Những nghĩa cử cao đẹp của thầy giáo xứ Quảng dành cho người nghèo khó, bất hạnh

Người dân làng Cor, ai ai cũng biết và quý mến thầy giáo Phạm Việt Cường. Bởi nhiều năm nay, thầy đã có những nghĩa cử cao đẹp dành cho người nghèo khó, bất hạnh.

Những nghĩa cử cao đẹp của thầy giáo xứ Quảng dành cho người nghèo khó, bất hạnh

Người dân làng Cor, ai ai cũng biết và quý mến thầy giáo Phạm Việt Cường. Bởi nhiều năm nay, thầy đã có những nghĩa cử cao đẹp dành cho người nghèo khó, bất hạnh.

Thầy giáo Phạm Việt Cường, sinh năm 1960, tại làng ông Kỳ, ven dòng suối Ví, dưới chân dãy núi Răng Cưa, xã Trà Nú, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Tuổi thơ của thầy rất cơ cực, lên ba tuổi thì cha mất, sau đó mẹ đi thêm bước nữa. Cậu bé Cường ngày đó được dân làng người Cor và bộ đội đóng quân ở vùng núi Răng Cưa đùm bọc, cưu mang. Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, thầy Cường xin về lại quê nhà công tác nhằm góp sức mang cái chữ Bác Hồ truyền dạy cho con trẻ người Cor.

Đầu năm 1995, thầy Cường được phân công đến dạy học tại điểm trường Nóc 4, thôn 1, xã Trà Nú. Tại đây, có cô gái Huỳnh Thị Bông, vì tuổi trẻ bồng bột, trót dại mang bầu rồi sinh được một cháu trai. Khi đứa con được gần 1 tuổi thì người mẹ mắc bạo bệnh qua đời. Đứa trẻ bơ vơ, phải sống với ông ngoại là già Huỳnh Văn Sáu tuổi đã cao, gia cảnh túng quẫn. Không cầm được lòng mình, thầy Cường tìm đến gặp già Sáu để nhận nuôi đứa trẻ và đặt tên là Phạm Xuân Vũ theo họ của mình. Được gia đình thầy Cường lo cho ăn học đến nơi, đến chốn nên em Vũ hiện đã tốt nghiệp đại học và hiện đang công tác ở thành phố Đà Nẵng.

Một buổi chiều chập choạng tối, hồi tháng 8/2003, vùng núi Răng Cưa trời đổ mưa dông, sấm sét mờ mịt, cụ Lê Văn Khái bị lạc đường vào xin ở nhờ, nghỉ lại nhà thầy Cường qua đêm. Qua tìm hiểu, thầy Cường biết được thời điểm đó, cụ Khái đã gần 80 tuổi, lại đang mắc bệnh hiểm nghèo, sống đơn chiếc tại thôn 3 cũ của xã Trà Nú. Thương cảm với hoàn cảnh của cụ, thầy bàn với vợ con, để cụ Khái ở lại chăm sóc. Vợ chồng thầy Cường còn lặn lội vào rừng sâu hái lá thuốc, nấu nước xông, tắm và mua thêm thuốc tây để điều trị bệnh và tăng cường cho cụ ăn uống bồi bổ sức khoẻ. Sau một tháng thì cụ Khái khỏi bệnh và sống vui vẻ, an nhàn với gia đình thầy Cường cho đến khi qua đời do già yếu. Thầy Cường kể lại: “Ông già tuổi đã lớn mà không còn chỗ nương tựa, không có ai nuôi dưỡng. Ông xin ở nhờ nhà mình 1 đêm, để ông đi thì sợ ông sẽ bị chết đói, chết rét dọc đường không có người cứu. Thôi thì vợ chồng mình cưu mang, được ngày nào hay ngày đó. Tình cảm là chủ yếu, lo cho ông ăn uống qua ngày, qua tháng thì cũng chỉ thêm cái chén, đôi đũa chẳng là bao nhiêu hết. Đáng tiếc là ông chỉ sống thêm được có bốn năm”.

Sau khi nghỉ hưu, thầy Cường tích cực tham gia công tác xã hội và được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Trà Nú. Ở cương vị mới, thầy đã giúp được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Thầy Cường suy nghĩ rất mộc mạc, dân làng người Cor vẫn còn nhiều người khổ hơn mình. Những gì thầy giúp họ cũng chẳng đáng là bao so với dân làng đã cưu mang thầy nên người. Điều thầy Cường ưng cái bụng nhất là mỗi khi có ý định giúp đỡ người khốn khó thì luôn được vợ và các con đồng tình. Chị Huỳnh Thị Bảy, vợ thầy Phạm Việt Cường bộc bạch: “Nói chung, ảnh đi làm, ảnh gặp người hoàn cảnh khó khăn, ảnh về nói giúp đỡ họ thì mình đồng tình. Bản thân mình cũng ưng rứa. Mình có thì giúp cho họ để họ có được hoàn cảnh đỡ hơn, mình thật sự không có điều kiện để giúp được nhiều. Mình có được chừng nào thì mình chia sẻ chừng nấy, chứ đợi mình giàu có thì mới giúp người ta thì cũng không hay. Mình nói cho con cái thì con cái cũng đồng tình”.

Là người cùng làng, thấu hiểu tấm lòng nhân hậu và những việc làm ý nghĩa của thầy Phạm Việt Cường, ông Hoàng Ngọc Vinh, Bí thư Đảng uỷ xã Trà Nú, huyện Bắc Trà My cho hay: “Thầy Cường năm nay 63 tuổi đời, 27 năm tuổi đảng, 40 năm công tác làm nghề giáo viên. Sau nghề giáo viên thì nghỉ hưu rồi tiếp tục tham gia làm Bí thư Chi bộ và nay là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã. Ở cương vị nào, thầy cũng luôn phát huy vai trò của người đảng viên, tiên phong, gương mẫu trong mọi lĩnh vực, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao. Thầy Cường rất tốt, thấy người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ảnh hay giúp đỡ. Nên dân làng rất quý mến ổng, coi ổng như là người Thầy của dân làng”.

Nhận xét về những đóng góp của thầy Phạm Việt Cường trong công tác hội, ông Nguyễn Hồng Tâm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Thầy Cường là một trong những Chủ tịch Hội cơ sở có trách nhiệm. Hiện tại hoàn cảnh gia đình thầy còn khó khăn, vợ không có việc làm ổn định. Vừa qua, tôi được biết tại xã có một gia đình rất khó khăn trong việc làm nhà ở. Anh Cường bàn với vợ hỗ trợ xi măng, gạch ngói… khoảng 13 triệu đồng để làm thêm 1 phòng học, sinh hoạt cho cháu Nguyên, con gái ông Thương. Việc làm của anh tuy là nhỏ nhưng đã phản ánh được trách nhiệm của người Chủ tịch Hội và phong trào Hội Chữu thập đỏ ở cơ sở”.

(Theo VOV4)

Xem thêm: Thầy giáo xứ Quảng vừa gieo chữ vừa kết nối xây hàng trăm công trình giáo dục