Nghị luận văn học: Tính luận chiến trong "Tuyên ngôn độc lập" 

"Tôi vô cùng tâm đắc với ý kiến của giáo sư Hoàng Chí Bảo cho rằng Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là "quốc bảo" của nước  Việt Nam" - PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp.

Đỗ Thu Nga
10:00 17/06/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh hội tụ đầy đủ và tinh tuý nhất những đặc điểm trên trong phong cách văn chính luận của Người, đặc biệt là tính luận chiến mạnh mẽ, sắc sảo trong việc tranh biện với kẻ thù , cụ thể ở đây là thực dân Pháp.

Về phong cách văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, sách Ngữ văn 12 tập I - NXB Giáo dục Việt Nam năm 2013 trang 28 có viết: "Văn chính luận của Người thường ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng đầy sức thuyết phục, giàu tính luận chiến và đa dạng về bút pháp". Có thể khẳng định rằng: Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh hội tụ đầy đủ  và tinh túy nhất những đặc điểm trên trong phong cách văn chính luận của Người, đặc biệt là tính luận chiến mạnh mẽ, sắc sảo trong việc tranh biện với kẻ thù, cụ thể ở đây là thực dân Pháp. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn bước đầu gơi ra mục đích ,ý nghĩa của tính luận chiến trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí  Minh. Từ đó chỉ ra vẻ đẹp trong phong cách, tầm tư tưởng cao đẹp và cả tầm văn hoá uyên bác của Người trong hoàn cảnh đầy thử thách "dầu sôi lửa bỏng" của đất nước Việt Nam lúc bấy giờ.

Trước hết, xin nói qua hoàn cảnh lịch sử Người viết bản Tuyên ngôn độc lập nước ta lúc bấy giờ . Vào thời điểm đó, nước ta đã giành được tự do, độc lập nhưng vận mệnh nền độc lập, tự do của đất nước ta như "ngàn cân treo sợi tóc". Bằng chứng là núp dưới danh nghĩa "giải giáp quân đội Nhật" của phe đồng minh, cùng một lúc bốn kẻ thù nhảy vào nước ta với âm mưu thôn tính Việt Nam: vào phía Bắc là quân đội Mỹ và Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch, tiến vào phía nam là quân đội Anh, núp sau quân viễn chinh Pháp. Hơn thế, tổng thống Pháp Đờ Gôn trắng trợn tuyên bố trước thế giới: "Việt Nam nguyên là đất bảo hộ của người Pháp bị Nhật chiếm đóng, nay Nhật đầu hàng đồng minh thì Việt Nam lại trở thành thuộc địa của người Pháp." Đó là chưa kể hai thứ giặc nguy hại khác: giặc đói và giặc dốt thi nhau "hoành hành" tàn hại nước ta... Gợi ra hoàn cảnh  như vậy để thấy tính chất luận chiến trong bản Tuyên ngôn độc lập mà Người chọn lựa là sắc sảo, đích đáng và sáng suốt biết  nhường nào!

Vậy luận chiến là gì và tính chất luận chiến nên hiểu như thế nào? Theo Từ điển từ và ngữ Hán - Việt của giáo sư Nguyễn Lân - NXB Văn học 1988, luận chiến là "dùng lí luận đấu tranh để bảo vệ chân lý". Theo đó tính luận chiến được hiểu là tính chất chiến đấu bằng lí lẽ và cả chứng cứ khi cần thiết để bảo vệ chấn lí lẽ phải được mọi người thừa nhận.

nghi-luan-van-hoc-tinh-luan-chien-trong-tuyen-ngon-doc-lap-9

Đọc Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, ta thấy toát lên tính chất luận chiến mạnh mẽ, đanh thép, sâu sắc. Ngay trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, với ý nghĩa  xác lập cơ sở pháp lý đúng đắn, vững chắc để tranh luận với kẻ thù, Người đã thâm ý dùng lại chân lý đã được cả thế giới thừa nhận ghi trong hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và Pháp. Đó là quyền tự do bình đẳng của con người: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy ,có quyền được sống, quyền tự do  và quyền mưu cầu hạnh phúc" (Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ). Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng khẳng định: "Người ta  sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền. Rồi  từ quyền tự do bình đẳng của con người, Bác "suy rộng ra" để khẳng định quyền tự do bình đẳng của các dân tộc trên thế giới "Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do." Sự sáng tạo và đóng góp lớn lao của Bác ở đây là từ chấn lí đã có Người tạo ra chân lý mới "không ai chối cãi được". Hơn nữa ,kinh nghiệm đấu lý là dùng lý lẽ của đối phương để tranh luận lại đối phương thì rất hiệu quả là để "chặn họng" đối phương. Đây là phương pháp lấy "gậy ông đập lưng ông" thật đắc địa. Như vậy là việc dùng lại  "chân lí" trong hai bản tuyên ngôn của nước Mí và Pháp không chỉ với mục đích tạo lập cơ sở pháp lý đúng đắn mà còn là "trân trọng các giá trị pháp lý văn minh của nhân loại" và là đòn hiểm trong nghệ thuật đấu lý dùng "gậy ông đập lưng ông" của Hồ Chí Minh. Phân tích như vậy để thấy Bác ta thông minh, sắc sảo, thâm thuý  và chủ động đến nhường nào!

Trong phần "luận tội" thực dân Pháp, lập luận của Bác cũng hết sức khéo léo và đanh thép hùng hồn. Trước khi "luận tội", Người đã chỉ ra bản chất giả nhân giả nghĩa, lừa bịp của thực dân Pháp. Hãy nghe Người viết: "Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa."

Ở nhóm tội ác về chính trị, Bác liệt kê ra 8 loại tội ác từ thấp đến cao mà thực dân Pháp đã gây ra đối với dân tộc ta từ: "không cho dân tày một chút tự do dân chủ, thi hành chính sách luật pháp dã man, thẳng tay chém giết những người yêu nước... Và cuối cùng là "thi hành chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm nòi giống ta suy nhược". Câu văn ngắn , cấu trúc câu được lặp lại nhiều lần (Chúng -tuyệt đối, thi hành, lập ra, ràng buộc...) tạo nên âm hưởng mạnh mẽ, hùng hồn đanh thép và thái độ căm thù sâu sắc trước những tội ác mà thực dân Pháp.

Trong nhóm tội về kinh tế, Người cũng tiếp tục sử dụng phép liệt kê tăng cấp (kẻ ra 6 loại tội ác) và nghệ thuật  điệp cú pháp để tranh biện,tố cáo tội ác của thực dân Pháp trước dư luận quốc tế. Đặc biệt ở  nhóm tội ác trong 5 năm (1940-1945), Người vừa nêu tội ác vừa phân tích hậu quả. Đó là trong 5 năm, thực dân Pháp  hai lần bán đứng nước ta cho phát xít Nhật. Thực dân Pháp là kẻ phản bội lại phe đồng minh (không chịu hợp tác với Việt Minh chống Nhật,quỳ gối đầu hàng), là thủ phạm chính gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945, khiến hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói. Vậy là tất cả những hành động, việc làm của Pháp đều chống lại chúng. Pháp nói chúng thi hành chính sách "nhân đạo" ư? Thì đây: chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học, chúng tắm các cuộc khởi nghĩa ta trong những bể máu, chúng bóc lột dân tộc đến tận xương tuỷ, thẳng tay khủng bố Việt Minh, nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng... Người Pháp nói sang Việt Nam để "khai hoá văn minh", để "bảo hộ" ư?. Thì đây: chúng thi hành luật pháp dã man, lập ra nhà tù nhiều hơn trường học, thi hành chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện và rượu cồn để làm cho nòi giống tày suy nhược... Người Pháp bảo hộ kiểu gì mà hai lần bán đứng nước ta cho phát xít Nhật?

Tính chất luận chiến còn thể hiện ở nội dung khẳng định và đề cao tinh thần đấu tranh kiên cường anh dũng của nhân dân ta lập nên hai kỳ tích lớn lao là: đập tan xiềng xích thực dân gần 100 năm và chế độ phát xít lập nên nước Việt Nam tự do độc lập; đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ để lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà. Từ đó Bác khẳng định với người Pháp : sự thật là "dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp." Ở phần cuối bản Tuyên ngôn độc lập nước ta, Người khéo léo tranh thủ sự ủng hộ của phe đồng minh trong sách lược "thêm bạn bớt thù": "Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của nước Việt Nam". Thâm ý của Bác là: Anh, Pháp, Mỹ vốn là những đồng minh lớn của Liên Xô trong đại chiến thế giới thứ 2 chống lại phe phát xít Đức - Ý - Nhật. Bây giờ phe đồng minh đã ủng hộ Việt Nam, lẽ nào Pháp lại làm không thừa nhận?

Ở cuối bản Tuyên ngôn độc lập, Người dõng dạc tuyên bố trước toàn thế giới từng phương diện: trước tiên là "thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam". Tiếp đến Người khẳng định "... dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!". Khép lại bản Tuyên ngôn độc lập, Người dõng dạc tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do,độc lập ấy." Ấy là Bác muốn khẳng định với thực dân Pháp là: nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam được lập nên bằng xương máu, bằng tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam. Vì vậy chúng ta sẽ bảo vệ thành quả ấy bằng tất cả những gì có thể. Và chúng ta đã thực hiện ý chí đó của Người bằng cuộc kháng chiến chống Pháp làm nên một chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954.

Tìm hiểu tính chất luận chiến trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là để hiểu sâu sắc hơn nghệ thuật hùng biện, sức thuyết phục, nghệ thuật "đấu lý" tài tình của Người qua cách bố cục bài văn chặt chẽ, qua hệ thống luận điểm, luận cứ logic, qua hệ thống dẫn chứng cụ thể hùng hồn "không chối cãi được". Đó còn là nghệ thuật kết hợp sử dụng nhuần nhuyễn các phương thức biểu đạt hợp lí đạt hiệu quả, là cách đặt câu, khai thác các biện pháp tu từ... Vì vậy, đánh giá về bản Tuyên ngôn độc lập, sách Ngữ văn 12 tập I trang 38 đã viết: "Tuyên ngôn độc lập là một tác phẩm chính luận đặc sắc...".

Tìm hiểu tính chất luận chiến trong Tuyên ngôn độc lập của Bác ta càng thấm thía hơn vẻ đẹp trong tư tưởng, phong cách, tình cảm của Hồ Chí Minh. Đó là một phong thái bình tỉnh, chủ động trong mọi tình huống, là "đấu lý, đấu trí" rất cao thượng, văn hóa; kiên quyết mà vẫn mềm dẻo; rất kiên định nhưng cũng linh hoạt ứng biến... Đẹp nhất trong tư tưởng của Người là tinh thần yêu nước mãnh liệt, lòng tự hào tự tôn dân tộc sâu sắc; là tư duy sắc sảo, sáng tạo...

Để khép lại bài viết của mình, tưởng không có nhận xét nào xác đáng hơn đánh giá sau đây trong sách Ngữ văn lớp 12 tập I: "Tuyên ngôn độc lập còn là áng văn tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Người, đồng thời kết tinh khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của dân tộc ta". Trong hồi kí "Những năm tháng không thể nào quên" của đại tướng Võ Nguyên Giáp có ghi đại ý: trong cả cuộc đời viết văn làm báo dày kinh nghiệm chưa bao giờ Bác cảm "thấy sung sướng, sảng khoái" đến như vậy sau khi hoàn thành bản Tuyên ngôn độc lập. Tôi vô cùng tâm đắc với ý kiến của giáo sư Hoàng Chí Bảo cho rằng Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là "quốc bảo" của nước  Việt Nam.

(Tác giả bài viết: PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp)

Xem thêm: Huyền tích nơi xuất hiện bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt - Nam quốc sơn hà

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận