Một số cuốn sách hay giúp bạn viết văn đỉnh hơn
Ở bài viết này, tác giả muốn chia sẻ đến các bạn học sinh những cuốn sách thực sự chất lượng cho việc viết, giúp viết văn tốt hơn mỗi ngày.
1. Viết để hàn gắn tâm hồn (Susan Zimmermann)
Đây là cuốn sách chiếm được nhiều cảm tình của mình, và luôn ở đầu danh sách những cuốn mình giới thiệu học sinh để rèn luyện kĩ năng viết. Bởi cách thức Susan thực hiện cũng giống với cách mình lựa chọn để viết: viết để chữa lành những nỗi đau, viết để minh định chính mình. Ở trong nỗi đau khổ và tuyệt vọng tận cùng của cuộc đời, Susan đã tìm thấy ánh sáng cứu rỗi trong việc viết, đã dùng những ngôn từ của bản thân để minh định tất cả những nỗi đau, để làm lành với cái tôi đầy tổn thương và thất vọng, và cuối cùng, để có thể tìm được sự minh triết mà yêu thương và chấp nhận cuộc đời với tất cả những mảnh ghép không hoàn hảo của nó.
Cuốn sách có rất nhiều bài tập viết, không chỉ giúp việc viết tốt hơn, mà còn giúp ta hiểu hơn chính mình, bao dung và từ ái hơn với chính mình. Viết là một hoạt động của tư duy, nhưng đồng thời còn là một hoạt động của bề sâu tâm hồn. Luôn có một phần cảm tính bùng phát thẳm sâu nào đó khi ta viết, như thể những con chữ có linh hồn và bắc một cầu nói để ta lắng vào bề sâu và gặp gỡ đứa trẻ bên trong tâm hồn mình.
Ngẫm lại suốt bấy nhiêu năm, từ khi còn là một học sinh lớp sáu đến giờ, điều thôi thúc mình viết và phải viết mỗi ngày, chính là để viết cho chính mình, để khám phá chính mình và chấp nhận chính mình một cách toàn vẹn. Quá trình ấy dạy mình rằng: bản thân mỗi cá nhân là một thực thể sống động và không ngừng phát triển, mình cảm thấy hạnh phúc khi học về chính mình, hiểu về chính mình trong hành trình nội tại.
2. Thôi miên bằng ngôn từ (Joe Vitale)
Đây là cuốn sách dạy về cách viết quảng cáo, cực đỉnh. Bên cạnh các mẹo để viết hấp dẫn, thì cuốn sách này sâu sắc ở chỗ đã dạy mình về bản chất tâm lí của việc viết – đó là một quá trình giao tiếp. Và khi viết, dù muốn dù không, vẫn luôn có một người đọc nào đó cần đến chúng ta, và bằng những gì ta giãi bày trên trang giấy, ta có thể chạm đến họ, kết nối với họ. Nói như Hoài Thanh “Lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. Nghĩ rộng hơn, lấy hồn tôi để chiêu hồn người.
Có một bài tập trong cuốn “Thôi miên bằng ngôn từ” mà mình rất thích, đó là “bí quyết viết quảng cáo triệu đô”. Khi bạn muốn bài văn của mình có sức lay động, trước hết hãy nghĩ về một người đọc cụ thể nào đó và viết bài văn thành lá thư gửi cho họ. Sau đó, bạn xoá hết dấu tích của lá thư, biên tập bài viết cho đến khi ưng ý. Bản cuối cùng chính là một bài viết có sức lay động và lôi cuốn.
Từ khi đọc cuốn “Thôi miên bằng ngôn từ”, mình ý thức hơn về những người sẽ đọc bài viết của mình. Giữa thế giới mạng này, họ là ai? Có lẽ là những người cũng gặp những vấn đề giống mình, hay đang ở tình trạng bế tắc. Liệu họ có thể tìm thấy sự đồng cảm ở những điều mình viết, hoặc tốt hơn, tìm được một giải pháp?
Kể từ khi viết nhiều hơn về cuộc đời mình và hành trình chữa lành của mình trên facebook này, mình đã nhận được nhiều tin nhắn chia sẻ rằng họ thực sự đồng cảm với những gì mình viết, và cảm thấy được sự an ủi. Mỗi khi viết về chữa lành, mình ý thức rất rõ ngôn từ có sức mạnh, có linh hồn và có thể truyền những niệm lành. Và mình luôn chú nguyện, dù bạn là ai, hy vọng bạn sẽ được vui vẻ và hạnh phúc khi đọc những dòng viết này.
3. Viết gì cũng đúng (Anthony Weston)
Cuốn sách này tập trung vào kĩ thuật lập luận và viết sao cho chính xác, logic. Tính khoa học và sự khúc chiết là điểm sáng của cuốn sách. Là một người viết, và là một người dạy viết, mình hiểu rõ tầm quan trọng của việc thực hiện chính xác quy trình viết để đảm bảo viết đúng, trước khi viết hay.
Mình tìm thấy cuốn này khi nghiên cứu để soạn bài dạy viết cho học sinh. Và thực sự cuốn sách đã giúp mình viết khúc chiết, ngắn gọn, rõ ý hơn rất nhiều.
4. Cứ viết đi! (Greta Solomon)
Cuốn sách được viết bởi một người viết chuyên nghiệp, với các gợi ý thiết thực và hiệu quả để vượt qua nỗi sợ viết, chính xác hơn, nỗi sợ sai khi viết. Cuốn sách này đối với mình rất thú vị vì nó giúp mình nhìn lại về “người kiểm duyệt” trong tâm trí mình và những cách giao tiếp với hắn để việc viết được trơn tru.
Các gợi ý về kĩ năng viết trong cuốn này có giá trị thực tiễn cao và gắn với nghề viết chuyên nghiệp.
Viết, dễ mà khó. Dễ bởi đó là nhu cầu thiết thân, mỗi ngày, bởi trái tim còn nhịp đập thì con người còn cần được giãi bày, thấu hiểu. Khó, bởi vì từ những đám mây ý tưởng vô hình, chúng ta phải nắm bắt lấy những ý tưởng có khi mong manh mơ hồ, sắp xếp những con chữ để ý tưởng ấy có hình hài trên trang giấy.
Những cái niềm khó khăn ấy cũng hạnh phúc vô cùng, khi bạn viết cho chính mình, khi bạn vượt qua tất cả những áp lực hay ảo tưởng về cái tôi, danh vọng, quyền lực, khi bạn viết để dòng sông tâm hồn được cuộn chảy trên những con chữ. Đó là một phép mầu, con chữ gọi con chữ, từ ngữ vẫy gọi từ ngữ, và bạn thấy trang giấy biến thành tấm gương soi thẳm sâu…
Xem thêm: "Tôi có một giấc mơ" - bài diễn văn chính trị đáng đọc 1 lần trong đời
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận