Chủ nghĩa thực dụng - Bài NLXH được nhận xét "giàu cảm xúc và có chỗ đã đi tới cùng nhiệt huyết, lý tưởng"

Đây là bài NLXH bắt được cảm hứng và dành nhiều tâm huyết lẫn chất xám để viết. Đây cũng là trong số ít bài viết được cô phê: "Giàu cảm cúc và có chỗ đi tới cùng nhiệt huyết, lý tưởng".

Đỗ Thu Nga
10:00 22/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Anh/chị nghĩ/thấy gì khi chủ nghĩa thực dụng lan tràn khắp thế giới?

BÀI LÀM:

Cái bình nhỏ đầy nước vẫn sẽ tràn, bình lớn đầy nước cũng sẽ tràn. Sẽ ra sao, khi mọi thứ đều đầy ụ, quá nhiều đến mức không có cái gì có thể chất chứa nữa? Và cuộc sống sẽ như thế nào, khi chủ nghĩa thực dụng tràn lan khắp thế giới?

Nếu hiểu theo quan niệm triết học của Mỹ - đất nước đã khai sinh “chủ nghĩa thực dụng”, thì nó được xoay quanh ba nguyên tắc căn bản: ý tưởng của ta chỉ có giá trị khi đã được thử nghiệm trong hoạt động thực sự của con người; kinh nghiệm là kết quả của sự tương tác giữa con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên; trong đời sống, con người sẽ phải đối phó với nhiều vấn đề khác với những kinh nghiệm đã từng trải qua làm cho đời sống bỗng dưng bị “trục trặc,” và cần được giải quyết. Nhưng nội hàm của vấn đề đã được mở rộng khi đặt trong bối cảnh đời sống xã hội Việt Nam – mọi hoạt động, lối sống, ứng xử dựa tên mà mắt thấy, tai nghe; dựa trên những kinh nghiệm đã có, thậm chí được đẩy tới mức lệch lạc, quá tôn sùng các giá trị vật chất, chạy theo những lợi ích nhất thời trước mắ để rồi bất chấp cả những chuẩn mực đạo đức xã hội. Đặt vấn đề “thực dụng” đến mức “chủ nghĩa” – tối thượng, độc tôn trong bối cảnh “tràn lan” khắp thế giới, tức sự lây lan, xâm chiếm một cách nhanh chóng, mất ổn định và kiểm soát, xâm nhập vào từng tế bào, ngóc ngách. “Chủ nghĩa thực dụng” chưa bao giờ ngưng nóng hổi trong xã hội ngày càng khi nó đang chi phối tâm tính và hành động của con người quá nhiều đến mức mất lý trí, không thể tự chủ. Từ đấy, đặt ra một lời cảnh thức đầy nhức nhối đến mọi người khi đang vô tình đắm chìm quá sâu trong ma lực của vật chất.

nlxh-chu-nghia-thuc-dung

Tôi đau đáu khi nhìn thấy một thế hệ trẻ đang dần đóng khung tuổi trẻ trong triễn lãm thời gian, chỉ biết đuổi theo vật chất mà quên mất đi việc tận hưởng tuổi trẻ. Một thế hệ người trẻ đua nhau khoe khoang xem thiết bị di động của ai đắt hơn ai hay việc cứ đi theo trào lưu học thêm quá nhiều chỗ mà không màng đền việc ở đâu là chất lượng với lối suy nghĩ bỏ nhiều tiền, học nhiều chỗ sẽ giỏi ra. Nỗi xót xa ấy còn dâng cao khi tham nhũng mãi chưa được giải quyết dứt điểm, hối lộ ngày nay còn xuất hiện ở trường học,… và ngay chính những đứa trẻ ngỡ tưởng không liên can với vật chất cũng đang đua nhau so xem tiền lì xì của ai nhiều hơn ai mà quên đi ý nghĩa của nó là để cầu an. Một xã hội đang cạnh tranh nhau vì đồng tiền mà bán rẻ nhân cách để đổi lấy những đồng tiền nửa vời…

Nhưng không một ai có thể phủ nhận giá trị của đồng tiền nói riêng và vật chất nói chung. Khi xã hội đang càng phát triển với nhiều hình thái, đa sắc khác nhau thì đồng tiền cũng càng có giá. Nếu thuở cổ chí kim về trước, con người nguyên thủy leo trèo săn bắt động vật và trái cây để ăn thì bây giờ, con người không còn làm những công việc ấy nữa mà phải đánh đổi chính sức khỏe và cả sinh mạng mình để có cái ăn. Và tôi lặng người đi khi nhìn thấy hình ảnh một người cha tên Phạm Văn Bình ở Hà Tĩnh dù bệnh tật trước đó giày vò liên miên nhưng vẫn phải cắn răng trốn gia đình bán thận để kiếm chút tiền ít ỏi về cho mẹ già và ba con thơ có cái ăn qua ngày. Hay cụ ông đã gần 97 tuổi tại Sài Gòn vẫn phải còng mình bán bánh ú dù số tiền lời chỉ có 100 ngàn đồng mua hai con gái bị bệnh. Tiền bạc càng ngày càng có uy lực trong cuộc sống mà ở đó dường như những kẻ nghèo khó bị thua thiệt, trở nên bị áp lực trong trò chơi cuộc đời. Nếu cuộc đời là một ván bài, thì đồng tiền từ bao giờ đã trở thành đã trở thành người chủ ván và con người chỉ là những kẻ chơi bài, ai có tiền sẽ thắng và ngược lại. Tôi không phủ nhận giá trị của tiền bạc, nhất là khi công nghệ 5.0 đang được các nước nghiên cứu và phát triển, khi đó số tiền để có thể sở hữu trí tuệ nhân tạo là quá lớn. Nhưng liệu, sự đánh đổi vì những giá trị vật chất cho những lợi ích khác có đáng hay không?

Cuộc sống sinh ra chúng ta có đôi mắt ở phía trước, vốn ngụ ý để ta có thể nhìn đường xa chứ không hạn hẹp. Nhưng thứ ma lực đầy quyến rũ của đồng tiền cũng đã vấy bẩn tâm can con người và làm mờ đục đi đôi mắt, chặn lại tư duy để tự mình xâm phạm đến những suy nghĩ của họ. Con người dần trở nên thực dụng hơn, khi họ hiểu nếu không có vật chất thì rất khó để tồn tại trong xã hội cũng đang dần biến chất này. Từ lẽ tất yếu sự tồn tại của vật chất, nó dần khuếch trướng dã tâm con người, muốn trở nên giàu có gấp bội mà đánh mất đi giá trị phía trước. Cả thế giới từng lên án tổng thống Brazil Jair Bolsonaro khi ông ta cho phép khai thác rừng Amazon – vốn được xem là lá phổi xanh của Trái Đất vì những lợi ích kinh tế. Ngay cả khi vụ cháy rừng nổ ra kéo dài suốt nhiều tháng liền thì ông ta cũng dửng dung, không chấp nhận bất kì sự giúp đỡ quốc tế nào, chỉ biết vùi mình trong khoái lạc do thứ tiền dơ bẩn ông ta kiếm được. Tôi đã nghĩ, con người là động vật cấp cao, sẽ không phải tranh giành đồ ăn đến mức bâu xé nhau như những loài động vật đang sinh tồn trong rừng. Nhưng hiện thực phũ phàng khiến tôi hiểu, vì tiền mà con người có thể bất chấp tất cả, kể cả sinh mạng của nhau. Không chỉ dừng lại tại đấy, mà ngay chính những giá trị vốn được con người nâng niu gìn giữ và trân trọng qua các thế hệ cũng dần bị giẫm đạp như tri thức, mà cụ thể là sự kiện mua điểm đại học tại Hà Giang. Chỉ vì một chút hào nhoáng, vì cái danh trường đai học danh tiếng mà những người làm cha mẹ quăng cuộc đời con mình vào ngõ cụt và sự u mê tiền bạc cũng khiến những người trong ngành trở nên tha hóa. Tiền tài sẽ giúp cho một hay nhiều cá nhân có thể đạt chăn vào cổng trường đại học, nhưng nó không thể mua được nhân cách con người, không thể giúp những người con ấy thêm chữ vào đầu và trở thành những người tài giỏi hơn. Và đáng để lên án hơn hết, là những người đã đem người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào đất nước ta để rồi làn song Covid lần thứ hai bùng lên mạnh mẽ và khó lường hơn rất nhiều. Nhưng cái giá mà họ được trả là bao nhiêu? Hai trăm năm mươi ngàn đến một triệu? Số tiền đó có vinh quang hay không? Không. Rõ ràng, họ cũng có thể tự làm nên bằng chính đôi bàn tay của mình, nhưng rồi họ không làm thế, mà lựa chọn ích kỉ ấy đã đẩy cả một dân tộc vào hiểm nguy lần hai, và đẩy chính cuộc đời mình vào tù tội. Có đôi bàn tay, vẫn còn đầu óc,… vì sao con người lại không tự làm nên cuộc đời mình, làm nên những đồng tiền “thật” – bằng chính mồ hôi, nước mắt để có thể cầm nó trên tay hãnh diện, không lo sợ đồng thời khẳng định chính bản thân mình?

Tiền bạc tự lúc nào đó đã gây nên những nỗi đau đắng nghét như vậy. Chiến tranh đi qua để lại quá nhiều mất mát và khổ đau trong lòng dân tộc ta, nhưng sự phát triển về mặt kinh tế lại không thể chậm trễ thêm giây phút nào. Điều ấy đã buộc chúng ta phải bắt tay với chính những kẻ thù năm xưa để tạo điều kiện vươn xa hơn, nhưng nó không đồng nghĩa với việc chúng ta hạ thấp lòng tự trọng và tự tôn của mình. Chúng ta tôn trọng họ về mặt phát triển bền vững, lâu dài nhưng vẫn ánh lên lòng tự tôn dân tộc đầy kiêu hãnh về một dân tộc đi qua hàng nghìn năm lịch sử. Đúng là chúng ta cần sự ổn định và kinh tế nhưng không có nghĩa nỗi đau lịch sử sẽ bị xóa nhòa đi một cách dễ dàng. Nó ở đấy và mãi ở đấy để nhắc nhở ta, đừng vì đồng tiền phút chốc mà đánh đổi cả một quá khứ của cha ông. Hay nói đến thực trạng từ thiện. Từ thiện có còn là từ thiện hay chỉ là một hình thức câu like? Truyền thông ngày đêm đưa tin rầm rộ ca sĩ này đã quyên góp bao nhiêu, diễn viên kia đã mặc đồ giản dị ra sao để ủng hộ các bé,… Nhưng đó có phải trọng tâm không? Rõ ràng ghi là “từ thiện”, nhưng số tiền để chi ra cho truyền thông lại lớn hơn nhiều cho việc ấy. Tôi tự ngẫm, người đọc báo, xem tin tức rốt cuộc đã biết thêm gì về những đứa trẻ tội nghiệp hay những mảnh đời bất hạnh kia, hay chỉ vài ba tấm ảnh lướt qua và trung tâm là những người nổi tiếng kia. Chẳng ai biết, những người nhận được từ thiện là ai, hoàn cảnh thế nào. Số tiền ấy, cuối cùng lại khiến cho những mảnh đời ấy trở nên dựa dẫm, bị động, chỉ thích ỷ lại và đợi chờ lại thêm một người nổi tiếng nào đó đến tiếp. Tôi cho rằng tiền ở đây đã dùng sai cách, và điều chúng học được là “chủ nghĩa thực dụng” theo mặt tiêu cực đang lan tràn trong tâm can, gây nên cả một hệ lụy cho thế hệ sau lụi tàn theo nghĩa đen lẫn bóng. Tôi nghĩ, sự can thiệp của chính quyền địa phương và chính phủ trong mọi vấn đề đều là cần thiết, để có một hướng đi rõ ràng, cụ thể. Đồng thời, chính mỗi cá nhân cũng cần biết rõ, điều mà theo chúng ta đến cùng ngay cả khi xa rời cuộc sống là chính bản thân mình chứ không phải tiền, chẳng ai chết đi có thể mang theo tiền bạc cả. Nên rằng, hãy sống vừa đủ, đừng quá tham lam để rồi “nuốt nghẹn”, sống một cuộc đời e dè, lo sợ,.. Cũng như, chính những hoàn cảnh khó khăn, thực sự cần tiền thì sẽ có những chính sách riêng. Một sự thật rằng nếu không có thực dụng con người sẽ không thể sống, nhưng quan trọng, phần thực dụng ấy do ai làm chủ? Phần “con” hay “người”?

Đứng dưới góc độ một người trẻ khiến tôi quan hoài nhiều thứ. Trải qua liên tục nhiều biến cố từ các vụ cháy rừng tại Brazil, Australia,… đến vụ nổ tại thủ đô Beirut và hơn hết là dịch bệnh đã hoành hành quá lâu khiến tôi bừng thức nhiều thứ. Tiền bạc đúng là quan trọng nhưng lại không phải là tất cả. Mà điều cốt yếu ở cuộc đời mỗi người là đã, đang và sẽ trở thành con người như thế nào. Nếu không thành công, con người vẫn có thể làm lại nhưng thành nhân lại là sự chắt chiu, tích góp kinh nghiệm sống qua mỗi ngày. Cuộc đời mỗi người chỉ là cõi tạm, mỗi chúng ta đều là những người khách ghé ngang trần gian để hoàn thành sứ mệnh của riêng để rồi khi rời đi lại mang theo một tâm hồn an yên, trong sạch. Và tôi đã nghĩ, khi con người trên khắp thế giới đang lao đao vì Covid-19 thì liệu có rất nhiều tiền có giúp họ tăng cơ hội sống hay không? Không! Lúc này tôi hiểu, cũng có lúc vật chất thất bại trước sức khỏe. Tôi nghiêm túc muốn tham gia công tác tình nguyện phòng chống dịch, sau khi nhìn thấy các thế hệ đi trước đều đã dấn thân, từ 7x, 8x và 9x. Thì thế hệ chúng tôi sao có thể bỏ cuộc? Tôi muốn hiểu cảm giác trực tiếp của các bác sĩ, thấm nhuần cho một tuổi trẻ sống hết mình và cống hiến, chứng minh cho mọi người thấy chúng tôi cũng có thể làm rất nhiều thứ. Chứ không phải là sự im lặng tận hưởng những điều kiện một cách vô bổ và phí phạm, chỉ biết cúi đầu, tay lướt lướt trên màn hình điện thoại và những cuộc tranh đua vô bổ về những món hàng được mua chưa phải do tiền chúng tôi. Dẫu cho tôi chưa thể tự kiếm ra đồng tiền của mình, nhưng tôi biết điều mình cần làm, phải làm và nên làm, thấm thía con người là thủ lĩnh cầm cương những giá trị vật chất.

Chủ nghĩa thực dụng sẽ luôn tồn tại, nhưng quyết định nó tốt hay xấu, lại nằm trong tay mỗi người.

Xem thêm: NLXH: “Nghèo nàn về vật chất dễ chữa, nghèo nàn về tâm hồn khó chữa"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận