Một số lỗi cơ bản dễ mất điểm khi viết văn
Dưới đây là một số lỗi mà các bạn học sinh rất dễ mắc phải khi làm văn. Ngay kể cả các bạn học sinh giỏi cũng đôi lúc gặp phải.
MỞ BÀI DÀI DÒNG
Hồi còn đi học chắc hẳn các bạn đều được dạy có hai cách mở bài chính là trực tiếp và gián tiếp. Mở bài trực tiếp thì đi thẳng vào vấn đề, mở bài gián tiếp lại được thỏa sức sáng tạo, dẫn dắt.
Nhưng đôi khi sức sáng tạo lại đưa các bạn “bay” quá xa mà không chú ý vào trọng tâm vấn đề. Đó là nguyên nhân khiến mở bài trở nên dài dòng và bản thân người viết cũng “chật vật” mãi mới dẫn vào đề được, đồng thời thì người chấm cũng mất thiện cảm. “Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng việc gì bạn phải tự làm khó bản thân ngay từ lúc đầu như thế?
CHUYỂN ĐOẠN CHUYỂN CÂU KHÔNG HAY
Hiện nay còn tồn tại rất nhiều cách chuyển ý như:
"Thứ nhất là", "Thứ hai là", "Ví dụ như", "Tóm lại là", "Bên cạnh nội dung hay nghệ thuật cũng rất đặc sắc" hoặc không có liên từ nối, các câu văn rời rạc,…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chưa có sự đầu tư vào những chi tiết nhỏ, sắp xếp lộn xộn, chưa có hệ thống cách chuyển đoạn hấp dẫn. Cũng như “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”, bài văn độc đáo được tạo nên từ những phần nhỏ nhất.
Các cách dẫn đó không sai nhưng sẽ khiến bài văn rơi vào tình trạng “ bình thường hóa”, không mềm mại và dễ bị lẫn vào những bài làm khác. Vì vậy, bên cạnh dùng từ ĐÚNG, chúng ta cũng cần cách dùng từ HAY để tạo ấn tượng, dễ ăn điểm với người chấm.
TRÍCH DẪN QUÁ NHIỀU CÂU NÓI TRONG MỘT ĐOẠN VÀ QUÁ ÍT TRONG MỘT BÀI
Có một tip viết văn lấy điểm là trích dẫn những câu nói mang sức nặng của danh nhân, của các nhà văn, nhà thơ có tiếng nói để thay cho lời văn của chính mình. Nhưng có những lúc, các bạn “tham” quá, biết câu nào hay cũng trích cho thật nhiều vào bài mà không hề chọn lọc.
Ví dụ đơn giản là đề bài bàn về tình yêu thương, có bạn đã viết một đoạn văn như sau:
Có ai đó đã từng nói rằng: “Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình yêu thương”. Đúng vậy, tình yêu thương có vai trò quan trọng giúp sưởi ấm thế giới, mà như V.Hugo đã phải thốt lên: “Trên đời chỉ có một điều đó thôi, đó là tình yêu thương”, còn Hellen Killer thì nói: “Thật tuyệt vời là con người đã sử dụng biết bao thời gian để chống lại cái ác. Giá mà họ cũng sử dụng năng lượng đó để yêu thương người khác, cái ác sẽ tự chết vì buồn chán.” Tình yêu thương có trong mỗi chúng ta, “tình yêu thương cũng như cơ thể của ta là một dòng chảy bất tận” (Rút-xô), vậy tại sao không yêu thương lẫn nhau?
Có thể thấy, đoạn văn trên khá ngắn mà được trích đến tận 4 câu nói liên tiếp nhau, nghe có vẻ trôi chảy nhưng thực ra toàn là lời của người khác, giọng văn của mình đã bị át mất và sẽ bị mất điểm.
Sự thật là trích càng nhiều thì bạn cũng không được cộng càng nhiều điểm trong mắt người chấm đâu, nên đừng quá tham lam mà thể hiện sự thông thái của mình nhé!
TRÍCH DẪN XONG ĐỂ ĐÓ
Từ trước đến nay, liên hệ, mở rộng là cách tạo ấn tượng và khiến bài viết sâu sắc hơn, tuy nhiên, nếu liên hệ rất nhiều mà không có ý chốt lại sẽ gây phản tác dụng
VD1: Khi nói đến chủ đề Tình yêu trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, ta trích rất nhiều câu nói hay về tình yêu trên khắp thế giới nhưng không có sự chốt lại tình yêu của Xuân Quỳnh có gì khác biệt.
VD2: Khi đưa dẫn chứng trong bài NLXH, ta trích dẫn nhưng không phân tích để làm nổi bật vấn đề
Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề người làm bài không hiểu rõ dẫn chứng , không biết phân tích để làm gì, phân tích hời hợt.
Cách làm này sẽ khiến bài viết rời rạc, dẫn chứng không làm nổi bật vấn đề, dễ bị “trôi” với người chấm.
PHÂN TÍCH KHÔNG CÓ ĐỊNH HƯỚNG
Khi học ở trên lớp, chúng ta thường được giảng giải về một tác phẩm từ nhiều góc độ, nhiều vấn đề nên thường sẽ mang tính khái quát. Còn khi đi thi THPTQG, đề bài sẽ yêu cầu phân tích chi tiết vào một khía cạnh nào đó của tác phẩm như là hình tượng nhân dân được khắc họa trong đoạn trích “Đất nước“ của Nguyễn Khoa Điềm; vẻ đẹp lãng mạn, trữ tình của dòng sông Đà,... hoặc thi HSG Quốc gia thì phần dẫn chứng sẽ dùng để làm sáng tỏ cho một vấn đề lý luận văn học như mối quan hệ văn học - đời sống, nhà văn và quá trình sáng tạo...
Lỗi sai các bạn mắc phải ở đây là bê nguyên phần bài giảng của thầy cô ở trên lớp, học thuộc lòng và vào phòng thi thì chép ra trong trí nhớ. Điều này có thể khiến bài viết trở nên thừa thãi hoặc không đúng trọng tâm vấn đề, hoặc bạn có thể cảm thấy không đủ thời gian để viết nữa. Như thế là phân tích suông không có định hướng, mà không có định hướng thì xa đề và thậm chí là lạc đề, dù cho có viết dài thì cũng chỉ phí công mà thôi.
ĐẦU VOI ĐUÔI CHUỘT
VD: Phân tích 8 câu đầu trong bài “Việt Bắc”, ở 4 câu đàu phân tích 4 trang, 4 câu cuối phân tích một trang, thiếu đánh giá, kết bài vội vàng...
Đây là tình trạng phổ biến của chúng ta phải không nào? Người giỏi không phải người viết hay mà là người có “cái đầu lạnh” và “ trái tim nóng”. Việc phân chia không hợp lí sẽ dễ lộ ra nhược điểm và khiến người chấm “mất hứng”. Kiểm soát thời gian sẽ khiến bài viết đầy đặn và nổi bật trong những bài khác. Dù phần đầu có hay cỡ nào mà phần cuối chỉ sơ lược sẽ CỰC KÌ DỄ MẤT ĐIỂM. Điểm sẽ phân theo bố cục bài, nên sắp xếp thời ngian hợp lí sẽ giúp ta được nhiều điểm nhất.
GIỌNG VĂN KHÔNG PHÙ HỢP VỚI VẤN ĐỀ
Đã bao giờ bạn suy nghĩ, viết về bài thơ “Sóng” (Xuân Quỳnh) thì cần dùng giọng gì, viết về đoạn trích “Đất Nước”(Nguyễn Khoa Điềm) thì cần viết giọng như thế nào chưa? Có thể chúng ta đều có những giọng văn mang màu sắc cá tính của riêng mình, nhưng vẫn cần linh hoạt thay đổi với những đề bài khác nhau. Đâu thể viết về một vấn đề cần cảm thông, suy ngẫm lại dùng giọng hào sảng, hô hào? Đâu thể vết về một vấn đề trang trọng lại dùng giọng cợt nhả, giễu nhại?
Hãy cùng đọc thử một đoạn văn mà một bạn học sinh đã viết như sau:
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”
Hiển nhiên thời chiến tranh nhiều người đi đánh giặc thì ai mà nhớ nổi mặt từng người, “nhớ mặt đặt tên” là không thể. Thôi thì không thể trách người đời không “nhớ mặt đặt tên” được những con người thầm lặng ấy, ít nhất là người ta còn biết “họ đã làm ra Đất Nước”, và đất nước này là của nhân dân.
Đoạn phân tích này có phần “hồn nhiên” quá, và giọng điệu như thế có thể khiến bài viết dễ đi lệch trọng tâm vấn đề.
DẪN CHỨNG QUÁ CŨ
VD: Bác Hồ, Nguyễn Ngọc Kí hay Nick Vujici,... đều là những nhân vật kinh điển có thể áp dụng ở bất kì bài viết nào.
Nhưng chính vì thế sẽ dễ rơi vào nhàm chán và người chấm sẽ nhanh bỏ qua bài viết của bạn. Thế giới không ngừng chuyển động với hàng triệu thông tin mỗi ngày. Tại sao chúng ta lại giới hạn bài viết trong những gì quá quen thuộc?
Không tìm tòi, cập nhật thông tin mới, lười ghi chép suy nghĩ sẽ không thể có dẫn chứng mới mẻ. Bài viết thể hiện rất rõ sự chăm chỉ, say mê của chúng ta. Dù bài làm không hoàn hảo nhưng nếu nhận ra sự sáng tạo, độc đáo, người chấm sẽ vui vẻ cho ta điểm tốt thôi đúng không nhỉ.
CHIA ĐOẠN BẤT HỢP LÝ
Tình trạng của nhiều bạn khi viết bài là chỉ biết chia ba đoạn mở bài, thân bài và kết bài, phần thân bài cứ viết liền một mạch kéo dài đến ba, bốn trang... Như thế khi đọc, người chấm sẽ cảm thấy rất mệt, uể oải, giống như việc bạn viết một câu văn dài đến năm, sáu dòng mà không có một dấu chấm, dấu phẩy nào.
Một hiện trạng nữa là các bạn cứ thích là xuống dòng, cứ thấy hơi dài dài là chuyển đoạn trong khi chưa hết ý. Như thế thì dù nhìn tổng thể bài viết của bạn có thoáng hơn và có vẻ rõ ràng hơn nhưng đọc kĩ lại lộn xộn và thiếu logic, gây khó chịu cho người chấm khi đang cần tìm ra mạch ý của bạn.
Xem thêm: 10 trích dẫn sâu sắc trong cuốn "Hoàng tử bé", 2k5 có thể vận dụng khi hành văn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận