NLXH: Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong thời đại 4.0
Đề bài: Viết bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về: Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong thời đại 4.0.
Bất cứ lúc nào trên sân khấu cuộc đời
Tôi vẫn là diễn viên tồi
Bởi tôi không bao giờ hoá trang để nhập vai người khác!
(Vi Thuỳ Linh)
Sân khấu cuộc đời là một vở kịch lớn, nơi mỗi người đều là diễn viên. Ở đó, mỗi chúng ta thường cố gắng che dấu bản thân sau những lớp vỏ bọc, biến mình thành con rối của thời đại, cộng đồng để hòa nhập, để được chấp nhận và rồi dần đánh mất đi chính mình. Tuy nhiên, chỉ có sống thật với chính mình mới là điều quý giá nhất và là điều cần thiết để chúng ta tìm thấy hạnh phúc.
Hành trình sống chính là công cuộc ta đi tìm mình. “Sống là chính mình” nghĩa là sống đúng với con người thật của bản thân, không chưng diện, không giả dối, và nhất là không xa lạ với chính mình. Ta sẵn sàng làm những gì mình muốn, yêu những gì mình yêu, đối diện với những cảm xúc sâu thẳm nhất trong tâm hồn và không để những tiếng nói ồn ào bên ngoài ảnh hưởng đến bản thân. Đấy là khi con người dựa vào tiếng lòng của mình mà sống chân thật, sống nhiệt thành. Như vậy, đời sống này chỉ có nghĩa khi ta được sống là chính mình, sống với gương mặt và nội tâm của chính mình.
“Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất” (Xuân Diệu). Vốn dĩ, không ai trong chúng ta là bản sao của bất kỳ ai, bản thân mỗi người từ khi sinh ra đã là độc bản với vẻ đẹp độc đáo và tài năng riêng biệt. Vậy lý gì mà ta không sống là chính mình? Sống với ước muốn, cá tính của bản thân chính là điều mãn nguyện nhất của một đời người. Mải miết chạy theo những khuôn mẫu, yêu cầu, những định kiến của kẻ khác chỉ khiến ta thêm mệt mỏi bởi luôn phải cố gắng để trở thành ai đó. Hà cớ gì phải là cái bóng của người khác trong khi ta hoàn toàn có thể tỏa sáng, thành công khi là chính mình? Sàn diễn thời trang vốn luôn bị định kiến bởi sự hiện diện tất yếu của người mẫu nam và người mẫu nữ. Thế nhưng câu chuyện của Mộng Thường lại khiến người ta ngỡ ngàng. Vẻ đẹp phi giới tính, từ lạ lẫm đến quen thuộc, nay đã trở thành mảnh ghép không thể thiếu làm nên bức tranh thật đẹp đẽ của cuộc đời. Chẳng ngại lời dèm pha, chẳng ngại ranh giới của sự áp đặt, Mộng Thường sống là chính mình, và tỏa sáng trên sàn catwalk khi được là chính mình.
Ở đời, bất kỳ sự giả dối nào cũng bị vạch trần, chỉ có sự chân thật mới đồng hành bền bỉ cùng thời gian. Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người, vậy đừng biến mình thành kẻ giả tạo trong mắt người khác. Thay vào đó hãy cố sống thật thà bằng cách luôn là chính mình. Ta lắng nghe con tim của chính ta, lắng nghe những tiếng nói âm ỉ sâu trong lòng. Chính thái độ đó sẽ toát lên phong cách sống của chính bạn, lan toả một nguồn năng lượng không thể lý giải.Việc chấp nhận và yêu thương bản thân giúp bạn không còn so sánh mình với người khác và cảm thấy tự ti về bản thân.
Kỷ nguyên hiện đại đề cao cái tôi của mỗi người, coi trọng bản sắc cá tính đã càng thúc dục mỗi cá nhân sống là chính mình. Đấy là khi con người “dám làm”. Quá trình này chính là hành trình con người tìm ra đích đến của mình và khám phá tiềm năng của bản thân. Albert Einstein từng nói: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời nó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Nhưng kỉ nguyên hiện đại lại nói với chúng ta rằng, chẳng có chân lí nào là duy nhất, loài cá vẫn có thể “leo cây”. Đó là cá bống thòi lòi! Thử hỏi nếu chỉ vì câu chuyện “con cá leo cây” thì xưa nay đã có biết bao ước mơ bị dập tắt, bao nỗ lực bị phủi bụi. Liệu điều ấy có xứng đáng hay không? Bên cạnh đó, mỗi cá nhân độc đáo sẽ là mảnh ghép quan trọng làm nên bức tranh đa dạng và phong phú của xã hội. Những người sống thật với chính mình sẽ lan tỏa những năng lượng tích cực và trở thành nguồn cảm hứng cho những người xung quanh.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều người tự ti vào bản thân, soi xét cuộc sống của người khác hoặc đánh mất chính mình vì những khuôn mẫu, định kiến của xã hội. Sống thật với chính mình đòi hỏi mỗi người phải đủ can đảm, mạnh mẽ để bỏ qua những cái nhìn phán xét, dành thời gian để lắng nghe chính mình. Nói như vậy, không có nghĩa bản thân được bỏ mặc những trọng trách, bỏ ngoài tai mọi lời góp ý để trở nên tốt hơn hay ngụy biện cho những sai lầm của bản thân. Sống là chính mình nhưng không được nuông chiều bản thân quá mức, yêu bản thân một cách độc hại. Thậm chí, việc học hỏi theo một hình mẫu nào đó chẳng phải là sai lầm nếu ta vẫn giữ được mình nguyên vẹn. Bạn thay đổi để thích hợp chứ chẳng phải biến thành một ai khác.
Sống là chính mình là một điều đáng quý, thế nhưng đấy chẳng phải là điều dễ dàng. Mỗi chúng ta cần bắt đầu bằng việc lắng nghe những mong muốn và khát vọng sâu thẳm bên trong. Cùng với đó, yêu thương bản thân, không chối bỏ những cảm xúc của mình, chấp nhận những khuyết điểm chính là bước đầu tiên trên hành trình sống là chính mình. Đặc biệt, việc dám đối diện với nỗi sợ hãi, những rào cản và thử thách sẽ là cách để mỗi người đạt được mục tiêu của mình.
Đã bao giờ bạn tự nhìn vào gương để nâng niu, chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân? Đã bao lần bạn đối diện với con tim mình để nhận ra nó đã hoá đá từ lâu bởi những khuôn mẫu, định kiến? Sống là chính mình hay sống là người khác sau cùng vẫn là lựa chọn của mỗi cá nhân. Thế nhưng, chỉ khi được là chính mình, ta mới thấy cuộc đời đẹp và hạnh phúc biết bao.
Xem thêm: NLXH: "Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận