Những chi tiết có sức gợi và đậm đà bản sắc dân tộc trong Tây Tiến

Có một "Tây Tiến" chiều sương - Có cuộc đời người ở lại... và có những chi tiết khiến bạn đọc xúc động!

Đỗ Thu Nga
15:00 31/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

TIẾNG KHÈN TRONG CÂU THƠ "KHÈN LÊN MAN ĐIỆU NÀNG E ẤP"

Từ xa xưa những chiếc khèn bè đã được dùng làm nhạc đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, làm nền cho những điệu dân vũ, những điệu xòe, điệu múa lăm vông, hát đối, hát giao duyên, trong các dịp lễ tết, lễ hội hay tiếng khèn dùng để gọi bạn tình đêm khuya của những chàng trai cô gái Lào yêu nhau.

Tiếng khèn bè trầm bổng, sâu lắng, dồn dập, rộn ràng, náo nức cả không gian yên ắng. Khi tiếng khèn cất lên làm người nghe thấy da diết, sâu lắng: Lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo, gió hát, hiện nên vẻ hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.

Bởi thế, nhà thơ Quang Dũng đã không khỏi say sưa và quyện vào tiếng nhạc du dương của khèn rồi thốt lên vần thơ da diết "Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ". Rõ ràng là "xây hồn thơ", xây cả nỗi nhớ bâng khuâng mãi vì "man điệu" ấy sao vừa say sưa, vừa diệu vợi, vừa níu giữ một "hồn thiêng" rừng núi Tây Bắc, níu giữ cả những hoài niệm xa vời...

"NHẠC TÍNH" TRONG BÀI THƠ TÂY TIẾN

Chính sự đa thanh, đa giọng điệu đã làm cho bài thơ Tây Tiến có được một nhạc tính phong phú, trong đó, sự trầm hùng là chủ đạo. Tây Tiến khi trắc trở, lúc dịu êm; khi chất ngất vút cao, lúc trữ tình tha thiết. Đó là âm điệu của nhạc tính thơ cổ điển giàu sắc thái lãng mạn. Thể thơ bảy chữ phảng phất hơi hướng thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tản Đà, Xuân Diệu... đã hòa phối cùng cảm hứng hiện thực và lãng mạn về cuộc kháng chiến đã tạo ra một Quang Dũng vừa kế thừa nhạc tính của âm điệu thơ xưa, vừa cách tân làm mới thơ hiện đại. Chúng ta đọc thơ giai đoạn chống Pháp, có được mấy bài mà nhạc tính vừa cổ điển lại vừa tân kỳ như Tây Tiến. 

Nhung-chi-tiet-co-suc-goi-va-dam-da-ban-sac-dan-toc-trong-Tay-Tien

Chính kỹ thuật vận dụng ngôn ngữ thơ qua việc sử dụng, phối hợp các thanh bằng, trắc; tận dụng triệt để các từ láy, các thủ pháp đối lập... làm cho bài thơ rất giàu nhạc tính. Đây là nhạc tính hùng tráng trong cuộc hành quân của người lính khi vượt qua đèo cao, vực thẳm: "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời". Các thanh trắc đi liền với nhau và chiếm số lượng lớn, các từ láy tạo hình kết hợp với thủ pháp đối lập đã vẽ ra một địa hình hiểm trở, dữ dội để người lính vượt đến "heo hút cồn mây" mà đưa khẩu súng "ngửi" cả trời xanh. 

"THẦN HỨNG" TRONG BÀI THƠ TÂY TIẾN

Palaton đã nói: "Thơ là thần hứng" - thơ chỉ ra đời trong những giây phút thăng hoa của người nghệ sĩ. Quang Dũng đã có được giây phút ấy khi viết Tây Tiến. Từ xa xưa đến nay, thơ phải là tiếng hát thật sự của tâm hồn, khi tâm hồn lên tiếng, thì nhà thơ không cần lý luận. Điều đó giải thích vì sao hơn nửa thế kỷ qua, Tây Tiến luôn được bạn đọc yêu mến và nâng niu. Rồi khi gấp lại Tây Tiến, ta vẫn thương những vần thơ đầy chất nhạc, chất họa quyện hòa ấy.

Bài thơ Tây Tiến được sáng tác khi Quang Dũng đi dự Đại hội Toàn quân ở Liên khu III (1948) tại Phù Lưu Chanh. Trong lúc ấy, ông đã “xuất thần trên đầu ngọn bút”, một mạch viết nên bài thơ này từ những nỗi nhớ cuộn trào như thác lũ trong tâm trí. Đó là “thần hứng”, một niềm cảm hứng sâu sắc và dồn dập, cho ra đời những vần thơ hồi hồi trở thành bất tử. Thế mới biết, dù là một bài thơ chỉ được làm vỏn vẹn trong vài mươi phút, nhưng nó đủ sức gợi, đủ sức ngân vang trong suốt vài mươi năm, hay thậm chí vài mươi thế kỉ. Đó là sự bất diệt của thi hứng, của thơ ca, những “nguyên liệu” góp vào sự vĩnh cửu của Tây Tiến không gì khác ngoài nỗi nhớ, tình cảm của đại đội trưởng dành cho đồng đội, quyện hòa với chất tài hoa, hào hoa cuộn chảy trong từng mạch đời Quang Dũng.

MƯỜNG LÁT VÀ SÀI KHAO - MỘT LẦN THỬ ĐẶT CHÂN ĐẾN CÙNG THƠ QUANG DŨNG

Những câu thơ trong Tây Tiến bi hùng của Quang Dũng cách đây 65 năm về "đoàn quân không mọc tóc" cứ thôi thúc chúng tôi. Một ngày cuối đông, chúng tôi vác balo ngược dòng "sông Mã gầm lên khúc độc hành" từ Thanh Hóa trực chỉ Mường Lát. Sương mù dày đặc, xe len trong sương mà đi.

Sau 7 tiếng đồng hồ qua quốc lộ 47, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15A rồi tỉnh lộ 520, qua các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa sau khi băng qua 250km đường sá cheo leo trầy trật, xe chúng tôi đặt chân đến thị trấn Mường Lát. 

Thị trấn nằm trên đỉnh núi, dưới khe sâu con sông mã oai hùng thét gào đỏ ngầu phù xa. Bữa cơm tối ở quán Hải Muối, bà chủ quán làm cho tô canh cá măng nấu mẻ chua với cọng dọc mùng (miền Nam gọi là bạc hà hoặc cọng môn theo cách gọi của miền Trung) húp xì xụp trong cái lạnh cuối đông, hơi khói mịt mù phà từ mũi miệng. Anh lái xe Lương Văn Tiệu giới thiệu: Cá lăng sông Mã ngon nhất nước!

Sáng sớm khởi hành đi Sài Khao. Cách Mường Lát chỉ 20km nhưng ngay cả cư dân bản địa ở đây nhiều người không biết đường đi Sài Khao. "Là vì đường hiểm trở, không có đường ô tô chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ", anh bạn trẻ dẫn đường người Thái tên Hoàng Văn NHiệm cho biết. 20km đường đi Sài Khao, chúng tôi lần đầu hiểu thế nào là liều mạng.

Những con dốc dựng ngược trong bài thơ Tây Tiến ngày xưa dành cho đội quân chân đất ngay trước mắt. Xe máy cài số một, mệt nhọc rú rít giật cục từng cơn bò trên con đường đất lẫn đá nhơm nhớp sương mai trơn trượt và chỉ rộng chừng 30cm - nhiều đoạn chỉ 20cm và vết mòn chỉ vừa lằn bánh xe, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu ngàn thước thăm thẳm. Xe chạy qua, đất đá rơi lạo xạo rồi mất hút. Đường vừa đi qua, ngoái lại đã thấy mỏng te ngoằn ngoèo như sợi chỉ giữa trập trùng núi non và mờ ảo trong sương. Sơ sẩy là tan xác. Nhưng Nhiệm lại tự hào: Đây là con đường thanh niên, do đoàn thanh niên bản Suối Lóng làm cách đây hai năm với hơn 60 bạn trẻ làm ròng rã trong hai tháng để thông với Sài Khao.

"Bạt núi thành đường, gian nan lắm nhưng có con đường bản làng ta đi lại được, đưa con heo, con gà, bí ngô ra phố huyện" - Nhiệm nói. Bí ngô và bí xanh (bí đao) ở Sài Khao là loại giống đặc biệt từ ngàn đời chưa bị lai tạp, bởi người Mông dù di cư đến đâu cũng mang theo con giống bên mình, kể cả chó và heo, nổi tiếng nhất là giống lợn ỉ. Ông Phạm Bá Điểm - người Mường, phó chủ tịch huyện Mường Lát - cho biết, lợn ỉ trong làng cứ thả lông nhông, đến mùa tết bà con mang ra huyện bán được 150.000 đồng/kg hơi. Đây còn gọi là "lợn cắp nách", đặc sản khi về xuôi. 

Sau hai giờ dò dẫm trên con đường kinh hoàng 8km, từ bản Suối Lóng với những vực sâu thẳm và vách núi lừng lững, bất ngờ trước mắt hiện ra một thung lũng nhỏ chìm khuất trong sương với những mái nhà bạc thếch. Nhiệm quăng xe nằm vật ra đất thờ phì phì: đã đến Sài Khao! Tiếng chó sủa tong tóc nghe ấm áp. Sài Khao lừng danh bé bỏng và yên bình đến thế".

Xem thêm: Điểm danh một số khái niệm lý luận văn học dễ xuất hiện trong kỳ thi THPT quốc gia

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận