mà kể sao cho xiết. Quả thật "mười lăm năm ấy không chỉ đo bằng thước đo của thời gian mà còn đo bằng thước đo của tình cảm con người. Đó chính là thứ thuốc thử làm tăng thêm sự gắn bó keo sơn" (Nguyễn Đức Quyền).
Nếu câu hỏi tước nhà thơ nhấn vào thời gian "mười lăm năm ấy" thì ở câu hỏi này nhà thơ nhấn mạnh không gian sông núi thân thương:
"Mình về mình có nhớ ta
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn"
Cái đặc sắc của câu thơ không chỉ thể hiện qua kết cấu của câu hỏi, qua từ ngữ xưng hô tình tứ mà còn qua hình ảnh được viết ra từ thể hứng, thể phú mang âm điệu của ca dao như lời dặn dò, nhắc nhở chân thành, lời dặn dò kín đáo mà rất đỗi thiết tha. Ta cứ ngỡ như nghe những âm điệu vang vọng từ câu ca dao:
"Ra đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu".
Câu hỏi như thế nhắc nhở về mảnh đất nơi xứ lạ thân tình. Cách gợi nhắc này cho ta thấy được lời dặn dò kín đáo nhưng rất đỗi chân thành: "Việt Bắc là cội nguồn cahcs mạng"; "là quê hương cách mạng dựng lên cộng hòa"; "là chiến tuyến trung tâm đầu não cũng là nơi nuôi dưỡng bao tâm hồn trong sự tàn khốc của chiến tranh. Có Việt Bắc thì mới có ngày đất nước độc lập, chúng ta mới được thỏa mình trong niềm vui chiến thắng, mới có ngày hôm nay. Nhớ về Việt Bắc cũng chính là nhớ về cội nguồn sống với đạo lý: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cha ông ta đã gây dựng từ muôn đời. Bốn câu thơ đầu, như chiếc chìa khóa đánh thức, khơi gợi và diễn tả thật xúc động những quyến luyến thiết tha, những nỗi băn khoăn, trăn trở của người ở lại. Ta cảm nhận được trong cuộc chia tay ấy đậm sắc vị yêu thương, chưa xa mà đã nhớ, chân chưa đi mà lòng đã rưng rưng biết bao điều chưa kịp nói, mà không biết bắt đầu từ đâu.
Và rồi, câu hỏi của trái tim đã chạm đến trái tim, đã nhận được sự đồng vọng của trái tim. Những lời tha thiết, ân tình của người ở lại đã chi phối tâm tư, hành động của người ra đi. Những bước chân bồn chồn, những nỗi lòng lo lắng bâng khuâng, xao xuyến cho thấy người ra đi vẫn một lòng, một dạ hướng về người ở lại mà chẳng muốn rời xa:
"Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay..."
Tố Hữu thật sự đã sống - sống sâu, sống đầy với đời, để có thể "mở hồn ra đón lấy những rung động của đời", để rồi bật lên tiếng "ai" vừa bâng khuâng, xao xuyến vừa tha thiết, lạ lùng. Chỉ một chữ "ai" thôi cũng đủ làm say lòng người. "Ai" là đại từ phiếm chỉ, vô định, đâu phải hỏi chỉ vì muốn biết "ao" - nó chỉ đối tượng không xác định không biết là "ta" hay "mình" đang "tha thiết bên cồn", đang lên tiếng cho cuộc chia tay đầy lưu luyến này. Để rồi nỗi nhớ thương nương theo bước chân "bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi". Có một chút nhớ, một chút thương, một chút bịn rịn để rồi bâng khuâng, xao xuyến trong lòng đầy những ngổn ngang, buồn vui lẫn lộn. Buồn vì phải xa Việt Bắc, vui vì được về với quê hương mình. Tâm trạng ấy vừa đau đáu khôn nguôi, vừa ngập ngừng trong nỗi nhớ nhung bịn rịn không muốn chia xa. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn"
Trong giây phút chia ly ấy, Việt Bắc đã trở thành mảnh đất trong tâm hồn người cán bộ, tưởng như không thể chia cắt, không thể rời xa. Và chiếc áo chàm đơn sơ, giản dị đã góp nên cái nét riêng của những người con trên mảnh đất này. Chiếc áo chàm vừa cổ điển, vừa hiện đại vừa gần gũi thương mến vô cùng màu áo của núi rừng thanh bình của quê hương. Màu áo của những con người "hắt hiu lau xám" nhưng vẫn "đậm đà lòng son". Chính màu áo ấy đã tạo nên những con người của núi rừng - "rừng che bộ đội" làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, hy sinh. Người ra đi làm sao có thể quên màu áo thân tình ấy!
Triền miên trong niềm xúc động nghẹn ngào không biết thốt lên thành lời, người đi kẻ ở chan chứa biết bao cảm xúc "cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...". Trong giây phút này đây, chỉ còn lại không gian của tâm tưởng của tâm hồn, lí trí hoàn toàn bị xâm chiếm bởi một trái tim nóng hổi của tình thương mến. "Cầm tay" để trai cho nhau tình cảm, truyền cho nhau hơi ấm, sức mạnh để thấy sự hòa điệu gắn kết giữa hai tâm hồn. Dấu chấm lửng đặt ở cuối câu thơ như sự ngưng đọng cảm xúc như nốt lặng của tâm hồn trong một khuôn nhạc mà tình cảm cứ ngân dài sâu lắng miên man. Hình ảnh của cuộc chia tay giữa người dân Việt Bắc ở lại và người chiến sĩ phải ra đi hiện lên bịn rịn, nhớ thương nhưng không buồn thương, bi lụy mà chất chứa những ân tình thủy chung há dễ ai quên.
Tám câu thơ đầu của bài thơ Việt Bắc đã làm sống dậy trong ta chữ tình, chữ tình đã bao trùm cả không gian Việt Bắc bao la rộng lớn, trùm lên và khắc sâu trong tâm hồn kẻ ở, người đi. Ấn tượng để lại sâu sắc nhất trong ta đó là tình cảm giữa kẻ ở người đi được diễn tả qua thể thơ lục bát đậm tính dân tộc; một lối hát đối đáp đầy tình tứ tạo nên cái giọng điệu cho đoạn thơ. Những biện phép tu từ hoán dụ, câu hỏi tu từ cùng với đó là ngôn ngữ thơ trong sáng, thuần nhị đến những cách tân "ta" - "mình" để bất cứ ai khi đọc Việt Bắc cũng không thể nào quên. Để rồi chúng ta dù chưa một lần sống ở Việt Bắc, đặt chân lên Việt Bắc cũng đều cảm nhận được sâu sắc tình quân dân gắn bó máu thịt như cá với nước của những con người kháng chiến.
Chế Lan Viên từng nói: "Thơ là đi giữa nhạc và ý. rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ rất sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ say đắm lòng người nhưng cũng dễ nông cạn". Ấy thế mà, Tố Hữu đã tuyệt nhiên trung hòa giữa hai vực thu hút ấy. "Thơ anh vừa ru người trong nhạc vừa thức người bằng ý" (Chế Lan Viên). Những tiếng thơ "Việt Bắc" đã không chỉ thu hút chúng ta bởi sắc điệu trữ tình của ngôn từ mà còn chính bằng những tình cảm của con người nơi đây hun đúc thành. Tố Hữu đã truyền vào Việt Bắc cái sức mạnh lớn nhất của quả tim anh được nuôi dưỡng qua "tiếng đời lăn náo nức" từ những đau thương mà "rũ bùn đứng dậy sáng lòa". Để "Việt Bắc" trở thành một khúc tình ca về kháng chiến mang đậm tinh thần dân tộc nhưng giàu ý vị. "Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên".
Chúng ta đã từng say đắm trước những dòng thơ "Tổ quốc bao giờ đẹp hơn thế này chăng?" (Chế Lan Viên, từng trầm mình, chiêm nghiệm về "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm để rồi cảm nhận và nhìn ngắm đất nước một cách yêu thương. Nhưng với Tố Hữu, có lẽ nó không chỉ dừng ở sự quan tâm hay say sưa ca ngợi, "Việt Bắc" không chỉ là mảnh đất của tổ quốc mà nó còn là mảnh đất nung đốt tình cảm tốt đẹp - tình quân dân mà có lẽ bất cứ ai cũng phải ngậm ngùi nghĩ về nó. Để những dòng thơ lắng tình đất nước mãi trở thành những nhịp nâng lên thứ tình cảm đẹp đẽ và cao quý cho hôm nay và mãi về sau,
Xem thêm: Bài văn tả bố thấm đượm tình yêu thương được 9,5 điểm khiến dân tình nghẹn ngào
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận