NLXH: Yêu thương trọn vẹn
"Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một cách trọn vẹn".
ĐỀ BÀI:
Trong cuốn sách “Yêu những điều không hoàn hảo”, tác giả Hae Min cho rằng:
Có thể bạn không tài nào hiểu được
Tại sao cha mẹ mình, anh chị em mình, bạn bè mình..
Lại suy nghĩ và hành động như thế.
Nhưng cho dù bạn không thể hiểu họ
Và không vừa lòng với những điều họ làm
Bạn vẫn có thể yêu thương họ thật lòng.
Vì tình yêu thực sự
Vượt qua mọi hiểu biết của con người.
(…)
Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn
Mà không cần hiểu nhau một cách trọn vẹn.
(Theo Hae Min, Yêu những điều không hoàn hảo, NXB Thế Giới, 2018)
Em có đồng ý với suy nghĩ "Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một cách trọn vẹn" không? Hãy viết bài văn trình bày câu trả lời của em.
BÀI VIẾT:
Jean Jacques Rousseau từng nói: “Tình yêu thương cũng như cơ thể của chúng ta là dòng chảy bất tận”. Tình yêu trong mỗi con người như là máu thịt gắn liền với người ấy. Thượng đế tạo ra con người với hai mắt để nhìn, đôi tai để lắng nghe và trái tim để yêu thương. Và chính trái tim yêu thương ấy, khiến cho con người hành động những điều tưởng như không thể. Vì lẽ đó trong cuốn sách “Yêu những điều không hoàn hảo”, tác giả Hae Min viết rằng:
“Có thể bạn không tài nào hiểu được
Tại sao cha mẹ mình, anh chị em mình, bạn bè mình,
Lại suy nghĩ và hành động như thế.
Nhưng cho dù bạn không thể hiểu họ
Và không vừa lòng với những điều họ làm
Bạn vẫn có thể yêu thương họ thật lòng.
Vì tình yêu thực sự
Vượt qua mọi hiểu biết của con người.
(…)
Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn
Mà không cần hiểu nhau một cách trọn vẹn.”
Tình yêu thương dường như vượt qua mọi hiểu biết của con người. Thật lạ lùng vì chúng ta chưa bao giờ hiểu hết về những người xung quanh nhưng ta vẫn yêu họ một cách chân thành, trọn vẹn, không toan tính. Vậy có bao giờ ta tự hỏi, vì sao “Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một cách trọn vẹn”?
Như đã nói, yêu thương gắn với con người như máu thịt. Tuy nhiên mỗi người lại có một cách định nghĩa khác nhau về tình yêu. Nhưng ta có thể hiểu đơn giản rằng tình yêu thương là sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia mà con người dành cho nhau. Tình yêu thương là một tình cảm rất đỗi thiêng liêng và cao quý. Người ta thường hình dung tình yêu là những tình cảm tốt đẹp nhất, là sợi dây kết nối tâm hồn với tâm hồn, mang lại cho con người ta cảm giác hạnh phúc, ấm áp nhất. “Hiểu nhau một cách trọn vẹn” là thấu cảm với suy nghĩ, hành động, lời nói của người khác, hiểu tường tận vì sao họ có những hành vi, lời nói, suy nghĩ đó. “Yêu thương trọn vẹn” chính là yêu mà không cần đáp lại, yêu không toan tính, nghĩ suy, giành cả con tim để thấu hiểu, cảm thông. Thông qua một bài thơ ngắn, đại đức Hae Min đã cho chúng ta thêm một quan niệm sâu sắc về yêu thương “Có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một cách trọn vẹn”. Từ trước đến nay, có phải chúng ta vẫn thường nghĩ giữa “yêu” và “hiểu” luôn cần phải song hành? Phải “hiểu” trước thì mới có thể thật lòng yêu thương. Tuy nhiên, ở đây, ta sẽ nhìn thấy một quan niệm khác “yêu mà không cần hiểu một cách trọn vẹn”.
Đừng nghĩ rằng đây là một quan niệm điên rồ. Bạn hãy thử đặt câu hỏi cho bản thân mình xem, bạn đã từng không hiểu một ai đó nhưng bạn vẫn yêu họ một cách không nghĩ suy hay chưa? Vâng, đúng vậy, chính là bố mẹ của bạn. Chắc hẳn chúng ta cũng từng đặt câu hỏi “Vì sao?” trước những điều bố mẹ làm. Vì sao bố mẹ lại so sánh bản thân mình với “con nhà người ta”? Vì sao lại cấm cản mình với điều này, điều khác? Hàng vạn câu hỏi vì sao bạn từng đặt ra, nhưng lại không có câu trả lời hoặc là câu hỏi đấy sẽ không bao giờ lặp lại vì đến một ngày nào đó, bạn lại quên nó mất và bạn lại yêu thương bố mẹ như lúc ban đầu. Hôm nay có giận dỗi đấy, có khóc đấy nhưng có phải hôm sau bạn vẫn ôm họ mỉm cười và nói “Con yêu bố/mẹ” hay không?
Vì sao chúng ta có thể “yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một cách trọn vẹn”? Cũng trong cuốn sách “Yêu những điều không hoàn hảo”, Hae Min viết rằng: “Trong tình yêu, ngoài tình yêu ra, không còn bất kì lí do nào khác”. Yêu là yêu, không phải vấn đề hiểu hay không hiểu, mà là chúng ta có bằng lòng mở cửa trái tim mình để trao đi hạt giống yêu thương hay không. Để hiểu được một người phải cần khoảng thời gian rất dài, chẳng kể đến mỗi người đều dành riêng cho mình một “khoảng trời” chỉ có riêng họ. Chúng ta nghĩ rằng, chúng ta có thể hiểu hết được hay không? Vậy mới nói, để thấu hiểu ai đó là cả một quá trình. Thế nhưng đời người có mấy lần mười năm, chớp mắt đã thấy mình ở sườn dốc bên kia của cuộc đời, vậy chẳng lẽ ta dành hết thời gian để “hiểu” rồi mới “yêu” hay sao. Vạn vật trong vũ trụ đều tồn tại theo quy luật Thành – Trụ - Hoại – Diệt, nghe thì có vẻ cao siêu, thế nhưng nó cũng như Sinh – lão – bệnh – tử - một vòng luân hồi không ai tránh khỏi. Thế nên, khi còn được sống, hãy yêu cho trọn vẹn, yêu cho hết mình vì có chắc rằng mình sẽ hiểu nhau một cách hoàn toàn đâu? Nếu như cứ khăng khăng “phải hiểu cho trọn vẹn” thì mới yêu trọn vẹn thì Mẹ Teresa làm sao hiểu hết những những trẻ em mồ côi sống vất vưởng lang thang ở Ấn Độ, cho đến những người nghèo khổ ,bệnh tật ở Cancutan? Với số lượng người như vậy, có ai dám khẳng định Mẹ Teresa đã hiểu rõ tường tận về họ hay không. Vốn dĩ, tình yêu xuất phát từ trái tim và sẽ đi đến trái tim, như vậy là đủ. Chỉ cần hai trái tim cùng đồng điệu thì hiểu nhau chẳng còn là vấn đề quá lớn. Và Mẹ Teresa, bằng công việc truyền giáo và từ thiện của mình, bà đã mang tình yêu thương, sự sẻ chia đến với những con người cùng cực, đưa họ khỏi nơi tăm tối, về với ánh sáng của một cuộc sống bình thường. Từ những việc làm của bà, ta có thể thấy đâu cần phải hiểu nhau một cách trọn vẹn, chỉ cần trái tim mở cửa, dùng sự đồng cảm, chân thành là có thể “yêu thương”.
Ta từng nghe: “Nhân si sơ, tính bản thiện”. Mạnh Tử cho rằng từ khi được sinh ra, con người đã mang một bản tính lương thiện. Bản chất của con người chính là lương thiện, mà lương thiện thường sẽ đi cùng với tình yêu thương không chỉ giữa người với người mà cong với vạn vật khác. Có ai biết rằng từ khi nào tình yêu ngự trị trong tim mình? Không ai cả. Ta chỉ biết tình yêu ở đó đã từ rất lâu, chỉ đợi ta chịu mở lòng thì tình yêu sẽ trào dâng, sẽ đơm hoa kết trái. Những điều khởi phát từ trái tim bao giờ cũng là điều thiêng liêng, tuyệt vời và sẽ có sứ mệnh gắn kết giữa người với người. Nếu “hiểu” thuộc về những lí lẽ của lý trí thì “yêu” là lời kêu gọi của con tim. Như ta đã nói, trái tim yêu thương sẽ hành động những điều dường như không thể. Yêu thương xóa khoảng cách về địa lý, về dân tộc, về màu da, ngôn ngữ. Khi con tim lên tiếng, mọi lí lẽ khô cứng sẽ không còn mà thay vào đó là bao dung, thấu hiểu, là sẻ chia, là ấm áp. Không ngẫu nhiên mà trong bốn lần đại dịch Covid bùng phát, những siêu thị 0 đồng, ATM gạo và những mặt hàng cứu trợ lại được huy động đến mức tối đa để trao đến vùng bị dịch bệnh hoành hành. Liệu những người tạo ra siêu thị 0 đồng hay ATM gạo kia có thực sự “hiểu trọn vẹn” những người họ giúp đỡ không. Không hoàn toàn, họ chỉ thấy rằng, đồng bào mình cần được giúp đỡ. Vậy là họ chẳng ngần ngại gì, chẳng toan tính mà không “chia ngọt sẻ bùi” cùng những hoàn cảnh khó khăn. Ông bà ta dạy:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
“Bầu” và “bí” là hai hình ảnh ví von, dẫu khác giống nhưng chung một giàn, chung một nhà, vậy cớ gì lại không giúp nhau. Cũng giống như con người chúng ta, tuy khác về dân tộc, suy nghĩ, hành động nhưng chúng ta là đồng loại. Chúng ta không cần phải hiểu hết về nhau nhưng chúng ta vẫn có thể yêu thương, giúp đỡ nhau. Bởi lẽ, yêu thương như một bản năng của con người. Ta nhìn thấy những thảm cảnh sau trận động đất sóng thần năm 2011 ở Nhật và cảm thấy xót thương cho con người ở một đất nước cách chúng ta rất xa, cảm thấy đau đớn cho những người chúng ta chưa gặp lấy một lần chưa nói đến là “hiểu”. Vâng, yêu thương là như vậy, vượt mọi khoảng cách, như một vì sao tỏa sáng, đem những hạt giống hạnh phúc gieo xuống thế gian.
Một tảng băng trôi luôn có một mặt nổi và một mặt khuất lấp, trái đất bao giờ cũng chỉ được chiếu sáng một bán cầu. Cuộc sống cũng giống như thế, một vấn đề chỉ nhìn trực diện thôi là chưa đủ, ta còn cần tìm hiểu thêm nhiều khía cạnh khác của nó. Đâu phải lúc nào ta cũng yêu nhau mà không cần hiểu hoàn toàn về nhau. Nếu như chúng ta trao yêu thương quá nhiều nhưng lại trao gửi nhầm người thì chính yêu thương đó lại tiếp tay cho tội ác diễn ra. Có thể thấy những tên tội phạm mang tội danh giết người, phía sau hắn là những người mẹ vì quá yêu thương con mà bao che cho tội lỗi của chúng. Chúng ta mở rộng vòng tay, mở rộng trái tim trao yêu thương nhưng cũng cần phải giữ sự tỉnh táo. Chúng ta không bác bỏ hoàn toàn rằng “yêu” là không cần “hiểu”. Nếu không có một mức độ thấu hiểu rõ ràng, từ “yêu” sẽ trở thành “mù quáng” và “dung túng”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết “yêu” và “yêu thương cho đúng cách”. Xã hội vẫn tồn tại đó những con người chỉ biết nghĩ cho bản thân, ích kỷ, tư lợi cho cá nhân mà không biết yêu thương, san sẻ, thấu hiểu. Họ chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ muốn nhận tình yêu chứ tuyệt nhiên không trao cho ai một thứ gì. Họ sẽ không thể nào cảm nhận được hạnh phúc khi không biết yêu thương.
Chúng ta hẳn nhiên không muốn giống một kẻ ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Do đó, mỗi con người cần biết rèn luyện cho mình cách mở rộng trái tim, mở rộng tấm lòng để yêu thương một cách chân thành. Chúng ta cần học cách chấp nhận cho sự khác biệt của mỗi con người, song song đó phải luôn tập lắng nghe và thấu hiểu. Là một công dân trẻ, tôi sẽ không ngần ngại mở rộng lòng mình để trao yêu thương đến mọi người. Tôi muốn trở thành một người có thể thấu hiểu và cảm thông, một chỗ dựa tinh thần cho những người cần một nơi chốn an bình. Từ giờ phút này, tôi sẽ không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành một người sâu sắc, một người với trái tim yêu thương cùng nhiệt huyết.
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau”
(Tố Hữu)
Chúng ta đến bên đời này, không chỉ đơn giản là tồn tại về mặt sinh học mà còn phải sống một cách có ý nghĩa nhất. Và một trong những điều làm cuộc sống thêm ý nghĩa ấy chính là tình yêu. Không cần hiểu nhau trọn vẹn, không cần phải trở nên vĩ đại mới có thể yêu thương người khác. Dẫu chỉ là một người nhỏ bé, chúng ta cũng mnag trong mình một trái tim yêu thương và “Chúng ta có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một cách trọn vẹn”.
(Châu Nguyễn Ái My - Học sinh lớp 12CV - THTH ĐHSP, niên khóa 2020 - 2023)
Xem thêm: NLXH 200 chữ: "Dẫu phải khi cay đắng dập vùi, Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận