Nhà văn Di Li: Có một "Ấn Độ lạ thường" đang chống chọi với COVID

Cách đây chưa đầy 1 ngày, nhà văn Di Li đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình góc nhìn về "Câu chuyện vaccine, Ấn Độ, dân chủ, người giàu, kẻ nghèo và bao giờ hết COVID". Bài viết nhận được nhiều sự quan tâm của CĐM.

Đỗ Thu Nga
14:20 20/05/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ở bài viết này, Sống Đẹp xin chia sẻ nguyên văn bài viết của nhà văn Di Li: "CÂU CHUYỆN VACCINE, ẤN ĐỘ, DÂN CHỦ, NGƯỜI GIÀU, KẺ NGHÈO VÀ BAO GIỜ THÌ HẾT COVID"

"Theo bản tin hôm nay, số ca tử vong do covid ở Ấn Độ đã lên tới 4529 ca/ngày (mà là con số chưa đầy đủ), cao nhất thế giới kể từ đầu mùa dịch đến giờ. Dân Ấn có tục lệ hỏa thiêu, nên người chết nhiều quá thì họ sẽ bẻ luôn cành cây trong công viên rồi đốt xác đùng đùng ngay trên hè phố, nhà nghèo chả có tiền mua củi mà cũng không thể bẻ trộm cành cây công viên thì lén lút vác xác thân nhân đến cửa nhà tang lễ quẳng đấy rồi bỏ xác chạy lấy người, hoặc giản tiện hơn nữa là để nguyên xác tống xuống sông Hằng cho nổi lềnh bềnh. Covid trong xác cứ thế hòa lẫn vào nước sông rồi theo hạ nguồn trôi đi đâu thì trôi, dính tiếp vào ai thì dính, cơ mà nước sông Hằng thì vốn vẫn chu du khắp châu Á. 

Mình đã đến Ấn Độ 4 lần (18/3 năm ngoái bị hủy chuyến bay và visa vì Ấn Độ phong tỏa covid, chứ không là đã thành 5. Mà trót lên Hà Trung đổi tiền rồi nên trong ngăn kéo vẫn cất một đống tiền rupi). Vì Ấn Độ là niềm đam mê, là điểm đến mà mình có thể bay tới vài chục lần trong đời. Tóm lại hễ cứ sểnh ra là mình lại mua vé đi Ấn Độ. Nhiều người cứ chê Ấn Độ bẩn và nghèo, người Ấn Độ thì xấu xí, trai Ấn Độ thì hung tợn, cứ nhìn thấy phụ nữ là hiếp dâm, Ấn Độ lạc hậu, Ấn Độ không văn minh… thì kỳ thực là mới chỉ nhìn thấy 1 nửa. 

nha-van-di-li-va-cau-chuyen-ve-an-do-la-thuong
Bài đăng của nhà văn Di Li

Ở New Delhi, có rất nhiều chỗ xanh, sạch, đẹp hơn châu Âu, với những công trình vĩ đại lâu đời từ nhiều thế kỷ. Ấn Độ là thung lũng silicon thứ hai của thế giới và chuẩn bị vượt mặt Mỹ về công suất phần mềm tin học. Nơi sản xuất nhiều phim điện ảnh nhất là Bollywood chứ không phải Hollywood. Những quốc gia sở hữu nhiều hoa hậu Hoàn vũ nhất thế giới, ngoài mấy nước Nam Mỹ thì còn có Ấn Độ. Ấn Độ nhiều người đẹp, vì họ lai đa chủng (Trong hình là 2 anh thanh niên mình chụp bừa ở Jaipur. Anh chít khăn trông như ngôi sao bóng đá là 1 tài xế xe tuk tuk ở làng, chụp chân dung thôi vì nếu lướt xuống dưới thì ảnh mặc quần thủng đít. Anh đeo kính là 1 gã bán hàng rong, trông không ăn ảnh lắm chứ ở ngoài cả đoàn mình ngẩn ngơ vì như diễn viên Hollywood. Anh bán rong ra mời mua hàng, thấy mình đứng chết lặng thì lần lượt hỏi bằng cả Anh, Pháp, Đức, Ý để xem mình biết nói tiếng gì thì sẽ giao tiếp bằng tiếng ấy). 

Đàn ông Ấn Độ kỳ thực hiền lành nhất trong các quốc gia mình từng đến, thậm chí những người bán hàng hành tung còn khúm núm, tội nghiệp. Có mắng cũng không dám phản ứng. Ở VN mà mắng khéo nó tẩn cho chết. Mình đã từng đi dọc ngang miền Bắc Ấn và vài lần đến New Dehli, toàn tự đi phượt nhưng vẫn an toàn, cũng chả bị ai nhòm ngó như thiên hạ đồn thổi thế. Ấn Độ là 1 trong những nền triết học sớm nhất của thế giới, là cái nôi của văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật, mà một trong những triết gia vĩ đại nhất là Đức Phật. Những người giàu nhất thế giới và những kẻ chịu chơi nhất thế giới cũng tập trung ở Ấn Độ. Hồi 2018, ái nữ của ông trùm Mukesh Ambani làm đám cưới (Ambani là người giàu nhất châu Á và thứ tư thế giới với gia sản 40 tỷ USD, thậm chí có năm từng vượt mặt Bill Gates) thì riêng tiền làm thiệp cưới khảm nạm đã tốn hàng trăm tỷ VN đồng.

nha-van-di-li-va-cau-chuyen-ve-an-do-la-thuong-0
Chân dung nhà văn Di Li

Nhưng khổ nỗi, Ấn Độ là 1 quốc gia cực đoan, ở nơi này cứ như chỉ tồn tại mỗi 2 khái niệm. Hoặc là cực đẹp hoặc là cực xấu. Hoặc cực hiền lành, nhút nhát hoặc cực hung dữ và biến thái. Hoặc cực sạch hoặc cực bẩn. Hoặc cực trí tuệ hoặc không biết chữ. Hoặc cực giàu hoặc nghèo đến nỗi không đủ tiền mua củi thiêu xác. Hoặc cực văn minh hoặc cực lạc hậu (đến nỗi giờ nhiều làng vẫn duy trì hủ tục vợ góa tự thiêu theo chồng). Hoặc cực thiền, thân tâm an lạc (nơi khai sinh ra Yoga), hoặc cực dâm đãng (cũng là nơi sinh ra Kama Sutra). Phong cảnh có chỗ thì cực rét (dãy Himalaya), chỗ thì cực nóng (sa mạc Đại Ấn Độ). Món ăn cũng hoặc cực kinh (vừa đưa lên miệng phải nhè ra ngay) hoặc cực ngon. Họ có những khách sạn xa xỉ nhất thế giới để khách nghỉ ở đó đê mê như miền cực lạc và cũng có những khu ổ chuột được coi như địa ngục trần gian. Tất nhiên gu của mình là gu cực đoan. Ngay cả con người thì mình cũng rất khoái những cá nhân có nhân cách kép thể cực đoan, nghĩa là 2 thái cực dồn trong cùng một người khiến không biết đâu mà lần.

Tất cả sự phân cực này là do hệ thống 5 đẳng cấp vẫn tồn tại ở Ấn Độ từ trước Công nguyên cho đến bây giờ. Khiến người nào đã bẩn, đã xấu, đã nghèo, đã mù chữ, đã mông muội thì truyền kiếp hàng trăm đời con cháu cơ bản vẫn thế. Chứ rất hiếm trường hợp như những nước khác là từ cậu bé đánh giày trở thành tỷ phú, từ con trai một bà mẹ không biết chữ có thể trở thành nhà khoa học, từ cô bé rửa bát thuê biến thành nữ hoàng sắc đẹp, từ cậu con nuôi vô thừa nhận thành phó thủ tướng. Ở Ấn Độ, con sãi chùa lại quét lá đa, hãn hữu mới có trường hợp vượt rào nhảy từ đẳng cấp này sang đẳng cấp khác. Đa phần cứ định ngoi lên là bị đẳng cấp trên dìm cho không mở mày mở mặt ra được. Vì thế slogan du lịch do chính Ấn Độ đưa ra cũng đúng như họ tự nhận “Incredible India” (Ấn Độ lạ thường)

Covid khi đến Ấn Độ nó cũng kỳ quái theo đất nước này, nó biến thể và gia tăng độc lực, và tất nhiên nó trừ người giàu ra. Vì người giàu họ đi phi cơ riêng sang Maldives hoặc Dubai nghỉ dưỡng trong resort 6 sao tránh bệnh, bao giờ hết dịch thì về. Họ tắm nắng, shopping kim cương, uống cocktail dưới ánh sao đêm và post hình lên phây cho dân nghèo ở nhà phát sốt lên mà chửi mắng. Mà đã là người nghèo thì ở đâu cũng khổ trần ai, dù là Đông hay Tây, dù là Phật giáo hay Thiên chúa giáo, tư bản hay XH chủ nghĩa, phong kiến hay hiện đại, xã hội phân đẳng cấp hay bình đẳng dân chủ. Khi quốc gia có sự gì xảy ra, chiến tranh, đảo chính, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, thiên tai, biến đổi khí hậu thì người nghèo lĩnh đủ. Họ là những đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất trong xã hội. Mà Ấn Độ thì nhiều người nghèo. GDP có cao đến đâu thì cũng chỉ nằm trong tay tầng lớp thượng lưu tỷ phú.

Hồi mùng 7 Tết năm ngoái mình còn ở Ấn Độ. Lúc ấy thấy báo đưa tin ở nhà đổ xô đi mua khẩu trang mà cháy hàng, nên hôm cuối cùng cả đoàn đi chợ không mua quà cáp gì mà chỉ tìm mua 1 đống khẩu trang nhét vali mang về. Dân Ấn thấy thế lạ lắm, nhún vai ngạc nhiên vì lúc đó Ấn chưa có ca nào. Nhưng khi ấy mình bảo: Covid mà lan sang Ấn Độ thì khéo cả nước nhiễm, số ca dẫn đầu thế giới. Nhà thơ Nguyệt Vũ đi cùng sau này cứ bảo lời mình có tính… tiên tri. Khổ tiên tri gì đâu, Ấn Độ ngày thường lúc nào cũng nhung nhúc người thế, trông chả khác gì phim zombie, không nhiễm mới là lạ. Thế giới cứ mắng Ấn Độ sao không phong tỏa. Nhưng họ không làm thế được. 

Thứ nhất là Ấn Độ nhiều lễ hội tôn giáo hàng đầu thế giới. Người chết ngay bên cạnh làm sao họ lại không biết, nhưng vẫn vài chục ngàn người Ấn tắm chung trong lễ hội tôn giáo Kumbh Mela. Chả mấy ai thèm đeo khẩu trang. Họ dấp nước sông Hằng lên người, rồi úp mặt vào phân bò sền sệt bảo thần linh sẽ phù hộ. Họ thà chết covid cũng được chứ nhất định không chịu bỏ việc hành hương. Thủ tướng cũng không thể cấm lễ hội được vì quyền lực của các giáo sĩ Bà la môn ở đây là tối thượng (Là đẳng cấp thứ nhất trong 5 đẳng cấp), nên chính trị gia cũng chả là cái đinh. Gọi là phép vua thua lệ làng. Mấy lễ hội đền Hùng, Tam Chúc của ta trông cũng… nhang nhác Ấn Độ nhưng Đảng và chính phủ bảo ở nhà ngay là ở. Cả nước răm rắp nghe theo. Quy định mà không nghe thì phạt tiền, phạt tù, bêu lên báo lên mạng xã hội, cả nước phấn khởi ủng hộ, xúm vào chửi thêm cho đáng đời cái kẻ đi lây bệnh. (Tất cả các nước vốn vẫn tự hào về nền dân chủ lâu đời không làm thế được. Vì trên bảo dưới không nghe. Cứ bắt nọ bắt kia khéo dân còn mắng cho thêm. Mà còn lâu mới dám truy vết rồi bắt khai ra xem ăn gì, ở đâu, giờ nào, vào karaoke với những ai. Trong tình hình dịch bệnh thì đây gọi là mặt trái của dân chủ. Nên chung quy có mỗi Triều Tiên, Việt Nam và Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới, quê hương của covid là kiểm soát được con virus này.) Mà lần nào sang Ấn Độ mình cũng thấy người ta biểu tình, nội dung đòi cái gì thì mình không hiểu, nhưng họ thích biểu tình và họ được phép.

Thứ hai là tỷ lệ người nghèo của Ấn Độ rất nhiều. Nếu phong tỏa thì rất có thể số người chết đói còn hơn chết vì covid. Trong ảnh là Ram Vriksha Gaur, một trong những đạo diễn của “Cô dâu 8 tuổi”. Dịch bệnh khiến anh phá sản, phải chở xe đi bán rau quả. Việc biến thể covid Ấn Độ sẽ lan ra toàn thế giới, đặc biệt là châu Phi cũng không có gì ngạc nhiên. Lúc ấy người trung lưu phá sản xuống thành cùng đinh là chuyện bình thường. Nên mấy ông nghỉ lễ đi chơi xa, không thèm đeo khẩu trang suốt chuyến, về nhà lại trốn khai báo xong vác thân đi lung tung tiếp xúc hết người nọ người kia thì chỉ hại nhất người nghèo. Bởi nhỡ dịch bùng ra thì người nghèo cũng không có nổi thúng rau quả mà bán.

Theo báo cáo thì nếu tiêm vaccine cật lực, Ấn Độ cũng phải mất… 10 năm mới tiêm đủ cho hơn 1 tỷ dân của họ. Câu chuyện Ấn Độ khiến mình thấy chưa có gì quá lạc quan về tình hình covid hiện nay. Bởi logic thứ nhất là chỉ khi nào vaccine được tiêm đủ trên toàn thế giới thì việc đi lại giữa các nước mới tự do hoàn toàn, vì chừng nào vẫn còn quốc gia bị covid, nó sẽ lây qua lây lại, thậm chí thêm các biến chủng mới mà vaccine chả giải quyết vấn đề gì. Logic thứ 2 là biên giới đường bộ giữa các nước (trừ các quốc đảo) thường hở hông hốc mấy trăm cây số, toàn đồng không mông quạnh, không có biên phòng nào ngồi rình bắt hết được, nên lây nhau là chuyện bình thường. Giờ Ấn Độ, Philippin, Indonesia, Malaysia coi như thất thủ. Sắp tới có thể sẽ đến lượt Nepal thất thủ, quốc gia có mật độ dân số đông, y tế tệ hại, vệ sinh kém và không may lại chung đường biên rất dài với Ấn Độ. Nếu xảy ra chuyện gì thì kết quả có thể còn tồi tệ hơn cả Ấn Độ, vì họ nghèo hơn Ấn Độ rất nhiều, giao thông thì không khác gì phim Indiana Jones, muốn viện trợ, tiếp tế cũng khó. Điều này thực sự rất đau lòng vì đây là 2 quốc gia mà mình yêu mến nhất. (Các bạn có thể tìm đọc các thông tin về hệ thống đẳng cấp, sự phân chia giàu nghèo, hủ tục hồi môn ở Ấn Độ, xung đột giữa Trung Quốc Ấn Độ, tục lệ thiêu xác ở Ấn Độ và Nepal, sự cô lập về giao thông và địa lý của Nepal, đời sống mất vệ sinh kinh hoàng trên sông Hằng và sông Bagmati (Kathmandu) trong cuốn “Cô đơn trên Everest”.).

P/s: Mình nằm trong tổ covid cộng đồng của tòa nhà nên đầu tháng 3 đã được đăng ký tiêm vaccine. Hôm bị gọi đi tiêm cũng đấu tranh tư tưởng mất 1 ngày vì tuần ấy có 4 sự kiện quan trọng, tiêm xong nhỡ nằm bệt thì mất công mất việc. Nhưng cái vaccine này vào người mình cứ như nước lọc ấy, chả có bất cứ triệu chứng gì, kể cả triệu chứng điển hình nhất mà thấy ai cũng bị là đau nhức chỗ tiêm, hoặc mệt mỏi. Cơ chế sốt cao là khi có vi khuẩn, virus thì tế bào bạch cầu giống như hàng rào chiến sĩ bảo vệ ra xung trận, đánh nhau mấy ngày liền với kẻ địch khiến cơ thể biến thành một chiến trường đầy khói lửa. Đánh nhau càng lâu thì số lượng chiến sĩ bổ sung càng nhiều, chiến trường càng tan tác thê lương, nên gây ra sốt, buồn nôn, đau đầu, đau nhức mình mẩy.

Nhưng hệ miễn dịch của mình chắc giống mấy võ sĩ Samurai hoặc Ninja đứng trực ở cửa, cứ kẻ lạ vô là đưa 1 đường kiếm đạo theo phong cách tối giản Nhật Bản 1 nhát chết luôn, xong lặng lẽ kéo xác đi phi tang nên chả có chiến trường gì ráo. Hèn chi mấy chục năm chả ốm sốt hay mắc bệnh truyền nhiễm bao giờ. Cô em gái mắng là chị khỏe thế lẽ ra nên nhường vaccine cho người khác, còn cố tiêm làm gì. Ừ nhỉ, nghĩ cũng hơi ân hận, tự dưng làm mất 1 suất vaccine của thế giới".

Di Li (tên thật là Nguyễn Diệu Linh, SN 1978 tại Hà Nội). Chị là nhà văn và dịch giả. Nhà văn Di Li được đánh giá là cây bút nữ đang nổi với dòng văn học trinh thám kinh dị, được xem là hiện tượng của văn học phía Bắc khi rất thành công với thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị. Những tác phẩm gây ấn tượng mạnh của Di Li có thể kể đến như Trại hoa đỏ, Điệu valse địa ngục, Tháp Babel trên đỉnh thác ánh trăng, Cocktail thị thành...

Nhà văn Di Li từng đạt Giải Ba trong cuộc thi Truyện ngắn Quân đội 2005-2006 với truyện ngắn Cocktail; Giải Ba cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký 2007- 2010 do Bộ Công an phối hợp cùng Hội nhà văn tổ chức – Tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ.

Nhà văn Di Li hoạt động văn học từ những năm 2000, mỗi năm chị đều xuất bản đều đặn 2 - 3 cuốn sách. Điều này chứng tỏ sức làm việc dồi dào, mạnh mẽ của chị... Với nhà văn Di Li: "Tôi luôn coi mình là con số không, đặt mình ở điểm xuất phát thấp nhất để luôn nỗ lực vươn tới thành công. Tôi cũng khuyên các bạn như vậy".

Tác giả: Nhà văn Di Li

Ấn Độ giữa "địa ngục" COVID-19: Rùng mình với tục thiêu thi thể, thả trôi trên sông Hằng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận