Vĩnh biệt nhạc sĩ Phú Quang - người nghệ sĩ đa tài, đa tình, đa cảm nhưng rất lạc quan trước bệnh tật
Nhạc sĩ Phú Quang qua đời vào lúc 8h145 ngày 8/12 sau 2 năm điều trị biến chứng tiểu đường. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn với nền âm nhạc Việt Nam cũng như đối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Vĩnh biệt nhạc sĩ Phú Quang
Bà Trịnh Anh Thư - vợ nhạc sĩ Phú Quang nghẹn ngào chia sẻ: Nhạc sĩ lầm bệnh nặng từ giữa năm ngoái. Ông phải dùng máy thở, nằm trong phòng vô trùng.
Con gái nhạc sĩ Phú Quang cho biết, trước khi mất ông phải ăn qua ống xông, yếu sức nhưng ông vẫn nhận ra người thân. Hồi tháng 7, gia đình tổ chức tiệc sinh nhật cho ông, ông vui vì được nhận hoa và quà.
Trước khi nhập viện, trước khi sức khỏe yếu đi vì bệnh tật, nhạc sĩ Phú Quang vẫn miệt mài làm việc. Đôi lúc ông đãng trí những việc thường nhật nhưng vẫn nhớ như in chuyện âm nhạc. Sinh thời, ông vốn không thích ai hát sai lời, nhạc của mình.
Như vài năm nay, sức khỏe ông yếu đi, hầu như nằm nào cũng nhập viện một hai đợt. Ông được người vợ thứ 3 cùng con cháu chăm sóc chu đáo trước khi qua đời.
Người con gái đầu - nghệ sĩ piano Trinh Hương và con rể - nghệ sĩ violin Bùi Công Duy - thường xuyên thăm hỏi ông. Ông còn con gái thứ Giáng Hương và con trai út Phú Vương.
Sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang khiến bạn bè, đồng nghiệp vô cùng buồn thương. Đức Tuấn chia sẻ, thời gian Phú Quang nằm viện rồi trở nặng, anh vẫn hy vọng kỳ tích có thể xảy ra. Nhưng sức khỏe nam nhạc sĩ ngày càng yếu đi.
Lần cuối anh trò chuyện với Phú Quang là vào đầu năm, lúc đó cả hai bàn về đĩa nhạc Phú Quang thứ hai, sau đĩa "Hà Nội và em khi thu chớm đông sang" họ làm chung, ra mắt năm 2018. "Ông đang viết nhạc thì bệnh lâm nặng hơn, mọi thứ đến giờ đã vĩnh viễn dang dở", anh nói.
Nhạc sĩ Phú Quang - người nghệ sĩ đa tài, đa tình, đa cảm
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, quê ở xã Trạng Bùng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp kèn cor, năm 1967-1978, nhạc sĩ Phú Quang công tác tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch.
Đến năm 1987 ông học tại Nhạc viện Hà Nội ngành Chỉ huy dàn nhạc. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp, nhạc sĩ công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Năm 1986, ông công tác ở Phòng Ca Múa Nhạc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM.
Nhạc sĩ Phú Quang là người nghệ sĩ đa tài. Nhắc đến ông là nhớ ngay về loạt ca khúc Hà Nội như: Em ơi Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Im lặng đêm Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Đâu phải bởi mùa thu (phỏng thơ Giáng Vân), Nỗi nhớ mùa đông (thơ Thảo Phương), Trong miền ký ức, Điều giản dị...
Nhạc sĩ Phú Quang có rất nhiều sáng tác đi vào lòng người. Ông đã nhiều lần tổ chức các đêm nhạc và dẫn các đoàn nghệ sĩ đi biểu diễn tại cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Không những vậy, ông còn viết nhiều nhạc phẩm cho sân khấu, điện ảnh, nhạc thính phòng, giao hưởng, nhạc múa, nhạc nền cho cải lương. Ông cũng đã xuất bản tập bài hát Đâu phải bởi mùa thu (1990), Những tình khúc Phú Quang chọn lọc (46 bài, 1995). Nhạc sĩ Phú Quang được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014" trong lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014).
Những người bạn lâu năm, những người đồng nghiệp gắn bó với Phú Quang đều nhận xét: Ông là một người nghệ sĩ thông minh, ông thẳng thắn, không quanh co úp mở, sẵn sàng bày tỏ quan điểm của mình và rất ghét mọi sự bất công.
Phú Quang đã nói ra những điều mà nhiều người ngại nói: “Tôi hiểu ra một điều nữa là ai cũng yêu vinh quang, nhưng rất ít người yêu lao động để làm ra vinh quang, bởi vì để có vinh quang, lao động rất cực nhọc. Tôi không bao giờ trách móc vợ hay những người yêu. Họ luôn mong muốn người chồng một cái gì đó chỉn chu, đúng mực mà người sáng tác luôn ở trạng thái không bình thường nên nhiều khi có câu đùa rằng lấy nghệ sĩ là lấy người dở hơi. Rất khó có người phụ nữ chấp nhận lấy chồng dở hơi”.
Nhạc sĩ Phú Quang còn là người cha mẫu mực. Sinh thời, ông từng chia sẻ: "Với các con, tôi luôn đi bên cạnh, chỉ đi bên cạnh mà không nắm tay dắt đi từng bước, khi con loạng choạng hay vấp ngã mình đỡ nó dậy. Vấn đề không phải mình dạy con điều gì, quan trọng là khi các con lớn lên sẽ làm được gì trong cuộc đời. Tôi an tâm với các con mình vì các con tôi sống đàng hoàng, sống bằng tài năng thực lực của mình. Tôi cho rằng, nếu không có tài thì đến 99% khổ luyện cũng không thể trở thành tài năng thực sự được.
Sống ở đời, có thế có người yêu mình, có người ghét mình nhưng mình sống sao để không ai có thể coi thường được mình, kể cả khi mình đối diện với chính bản thân mình. Tôi luôn nói với các con rằng hạnh phúc nhất của con người là được sống trong tình yêu thương của mọi người…”, nhạc sĩ Phú Quang nói.
Nhạc sĩ Phú Quang còn là người nghệ sĩ lạc quan. Hồi 50 tuổi ông bị 3 khối u to bằng quả trứng mọc ở cổ. Khi ấy, các bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư và yêu cầu mổ ngay, xạ trị may ra còn kịp. Nhưng ông chần chừ vì nghĩ: "Ung thư giai đoạn này rồi đụng dao kéo khéo bệnh nặng hơn". Ông chấp nhận cái chết nhưng tinh thần thì vẫn lạc quan, ông thay đổi chế độ sinh hoạt và tập luyện, luôn tâm niệm và thích câu nói của Exenhin: "Chết thì không có gì mới cả, nhưng không có nghĩa là sống thì mới hơn".
Xem thêm: Vĩnh biệt Thiếu tướng, Anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Hồng Nhị
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận