NLXH 200 chữ: "Lạc lối có nghĩa là đường nào cũng thế"
Tác giả cuốn sách Mắt kính không vướng bụi (NXB Lao động), cậu bé Nhật Bản Bao Nakashima, thường được gọi là "Triết gia nhỏ xinh", cho rằng: "Lạc lối có nghĩa là đường nào cũng thế".
ĐỀ BÀI:
Tác giả cuốn sách Mắt kính không vướng bụi (NXB Lao động), cậu bé Nhật Bản Bao Nakashima, thường được gọi là "Triết gia nhỏ xinh", cho rằng: "Lạc lối có nghĩa là đường nào cũng thế". Anh/chị có đồng ý với suy nghĩ trên? Hãy viết bài văn trình bày quan điểm của anh/chị.
BÀI VIẾT:
Bạn đã bao giờ lạc chưa? Lạc trên những chặng đi, lạc giữa một thành phố, hay đau khổ hơn là lạc giữa những con đường đời mình không biết chọn đi đường nào như Bao Nakashima đã nhận định trong tác phẩm “Mắt kính không bụi”: “Lạc lối có nghĩa là đường nào cũng thế”. “Lạc lối” chính là sự mất phương hướng, không xác định được mục đích sống trong cuộc đời của mỗi con người. Và khi đó, “đường nào cũng thế” vì con đường nào cũng trở nên mơ hồ, cũng không đúng. Câu nói này là một lời khẳng định về ý nghĩa và vai trò to lớn của lí tưởng sống trên hành trình cuộc sống của chính mình. Sống không có mục đích như con thuyền lênh đênh ngoài biển khơi mà không có la bàn. Sống không có mục đích, con người không xác định được hướng đi cho cuộc đời mình, sẽ sống mà không biết mục tiêu cần hướng tới, thiếu hẳn ý nghĩa, niềm vui từ cuộc sống. Khi đó, con người sẽ rơi vào sự lạc lối, thiếu hẳn sức mạnh thôi thúc từ bên trong, không có động lực thúc đẩy ý chí, không có chí tiến thủ, khó vượt lên hoàn cảnh, dần dần con người sẽ trở nên thụ động, bạc nhược và vô dụng, cuộc đời mất hết ý nghĩa.
"Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng không thể có con đường nào khác", đây là một lý tưởng sống quen thuộc mà chúng ta đang hướng đến, bắt nguồn từ câu nói của anh hùng Lý Tự Trọng. Bị địch bắt giam, tra tấn và rồi kết án tử hình, khi ấy anh chỉ mới 17 tuổi. Dù trẻ tuổi là thế, bị hành hạ dã man là vậy, nhưng đến cuối cùng, anh vẫn chẳng hé môi một lời về thông tin của những chiến sĩ, lòng luôn hướng về Đảng và dân. Chính lý tưởng sống cao đẹp ấy đã đắp nặn anh trở thành một con người bất khuất kiên cường, là bằng chứng xác thực nhất cho tầm quan trọng của lý tưởng sống cuộc đời. Ấy vậy mà đáng buồn thay, có những con người sống buông thả, dựa dẫm và coi thường tầm quan trọng của việc sống có lý tưởng, cho rằng đó là một điều thừa thãi không cần thiết. Thế nhưng, đôi khi những thất bại khi “lạc” sai đường có thể cho chúng ta thêm nhiều bài học, những bài học đắt giá. Sau mỗi lần sai lầm, chúng ta lại hiểu mình nên chọn gì và không chọn gì, học được cách quyết định sáng suốt hơn. Với ngọn đèn soi đường của lí tưởng, mỗi chúng ta hãy vượt qua bản thân, tự tin không chùn bước, bỏ lại những cám dỗ trầm mê loạn lạc lại sau lưng và vững vàng tiến đến mục tiêu của đời mình.
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)
- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).
- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)
2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)
- Giải thích các khái niệm liên quan.
- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.
+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.
3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)
+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.
Xem thêm: NLXH 200 chữ: "Sống tức là thực hiện một cuộc hành trình không thể trì hoãn"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận