Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hóa cho ta nhặt
"Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hóa cho ta nhặt" - Đây là một đề nghị luận mà các bạn 2k5 nên tham khảo.
ĐỀ BÀI:
Nghị luận về câu nói “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”?
DÀN Ý GỢI Ý:
I. Mở bài
- Dẫn dắt câu nói: “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”.
II. Thân bài
1. Giải thích
- “gói tiền”: hình ảnh tượng trưng cho những giá trị vật chất trong cuộc sống.
- “nhặt được một gói tiền”: vật chất, của cải là những thứ dễ dàng để đạt được trong cuộc sống.
- “gói văn hóa”: những giá trị nhân văn cao đẹp trong cuộc sống con người.
- “không ai đánh rơi gói văn hóa cho ta nhặt”: những giá trị văn hóa không dễ dàng có được mà được xây dựng từ lâu đời.
=> Câu nói mang đến một bài học ý nghĩa cho chúng ta trong cuộc sống: Con người có thể dễ dàng tạo ra của cải vật chất nhưng văn hóa lại được xây dựng trong suốt một quá trình.
2. Chứng minh
- Chúng ta có thể dễ dàng “nhặt được một gói tiền bởi”:
Tiền bạc của cải nói riêng, những giá trị vật chất nói chung là những thứ có thể dễ dàng cầm nắm hay mang theo bên cạnh.
Chính vì vậy mà có những lúc con người có thể đánh mất.
- Nhưng “không có ai đánh rơi một gói văn hóa cho ta nhặt”
Văn hóa là một giá trị tinh thần, là những cái vô hình mà con người không thể cầm nắm hay mang theo nên sẽ không thể đánh rơi.
Văn hóa không tự nhiên mà có mà đòi hỏi con người cần phải cố gắng rèn luyện kiến thức cũng như phẩm chất đạo đức mới có được.
3. Bình luận
- Những giá trị vật chất chỉ tồn tại và có giá trị ở một thời điểm nhất định.
- Văn hóa lại có giá trị lâu bền và tốt đẹp hơn.
4. Liên hệ bản thân
Học sinh cần:
- Chủ động tích cực học hỏi để tăng thêm vốn hiểu biết cho bản thân cũng như rèn luyện những phẩm chất đạo đức tốt đẹp.
- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ để trở thành một người có ích cho xã hội.
III. Kết bài
- Câu nói trên đã để lại trong mỗi người những bài học thật quý giá.
GỢI Ý BÀI VIẾT:
Cuộc sống có rất nhiều giá trị tốt đẹp mà con người cần xây dựng và giữ gìn. Cũng giống như lời khuyên mà câu nói: “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt” dành cho mỗi người.
Trước hết, ta dễ dàng nhận thấy trong ý kiến trên có đề cập đề hình ảnh mang tính biểu tượng đó là “gói tiền” biểu trưng cho những giá trị vật chất cụ thể có thể cầm nắm đo đếm. Tiền có thể rơi bị rơi mất cũng có thể nhặt được dễ dàng do vận may. Hình ảnh “gói văn hóa” là biểu tượng cho giá trị tinh thần, chúng ta có thể hiểu đó là biểu trưng cho giá trị tinh thần cho nên không thể cầm nắm, đo đếm. Giá trị văn hóa cũng bền vững do con người phải tiếp thu nhận thức mới có được. Đặc biệt ý kiến trên đã sử dụng cách nói đối lập tương phản: “có thể - không thể” để cho thấy sự khác biệt giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Từ đó, câu nói muốn nhấn mạnh rằng: “Để có được văn hóa, con người phải khổ công rèn luyện tu dưỡng, văn hóa không tự nhiên mà có, cũng không thể trông chờ vào sự may mắn.
Văn hóa, được hiểu là trình độ học vấn, vốn tri thức hiểu biết của con người thể hiện qua lối sống, công việc, cách ứng xử… Văn hóa thuộc về phương diện tinh thần, là những giá vô cùng quý giá và quan trọng, khẳng định vị trí nhân cách của mỗi con người trong xã hội. Trình độ văn hóa là thước đo chính xác nhất cho sự phát triển toàn diện của con người. Con người được yêu quý, ngưỡng mộ hay tôn vinh không phải bắt đầu từ sự hào nhoáng của vật chất mà từ trình độ văn hóa, từ cách sống cách nhận thức của người ấy.
Trong lịch sử Việt Nam, chúng ta có thể kể đến Nguyễn Đình Chiểu, một con người có cuộc đời bất hạnh, nhà nghèo. Trên đường đi thi hay tin mẹ mất, ông khóc thương và ốm đau để rồi khiến cho đôi mắt bị mù lòa. Bằng nghị lực phi thường và sự vươn lên không ngừng nghỉ, ông đã trở thành một nhà giáo, thầy thuốc và nhà thơ. Nguyễn Đình Chiểu được thủ tướng Phạm Văn Đồng ca ngợi là “ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn nghệ”. Hay như nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, sinh ra với cuộc đời bất hạnh bị tật nguyền, hai tay không cầm được bút. Với khát vọng vươn đến ánh sáng của văn hóa cùng với nghị lực phi thường, Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành người thầy giáo gương mẫu, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Văn hóa là những giá trị tinh thần sống lại được biểu hiện rất cụ thể sống động của ngôn ngữ cử chỉ thói quen hay cách ăn mặc giao tiếp hằng ngày của con người với thể giới xung quanh. Nó được thể hiện qua tiếng nói cảm ơn và xin lỗi. Một lời cảm ơn không làm ta giàu lên, cũng không làm cho người nói hào mòn giá trị vật chất nhưng nó lại cho mọi người thấy ta là người có văn hóa và ta không thản nhiên nhận tấm lòng của người khác, ngược lại còn trân trọng và nâng niu. Khi ta biết nói lời xin lỗi, đôi khi không phải vì chúng ta mắc lỗi mà đó là vì chúng ta sống có văn hóa. Văn hóa cũng không tự nhiên mà có, chỉ có được hình thành thông qua quá trình học tập, rèn luyện tích lũy lâu dài và bền bỉ. Tiền có thể mua được những sản phẩm văn hóa nhưng không thể mua được văn hóa, vì vậy mỗi con người phải không ngừng tích lũy và nâng cao giá trị văn hóa cho bản thân để góp phần làm nên bản sắc của một dân tộc. Điều đó giống như việc chúng ta có thể mua một đĩa nhạc - đó là sản phẩm của văn hóa. Nhưng ta không thể mua được văn hóa cho ta.
Thật tiếc trong cuộc sống hiện đại hôm nay bên cạnh những con người sống có văn hóa thì có một bộ phận không nhỏ xuất hiện tư tưởng đề cao giá trị vật chất, coi thường giá trị tinh thần văn hóa. Đó là những học sinh đua đòi, ăn chơi, chạy theo những giá trị vật chất màu mè. Hoặc những cô gái chỉ chọn người yêu với tiêu chí phải là đại gia... Văn hóa không thể hiện ở bằng cấp trình độ, học vấn mà nó còn thể hiện trong hành động cách ứng xử của con người trong cuộc sống. Mỗi học sinh hãy nâng cao ý thức học tập, tu dưỡng để hoàn thiện nhân cách góp phần xây dựng xã hội văn hóa, văn minh, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.
Tóm lại, văn hóa chính là cái còn lại sau cùng. Tiền có thể mua được những sản phẩm của văn hóa nhưng không thể làm nên văn hóa cho một con người.
Xem thêm: Titanic và những bài học 2k5 có thể áp dụng cho bài nghị luận văn học
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận