Một số cách viết có thể vận dụng cho "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"
Khi đề văn xuất hiện tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" thì đừng quên vận dụng một số cách viết dưới đây nhé.
1. Ngô Thảo đã từng nhận xét: "Hạt giống gieo vào mảnh đất tốt gặp thời tiết thuận hoà, lại có một nội lực khoẻ đã nhanh chóng phát triển. Và bóng rợp của tài năng Lưu Quang Vũ trùm lên che mát cả một cùng sân khấu rộng lớn và trải dài đất nước trong một thập niên." Những sáng tác mang dấu ấn Lưu Quang Vũ dường như đã để lại nhiều niềm nỗi thương nhớ cho bạn đọc suốt bao thế hệ. Đó là những trang kí ức về những vở kịch nồng đượm hơi thở của thời đại mới, với bao triết lí nhân sinh sâu sắc mà tiêu biểu là “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Qua những đối thoại, những tranh cãi giữa hồn và xác, nhà viết kịch hiện đại Lưu Quang Vũ như thêm một lần giãi bày những trăn trở của chính mình về hành trình hướng thiện, vượt qua những cái xấu xa trong cuộc đời để tìm về lẽ sống đúng đắn của con người trong cuộc sống. Đôi khi, con người ta buộc phải đối diện với những cuộc chiến như một lẽ tất yếu, chẳng tài nào trốn chạy. Và thứ tranh đấu gian khổ hơn hết là loại bỏ phần “con”, phần “xấu xa”, “bỉ ổi” luôn song hành thường trực bên trong mỗi chúng ta. Nhìn nhận chính mình không phải là điều kiện để ta chán ghét bản thân mà giúp cho chính mình vượt qua nó để đạt đến sự toàn thiện.
2. Bi kịch trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” không đơn thuần chỉ là sự lầm lỗi của người nhà trời, nó xoay quanh vấn đề: “để được sống”. Để được sống, con người ta phải chấp nhận đánh đổi chính mình. Để được sống, con người ta phải nhìn đời bằng đôi mắt kẻ khác, yêu thương bằng chính trái tim của kẻ khác và thậm chí, để được sống, con người ta bằng lòng chịu sự dày vò của sự tha hóa. Vậy thì “sống để làm gì”? Ta có thật sự hạnh phúc với thứ mình dốc tâm đánh đổi hay không? Con người ta thường hay chạy mãi, đuổi theo một điều gì đó được xem là “hạnh phúc” nhưng càng đuổi, càng mỏi mệt, càng khát khao càng dễ rơi vào thất vọng, bế tắt…
3. Trong cuộc sống, con người ta đôi khi phải chấp nhận sống hai mặt. Họ cho đó là căn nguyên của sự tồn tại, là phương thức để tồn tại. Ví một người có sở nguyện cao quý, tấm lòng lương thiện, đó là một người yêu cái đẹp trong người tài. Nhưng vì cuộc sống yên ổn, ông ta phải sống hai mặt, ban ngày với một cuộc sống đầy mánh khóe, luôn tìm cách để hành hạ tù nhân. Đó như là bức bình phong đẻ ông ta được an toàn trong chốn đầy lừa lọc, gian xảo. Nhưng ban đêm, ông lại quay trở về với những thanh âm trong trẻo của một bản nhạc mà mọi nhạc luật xô bồ hỗn độn, cất lên trong những lấm lem, u uất của cuộc sống. Nếu không có sự gặp gỡ với Huấn Cao, hắn ra sẽ mãi sống trong trạng thái ấy, tấm mặt nạ rồi sẽ trở thành mặt thật; ông ta sẽ tha hóa trong chính tấm bình phong mà mình đặt ra. Thì ra, cái xấu xa trên cuộc đời có sức đỏi thay đến thế, nó có khả năng làm biến chất một ai đó dù trước đây, họ có thanh cao, lương thiện thế nào. Kịp thời nhận ra và dũng cảm bước qua nó mới là cách để sống hạnh phúc, bình an.
4. Tôi nhớ một người thầy đã từng say sưa kể về những bước chân chậm rãi, trĩu nặng trên phố của một bà mẹ 2 con với mong muốn tìm ra một phương thức để tiếp tục cuộc hôn nhân đầy đau khổ, đầy oan trái của mình. Chị muốn tìm cách để tiếp tục cứu vãn cho cái sai của chính mình. Câu chuyện ấy, như có gì đó liên quan đến câu chuyện giữa hồn và xác trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Cái sai đến từ người nhà trời, cái sai đến từ sự chấp nhận kiếp sống của hồn Trương Ba, cái sai đến từ sự bao biện, không dám đối diện với sự tha hóa của chính mình trong ông… Phải chăng, cũng như người phụ nữ lang thang trên phố kia, càng sai, càng cố sửa lại càng sai. Đó là khi ta phải dũng cảm nhìn nhận vấn đề và bước qua nó một cách thật mạnh mẽ…
(Trích sách “Bồi dưỡng chuyên sâu tác phẩm văn xuôi 12”)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận