Những trang sách trở thành câu chuyện của muôn người
"...Và những trang sách của những tâm sự riêng tư đã vượt khỏi câu chuyện của một người để trở thành câu chuyện của muôn người”.
ĐỀ BÀI:
Trong bài viết “Trang giấy mở lòng ra”, khi nhận xét về “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và “Nhật ký Nguyễn Văn Thạc”, nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương có viết:
“Những trang giấy ố vàng, một ngày nọ, không chấp nhận cái thế giới im lặng tưởng như vĩnh cửu, đã mở lòng ra với cuộc đời rộng lớn chung quanh. Và những trang sách của những tâm sự riêng tư đã vượt khỏi câu chuyện của một người để trở thành câu chuyện của muôn người.”
(Huỳnh Như Phương, “Hãy cầm lấy và đọc”, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2016)
Theo anh/chị, nhận xét trên có đúng khi bàn về đặc trưng của tác phẩm văn học? Từ những hiểu biết về văn học và những trải nghiệm khi đọc tác phẩm yêu thích, anh/chị hãy trình bày câu trả lời của mình.
BÀI VIẾT:
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi Tử Kỳ chết cũng là lúc Bá Nha đập vỡ cây đàn mình vì không còn ai có thể tri âm với tiếng đàn kia. Đàn vỡ, nhưng thanh âm ấy có bao giờ lặng im khi nó vẫn được gảy lên bởi bàn tay của những người nghệ sĩ. Bởi thế, nghệ thuật xuất hiện với sức mạnh diệu kỳ như giáo sư Huỳnh Như Phương từng viết: “Những trang giấy ố vàng, một ngày nọ, không chấp nhận cái thế giới im lặng tưởng như vĩnh cửu, đã mở lòng ra với cuộc đời rộng lớn chung quanh. Và những trang sách của những tâm sự riêng tư đã vượt khỏi câu chuyện của một người để trở thành câu chuyện của muôn người”. Văn chương nghệ thuật vẫn còn âm vang, có lẽ vì nó đọng lại trong lòng người, những tiếng tri âm muôn đời.
Khi con người đang chìm vào nỗi lo trước những biến động thời đại, văn chương tựa như một trụ đỡ tinh thần. Bởi, nó “không chấp nhận cái thế giới im lặng tưởng như vĩnh cửu” - không muốn nhân loại chỉ nhớ đến mình như những con chữ vô hồn trên trang giấy. Văn chương tự phá tung lớp vỏ ngôn từ kia để “mở lòng với cuộc đời rộng lớn chung quanh” - đón nhận đời sống và bước ra thế giới thực để tìm người bạn tri âm. Và rồi, khi bắt gặp một tâm hồn khao khát đồng điệu, văn chương len lỏi vào trái tim họ, khiến cho “những tâm sự riêng tư vượt khỏi câu chuyện của một người để trở thành câu chuyện của muôn người”. Đó là lúc thế giới quan và nhân sinh quan của người nghệ sĩ hòa vào trái tim ấm nóng của người đọc, trở thành cầu nối giữa tâm hồn và tâm hồn, giúp độc giả tìm thấy sự đồng điệu nơi con chữ giàu sức gợi. Như vậy, giáo sư Huỳnh Như Phương đã nhìn thấy bản chất đối thoại của văn chương, khi “tác phẩm văn học chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng” (Aimatop) mà luôn mở rộng biên độ tồn tại của mình với cuộc sống, với muôn người.
“Li-la li-la li-la”, tiếng đàn cất lên tựa như ngọn sóng giữa muôn trùng khơi của biển đời, âu cũng là bản chất của văn chương nghệ thuật. Bởi, cuộc sống là nơi sản sinh và là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm. Văn chương không là thần Apollo đuổi theo bóng tiên nữ Daphne, nó là đời, là người vì “văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu). Văn chương xoay vần với những biến thiên của thời đại, nó cho con người một thoáng nhìn thấy bước đi của thời gian. Bởi thế, nó không bao giờ chấp nhận đóng băng trên trang giấy. Với khả năng tái hiện những điều mà các loại hình nghệ thuật khác bất khả, ngôn từ được người nghệ sĩ ban cho phép màu để sáng tạo ra thế giới thứ hai trong suy nghĩ của bạn đọc. Từ những gì mà độc giả đã tưởng tượng, văn chương phá tan “cái thế giới im lặng” bằng cách phá vỡ chiều kích tồn tại của người đọc, cho họ tìm về quá vãng hay nhìn thấy tương lai, vượt qua mọi biên giới để khám phá nhân loại. Song, văn chương “mở lòng” với cuộc đời còn vì khả năng chiếm lĩnh đời sống của con người. Trí lực của người nghệ sĩ có thể khám phá thế giới đến đâu, thì văn chương có khả năng tái hiện đời sống đến đấy. Nhà văn sống sâu sắc, càng “lặn sâu vào đời” (Chế Lan Viên) thì tác phẩm ấy càng có giá trị. Thế nên, đằng sau những con chữ là cả một thế giới tinh thần của nhà văn được chưng cất từ hiện thực đời sống. Vậy, thông qua sự đối thoại về thế giới quan, nhà văn cho bạn đọc nhìn thấy cuộc đời rộng lớn chung quanh bằng ngôn từ.
Tựa như con sóng khi tràn bờ, văn chương mang theo những tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ thấm sâu vào lòng người đọc. “Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt đắng cay” (Raxun Gamzatop). Văn chương được hình thành từ những rung động của nhà văn trước cuộc sống. Có thế, trang văn kia mới có sức lay động mãnh liệt với những tâm hồn đồng điệu. Song, trước những cảm xúc mãnh liệt, nhà văn gửi gắm vào đó những tư tưởng sâu sắc, bởi “giá trị của một tác phẩm trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó” (Nguyễn Khải). Đi từ trái tim đến khối óc, đó là cách văn chương khiến những tâm sự của riêng tác giả trở thành câu chuyện của nhân loại. Tác phẩm mang dấu ấn của văn nhân, song lại không phải là câu chuyện của một người. Bởi, văn chương chỉ cho ta những giây phút “khiến con người tin vào bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình” (Gorki) khi ta nhìn thấy mình trên trang giấy. Ta lắng nghe tiếng lòng của người nghệ sĩ nhưng thực chất là lắng nghe những xao động trong tâm hồn mình. Nếu không đi vào trái tim như thế, những tâm sự của nhà văn sẽ trở thành thứ tư tưởng giáo điều, khô khan và cứng nhắc. Khi ấy, bạn đọc không còn hứng thú với tác phẩm. Và, nếu nghệ thuật không còn là nơi để đối thoại cho tâm hồn, nó sẽ đứng trước nguy cơ bị băng hoại bởi thời gian. Cũng bởi, sáng tác là quá trình “mở hồn ra đón lấy mọi vang động của đời” (Nam Cao). Thế nên, nhà văn phải đón nhận mọi biến chuyển của cuộc sống, phải từ câu chuyện của cá nhân mình mà thấu hiểu câu chuyện của muôn người. Một nhà văn chân chính phải là người gọi thức nỗi đau của nhân loại bằng nỗi đau của chính mình để rồi chữa lành cho tất cả. Có thể thấy, văn chương đã vượt qua giới hạn của ngôn từ để trở thành sợi dây kết những tâm hồn đồng điệu, khiến người sống gần người hơn thông qua nhân sinh quan nơi người nghệ sĩ.
Đối thoại với nhà văn, ta bắt gặp một cuộc sống muôn hình vạn trạng. Trải lòng với “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, tôi nhận ra bi kịch của một người được khởi phát khi trái tim họ cạn kiệt tình yêu. Nó làm cho số phận con người lưu lạc, làm cho thế giới loài người cô đơn tuyệt đối. Phải chăng, khi bị người mẹ - hình ảnh nữ tính cùng tình thương rời bỏ cũng là lúc các nhân vật chìm vào những “cánh đồng hoang hóa” của riêng mình? Đến mức Nương và Điền còn chọn cách giao tiếp với loài vật để vơi đi nỗi đau. Chúng từ chối nói tiếng người như kiểu tự vệ: "Đắm đuối với loại ngôn ngữ mới, chúng tôi chấp nhận để người ta nhìn mình như những kẻ điên". Tiếng vịt mà hai đứa trẻ thiếu tình thương ấy nói với nhau, không chỉ đem đến một xạ ảnh tiếng người, mà còn là tiếng kêu cứu. Nếu Út Vũ không mang trong lòng hận thù, chịu sẻ chia với Nương và Điền, liệu chúng có đánh mất phương tiện giao tiếp cơ bản - tiếng người? Nếu hai đứa trẻ ấy được nuôi lớn từ tình yêu của cả cha và mẹ, liệu rằng chúng có bị đánh bật ra khỏi đồng loại vì những nỗi đau riêng chôn chặt trong lòng? Nhìn vào xã hội ngày nay
Đối thoại với con chữ là giây phút ta chữa lành những vết thương trong tâm hồn mình. Người nghệ sĩ gom nhặt nỗi đau và biến chúng thành cái đẹp vô biên. Để rồi, vẻ đẹp ấy cho con người một thoáng bình yên giữa bao bộn bề của cõi phù sinh. Đó là cách mà nhà thơ Basho đã nâng hình ảnh của hai cô kỹ nữ và đặt vào giữa đóa đinh hương cùng vầng trăng bên trời:
“Quán bên đường
các du nữ ngủ
trăng và đinh hương”
Lắng nghe những câu chuyện buồn của hai kỹ nữ, trái tim yêu của nhà thơ đã cất lên mười bảy âm tiết. Dưới mắt người đời, họ là hiện thân của sa đọa, là một chủng loại đã rơi xuống quá thấp trong thế giới con người. Nhưng, với Basho, họ đại diện cho cái đẹp thanh khiết, tựa như đóa “đinh hương” nở rộ trong đêm “trăng” mùa xuân. Quả thật, “cái đẹp được chào đón ở bất cứ đâu” (Goethe). Khoảnh khắc thi nhân cất bút, thời gian dường như lắng đọng để nhìn ngắm vẻ đẹp của hai nàng kỹ nữ. Không còn vết nhơ của những nỗi đau phàm trần, giờ đây chỉ còn lại vẻ đẹp trong tâm hồn người con gái. Có thể thấy, cái đẹp có thể tồn tại ở bất kỳ đâu, và nó luôn có khả năng khiến tâm hồn con người cảm thấy thư thái, bình yên.
Như vậy, nhận định của giáo sư Huỳnh Như Phương đã khái quát lên bản chất đối thoại của văn chương, khi nó là nơi “điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Xuân Diệu). Tác phẩm bao giờ cũng mở lòng với cuộc đời nhờ vào thế giới quan của nhà văn, để rồi vang lên tiếng tri âm muôn đời cùng nhân sinh quan của người cầm bút. Điều đó cũng đặt ra thử thách cho những vị khách văn chương. Với người nghệ sĩ, anh phải không ngừng trau dồi vốn sống, vốn văn hóa của mình để viết nên những tác phẩm chân thật, sống động. Song, nghề “phu chữ” là một nghề khó, đòi hỏi anh còn phải lặn sâu vào hồn người, hồn mình, phải lao động cần mẫn như con ong hút trăm hoa thành một mật để viết nên tuyệt bút. Còn về phía người tiếp nhận, ta phải đón nhận tác phẩm bằng cả tấm lòng mình, không ngừng khám phá tác phẩm để cảm hết cái tài, cái tình của nhà văn. Có thế, mỗi tác phẩm mới trở thành một cánh cổng, dẫn ta tới những buổi đàm thoại của tâm hồn.
Khi thế giới đang chìm trong dịch bệnh, tiếng đàn vẫn không ngừng ngân nga trên ban công nhà của người dân ở nước Ý. Hình ảnh ấy đã giúp tôi thêm tin vào sức mạnh của nghệ thuật. Bởi, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng nghệ thuật vẫn luôn song hành cùng trái tim con người cho đến ngày tận thế. Và rồi, khi trải qua tất thảy mọi biến động của đời, những tiếng đàn, những áng văn vẫn sẽ không ngừng phá vỡ cái thế giới của mình để đi vào tâm hồn của nhân loại. Bay mãi trên đôi cánh ngôn từ, đến một lúc nào đó, văn chương sẽ chạm vào cõi vĩnh hằng, cùng những tiếng tri âm muôn đời …
(Nguyễn Phúc Duyệt - Học sinh lớp 12CV THTH ĐHSP, niên khóa 2019 - 2022)
Xem thêm: "Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận