NLVH: Sự "lạ hóa" ngôn từ trong thơ ca

“Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng, mất sạch tính hình tượng đối với chúng ta, những chữ ấy trong thơ ca lại lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương”. 

Đỗ Thu Nga
10:00 18/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

“Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng, mất sạch tính hình tượng đối với chúng ta, những chữ ấy trong thơ ca lại lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương”. (Pautopsky)

Nhận định trên gợi cho anh chị suy nghĩ gì về sự “lạ hóa” ngôn từ trong thơ ca?

BÀI VIẾT:

Một điểm tựa có thể nhấc bổng cả trái đất, một nguyên tử có thể thay đổi sự sống của sinh vật,... Những thứ nhỏ bé lại có thể huyền diệu đến vậy!  Thế còn con chữ trên trang giấy, dù nó nhỏ bé và quen thuộc nhưng có vô vị như ta vẫn tưởng ? Không có thứ nào vô vị chỉ là ta chưa đặt nó vào đúng chỗ. Thật vậy, ngôn từ  tưởng chừng như đã nhàm chán, sử dụng cùng kiệt hàng ngày ấy vậy mà vẫn có thể trở thành những đài từ lấp lánh, nói như Pautopxki: “Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta nói đến cạn cùng, mất sạch tính chất hình tượng đối với chúng ta, những chữ ấy trong thơ lại lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương”.

Trước hết, “Những chữ xơ xác nhất mà ta đã nói đến cạn cùng” ý chỉ những câu từ, con chữ ta bắt gặp mỗi ngày, nhìn thấy, sử dụng nó đã quá quen không còn gì thú vị nữa. Song, với tài năng và sức sáng tạo của mình, người nghệ sĩ đã thắp lên cho chúng cuộc đời mới, những chữ tưởng chừng thô ráp “lại lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương”, tức trở nên sống động, mới mẻ hơn nhiều lần. Nói cách khác, ngôn ngữ bình dân ấy đã được “lạ hóa” - hiện ra không phải như ta đã quen biết, hiển nhiên mà như một cái gì mới mẻ, giống như “bình cũ rượu mới” kế thừa cái cũ đồng thời tiếp thu cái mới. Nhận định trên của Pautopxki đã nói đến đặc trưng của thơ, quá trình sáng tạo chắt lọc của nhà thơ biến nó thành con chữ giàu hình tượng, có sức gợi sâu xa, lâu dài trong tâm tưởng người đọc.

nlvh-su-la-hoa-ngon-tu-trong-tho-ca

Và nếu hội họa được cấu thành từ những đường nét, màu sắc, âm nhạc được cấu thành từ các nốt trầm bổng thì “thơ ca là nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm cứu cánh”(Jacobson). Mỗi chữ đều phải “đắt” nhất, thoát khỏi lớp vỏ vô vị, tìm thấy được những vẻ đẹp, ý nghĩa sâu sắc trong nó. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Lê Đạt gọi các nhà thơ là ‘phu chữ”, họ phải dồi dào ý tứ, ưu việt trong chọn lời, với mỗi chữ “hình thức bên trong và bên ngoài của chúng không phải là các dấu hiệu vô hồn của hiện thực mà còn có trọng lượng riêng và giá trị riêng”(Jacobson) có thế nó mới thực sự được tỏa sáng “lấp lánh”. Há chẳng phải kỳ công hay sao? Sao ta không giữ nguyên như nó vốn là ? Có thể nói, “lạ hóa ngôn từ” không chỉ xuất phát từ nhu cầu đổi mới của bản thân thi sĩ mà còn bắt nguồn từ bản chất của sự sống và nghệ thuật, văn chương nói chung và thơ ca nói riêng phải là một sự sáng tạo không ngừng nghỉ, không dung những cái đã cũ, đã nói nhiều. Chính sự mới lạ, độc đáo ở nghệ thuật mới là “thanh nam châm thu hút mọi thế hệ” (Nguyễn Khải). Mỗi chữ trong thơ phải tinh, phải là sự “nén chặt năng lượng”(Ji-khô-nôp) để rồi “nổ ra như tiếng sét”(Chế Lan Viên). Có thế, ngôn từ mới thật sự “lấp lánh”, “kêu giòn” và “tỏa hương”.

Ngôn ngữ thơ bắt nguồn từ ngôn ngữ đời sống, đi cùng với sự phát triển của đời sống là những nét mới mẻ của văn học nghệ thuật. Một chặng đường dài! đánh dấu sự chiến thắng của thơ mới, “Với thơ Mới, thi ca Việt Nam bước vào một thời đại mới” nhiều gương mặt đã trở nên tiêu biểu trong phong trào này, trong đó ta không thể nào không nhắc đến Xuân Diệu “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”(Hoài Thanh) với thi phẩm “Vội vàng” Xuân Diệu đã đem đến cho thơ ca Việt Nam sự tối tân, táo bạo, một “cảm hứng dạt dào chưa từng có ở chốn nước non lặng lẽ này”:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”

Một khát vọng lạ lùng nhưng thật mãnh liệt. Câu thơ ngắn kết hợp với phép điệp “tôi muốn” càng nhấn mạnh sự khát khao của tác giả, “tắt nắng”, “buộc gió” những hành động không tưởng, thi sĩ muốn níu kéo những gam màu tươi vui của cuộc sống, muốn giữ lấy hương thơm, muốn bất tử hóa vẻ đẹp mùa xuân. Cách dùng từ thật mới, “nắng” - cái xuyên qua kẽ tay lại dùng chính đôi tay “tắt” để níu giữ, “gió” - lướt nhanh, vô hình lại muốn ôm trọn, “buộc”, dẫu biết không thể nhưng vẫn cố gắng, Xuân Diệu quả là một cái tôi đầy bản lĩnh, ngang nhiên, dám khao khát đoạt lấy quyền uy của vũ trụ, điều mà xưa nay con người không dám. Chỉ là chữ “tắt”, chữ “buộc” rất quen thường ngày mà giờ đây khi được “lạ hóa”, đặt trong câu thơ lại “lấp lánh” tỏa ra một sức hút, hương vị độc đáo đến lạ kỳ. Hẳn Xuân Diệu là một người khát sống, khát yêu mới có những hành động đầy táo bạo, ngông cuồng đến thế. Cái tài của Xuân Diệu thật khiến ta nể phục, từ lời nói thô mộc bình thường bấy giờ trở thành ngôn ngữ nghệ thuật, trở thành điểm sáng của cả câu thơ, gợi dậy nơi bạn đọc những cảm xúc mới mẻ, trong ngần. Quả nhiên “Đọc bài thơ hay, câu thơ hay ta như không còn thấy câu chữ nữa. Cái hay nằm trong sự giản dị.”(Ngô Thời Nhậm).

Hơn thế nữa, “Thơ là thơ nhưng đồng thời là họa, là chạm khắc theo một cách riêng”(Sóng Hồng) thơ phải được xây dựng bằng ngôn từ có sức gợi cảm lớn. Với Xuân Diệu, ông chịu ảnh hưởng của thơ ca phương Tây, chịu ảnh hưởng của thơ tượng trưng Pháp, ngôn ngữ thơ Xuân Diệu đầy sức gợi cảm:

“Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,

Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;”

Xuân Diệu đón nhận mùa xuân bằng đôi mắt “non tơ”, “biếc rờn”, mọi thứ tràn đầy nhựa sống. Cái đẹp rực rỡ mọi thanh sắc và cả cái ấm áp của mùa xuân “ánh sáng chớp hàng mi”. Chưa bao giờ ánh sáng hiện lên dịu dàng, tình tứ đến thế, tác giả lấy hình ảnh đôi mắt trong trẻo của cô gái để thể hiện ánh sáng mặt trời, mỗi lần nó chớp nhẹ là một lần nó chiếu sáng cả vũ trụ, mỗi ngày trôi qua niềm vui luôn tràn ngập. Quả là một thiên đường nơi trần thế với âm thanh và màu sắc vui tươi, thế mới hiểu sự khát sống, khát yêu của Xuân Diệu là đúng: 

“Tôi kẻ đưa răng bấu măṭ trời

Kẻ đựng trái tim trìu máu đất

Hai tay chín móng bám vào đời”

(“Hư vô”- Xuân Diệu)

Cách cảm nhận của Xuân diệu thật lạ, thật gợi cảm, mọi thứ cứ như đang “lấp lánh”, “kêu giòn” và “tỏa hương” làm ta như sống, như đắm mình vào không gian ấy, nhưng lạ nhất phải nói đến “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, khi đọc xưa ta thường thấy thiên nhiên mới là chuẩn mực của con người, con người xuất hiện một cách mờ nhạt, chìm lấp sau thiên nhiên:

“Phù dung như diện liễu như mi” (Bạch Cư Dị)

hay:

“Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

Hoa cười học thốt đoan trang”

(Nguyễn Du)

Giờ đây Xuân Diệu đã phá bỏ giới hạn ấy, ông khẳng định con người mới là chuẩn mực của cái đẹp. Lần đầu tiên trong văn chương, thật đúng là thơ mới! đem đến cho ta cấu tứ mới, thi liệu mới, nó đã được “lạ hóa” trở nên vô cùng độc đáo, thời gian lúc bấy giờ được chuyển đổi cảm giác một cách thần tình, mới lạ và táo bạo chỉ bằng một từ “ngon” với “đôi môi gần”, mùa xuân ấy như một người tình trinh nguyên, mơn mởn, khiến lòng ta rạo rực, muốn hưởng trọn nàng xuân. “Tháng giêng” từ một khái niệm trừu tượng giờ đây ta có thể cảm nhận bằng cả vị giác lẫn thị giác, Xuân Diệu quả là một nhà thơ tài tình, những hình ảnh tưởng chừng như “mất sạch tính chất hình tượng đối với chúng ta” lại hiện lên vô cùng quyến rũ, “lấp lánh”. Có thể nói, thơ Xuân Diệu không chỉ hướng theo lối “tả chân”, mà còn huy động giác quan để tái hiện một thế giới khách quan sống động hữu hình của cái vô hình, Việc phát huy tối đa sự cộng hưởng các giác quan như thế góp phần tạo nên chất nhạc mới mẻ, hiện đại. Ngôn ngữ thơ phải giàu tính họa, tính nhạc có thế “những chữ xơ xác” thường ngày mới có thể “lấp lánh”, “kêu giòn”, “tỏa hương”.

Không chỉ vậy, sức sáng tạo cũng là yếu tố hàng đầu làm nên ngôn ngữ thơ ca. Thơ ca luôn cần sự mới mẻ và độc đáo, chính sự mới mẻ độc đáo đó còn làm nên phong cách của nhà thơ. Xét thơ mới, không ai không biết đến cái tên Xuân Diệu. Hệ thống từ vựng thơ Xuân Diệu mới mẻ đến mức ban đầu nhiều người không chấp nhận được, không cảm nhận được. Chính Hoài Thanh cũng cho là: “lời văn Xuân Diệu có vẻ chơi vơi, Xuân Diệu làm văn như trẻ con học nói, hay như người ngoại quốc nói võ vẽ tiếng Nam, câu văn tuồng bỡ ngỡ”. Nhưng rồi chính Hoài Thanh cũng khẳng định cái ngô nghê ấy chính là chỗ Xuân Diệu hơn người.

“Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Đối với Xuân Diệu ông sử dụng từ ngữ tân kỳ và “rất Tây”, dù đưa nhục thể vào thơ nhưng lại rất tinh tế bằng cách sử dụng những động từ mạnh như “muốn”, “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, và đặc biệt là “cắn”. Tính cao trào hiện lên rất rõ, thể hiện tình cảm sôi nổi, khát khao giao cảm với đời của tác giả càng lúc càng mạnh mẽ. Chưa có ai đưa vào thơ những hành động táo bạo như thế mà vẫn giữ được nét “duyên” cho câu thơ. Vẻ đẹp căng mọng tròn đầy của cuộc sống mơn mởn và tươi nguyên, hấp dẫn như trái xuân hồng, khiến cho tuổi trẻ ngông cuồng muốn đắm say tận cùng,“cắn” để trút tâm hồn mình ra mà cảm nhận vẻ tinh khiết tuyệt đích của mùa xuân, của tuổi trẻ, của cuộc sống. Cuộc đời dù hữu hạn nhưng có lẽ sức sáng tạo của ông là vô hạn, mỗi chữ tưởng chừng như “xơ xác” nhất, kén chọn nhất nhưng qua trái tim, khối óc của ông lại “lấp lánh”, “kêu giòn”, “tỏa hương” hấp dẫn người đọc đến kỳ lạ.

Tất cả những phương diện ngôn từ đều được thi sĩ dùng thuần thục, tinh vi, dám “lạ hóa” ngôn từ truyền tải những ý nghĩ mãnh liệt và táo bạo của cái tôi thi sĩ, chứng tỏ Xuân Diệu là bậc thầy về ngôn ngữ. Ông xứng đáng với danh xưng “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”(Hoài Thanh).

Có thể nói, “lạ hóa”, “không đơn thuần nhằm tạo ra sự tân kỳ mà còn là “khúc xạ của một cách tri nhận mới mẻ về cuộc sống”( TS Hoàng Kim Ngọc).

Ngẫm, ngôn từ và thơ - mối liên kết bền bỉ. Ngôn từ là chất liệu đầu tiên và cũng là duy nhất làm nên thơ, mỗi nhà thơ có sẽ sáng tạo hay “lạ hóa ngôn từ” theo hướng khác nhau để biến ngôn ngữ toàn dân trở thành ngôn ngữ nghệ thuật “lấp lánh”. Đến khi thơ ca trở lại với con người, với cuộc sống sẽ góp phần làm cho tiếng Việt thêm giàu đẹp, sâu sắc, đúng với tâm niệm của chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển và giữ gìn “thứ của cải quý báu và vô giá của dân tộc”. Tiếng Việt sao mà đẹp !

“Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình, quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình.”

(Lưu Quang Vũ)

Quả thật, lời nhận định của Pautopxki đã để lại nhiều bài học quý báu, đã là nghệ thuật thì đòi hỏi sự kỳ công, sáng tạo, tiếp thu không ngừng nghỉ “Nhà thơ có thể nghĩ tới việc cấy chữ như nhà khoa học cấy gen trong công nghệ sinh học”(Lê Đạt) mỗi chữ đều phải “lấp lánh”. Thơ phải mới, phải lạ nếu không bài thơ như cái xác chữ không hồn, yểu mệnh mà thôi. Đồng thời với mỗi độc giả khi đọc thơ cần thả hồn theo mạch cảm xúc nương theo bề sâu ngôn từ bởi ngôn từ thơ không phải ngôn từ tuyến tính mà là ngôn từ phức hợp, đôi khi cùng một từ có thể diễn đạt nhiều hình ảnh, ý nghĩa, tạo nhiều cách hiểu. Khi có sự hòa hợp đó con chữ mới thực sự được sống một cuộc đời mới, thơ ca mới phát huy hết giá trị của mình.

“Thơ là phong cảnh, là linh hồn, cũng là vận mệnh của mỗi thời đại, thơ như ngọn gió hắt hiu trên mái, như khói bảng lảng từ lò hương, là năm tháng tình nồng, cũng là thời gian thanh mát”(Bạch Lan Mai), mỗi con chữ được “lạ hóa” thoát khỏi kiếp “xơ xác”, mỗi con chữ được “lấp lánh”, “tỏa hương”, “kêu giòn” bay lên ấy là lúc một tâm hồn yêu thơ, yêu tiếng Việt được chắp cánh.

(Trần Thị Tuyết Vy - 11CV, Trường THTH ĐHSP TP.HCM, năm học 20921 - 2022)

Xem thêm: NLVH: Đặc trưng của thơ ca và sứ mệnh nghệ thuật của thi sĩ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận