Phía sau vinh quang của tấm vé dự World Cup: Cầu thủ nữ lương 5 triệu/tháng, làm đủ nghề để mưu sinh

Nhìn những nụ cười rạng rỡ, những cái ôm phấn khích trên sân cỏ khi nhận tấm vé dự World Cup của các cô gái "vàng", ai ai hạnh phúc. Thế nhưng, ít ai biết được, để chạm đến vinh quang này, họ đã trải qua rất nhiều khó khăn.

Phía sau vinh quang của tấm vé dự World Cup: Cầu thủ nữ lương 5 triệu/tháng, làm đủ nghề để mưu sinh

Nhìn những nụ cười rạng rỡ, những cái ôm phấn khích trên sân cỏ khi nhận tấm vé dự World Cup của các cô gái "vàng", ai ai hạnh phúc. Thế nhưng, ít ai biết được, để chạm đến vinh quang này, họ đã trải qua rất nhiều khó khăn.

Làm nghề tay trái để mưu sinh

Chiều 6/2, tuyển nữ Việt Nam đánh bại tuyển nữ Đài Loan (Trung Quốc) trong trận play-off cuối cùng để giành vé dự World Cup 2023. Đây là thời khắc lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam, khi lần đầu tiên chúng ta góp mặt ở ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh. Thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung đã trở thành những người hùng, ghi tên mình vào lịch sử bóng đá nước nhà.

Thế nhưng, ít ai biết được, để có thành công này các cô gái vàng đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Điều đáng trân trọng nhất là ở chỗ, không bao giờ xem nỗi nhọc nhằn là trở lực trên đường đi đến thành công.

Tuyển nữ Việt Nam đã giành tấm vé vào dự World Cup

Theo tìm hiểu, mức lương của các cầu thủ Việt Nam tại câu lạc bộ khá thấp. Với những đội bóng ở thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh hay Hà Nam, mức lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ tiền ăn. Còn các đội bóng ở các tỉnh xa hơn như Sơn La, Thái Nguyên, mức lương chỉ vài triệu đồng.

Muốn có thêm chút tiền trang trải cuộc sống, các cầu thủ đa phần thống nhất bớt tiền ăn lại một chút nhằm có thể thêm khoản tiết kiệm, hay đơn giản là mua kem chống nắng. Ăn ít, tập luyện sẽ càng vất vả nhưng chẳng ai than lấy một lời nào cả. 

Chính vì thu nhập thấp mà nhiều cầu thủ nữ đã phải làm thêm nghề tay trái để có tiền tiếp tục theo đuổi đam mê với trái bóng tròn. Đơn cử như hậu vệ trái Nguyễn Thị Xuyến phải đi làm huấn luyện viên cho trung tâm bóng đá cộng đồng mỗi khi rảnh rỗi.  Hay như cô gái Hoàng Thị Loan phải bán mỹ phẩm online, theo học các lớp làm đẹp và sẵn sàng đi giao hàng mỗi tối dù tập luyện rất mệt mỏi.

Cầu thủ 2 lần giành "quả bóng vàng Việt Nam" Nguyễn Thị Tuyết Dung cũng dành thời gian nghỉ ngơi để phụ gia đình việc đồng áng. Cô đi chân không lội ruộng, gặt lúa như những người nông dân bình thường khác. 

Tuyết Dung phụ gia đình gặt lúa

Ở tuổi 26, Tuyết Dung chỉ có thể thực hiện mong ước của mình vài tháng trước khi cùng tuyển nữ sang Philippines tham dự SEA Games 2019. Đó là xây một ngôi nhà khang trang ở Hà Nam cho cha mẹ bán đồ ăn uống thay vì tiếp tục công việc đồng áng vất vả.

Tiền xây nhà được Tuyết Dung tích cóp từ tiền thưởng sau mỗi giải đấu cùng đội tuyển nữ. "Hình ảnh bố mẹ lam lũ vất vả một đời luôn khiến tôi đau đáu trong lòng mong sao có thể làm gì giúp bố mẹ đỡ khổ. Và có lẽ điều ý nghĩa nhất đời tôi là xây được nhà để bố mẹ mở quán nước, bán bia, đồ ăn uống vặt. Dù còn thiếu thốn nhiều thứ, chỉ được 1 tầng nhưng trong ấy đầy ắp tình yêu thương tôi dành cho bố mẹ. Bố mẹ không phải vất vả với những mẫu lúa nữa", Tuyết Dung chia sẻ.

Cầu thủ nữ vất vả, tương lai bấp bênh

Khi mang vinh quang về cho Tổ quốc, các cầu thủ nữ hạnh phúc, được tôn vinh. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, nhịp sống của họ trở lại như thường. Những khán đài trống toác ở giải bóng đá nữ vô địch quốc hằng năm là một ví dụ điển hình khiến các cô gái không khỏi chạnh lòng.

Đội trưởng Huỳnh Như sau khi cùng tuyển Việt Nam giành HCV SEA Games 2019 đã chia sẻ rằng: "Chúng tôi hi vọng chiếc HCV SEA Games thứ 2 liên tiếp này sẽ khiến mọi người quan tâm đến bóng đá nữ. Các nhà tài trợ, người hâm mộ chú ý nhiều hơn đến giải bóng đá nữ VĐQG sắp tới. Để chúng tôi thi đấu không khỏi chạnh lòng, tiếp tục hướng đến chiếc HCV thứ 3 liên tiếp ở kỳ SEA Games 2021 tổ chức tại Việt Nam".

Ở tuổi 28, Huỳnh Như vẫn "cày ải" chiến đấu quên mình ở SEA Games 2019. Cô chạy chỗ, tăng tốc và dứt điểm khiến hàng phòng ngự của Thái Lan luôn phải theo sát như hình với bóng. Nỗ lực đó khiến cô bị chuột rút, không thể bước ra sân nổi ở hiệp phụ trong trận chung kết và bị trọng tài rút thẻ vàng vì tưởng cô câu giờ. Ngay khi bước lên bục nhận giải, chân cô vẫn đau đớn...

"Cầu thủ nữ đá bóng vốn chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng đã là cầu thủ,l mỗi khi ra sân chúng tôi đều không cần nghĩ gì nữ mà chỉ tập trung đến trái bóng và chiến đấu vì Tổ quốc", Huỳnh Như tâm sự.

Không chỉ thi đấu thiếu vắng khán giả, các cầu thủ nữ còn phải làm thêm nghề tay trái, xin lãnh đạo CLB tạo điều kiện cho đi học văn hóa để chuẩn bị cho tương lai sau này. Nhưng không phải ai cũng được tạo điều kiện đi học văn hóa (ĐH TDTT hay ĐH Sư phạm) với lý do "cứ lo cống hiến trước đã", dù đã có người 24 - 25 tuổi.

Chỉ được học văn hóa chứ không phải học lớp huấn luyện viên như mong muốn nhưng các cầu thủ may mắn được tạo điều kiện đi học cũng cảm thấy hạnh phúc. 

Tuyết Dung từng chia sẻ: "Đời cầu thủ nữ ngắn, sau này nếu giải nghệ, được theo nghiệp huấn luyện viên thì quá tốt rồi. Nhưng nếu không được thì cũng phải chuẩn bị cho mình 1 công việc ổn định để làm, làm giáo viên dạy thể dục thể chất cũng là 1 lựa chọn".

Dù cuộc sống còn khó khó khăn, tương lai còn bấp bênh nhưng những cầu thủ nữ vẫn chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo...

Xem thêm: Tương lai mịt mờ cho cầu thủ "nghèo nhất" đội tuyển Việt Nam Phạm Xuân Mạnh