NLXH: Bàn về hành trình lĩnh hội tri thức theo lời khuyên của Đức Phật

Đức Phật khuyên chúng ta rằng: "Chớ vội tin điều gì chỉ vì nó là truyền thống được truyền lại qua nhiều thế hệ". 

Đỗ Thu Nga
11:00 03/04/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

“Để trả lời câu hỏi do dân làng đưa ra, rằng phải tin vào điều gì trong khi có quá nhiều quan điểm mâu thuẫn nhau, đang được các vị thầy và học giả thời đó khẳng định, Đức Phật khuyên:

Chớ vội tin điều gì chỉ vì bạn đã nghe nói về nó

Chớ vội tin điều gì chỉ vì nó được nhiều người nhắc đến và lan truyền

Chớ vội tin điều gì chỉ vì nó được viết trong kinh điển

Chớ vội tin điều gì chỉ vì được các vị thầy và các bậc trưởng thượng nói ra

Chớ vội tin điều gì chỉ vì nó là truyền thống, được truyền lại qua nhiều thế hệ.

Mà sau khi quan sát và phân tích, khi thấy điều gì hợp với lý lẽ, dẫn đến điều tốt và ích lợi cho bản thân và mọi người, hãy chấp nhận và sống theo nó.”

(Dẫn theo Dzogchen Ponlop, Đường đến cuộc cách mạng tâm thức, Nhà xuất bản Hồng Đức)

Lời khuyên của Đức Phật trong đoạn trích trên gợi cho em bài học gì về hành trình lĩnh hội tri thức? Hãy viết bài văn nghị luận trình bày về một bài học mà em tâm đắc nhất.

BÀI VIẾT: 

Cuộc sống luôn đầy rẫy những điều sai trái, dối trá đang từng giờ ẩn mình rồi núp bóng trong mọi ngóc ngách của sự thật, của những điều tốt đẹp. Chúng biến điều sai thành đúng, đúng thành sai; tin đồn thành sự thật và vùi lấp các giá trị quy chuẩn. Chính vì thế trong hành trình lãnh hội tri thức chúng ta phải biết chắt lọc đúng sai, phải biết chọn lựa điều hay lẽ phải để tiếp thu, ghi nhận. Đừng vội vã tin vào điều gì đó mà bản thân chưa xác thực. Đừng nhắm mắt đưa tay thỏa hiệp với xảo ngôn. Cũng như trong đoạn trích trên, Đức Phật khuyên chúng ta rằng:

“Chớ vội tin điều gì chỉ vì nó là truyền thống được truyền lại qua nhiều thế hệ”

Lời khuyên của đức Phật dường như có sự mâu thuẫn, vậy tại sao Ngài lại khuyên như thế?

nlxh-ban-ve-hanh-trinh-linh-hoi-tri-thuc-theo-loi-khuyen-cua-duc-phat

Như các bạn đã biết, trong quá trình bồi đắp tri thức ta tiếp thu tài nguyên từ nhiều nguồn khác nhau. Mỗi một thông tin ta tiếp nhận có thể là đúng, có thể là sai, hoặc cũng có thể là vừa đúng vừa sai, vì thế ta nên có sự chắt lọc, có lập trường cá nhân để phân tích, làm rõ thông tin đó. Chúng ta không nên vội vã hay nhanh chóng trong việc thu nạp kiến thức khi chưa “cân đo đong đếm” kỹ càng. Ví điều này như cách máy tính hoạt động: nhập ngàn dữ liệu, xử lý thông tin tiêu chuẩn, rồi xuất những dữ liệu chuẩn xác.

Điển hình cho việc “chớ vội vã tin điều gì” là khi một người không chạy theo xu thế bầy đàn và luôn kiên quyết với bản thân. Ở đây không có nghĩa là họ bảo thủ hay lý tưởng đám đông không tốt mà là khi họ nắm bắt thông tin đúng, họ không “gió chiều nào theo chiều ấy”. Trên hết, họ là những người có lập trường riêng có tư chất cá nhân biết chọn lọc thông tin đúng đắn làm kim chỉ nan.

Vậy tại sao chúng ta lại không nên tin vào truyền thống hay điều được lưu truyền lại qua nhiều thế hệ một cách chóng vánh? Đấy đều là những điều được đúc kết từ bao đời nay, bằng máu bằng nước mắt của cha ông ta, cớ sao ta lại “chớ vội tin”?

Như ta có thể thấy, một vài điều được cho là truyền thống, là kinh nghiệm kết tinh bao đời đến nay đã không còn phù hợp, không còn đúng đắn với xã hội ngày nay. Chúng ta đang sống ở thế kỷ thứ XXI và đang trong cuộc cách mạng đổi mới thứ IV. Xã hội nơi ta sống ngày càng phát triển, đất nước nơi ta sinh ngày càng tân tiến và thế giới ngày một hiện đại hơn. Mọi thứ đã thay đổi và không có gì là bất biến và trường tồn giữa muôn trùng vạn biến. Những hủ tục, quan niệm xưa theo thời gian cũng phải thay đổi và không còn đúng với thước đo ngày nay. Nhìn lại Việt Nam khi còn dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ đã khổ cực biết bao với “tam tòng tứ đức” với “trọng nam khinh nữ” nhưng người phụ nữ Việt Nam ngày nay đã và đang ngày một khẳng định những giá trị bản thân độc lập, ủng hộ nữ quyền và đấu tranh cho bình đẳng giới. Họ không còn bị xã hội chà đạp, khinh rẻ tận đáy hay đúng hơn, họ không cho phép bản thân bị nhìn nhận ở đẳng cấp thấp. Họ yêu cầu sự tôn trọng và sự yêu thương, một lẽ cơ bản của quyền con người nhưng chẳng may bị tước đoạt. Như vậy nếu sống ở thế kỷ XXI và đối xử với một người phụ nữ như ở thời phong kiến, bạn có thể không? Bạn hoàn toàn chẳng thể làm điều đó vì nó không hề phù hợp với thời đại và xã hội này. Vậy phải chăng chúng ta đừng nên vội tin một điều gì đó được cho là truyền thống hay được truyền lại qua các thế hệ vì có thể điều đó không còn phù hợp. Những khái niệm cổ lỗ xỉ thì chắc chắn không thoát khỏi thoái trào bởi quy luật tạo hóa là chọn lựa không phải thứ tốt nhất mà là phù hợp nhất.

Người xưa thường thông qua giao tiếp, sử dụng chủ yếu là trí nhớ và tính truyền miệng để lưu truyền những bài học, những câu chuyện. Vậy những truyền thống, những điều được đúc kết đó có thực sự là chính xác như cách được đồn thổi? Bởi lẽ bản chất của tính truyền miệng sẽ có thêm sẽ có sự thêm thắt, cắt bớt hay sáng tạo thêm tăng phần sai lệch không chính xác. Những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích từ đời này sang đời khác, chẳng ai biết được là thật hay giả, tác giả là ai. Vậy có phải ta không nên vội vàng tin vào những điều không có tính minh bạch, không được kiểm chứng?

Tuy nhiên, đâu đó ta vẫn thấy, vẫn gặp hình ảnh của những kẻ mê tín dị đoan, tin vào những lời đồn nhảm nhí hay báo lá cải. Những người như thế cần phải thay đổi suy nghĩ, thay đổi tư duy để không bị làm lung lay hay bị mặt tối của xã hội làm mê muội. Bởi lẽ, chúng ta hơn động vật ở chỗ ta có tư duy, suy nghĩ; nếu chúng ta chỉ làm theo bản năng, làm theo người nào đó dẫn dụ mà không có sự hoài nghi, xem xét vậy chẳng phải thua kém gì một con vật hay sao? Cuộc sống này là đầy rẫy những nghịch lý, phải biết chọn lựa những điều đúng đắn, điều tốt đẹp để học hỏi cốt để phát triển và hoàn thiện bản thân hơn. Không nên mù quáng tin vào điều thiếu rành rọt, rõ ràng để bản thân trượt dài trong sự lạc hậu và ngu dốt.

Nhưng đừng vội tin người khác hay điều gì đó không có nghĩa là ta bảo thủ, ta cho rằng, ta khăng khăng ta là đúng. Chúng ta nên giữ vững lập trường trước những điều sai lệch, điều không phù hợp nhưng không phải là không mở rộng ra để tiếp thu những điều khác, phải có va chạm thì ta mới có thể chọn lọc điều hay lẽ phải, điều đúng, điều sai từ đó phát huy và gìn giữ. Ta hòa nhập nhưng không hòa tan. Những điều truyền lại đôi khi không hẳn hoàn toàn sai, ta không nên bài trừ triệt để. Bởi  những điều cha ông truyền dạy là cội nguồn gốc rể làm người, những điều tốt đẹp như: tinh thần hiếu học, lòng tự trọng, lòng nhân ái... cần được giữ lửa và tiếp thu.

Nói tóm lại, chúng ta không nên vội vàng tin vào một điều gì đó chưa được xác thực hay chọn lọc. Người xưa thường nói “trăm nghe không bằng mắt thấy”. Chúng ta nên sáng suốt tư duy để lặt ra những chân lý đang bị vùi lấp trong bóng tối. Bên cạnh đó còn cần phải thực hành những điều hay, những chân lý để chúng mãi sáng về sau.

(Lưu Thị Hà Giang - 11CV, trường THTH ĐHSP, 2019 - 2020)

Xem thêm: NLXH: “Tôi bỏ học Đại học chứ không bỏ học"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận