NLXH: Ta chỉ có một đời để sống
“Ta chỉ có một đời để sống. Sao không làm những điều thật sự ý nghĩa với bản thân?" (Roise Nguyễn). Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về câu nói trên?
Ta thường mong đến đêm Rằm để có thể chiêm ngưỡng vầng trăng tròn đẹp nhất mà lại trót quên rằng hoa ra ánh trăng non đêm nào cũng chính là vầng trăng Rằm của đêm nay. Tôi tự hỏi, vì sao người ta không thử cảm nhận vẻ đẹp riêng của vầng trăng khuyết thay vì cứ hoài vọng một tín hiệu hồi âm tuyệt bích của tạo hoá? Hoàn hảo là một kết tinh lí tưởng, song nếu cứ vì nó mà ta mòn mỏi đợi chờ thì liệu có xứng đáng? Làm chủ chính mình: đây chính là bài học mà tôi đã lĩnh hội được sau khi chiêm nghiệm câu nói: “Ta chỉ có một đời để sống. Sao không làm những điều thật sự ý nghĩa với bản thân?"( Roise Nguyễn).
Cuộc sống luôn tồn tại và vận hành theo một quy luật tất yếu. Mặt trời xoay quanh trái đất với chu kì 365 ngày một năm để mang hơi ấm đến cho muôn loài muôn vật, sâu bướm trải qua ba lần lột xác mới có được hình hài của một nàng hồ điệp lung linh sắc màu... người cũng có một cuộc sinh hoá riêng, cũng được sinh ra, lớn lên và rồi... chết đi. Bạn thấy đấy, loài hoa ra đời để dâng sắc hiến hương cho vườn trần, con ong ra đời để hút nhụy muôn hoa mà kết nên cảnh ngọt... mỗi sự sống được tạo hóa ban cho đều mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng và cố hữu. Con người nghiễm nhiên có sự sống hơn nữa, đó còn là một đời sống cá thể. Như vậy, con người rõ ràng có một mục đích riêng để sống chứ không phải như loài thú chỉ sinh ra và lớn lên – tồn tại như một bản năng sinh học.
Vòng quay của vũ trụ vốn vô hạn, nhưng đời người thì hữu hạn. “Một đời để sống” – ai cũng thế! Sẽ không ai có thể vượt ra khỏi quy luật vận động của con tạo cả. Gió bụi thời gian rồi sẽ cuốn ta trở về với hư vô mà thôi. Nhưng, con người có thể bất tử chứ? Đúng vậy, nhưng bằng một cách nào đó chứ không phải sống hoài!
“Ta chỉ có một đời để sống. Sao không làm những điều thật sự ý nghĩa với bản thân?". Đây đúng là một bài học đầy trăn trở, quý báu về nhân sinh. Con người sinh ra là để làm nên những điều đẹp đẽ, diệu kì và hữu ích. Sống là một cuộc hành trình để người ta tìm thấy chính mình, khơi lên những giá trị mà tưởng chừng như đã bị vùi lấp tận trong sâu thẳm. Đó là những thái độ, suy nghĩ, hành động, ước mơ, lí tưởng mà chúng ta cho là đúng và nó làm cho bản thân mỗi người thấy thoải mái, tích cực và tự tin hơn với chính mình cũng như với chính cuộc sống. Nó được xem là “những điều thật sự ý nghĩa với bản thân”. Nó xuất phát từ những nhu cầu, ước mơ, suy nghĩ chân thành của mỗi con người. Câu trả lời nằm gọn ngay trong chính trong câu hỏi; có điều, nhiều người vẫn không dám chấp nhận đối mặt với nó mà thôi!
Tôi chắc chắn rằng, ai trong số chúng ta cũng đều ôm ấp một hay nhiều ước mơ! Đó là mục đích để con người sống và phải sống. Chẳng may có người nào đó tồn tại trên cõi đời này mà không mang trong mình một ước mơ hay lí tưởng thì thật đáng xấu hổ. Mỗi chúng ta là một hạt giống kì diệu do Thượng để gieo xuống vườn trần gian. Người thông minh, có lí tưởng và nghị lực sẽ biết vun trồng bồi đắp cho chính tâm hồn và thể xác của mình để có thể sớm trở thành một cây to dang rộng những tán lá. Làm những điều ý nghĩa với bản thân – chúng ta có thể thoả mãn khao khát, lí tưởng và ước mơ của mình. Dù kết quả của nó có như thế nào đi chăng nữa, ít ra, ta đã được sống là một con người với ý nghĩa tuyệt đối và trọn vẹn: biết yêu thương đồng cảm.... biết suy nghĩ, biết tạo ra ý tưởng và thực hiện nó. Mỗi người sẽ có cho mình một ý nghĩa sống riêng – có giản dị, đơn sơ nhưng cũng có lớn lao, kì vĩ. Chính điều này đã góp phần làm nên sự phong phú của nhân sinh, sự phức tạp trong thế giới quan của con người. Có thể vì giá trị sống của loài người như một phương trình tham số khổng lồ vậy. Dẫu biết giá trị của ẩn "X" luôn thay đổi cùng với sự sinh hoá đa dạng của xã hội song, xét ở một góc độ nào đó, nó vẫn luôn bị ràng buộc bởi một giá trị cố định, được gọi là hằng số (constant). Chính hằng số này là nhân tố quyết định đến cùng ý nghĩa sống của mỗi con người. Dù phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo nhưng trước lúc từ giã cõi đời, nhà thơ Thanh Hải vẫn kịp góp “một nốt trầm xao xuyến” của đời mình vào bài ca xuân đất nước bằng một trang bản thảo cùng những nét chữ tuy yếu ớt mà chan chứa tình yêu. Karl Scheele – nhà khoa học vĩ đại của thế kỷ XVIII, người đã sẵn sàng trả giá bằng cả mạng sống của mình cho việc nghiên cứu, và cuối cùng, chính sự ra đi ấy đã mang đến cho nền y học một bước tiến vượt bậc. Thanh Hải và Scheel, một người có khát khao, lí tưởng giản dị, chân thành còn một người có đam mê, ước mơ điên cuồng", cháy bỏng. Họ đã sống rồi chết đi ở hai bước chân của thế kỉ. Họ có một điểm chung đó là sẵn sàng hi sinh, đối mặt với nỗi sợ hãi để đạt được lí tưởng, nguyện vọng chung thân của mình. Những con người như Thanh Hải hay Karl Scheele vẫn xứng đáng với tên gọi của mình, hiên ngang đón lấy hai chữ "Con Người" viết hoa và sừng sững như một tượng đài bất tử... dẫu cho thể xác của họ đã hoà vào cơn cát bụi.
Điều đáng quý nhất ở một con chim là được cất lên tiếng hót cũng giống như con người được nói lên tiếng nói của riêng mình vậy! Sẽ thật vô vị và tẻ nhạt biết dường nào nếu con người ta chỉ sinh ra, lớn lên và chết đi như một quy luật sẵn có. Đúng thế đời người, ai cũng chỉ có một lần để sống! Nhưng sự sống của mỗi người lại hoàn toàn không giống nhau, tựa như cái “phương trình tham số kia vậy. Giá trị, ý nghĩa của mỗi cuộc đời chúng ta không vì hằng số mà mất đi, cũng không vi hằng số mà thêm vào, chỉ có bản thân ta tự nỗ lực, cố gắng để thay đổi những con số đằng sau dấu “bằng” của cái “phương trình" ấy. Những con người không có mục tiêu để sống, không có cho mình một lí tưởng riêng để tồn tại trên cõi đời này thì thật là uổng phí. Sự có mặt của họ không chỉ là vô nghĩa mà còn là gánh nặng cho bao nhiêu người khác, trong khi họ đang vất vả, cố gắng ngày đêm để sớm có thể chạm được đến “ý nghĩa" của chính bản thân mình. Tôi vẫn còn nguyên cái cảm xúc bâng khuâng, suy tưởng mỗi khi nhẩm lại ý thơ của Văn Cao: “Con thuyền đi qua để lại sóng/ Đoàn tàu đi qua để lại tiếng/ Tôi không đi qua tôi để lại gì?” (Không đề).
Trước khi thắp lên ngọn lửa để mang đến ánh hào quang lung linh nhất cho chính mình, bạn phải đảm bảo rằng nó không khiến cho những người xung quanh bạn bị nóng. Mọi ý nghĩ, việc làm của chúng ta đều phải có một điểm tựa, nền tảng trước khi hình thành. Đó là nhân cách. Điều ý nghĩa – lí tưởng của bạn có lớn đến đâu mà không khởi phát từ đạo đức hay phục vụ cho lợi ích chung, lớn hoặc nhỏ, của mọi người thì cũng trở thành là vô nghĩa. Dẫu biết, “làm những điều ý nghĩa cho bản thân đúng, nhưng bạn không được lấy đó làm cái cớ cho sự tổn hại đến lợi ích chung của tập thể, cộng đồng. Bạn phải biết rằng, mỗi người trong số chúng ta là một cá thể của tập thể, là một tế bào sống của nhân loại. Vì vậy, mỗi việc làm, hành vi gây tác động tiêu cực đến cộng đồng – xã hội dù là do gì đi chăng nữa cũng đều bị xem là không đúng! Một hành động chỉ có ý nghĩa cho bản thân khi nó đồng thời mang đến lợi ích chung cho tất cả tắc mọi người. Sự công nhận đó chính là thứ giá trị sống mà con người ta có thể mang theo cả khi chết đi. Do đó, suy nghĩ, ước mơ của mỗi chúng là phải thật sự chính đáng, phù hợp với đạo lí, lẽ phải và quy tắc.
Trong lịch sử nhân loại, đã có rất nhiều con người cả đời phụng sự, làm việc hết mình vì một mục đích sống mà họ hết lòng ca tụng nhưng đến cuối cái mà họ nhận lại, hoặc là sự phỉ báng, hoặc là sự lãng quên. Trong số đó, cái tên Hitler và công cuộc gây dựng sự nghiệp chủ nghĩa phát xít lừng danh chính là một minh chứng điển hình. Về phần mình, tôi hề phủ nhận cuộc đời đầy ắp hoài bão, lí tưởng, ý chí và tài năng của Hitler nhưng tôi giận và tiếc cho ông ta. Bởi vì, Hitler quá độc tài (trên cả vị kỉ) và chỉ nghĩ cho quyền lợi của bản thân, làm những điều mà hắn cho là ý nghĩa và sẵn sàng giẫm lên xương máu của kẻ khác để thoả mãn lý tưởng của bản thân mình. Đấy không chỉ là một việc làm trái với luân thường đạo lí mà hơn nữa còn là phản nhân loại.
Con người quan trọng nhất là cần phải biết phủ định chính minh qua từng ngày. Chưa cần bàn đến việc có thành công hay không, nhưng đã là thay đổi nghĩa là có vận động xảy ra, chúng ta đã được ít nhất một lần là chính mình. Hãy sống hết mình với những gì mà mình có, hãy làm những gì tốt đẹp cho bản thân để khi bánh xe thời gian lăn qua rồi, ta vẫn không thấy nuối tiếc hay bất mãn về những gì mình đã cố gắng có được. “Làm những điều thật sự ý nghĩa cho bản thân”, bạn đừng nên tự đặt ra cho mình những mục tiêu quá lớn mà thay vào đó hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất để làm giàu đẹp tâm hồn mình. Đa số mọi người đều bảo nhau rằng, đã là “điều ý nghĩa” thì nhất định phải là một cái gì đó lớn lao, phi thường song với riêng tôi, đọc những quyển sách mà minh yêu thích, đưa một cụ bà sang đường, hạnh phúc nói cười bên gia đình vào những ngày lễ đi nghỉ mát... cũng đã là những việc làm vô cùng ý nghĩa.
Người thông minh sẽ dùng chiều sâu làm thước đo giá trị cao quý nhất của đời mình và sẽ không sống theo chiều dài của nó... Sống là cuộc hành trình mà mỗi người tìm cho mình một định nghĩa. Ở những người có ước mơ, khát khao và lí tưởng, hành động vì ước mơ, khát khao vì lí tưởng đó chính là lẽ sống, là chân lí của họ. Với riêng tôi, sống là để “được sống” chứ không phải ngược lại. Một đàn cá hồi phải vượt ngàn dặm thác để đến vùng nước ấm mà sinh sản. Những con rùa biển ngay từ khi chào đời đã phải tự mình tìm đường trở về với đại dương, nơi những hàm răng sát thủ luôn rình rập chờ mồi... Sự sống, có được không hề dễ dàng. Bạn hãy giữ lấy nó cho chắc và đừng bao giờ để cho nó tuột khỏi bàn tay của bạn. Phung phí thời gian, công sức cho những điều vô nghĩa với bản thân, vô ích với cộng đồng không khác gì hành vi “tự sát”!
Nhiều người vẫn hay viện đủ mọi lí do để “chứa chấp" cho sự biếng nhác, yếu kém của chính mình thay vì dám đương đầu với nó. Sẽ như thế nào nếu chúng ta không tự thắp lên cho mình ngọn lửa để làm rạng rỡ bản thân? Thay vì tự biến bản thân thành một vật phản quang chỉ biết thu gom ánh sáng từ người khác, ta hãy tự nhấc đôi tay lên và thắp cho mình ngọn đèn để soi tỏ những ước mơ hằng ấp ủ. Ánh sáng sẽ không tự tìm đến, nếu chúng ta quay lưng lại với nó! Bạn đã quên rồi sao, Môda dù mất đi thỉnh giác nhưng vẫn sống hết mình với khát khao cháy bỏng của mình là âm nhạc, để rồi trở thành một ánh hào quang chói sáng giữa đêm trường đấy thôi! Tại sao ta không biến những đam mê, khát vọng, lí tưởng của bản thân thành những “điều thật sự ý nghĩa” bằng ngọn lửa của tiềm thức, sức mạnh đến từ nghị lực và lòng tin? Bạn hãy nhớ lấy, chỉ khi sống hết mình với vai diễn mà tạo hoá đã an bày, ánh đèn cuộc đời mới làm cho hình bóng của ta in mãi lên chiếc sân khấu có bề dày thiên niên kỉ này mà thôi!
Bằng tất cả lòng tin và danh dự, tôi mong những bạn trẻ, những người đã, đang hoặc chưa thực sự sống một cách có ý nghĩa, hãy tự soi vấn bản thân để rồi có thể một lần nữa tìm về lại với chính mình. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải chấp nhận một quy luật của tự nhiên, có hiện hữu thì sẽ có hư vô, có tồn tại thì sẽ có biến mất, có sinh ra thì sẽ có chết đi, điều mà con người có thể nắm chắc trong tay mình khi mọi giá trị vật chất không còn nữa, đó chính là hai chữ "Con Người” với một ý nghĩa trọn vẹn. Nếu biết trăm năm là hữu hạn, sao ta lại không thử trải nghiệm cuộc sống đích thực của riêng mình và làm điều gì đó thật sự ý nghĩa? Tôi tin chắc rằng mỗi khi cảm thấy ngày tháng của mình trôi qua phí hoài, câu hỏi ấy sẽ trở thành một đôi cánh đủ mạnh để nâng bạn vượt qua mọi cám dỗ, tiến lên phía trước. Một chân trời lộng gió ngoài kia đang vẫy gọi chúng ta, hỏi những người con của thế kỉ! "Ta chỉ có một đời để sống. Sao không làm những điều thật sự ý nghĩa với bản thân? – Roise Nguyễn. Dấu chấm hỏi lớn ấy sẽ cứ mãi hiện lên trong sâu thẳm tâm trí mỗi con người như một sự ám ảnh, một lời nhắc nhở nghiêm khắc. Tôi (và cả các bạn nữa!) sẽ không khỏi dằn vặt, day dứt với cuộc đời mình nếu chưa thể tìm thấy cho bản thân một câu trả lời thật xứng đáng! Và cũng như tôi đã khẳng định, chiếc chìa khoá mở ra cánh cửa cho bản thân mỗi người chúng ta thuỷ chung vẫn nằm ngay trong chính câu hỏi ấy, duy chỉ có chúng ta là không chấp nhận đối mặt với đáp án của chính mình mà thôi: “Thế kỉ hai mươi. Ai phiêu bạt trên đường,/ Giữa lửa cháy có khi nào sực nghĩ./ Làm thú vật, làm thánh thần cũng dễ,/ Chỉ có làm người khó biết bao nhiêu”. (Thế hệ chúng tôi, Ép-ghê-nhi Vi-nô-ku-rốp, Bằng Việt dịch).
(Võ Minh Quân - Lớp 11 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Đồng Tháp)
Xem thêm: NLXH 200 chữ: "...Chiếc cày xé rách mảnh đất nhưng sẽ làm cho đất thêm phì nhiêu”
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận