NLXH 200 chữ về câu nói của nhà thơ R.Tagore
Đề bài: Nhà thơ R.Tagore đã nói rằng: “Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó, nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đừng trong đêm”. Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói trên.
Trên đường đời, có lẽ, con người vẫn mãi loay hoay để học hỏi, để nghiệm ra những điều bình dị, tốt đẹp vẫn hiện diện quanh đây, mặc cho cuộc sống vẫn quay cuồng. Điều bình dị đó có thể là lòng biết ơn. Và đó cũng là điều mà nhà thơ R.Tagore đã nhắc nhở chúng ta: “Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó, nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm”. Câu nói trên giản dị, ngắn gọn mà ẩn chứa một ý nghĩa triết lý sâu sắc. Ánh sáng của ngọn đèn tỏa sáng mọi nơi, rọi sáng bóng đêm giúp ta soi rõ mọi vật và không bị lạc lõng trong màn đêm u tối. Nhưng nó là sản phẩm mà con người làm ra, là sự đóng góp thầm lặng của những “người cầm đèn kiên nhẫn đứng trong đêm”. Nhưng câu nói của R.Tagore phải chăng còn muốn truyền cho ta một điều gì lớn lao hơn thế? Nếu ánh sáng của ngọn đèn là thành quả tốt đẹp thì “người cầm đèn” lại tượng trưng cho những đóng góp, những hi sinh thầm lặng. Câu nói đã đúc kết nên một nét đẹp về đạo lý, nhắc nhở ta về lẽ sống ân nghĩa, biết trân trọng thành quả, biết tri ân những người làm ra thành quả đó và những hi sinh thầm lặng.
Cuộc sống nhiệm màu này thật đáng sống biết bao khi ta luôn nhận ra và tự nuôi dưỡng mình bằng lòng biết ơn với bao điều tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu ngay thời khắc này và mãi mãi bên cạnh mỗi chúng ta. Sự hi sinh xương máu của các vị anh hùng dân tộc, các chiến sĩ yêu nước để bảo vệ nền độc lập, xây dựng đất nước giàu đẹp phát triển ngày hôm nay đã tạo cho ta lòng biết ơn sâu sắc. Việc xây dựng đền đài, tượng tưởng niệm không chỉ để tưởng nhớ những việc họ đã làm cho Tổ quốc mà đó còn là sự nhắc nhở ta không bao giờ được quên nguồn gốc của mình. Đạo lý ấy đòi hỏi chúng ta phải nhớ tới cội nguồn, nhớ tới thế hệ đi trước, đồng thời phải nghĩ đến những lớp người mai sau. Bởi vậy mà chúng ta đừng bao giờ quên đi cội nguồn hạnh phúc và cũng đừng bó hẹp trong phạm vi của cái “nhận” mà hãy cho đi lòng biết ơn – đó là cách tốt nhất để đáp trả sự giúp đỡ. Hãy cố gắng để trở thành “người cầm đèn” cho các thế hệ mai sau!
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)
- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).
- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)
2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)
- Giải thích các khái niệm liên quan.
- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.
+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.
3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)
+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.
Xem thêm: NLXH 200 chữ: “Đừng cảm thấy tiếc vì bụi hoa hồng có gai, mà hãy vui vì trong bụi gai có hoa hồng”
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận