Nhà Trần và văn hóa triều đình "độc nhất vô nhị" trong sử Việt: "Vua tôi cùng vui, không câu nệ lễ phép"

Khi nhắc đến văn hóa cung đình thời nhà Trần, sử gia Ngô Sĩ Liên từng nhận xét: "Vua tôi cùng vui, không câu nệ lễ phép, cũng là phong tục giản dị chất phác nhưng không có tiết độ”.

Đỗ Thu Nga
14:00 26/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhà Trần bắt đầu cai trị đất Việt từ khi Trần Cảnh lên ngôi năm 1226. Trong giai đoạn nắm giữ quyền lực, nhà Trần vẫn đóng đô ở Thăng Long – kinh đô triều cũ, tiếp tục mở rộng và phát triển sự hưng thịnh có từ đời nhà Lý. 

Bên cạnh việc phát triển toàn diện mọi mặt xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân đội... nhà Trần còn chú trọng xây dựng văn hóa triều đình. Văn hóa triều đình của nhà Trần được các nhà sử gia đánh giá là rất độc đáo: Vua tôi cùng vui, không câu nệ lễ phép, phong tục giản dị, chất phác.

Đây cũng là điều mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn khi trả lời vua Trần Anh Tông lúc vương sắp lâm chung về nguyên nhân chiến thắng của đất nước trước quân xâm lược nhà Nguyên hùng mạnh, đã nhấn mạnh: “Vua tôi cùng lòng, anh em hòa mục, nước nhà góp sức, giặc tự bị bắt, đó là trời xui nên vậy”.

Đoàn kết, hòa thuận, giản dị, đó chính là văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt triều đình của nhà Trần.

Vua tôi cùng vui, không câu nệ lễ phép

Gạt chuyện hôn nhân nội tộc qua một bên thì có thể thấy, trong mối quan hệ giữa vua tôi với vương hầu, các quan, với dân của nhà Trần có nhiều nét độc đáo, khác biệt với các triều đại phong kiến khác ở Việt Nam.

Nếu tìm hiểu sâu về văn hóa cung đình thời phong kiến thì có thể thấy, gần như không có triều đại nào có chuyện sau khi thiết triều thì tổ chức ăn uống ngay tại cung điện, rồi các vương hầu cùng ngủ cạnh nhau. Thế nhưng, vua Trần Thánh Tông từng bảo với người tôn thất rằng: 

“Ta cùng các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui, các khanh nên lấy câu nói ấy mà truyền cho con cháu để nhớ lâu đừng quên, thế là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc vậy”.

Nha-Tran-va-van-hoa-trieu-dinh-doc-nhat-vo-nhi-trong-su-Viet-0

Sau đó, vua xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, xong buổi chầu thì vào điện và lan đình cùng nhau ăn uống. Hoặc có khi trời tối quá không về phủ được thì trải chiếu chăn ra ngủ gần nhau, để thể hiện lòng yêu thương, đoàn kết. Chỉ khi có lễ tiết lớn thì mới phân thứ bậc cao thấp. Vì vậy mà vương hầu ai cũng hòa thuận, kính kể vua và không bao giờ kiêu căng.

Có lẽ, trừ triều tiền Lê, khi phong tục thuần phác còn có những yến tiệc mở ven sông mà Vua Lê Hoàn vui vẻ ca hát, còn từ triều Lý về sau, ta không thấy cảnh tượng triều đình nào mà lúc liên hoan thì vua tôi cùng gõ chén ca hát, đến cả sử quan là Ngự sử trung tướng Trần Chu Phổ, người chịu trách nhiệm quan sát các hoạt động của vua và triều đình để ghi lại mà cũng cầm dùi gõ hát nghêu ngao “sử quan ca rằng, sử quan ca rằng...”.

Và cũng không ở triều đại phong kiến nào mà nửa đêm, chị vua - công chúa Thụy Bà có thể đến gõ cửa điện vua để nói chuyện riêng khi biết Trần Quốc Tuấn vào phòng công chúa Thiên Thành ngay trong phủ của Trung Thành vương. 

Và cũng không có triều đình nào mà vua đêm hôm còn lang thang phố phường, đến mức bị bọn vô lại ném vỡ đầu? Vị vua ấy là Trần Anh Tông. Ngài thích lẻn ra ngoài chơi đêm đến khi gà gáy mới về. Vào lần nọ, khi đi đến quân phường, bọn vô lại ném gạch trúng đầu vua. Người hầu thấy vậy liền hét: "Kiệu vua đấy!”, bọn đấy biết là vua, mới bỏ chạy.

Nha-Tran-va-van-hoa-trieu-dinh-doc-nhat-vo-nhi-trong-su-Viet-9

Đến khi Thượng hoàng Nhân Tông thấy đầu vua có vết thương thì hỏi chuyện. Vua không giấu mà trả lời thực là do đi chơi mà bị ném. Thượng hoàng giận lắm.

Có không ít vương hầu ở các triều đại phong kiến cậy quyền làm bậy trong dân gian. Nhưng, ở triều Trần thì mới có chuyện bọn vương hầu quyền quý ra chợ đánh nhau với người dân hoặc ăn cướp để nhận là dũng cảm. 

Vũ Uy vương (con Vua Trần Thái Tông) cũng làm thế. Một hôm Vũ Uy vương đánh nhau tay không ở bến Đông, vua vi hành đi chơi trông thấy, hỏi rằng: “Người béo trắng ấy là ai, bắt lại đây để sai bảo”, khiến Vũ Uy vương nghe thấy chạy trốn.

Pháp luật thời Trần, tuy chặt trong dân chúng nhưng lại lỏng lẻo với vương tôn, nên mới có chuyện 1 vị hoàng thân giữ trọng trách lớn (Hiển Hoàng Trần Liễu) chèo thuyền vào chầu mùa nước lụt, rồi hiếp dâm cung nữ triều trước ở trong cung. Vậy mà chỉ bị trách phạt nhẹ, lại cho đổi tên cung điện ấy thành cung Thưởng Xuân như một sự ủng hộ vậy.

Cũng dưới triều Trần mới thấy, nhà vua công khai nhận con ngoài giá thú ngay trước dân chúng như Vua Trần Thái Tông nhận Trần Bà Liệt trong cuộc đấu vật.

Rất gần đân

Hiếm có triều đình nào mà vua lại đích thân ra xem chữa cháy ở ngoài khu nhà dân, như vua Trần Thái Tông. Nhà vua còn bỏ công tìm hiểu xem ai đến chữa cháy trước, ai đến sau.

Cũng hiếm có triều đình nào mà khi đám ma vua, dân chúng tràn vào cả cung điện để xem di quan, khiến tể tướng đích thân cầm roi dẹp cũng không được, tướng quân phải cho quân lính sang chỗ khác hát bài đưa đám ma để thu hút dân chúng thì mới di quan được. 

Đó là chuyện khi vua Trần Nhân Tông băng hà. Linh cữu tạm quàn ở Điện Diên Hiền, khi sắp phát dẫn, đã đến giờ rồi mà quan liêu dân chúng đứng đầy khắp cung điện, tể tướng cầm roi xua đuổi, cũng không thể giãn ra được. 

Sau đó, vua phải cho gọi Chi hậu chánh chưởng Trịnh Trọng Từ đến bảo tìm cách. Trọng Tử mới gọi các quân mình trông coi là quân Hải khẩu và quân Hổ dực đến thềm Thiên Trì, ngồi la liệt ở thềm, hát mấy câu Long ngâm, mọi người kéo sang xem, cung điện mới giãn người, mới rước quan tài về lăng Quy Đức được.

Nha-Tran-va-van-hoa-trieu-dinh-doc-nhat-vo-nhi-trong-su-Viet-7
Tranh minh họa vua Trần Nhân Tông

Ngô Sĩ Liên cũng nhắc đến chuyện này với lời bàn: Triều đình cốt phải nghiêm, khi linh cữu phát dẫn, cần gì phải đến tể tướng đi dẹp người và hữu ti phải dùng mưu kế mới di quan ra được? Là bởi nhà Trần khoan hậu thì có thừa mà về nghiêm trọng thì không đủ.

Và ở triều Trần còn có chuyện, khi vấn có vấn đề trọng đại của đất nước thì tổ chức mời các bô lão về kinh họp, hỏi ý kiến. Đó là sự kiện 12/1284, Thượng hoàng cho gọi các phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, cho ăn và hỏi kế sách đánh giặc.

Sau các phụ lão nói nên đánh, muôn người cùng lời như một. Sử gia Ngô Sĩ Liên nói: "Giặc Nguyên xâm lấn là tai nạn lớn của nước, hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn, há không có kế sách gì chống giặc mà phải ban yến hỏi kế các phụ lão ư? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng yêu nước của nhân dân và để nhân dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ ý người xưa nuôi người già mà xin lời hay vậy”.

Cũng chỉ ở triều Trần mới có chuyện, mỗi khi vua ra đường gặp gia đồng của các vương hầu thì “gọi rõ tên mà hỏi và dặn vệ sĩ không được thét đuổi”, như vua Trần Nhân Tông, vì cảm tình với bọn họ luôn phò giúp khi có giặc.

Anh em, họ hàng hòa thuận

Phải nói rằng, anh em, họ hàng nhà Trần rất hòa thuận. Điển hình như chuyện Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn vì có thù nhà (vụ Trần Thái Tông cướp vợ của Trần Liễu), trước vốn không ưa nhau nhưng sau đó Quang Khải vẫn xuống thuyền đánh cờ với Quốc Tuấn cả ngày mới về, Quốc Tuấn lại đích thân lấy nước thơm tắm cho Quang Khải, từ đấy, vui chơi với nhau, tình thân càng mặn.

Hay như chuyện Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thụy, vợ của Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con dâu Hưng Đạo vương. Vua sợ phật ý Hưng Đạo vương, đã sai đánh chết Khánh Dư nhưng lại hạ lệnh chúc đầu gông đánh để cho sống, rồi đuổi về Chí Linh làm nghề bán than. Khi quân Nguyên sang xâm lược, lại gọi đến, phong làm  phó tướng dưới quyền Hưng Đạo vương cùng đánh giặc. Đến khi Hưng Đạo vương soạn cuốn “Vạn kiếp tông bí truyền thư”, rõ ràng những hiềm khích trước đó đều được Hưng Đạo vương xóa bỏ hết.

Nha-Tran-va-van-hoa-trieu-dinh-doc-nhat-vo-nhi-trong-su-Viet-1

Dưới thời nhà Trần, các vương hầu lập ấp ở địa phương, tự xây dựng hương binh cũng được đời sau thừa nhận là có lợi cho chiến tranh. Đó là khi giặc đến, triều đình kêu gọi thì các vương hầu đem người nhà và hương binh làm quân giúp vua. Khi triều đình có biến loạn, như lúc Dương Nhật Lễ muốn đổi sang họ Dương, các vương hầu đem người trong thôn trang đánh đuổi quân triều đình, đưa Vua Nghệ Tông lên ngôi, cũng là làm cho thế nước vững mạnh.

Không chỉ người nhà hòa thuận, triều đình nhà Trần cũng cố gắng gắn kết các bề tôi với nhau. Thế nên,  Hành khiển Trần Khắc Chung mới giao du với khắp hạng quan lại.

Sự hòa thuận giữa anh em, giữa bề tôi cũng là nhờ các vua Trần luôn giữ lượng khoan dung. Như khi có viên Tiểu hiệu là Hoàng Cự Đà buông lời trách cứ về chuyện mình không được ăn muỗm khi chia thưởng, Vua Trần Thánh Tông muốn đem giết nhưng Thượng hoàng Trần Thái Tông tự nhận là do lỗi của mình chia quà không đều, cho hắn đi đánh giặc để chuộc tội.

Khi giặc đến, nhiều tôn thất, quan lại từng gửi thư xin hàng giặc, đến khi giặc tan, dù bắt được cả hòm thư, Vua Trần Thánh Tông cho đem đốt hết để yên lòng những người từng lung lay tinh thần dưới sức mạnh của quân giặc.

Nhưng sự bao dung này cũng dẫn đến một chuyện đặc biệt trong lịch sử nước ta là ở triều Trần, số vương tôn hàng giặc, mong được làm vua rất nhiều, từ Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Trần Di Ái, Trần Lộng, rồi con cháu, thuộc hạ của họ nữa...

(Theo Công an nhân dân Online)

Xem thêm: Nhà Trần đã biến Đại Việt thành "ông lớn" phương Nam như thế nào?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận