NLXH dành cho học sinh giỏi: Cái nông cạn của hồn người

Biển cạn, con người vẫn là con người dẫu khó khăn và chật vật. Hồn cạn, con người dễ trở thành con thú dù sung sướng đề huề. 

Đỗ Thu Nga
15:00 07/05/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Suy nghĩ về đoạn thơ:

“Nhà bác học lắc đầu: Nhà thơ đau khổ

Nhà báo, nhà văn hết sức cảm thương

Rằng mực nước biển Caxpie cứ rút

Biển cứ cạn dần. Biển sắp gặp tai ương!

Tôi cứ nghĩ, đôi khi, rằng đời người quá ngắn

Để rồi lo biển cạn đến bao giờ!

Cái nông cạn hồn người đang sống

Đã báo động cho người thực sự biết lo chưa?”

(Raxun Gamzatop – Daghextan của tôi, quyển 2, tr73, NXB Cầu vồng, 1984)​

BÀI LÀM:

Trong tập “Đaghextan của tôi”, nhà thơ Nga Rasul Gamzatov từng có những câu thơ thấm thía chất suy tư:

“Tôi cứ nghĩ đôi khi, rằng đời người quá ngắn

Để ngồi lo biển cạn, biết bao giờ

Cái nông cạn của hồn người đang sống

Đã báo động cho người thực sự biết lo chưa?”

Những câu thơ ấy khiến ta phải suy nghĩ nhiều về cuộc sống hiện nay và những thách thức mà con người hiện đại đang đối mặt.

Con người trong cuộc sống phải đối mặt cùng lúc với nhiều thách thức, có thách thức đến từ hiện thực khách quan bên ngoài, cũng có những điều gây ra bởi chính chúng ta, mà chúng ta không nhận ra hay chưa để ý đến. Mở đầu đoạn thơ, R. Gamzatov khắc hoạ liên tiếp những hình ảnh khơi gợi trí tò mò với nhịp thơ dồn dập:

“Nhà bác học lắc đầu. Nhà thơ đau khổ

Nhà báo, nhà văn hết sức cảm thương”

Điều gì khiến cho người đại diện của các ngành nghề đều phải ngán ngẩm như vậy? Biển Caxpie đang cạn. Biển cạn đá mòn tưởng chỉ là cách nói ví von về những điều vĩnh cửu mà nay đã xảy ra trước mắt. Đây thực sự là một vấn đề lớn khiến cho con người phải đau đầu. nhịp thơ chững lại rồi bước sang giọng trầm ngâm suy tưởng:

“Tôi cứ nghĩ, đôi khi, rằng đời người quá ngắn

Để rồi lo biển cạn đến bao giờ!

Cái nông cạn của hồn người đang sống

Đã báo động cho những người thực sự biết lo chưa?”

nlxh-danh-cho-hoc-sinh-gioi-cai-nong-can-cua-hon-nguoi-9

Cái nông cạn của biển hay cái nông cạn của lòng người mới thực sự là điều mà ta cần lo lắng? Có lẽ cả hai. Việc biển cạn dần quả thật là một tín hiệu đáng lo về những diễn biến bất thường của môi trường sống. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những người mưu sinh bằng biển cả, đến sự đa dạng sinh thái và lớn hơn là khí hậu toàn cầu. Một chiếc máy điều hòa không khí tự nhiên đang hỏng hóc, đó thực sự là vấn đề đáng lo một cách nghiêm túc và lâu dài trong tương lai. Thế nhưng ngay trong hiện tại, có một thứ cũng đang ngày càng nông cạn mà có khi ta chẳng thấy, hay không cho rằng đó là điều đáng được quan tâm: hồn người. 

Vũ trụ bao la rộng lớn vô cùng, có biết bao điều xảy ra trước mắt rõ mười mươi mà ta không thể chi phối tác động được. Biển cạn là một điều như thế. Từ trước khi có con người xuất hiện, biển và những mảng lục địa đã không ngừng biến thiên thay đổi theo quy luật của riêng mình. Sự thay đổi ấy ngày nay có tác động sâu sắc đến cuộc sống của con người, chí ít là về sự sinh tồn về mặt sinh học. Nhưng biển cạn là một cái gì xa lắm: còn một thời gian rất xa sau nó mới cạn, mới thực sự có tác động đến con người và cách giải quyết thì dường như xa lạ với một người bình thường. 

Nhưng cái nông cạn của hồn người thì gần lắm: nó nằm ngay trong mỗi con người, có tác động hàng ngày lên từng hành động của ta, và việc xử lý nó không phải công việc của những nhà khoa học: đó là công việc của mỗi người, thiết thân như máu thịt.

 Nhịp sống hối hả gấp gáp của thời đại công nghiệp khiến chúng ta không kịp sống sâu với từng khoảnh khắc cuộc đời. Thời gian trôi qua vội vã, mọi người sống vội vã tạo thành một guồng quay khổng lồ kéo tất cả vào nhịp sống vội vàng chung. 

Sống chẳng thật sâu, nên tình cảm thường nông cạn. Hồn người ít kịp rung động, trắc ẩn trước những trạng thái của sự sống, trước hoàn cảnh của những người xung quanh. Ta đi quá nhanh để rồi lướt qua mọi vật khi chưa kịp cảm chúng, lướt qua mọi người khi chưa kịp hiểu họ. Những tình cảm tinh tế - thứ tinh chất nuôi dưỡng sự sống người bị mài mòn hầu như không còn, trở thành một điều xa xỉ chỉ dành cho những kẻ rảnh rỗi, không thức thời. Những thú giải trí bằng điện tử được ưa chuộng hơn là trầm ngâm trước một bông hoa chiếc lá, bên một quyển sách, một chén trà. 

Thiếu những phút giây lắng lại cùng những suy nghiệm về cuộc đời, nên chỉ nhìn thấy những lợi ích trước mắt, những giá trị ngắn hạn. Có lẽ một phần do áp lực cuộc sống (không chỉ ở đô thị), áp lực mưu sinh, mà tiền bạc đang lên ngôi từng ngày. 

Không phủ nhận giá trị của tiền bạc, nhưng nếu nó leo lên ngôi vị cao hơn cả con người, đứng trên hết mọi điều, thì sự nông cạn của nhận thức ấy thật sự nguy hiểm. Nó tạo ra lối sống vị kỉ, chủ nghĩa vật chất, vô hình chung đẩy những giá trị khác của cuộc sống như sự tử tế, đạo đức xuống những nấc thang dưới cùng. Thang giá trị của xã hội đảo lộn khi trong nhận thức nông cạn, người ta chỉ nhìn thấy những giá trị thiết thân. 

Nước Mỹ những năm năm mươi của thế kỷ trước đã chứng minh đó là một điều tai hại. Sự phát triển quá nhanh của nền kinh tế khiến con người chỉ còn biết lao đầu theo những giá trị vật chất phù phiếm. Để rồi sinh ra cả một thế hệ bơ vơ chỉ biết chạy theo ánh đèn xanh mờ ảo của danh vọng và lợi ích, nhưng thẳm sâu bên trong lại cô đơn tột cùng. Những con người ấy đã hóa thành kiệt tác “Đại gia Gatsby” – cuốn sách vĩ đại nhất thập kỷ 50 của Mỹ. 

Khi con người sẵn sàng bất chấp mọi thứ để đạt được những lợi ích thiết thân, tức là ta đang hạ thấp sự trung thực, tử tế, đôn hậu. Không ai cho không ai một cái gì và nếu ai làm vậy thì thật là ngờ nghệch. Những người thật thà trở vị tha trở thành kẻ ngốc trong mắt những kẻ gian manh vị kỷ. Nó uy hiếp trở thành sự nông cạn của đạo đức, của tính người. 

Đó mới là cái nông cạn đáng báo động hơn là sự nông cạn của biển Caxpie. Biển cạn, con người vẫn là con người dẫu khó khăn và chật vật. Hồn cạn, con người dễ trở thành con thú dù sung sướng đề huề. Sự nông cạn của hồn người không đe dọa đến sự sống mà đặt ra báo động về việc chúng ta có còn là con người hay không. Điều ấy, theo tôi, quả thật là đáng lo hơn sự nông cạn của biển cả.

Song tại sao người ta thường lo lắng về việc biển cạn dần hơn là hồn cạn? Có lẽ bởi sự khô cạn của biển có thể được đo bằng những con số trực quan, mắt thấy tai nghe, đánh động vào ý thức về lợi ích của con người. Đó là một cái gì uy hiếp đến sự sống ổn định của chúng ta, có thể được quan sát, nên đáng lo. Nhưng cái nông cạn bên trong thì chẳng mắt nào thấy được. Có chăng, chỉ có những trái tim ấm nóng yêu thương, những tâm hồn nhạy cảm, những tấm lòng hiểu sâu sắc trách nhiệm đối với xã hội mới cảm được mà thôi. Đó là cái nông cạn vô hình và chưa thấy rõ hậu quả nhãn tiền, nên người ta thường không thấy hay cố tình không thấy. 

Hệ giá trị của xã hội là những gì mà xã hội ấy đồng ý thỏa hiệp. Nếu sự nông cạn của lòng người không được ý thức hay bị coi là một lẽ dĩ nhiên, người ta sẽ nhìn nhận nó như một điều bình thường và không bao giờ được giải quyết. Sự thờ ơ của con người với chính mình còn nguy hiểm hơn sự thờ ơ với môi trường vậy.

Nhưng Gamzatop đã viết bài thơ này gần một nửa thế kỷ trước. Cảnh báo về sự nông cạn của hồn người vẫn còn nguyên giá trị nhưng ý niệm về biển Caxpie cần phải thay đổi. Sự biến đổi của môi trường sống trong những năm gần đây đã không còn là chuyện của tương lai, chuyện “biết bao giờ” nữa. Đó là chuyện xảy ra trước mắt, hàng ngày và rất thiết thân. Nhưng tôi tin rằng nếu con người biết sống sâu sắc với cuộc đời, thì chúng ta sẽ có một thái độ ứng xử đúng đắn với vạn vật – và đó là cách giải quyết tốt nhất của vấn đề. 

Xem thêm: NLXH: Trở thành người thành công hay người hạnh phúc?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận