NLXH 200 chữ: "Có phải trong cuộc sống, mọi khoảng trống đều phải lấp đầy?"
Đề bài: “Có phải trong cuộc sống, mọi khoảng trống đều cần phải lấp đầy?”. Bằng một đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ, anh/chị hãy trả lời câu hỏi đó.
Lão Tử - nhà tư tưởng vĩ đại của Trung Hoa cổ đại đã từng nói rằng: “Ba mươi nan hoa cùng qui vào một cái bánh xe, nhưng chính nhờ khoảng trống không trong cái bánh mà xe mới dùng được”. Ông khẳng định cái không mới là quan trọng, vì suy đến cùng nó là cái làm nên sự vật và công dụng của sự vật. Như vậy, “có phải trong cuộc sống, mọi khoảng trống đều cần phải lấp đầy?”. Có những khoảng trống cần phải lấp đầy nếu khoảng trống ấy là phần thiếu hụt, mất mát, làm ảnh hưởng đến các giá trị sống của mỗi chúng ta. Đó là những khoảng trống hiện hữu như lấp đầy hầm hố tử thần, con người được đảm bảo an toàn, cho con người biết quý trọng sinh mạng; lấp đầy những cánh đồng bỏ hoang, những vùng đất trống đồi trọc, con người được no ấm, cho con người biết yêu lao động, quý trọng đất đai. Đó là những khoảng trống vô hình như lấp đầy khoảng trống tri thức, con người có cơ hội mở mang trí tuệ, cho con người hiểu biết, hướng con người tới khát vọng. Đó còn là những khoảng trống trong tâm hồn cần lấp đầy, con người vơi bớt cô đơn, cho con người biết sẻ chia, biết trân trọng và gìn giữ các mối quan hệ tốt lành…
Thế nhưng, giống như những khoảng trống giữa các nốt nhạc mới là thứ làm nên giai điệu cho bản nhạc, giúp chia tách phân định các nốt và kết hợp chúng thành một khối hòa âm tuyệt vời; “khoảng trống” còn chính là khoảnh khắc tạm dừng trong cuộc sống để thư giãn, để suy nghĩ, để hướng tới những điều tốt đẹp khác. Chúng ta đã chất quá nhiều thứ lộn xộn vào cuộc đời của chúng ta bấy lâu nay, nên trước hết cần phải dọn dẹp lại và bỏ đi những thứ không cần thiết. Việc lấp đầy khoảng trống chỉ để khoả lấp sự trống vắng sẽ không có ý nghĩa gì nếu đó chỉ là sự chạy trốn, che đậy. Giữa dòng đời xô bồ, đôi lúc con người ta cũng cần một chút thời gian để sống chậm, khoảng trống cho phép bản thân thả lỏng, lấy lại năng lượng để chuẩn bị cho những bước tiến xa hơn trong tương lai. Cuộc sống muôn màu, muôn vẻ và có những khoảng trống nhưng chưa chắc đã rỗng. Tôi từng nghe một câu chuyện về một cô bé tặng cho mẹ mình một hộp quà rỗng, nhưng lại khiến cho người mẹ bất ngờ và xúc động vô cùng. Tại sao vậy? Bởi trong hộp quà rỗng ấy chất đầy những nụ hôn và tình yêu thương mà cô bé dành tặng mẹ. Đừng quên đi những khoảng trống kỳ diệu ấy. Như thiền sư Shunmyo Masuno trong cuốn sách “Sống đơn giản cho mình thanh thản” đã từng chia sẻ: “Những khoảng không gian trống không phải để lấp đầy, mà chúng tồn tại để giúp tinh thần bạn được thoải mái hơn".
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)
- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).
- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)
2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)
- Giải thích các khái niệm liên quan.
- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.
+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.
3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)
+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.
Xem thêm: NLXH 200 chữ: “Đừng cảm thấy tiếc vì bụi hoa hồng có gai, mà hãy vui vì trong bụi gai có hoa hồng”
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận