Nhìn lại chặng đường nghệ thuật đầy thăng hoa của nhà biên kịch gạo cội Hoàng Tích Chỉ

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ chính là người đã chắp bút cho nhiều bộ phim nổi tiếng đi cùng năm tháng như "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội". Ông cũng là nhà biên kịch đầu tiên được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Đỗ Thu Nga
14:39 21/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo thông tin từ phía gia đình, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ trút hơi thở cuối cùng vào tối ngày 20/3, hưởng thọ 90 tuổi. Ông ra đi do tuổi cao sức yếu. Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với gia đình và nền văn học nghệ thuật Việt Nam. 

Nói về nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn - họa sĩ - NSND Hà Bắc cho biết: "Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là một cây đa, cây đề trong giới nghệ thuật Việt Nam. Điều tôi cảm phục nhất ở ông là bên cạnh tài năng, sự nghiệp nổi bật, ông là một con người nhã nhặn, khiêm tốn".

Theo tìm hiểu, nhà biên kịch gạo cội Hoàng Tích Chỉ sinh ngày 1/9/1932 trong gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn (nay là phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Anh trai của ông là họa sĩ Hoàng Tích Chù, nhà báo Hoàng Tích Chu, nhà viết kịch Hoàng Tích Linh.

Nha-bien-kich-Hoang-Tich-Chi-vua-qua-doi-la-ai
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ tại Lễ trao giải Cánh diều năm 2015

Từ năm 1946, ông đã sớm giác ngộ cách mạng và làm trinh sát ở Ty Liêm phóng Bắc Giang. Đến năm 1956, ông làm trưởng phòng văn nghệ Ty Văn hóa Bắc Giang. Năm 1959, học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.

Đến năm 1961, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ học lớp biên kịch tại Trường Điện ảnh Việt Nam. Năm 1964, ông làm trưởng phòng biên tập Hãng phim truyện Việt Nam, sau giữ chức giám đốc Hãng phim truyện I - Cục Điện ảnh.

Ông là nhà biên kịch thế hệ đầu tiên, gắn với nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam được nhiều thế hệ khán giả yêu mến như:

- Biển gọi (Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I - 1970);

- Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973, Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II - 1973);

- Em bé Hà Nội (Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ III - 1975, Giải đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva - 1975);

- Mắt bão (1972) dựng thành phim Tọa độ chết (1985);

- Mối tình đầu (1977, Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V - 1980, Giải Chiếc thuyền bạc Liên hoan phim hiện thực mới tại Ý - 1981);

- Thành phố lúc rạng đông (1975, Giải Bồ câu vàng đặc biệt, Liên hoan phim Leipzig - CHDC Đức);

- Tiểu thuyết Tướng cướp hoàn lương dựng thành phim truyện SBC; Người đàn bà bị săn đuổi (1990);

- Từ tiểu thuyết Bóng ma rừng Sác dựng thành phim Bông hoa rừng Sác (1995)…

Đặc biệt, bộ phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" được chuyển thể từ tác phẩm Bão tuyến của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ từng giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II, vào năm 1973.

Nha-bien-kich-Hoang-Tich-Chi-vua-qua-doi-la-ai-7
Cảnh trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm của đạo diễn Hải Ninh, biên kịch Hoàng Tích Chỉ

Nhiều tài liệu ghi lại rằng kịch bản của bộ phim được nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh viết trong suốt 5 năm, dựa theo một nguyên mẫu có thật ở làng cát Gio Linh, Bến Hải của tỉnh Quảng Trị.

Nhà biên kịch gạo cội đã nhiều lần đạp xe từ Hà Nội vào Quảng Trị để gặp gỡ các nhân vật có thật, chỉnh sửa kịch bản để tái hiện một cách chân thật nhất không khí cuộc kháng chiến ở đây.

Năm 2012, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cho các tác phẩm: Trên vĩ tuyến 17 (kịch bản phim truyện); Biển gọi (kịch bản phim truyện); Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (biên kịch thứ nhất phim truyện); Em bé Hà Nội (biên kịch thứ nhất phim truyện); Mối tình đầu (biên kịch thứ nhất phim truyện); Thành phố lúc rạng đông (biên kịch thứ nhất phim tài liệu).

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là 1 trong những đại diện cho thế hệ nghệ sĩ tài năng, nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề. Với tâm niệm người cầm bút phải bám sát hiện thực cuộc sống nóng bỏng đang diễn ra, ông cùng nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ đã có mặt ở chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiều nhân vật trong tác phẩm của ông được xây dựng từ những nguyên mẫu ở những nơi ông đã đến, quan sát và trải nghiệm.

Xem thêm: Vĩnh biệt nhạc sĩ Ngọc Châu - "cha đẻ" ca khúc Thì thầm mùa xuân

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận