Kịch của Lưu Quang Vũ - sức hấp dẫn còn mãi
Truyền thống văn hóa của dân tộc và nhân loại trong kịch Lưu Quang Vũ không còn nguyên dạng như đã từng tồn tại, mà đã biến đổi nhiều....
????. Lưu Quang Vũ là tài năng thực sự của văn nghệ Việt Nam, sân khấu Việt Nam. Hồn Trương Ba da hàng thịt của anh được xem là “quả bom” tại Liên hoan sân khấu thế giới tại Matxcơva năm 1986, khiến bạn bè quốc tế sửng sốt trước sân khấu đương đại Việt Nam. Vở kịch này cũng đã được trình diễn tại 30 bang của Mỹ, ở đâu cũng được khen ngợi, hưởng ứng. Bên cạnh Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lưu Quang Vũ còn có những vở diễn nổi tiếng khác. Hiện tượng trong nhiều năm qua các vở kịch của Lưu Quang Vũ được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng, nhiều vở, nhiều đạo diễn, diễn viên được Huy chương Vàng trong cùng một Hội diễn, khán giả nô nức tới các nhà hát xem kịch Lưu Quang Vũ, cho đến nay, vẫn là độc nhất vô nhị của sân khấu Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đánh giá cao tâm huyết, tài năng của Lưu Quang Vũ trong văn hóa, nghệ thuật, đánh giá cao tính hiện đại, tính thời sự, tính phản biện và tính dự báo những vấn đề xã hôi nóng bỏng trong kịch của anh, xem anh như một trong những người tiên phong tích cực đóng góp vào sự đổi mới của văn học nghệ thuật nước nhà. Lưu Quang Vũ đã đưa sân khấu đương đại Việt Nam tới đỉnh cao. Kịch Lưu Quang Vũ đã, đang và sẽ tiếp tục đi cùng đất nước, nhân dân, tiếp tục có sức sống lâu bền, lay động, thức tỉnh những điều tốt đẹp cho con người và xã hội.
Thiên tài Isaac Newton từng nói: “Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Tôi muốn mượn tâm sự ấy của I. Newton để lí giải sức hấp dẫn của của kịch Lưu Quang Vũ. “Những người khổng lồ” mà Lưu Quang Vũ đã dựa vào là ai để có thêm nghị lực, sức mạnh, nhiệt huyết, tầm cao và sự độc đáo, bứt phá trên con đường sáng tạo?
????. “Người khổng lồ” đầu tiên tôi muốn nói đến là truyền thống văn hóa của dân tộc và nhân loại. Truyền thống ấy thể hiện không chỉ ở những kịch bản mượn từ tích truyện dân gian, những bài ca dao, những câu hát đồng dao, mà còn ở hàng loạt cổ mẫu, biểu tượng, ẩn dụ, ngôn từ. Truyền thống ấy cũng thể hiện rất đậm đặc, sâu sắc và tinh tế đến lạ lùng trong hình thức, nội dung của những bài hát, những dàn đồng ca vốn đã có từ các thể loại kịch và các vở kịch kinh điển, vĩ đại của nhân loại. Sinh ra, lớn lên từ con nhà nòi có truyền thống văn học, kết bạn thân và làm việc nhiều với các đạo diễn, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ “gạo cội” của văn nghệ nước nhà, lại chịu đọc, chịu đi, lăn lộn với cuộc đời …, Lưu Quang Vũ có điều kiện để tiếp cận với những truyền thống văn hóa ấy. Nói cách khác, vốn văn hóa dân tộc và nhân loại của Lưu Quang Vũ, như nhiều người nhận xét, khá rộng và sâu. Anh lại là một tài năng văn học. Hoàn cảnh cuộc đời anh với những năm tháng trăn trở, nhiều ưu tư, sống không dễ dàng, cộng với thời điểm lịch sử đặc biệt vào cuối những năm 80 của thế kỉ XX, mở đầu thời kì đổi mới của đất nước, đã tạo cho Lưu Quang Vũ những cường độ cảm xúc đặc biệt, để thấy “trong ta có những dây đàn không ai ngờ là có và bao lâu nay im tiếng bây giờ được chạm đến … Vào những lúc ấy ta không còn là những thực thể cá nhân nữa, chúng ta – là loài giống, giọng nói của toàn nhân loại thức dậy trong ta” [2]. Và những truyền thống folklore, những cổ mẫu đã giúp tác phẩm của anh “nói bằng hàng nghìn giọng”, “khơi dậy trong ta một giọng nói to hơn giọng nói của chính ta”, “nâng cái mô tả từ chỗ ngắn ngủi một lần và tạm thời lên chỗ tồn tại muôn đời” [3].
Cần nhấn mạnh rằng, truyền thống văn hóa của dân tộc và nhân loại trong kịch Lưu Quang Vũ không còn nguyên dạng như đã từng tồn tại, mà đã biến đổi nhiều.Truyền thống văn hóa của dân tộc và nhân loại chỉ là điểm xuất phát. Nhà viết kịch đã làm sống lại, làm mới, đem hơi thở thời đại cho các truyền thống văn hóa. Các truyện cổ tích hay huyền thoại, dù bớt đi hay gia tăng thêm yếu tố hoang đường, huyền thoại cũng đều khoác thêm những lớp mã xã hội, tinh tế và sâu sắc truyền vào khối óc, trái tim con người những thông điệp, kí thác về con người và xã hội, về cái tốt, cái đẹp, tình yêu và lòng chung thủy…
Hồn Trương Ba da hàng thịt là một ví dụ điển hình. Chủ đề truyện cổ tích thể hiện chủ yếu qua hành động nhân vật, chứ không phải qua miêu tả, phân tích tâm lí. Nếu truyện dân gian chủ yếu đề cao, tuyệt đối hóa vai trò của linh hồn đối với thễ xác, tách rời thể xác và linh hồn, coi thể xác chỉ như vật đỡ để mang linh hồn, thì kịch Lưu Quang Vũ đào sâu, mở rộng vấn đề hơn rất nhiều qua các mảng kịch, tình huống ... Vở kịch đa tầng đa nghĩa. Người ta đã nói nhiều về các cặp phạm trù, các đối lập xung quanh mối quan hệ này: thật-giả, nội dung-hình thức, bên trong-bên ngoài, phàm tục- thanh cao, bản năng- lí trí. Bi kịch giữa linh hồn và thể xác không thể giải quyết bằng chính cách đã tạo ra bi kịch. Con người phải luôn đấu tranh với bản thân mình, cuộc giằng co giữa hai phần trong một con người - một cuộc đấu tranh gian khó nhất. Con người phải làm chủ những ham muốn, để không bị tha hóa, băng hoại, để có sự thống nhất hài hòa giữa linh hồn và thể xác, vươn tới một nhân cách toàn vẹn. Nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ đã nhận xét đúng: “Vở kịch không chỉ nói đến sự hòa hợp và ý thức đạo lí về phần hồn và phần xác mà còn đề cao cuộc đấu tranh cho sự hoàn thiện nhân cách người (…), không chỉ đề cập đến chuyện của một thời mà còn đề cập đến chuyện muôn đời. Đó là triết lí nhân sinh về lẽ sống, lẽ làm người (…). Sống vay mượn, chắp vá, không có sự hài hòa giữa hồn và xác chỉ đem lại bi kịch (…). Cuộc sống chỉ có giá trị khi con người được sống đúng là mình, được sống trong một thể thống nhất. Vở kịch (…) không chỉ đề cập đến đời sống của một cá nhân mà còn đặt ra những vấn đề xã hội. Thói quan liêu, vô trách nhiệm của Nam Tào, Bắc Đẩu đã tước đi mạng sống của người dân vô tội và gây nên bao chuyện rắc rối. Sự sửa sai chắp vá của Đế Thích lại là tiền đề bất hạnh cho cuộc đời hồn nọ xác kia của ông Trương Ba. Mọi sự sửa sai không đúng chỗ đều chứa đựng trong nó nhiều bi kịch hơn là niềm vui” [4]. Và “Cái kết cục đổ vỡ này không phải chỉ là câu chuyện ngụ ngôn của quá khứ xa xưa, mà như đang nhắc nhở, nhắn nhủ nguy cơ một cuộc hôn phối lớn hơn giữa hồn và xác đang tồn tại”[5] Những ý nghĩa đa tầng ấy đã đưa tác phẩm tới giá trị nhân văn, triết lí mang tầm nhân loại.
Ông vua hóa hổ cũng là vở kịch xuất sắc của Lưu Quang Vũ. Mượn tích truyện “Từ Đạo Hạnh hay là sự tích Thánh Láng” vốn đậm yếu tố đạo giáo, Lưu Quang Vũ đã đưa câu chuyện, đưa các nhân vật bước vào cuộc sống lịch sử, xã hội, trở lại vấn đề của bài học lịch sử, nhân sinh: cái giá phải trả, bi kịch đau đớn của sự say mê quyền lực, dù đã được cảnh báo, răn đe. Đây vẫn còn là bài học của muôn đời. Từ Đạo Hạnh muốn là vua trị vì thiên hạ, say mê sức mạnh, dám làm bất cứ điều gì, bỏ quên gốc rễ của chính cuộc đời ông, dùng lửa ác để thu phục lòng người. Ông vua ấy đã phải, đã bị hóa hổ, thành cọp dữ, sống trong thân xác cọp, không còn nói được tiếng người. Đến lúc ấy, ông ta mới tỉnh ngộ ra nỗi đau của con người phải mang hình hài thú dữ và ngôi báu sắp bị chính những hạ thần cũng đam mê quyền lực của mình hạ bệ. Hành trình trở lại làm người của ông ta đã phải trả bằng máu, máu của người thân yêu nhất đã giúp cho cuộc trở lại làm người của ông. “Không dung tha kẻ ác, nhưng hãy lấy yêu thương làm gốc rễ cuộc đời, Càng có sức mạnh, càng ở ngôi cao, lòng nhân ái càng phải lớn”.
Có thể dẫn ra rất nhiều truyền thống văn hóa của dân tộc và nhân loại qua những vở kịch khác của Lưu Quang Vũ, những vở kịch luôn để khán giả độc thoại, đối thoại, để cười, để khóc, suy ngẫm, chiêm nghiệm lại hoặc hình dung tương lai mới của con người và xã hội: Lời nói dối cuối cùng, Linh hồn của đá, Ngọc Hân công chúa, Nàng Sita, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, … Tiếp cận kịch Lưu Quang Vũ từ lý thuyết liên văn bản, mỹ học tiếp nhận hay phân tâm học, cổ mẫu, diễn ngôn … chắc chắn sẽ đem lại nhiều phát hiện thú vị, giàu ý nghĩa xã hội, nhân văn.
????. Người khổng lồ” thứ hai mà Lưu Quang Vũ dựa vào: sự liên kết. Liên kết các thể loại. Liên kết các yếu tố tạo nên vở diễn. Liên kết tạo nên sức mạnh và khác biệt. Nghệ thuật, trong bản chất của nó, luôn đòi hỏi sự sáng tạo, khác biệt, độc đáo. Bản thân sân khấu đã là một loại hình nghệ thuật tổng hợp. Tính liên kết, tổng hợp trong kịch Lưu Quang Vũ độc đáo ở chỗ nào? Chính anh đã nói về điều này: “Trong quan niệm của tôi, thơ và kịch rất gần nhau. Có lẽ thơ với kịch còn gần nhau hơn là thơ với văn xuôi. Đều là hai thể loại lớn và khó của văn học. Thơ và kịch đều là sự sống và thế giới bên trong của con người ở dạng tinh chất, cô đọng và mãnh liệt nhất. Đối với tôi, kịch cũng là một thứ thơ được trình bày trong không gian và thời gian kỳ diệu của sân khấu, thông qua diễn xuất của diễn viên” [6].
Lưu Quang Vũ là tài năng thơ. Đã có không ít ý kiến: thơ Lưu Quang Vũ còn hay hơn và mãnh liệt hơn kịch của anh. Tiếng Việt là bài thơ rất hay của anh, đã được đưa vào chương trình, sách giáo khoa phổ thông, thành lời ca khúc. Anh còn rất nhiều bài thơ hay, đoạn thơ và câu thơ hay khác:
- Trên đời này chẳng ai lo cho ta bằng mẹ
Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta
….
Dẫu cuộc đời là con đường dài thế
Ta sẽ đi qua mọi đèo dốc chông gai
Bằng đôi chân của mẹ!
- Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới
Tôi bỏ ra đi họ ngồi ở lại
- Những chữ đẹp xưa giờ tôi đuổi đi rồi
Bao chữ mới đang ầm ầm đạp cửa
Thơ rộng dài cánh lớn hãy bay đi.
-Anh hãy đập vào ngực mình giục giã
Hãy nổi gió cho cánh người rộng mở
Và mai sau, sẽ có những nhà thơ
Đứng trên tầng cao ta ao ước bây giờ
Họ sẽ vẫn không ngừng đập cửa
Không ngừng lo âu không ngừng phẫn nộ
Bởi vô biên là khát vọng của con người.
Cái tinh chất, bùng nổ, thăng hoa cảm xúc, tư tưởng của thơ đã giúp nhà viết kịch đồng thời là nhà thơ Lưu Quang Vũ chắt lọc, xây dựng những nhân vật, cuộc đời, tình huống kịch, những khai từ, mở cảnh, chuyển cảnh và kết cảnh khiến người xem hồi hộp, mê đắm, bàng hoàng. Kịch của anh luôn đẩy nhân vật vào những tình huống phải lựa chọn khắc nghiệt: sự lựa chọn của đạo lý, sự lựa chọn của trách nhiệm, bổn phận, trái tim, sự lựa chọn giữa cái sống và cái chết. Anh cũng viết nhiều lời ca đẹp, hay như những bài thơ cho nhân vật hoặc dàn đồng ca hát, tạo nên hiệu ứng sân khấu đầy hấp dẫn. Chẳng hạn,
- Bài hát của các cô gái hái cỏ (Ông vua hóa hổ):
Em hóa thành lá cỏ
Cho người yêu em được trở lại làm người
Em là cỏ không lời
Cho chàng là Tiếng nói
Cho trí nhớ của con người còn mãi
Không chịu chết dưới thẳm sâu đất tối
Em hóa thành sắc cỏ để yêu thương,
- Tiếng đàn, ngâm thơ của Ngọc Hân (Ngọc Hân công chúa):
Cúc vàng của mùa thu đang hát
Không phải đâu, đấy là nắng của mùa hè
Không đành ra đi
Trước phút biệt ly
Hóa thành sắc lửa
Gửi lại lòng anh nỗi nhớ
Anh có nghe, anh có nghe
Trăng đang nghiêng xuống vườn khuya
Hồn của trăng đêm đã hóa thành hương lý
Người xa khuất giữa cát trời gió bể
Có nhớ chăng tiếng hát của khu vườn?
Lời thoại các nhân vật của Lưu Quang Vũ có nhiều chỗ như những lời thơ. Ngôn ngữ kịch của anh, nói như cách của nhà văn Nguyễn Tuân: “Văn là nghệ thuật dùng những chữ sinh sự để cho sự sinh”, vừa lột tả hết bản chất của vấn đề, nhân vật, vừa bắt người ta phải suy nghĩ, đối thoại.Tôi cho rằng, nếu không có tài năng thơ, chưa hẳn các vở kịch của Lưu Quang Vũ đã có sức hấp dẫn như vậy. Thơ đã góp phần cho kịch Lưu Quang Vũ chở tư tưởng, linh hồn về thực tại và của thực tại nhiều hơn, bay cao, bay xa hơn. Ngược lại, kịch giúp thơ Lưu Quang Vũ trăn trở, day dứt hơn, độc thoại và đối thoại với chính mình, với con người nhiều hơn, có “ chữ mới đang ầm ầm đạp cửa” đam mê và mãnh liệt nhiều hơn.
Sự đồng sáng tạo của Lưu Quang Vũ với các đạo diễn, diễn viên, đã được nhiều người nhắc tới. Không những thế, anh còn đồng sáng tạo với khán giả, biết quan sát, lắng nghe khán giả để chỉnh sửa, hoàn thiện, gia tăng ý nghĩa và sức hấp dẫn cho các kịch bản của mình. Như có người đã nói, viết được một vở kịch đã khó, đưa vở kịch đến sân khấu còn khó hơn; và để sân khấu của vở kịch luôn sang đèn lại còn khó hơn gấp bội. Chính những liên kết mà tôi đã nói trên đã góp phần quan trọng làm nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ hơn ba mươi năm qua vẫn đi cùng năm tháng.
????. “Người khổng lồ” thứ ba làm bệ đỡ vững chắc cho tài năng Lưu Quang Vũ chính là quan niệm nghệ thuật, tâm hồn, trái tim nghệ sĩ trong chính con người anh. Lưu Quang Vũ là người có khát vọng, có hoài bão lớn về sự sáng tạo. Dù đã có những tác phẩm tạo tiếng vang lớn trong nghệ thuật, anh vẫn khát khao:
Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất
Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất
Dành cho em, chưa kịp viết tặng em
Kịch Lưu Quang Vũ tham gia tích cực và có trách nhiệm vào cuộc sống xã hội. Anh luôn đánh thức bản lĩnh, trí tuệ và tâm hồn người. Không chỉ nêu những vần đề nhức nhối của xã hội, anh dám ủng hộ những cái mới, tiến bộ. Dù có đi vào những đề tài, vấn đề nóng bỏng của thời sự đất nước, anh vẫn rất chú ý những vấn đề muôn thuở của con người, xã hội. Và đây cũng là điểm khác biệt của anh. Phải có khát vọng sáng tạo mạnh mẽ, “phông” văn hóa, tài năng và trái tim nhân hậu, luôn trăn trở về cuộc sống, con người, về thế thái nhân tình, trách nhiệm xã hội cao, mới sáng tạo được những tác phẩm như vậy. Vang lên trong các vở kịch của anh (Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Mùa hạ cuối cùng, Linh hồn của đá, Điều không thể mất, vv…) những câu hỏi: Con người sao không được là mình? Đâu là hạnh phúc đích thực? Hệ giá trị đích thực? Con người có lúc có khi đang làm hỏng cuộc sống và cuộc sống có lúc có khi đang làm hỏng con người, điều quan trọng nhất, “đặt tính cách nhân vặt trong quá trình vận động liên tục theo một quỹ đạo không lường trước được” [7], kịch Lưu Quang Vũ luôn rọi sáng con người, nâng cao con người. Không phải vở kịch nào của Lưu Quang Vũ cũng gây tiếng vang nhưng nhiều vở kịch của anh là những đồng vọng đã và sẽ còn âm vang dài lâu. Rằng “Không phải mượn thân ai cả … Tôi muốn được là tôi toàn vẹn…” (Hồn Trương Ba da hàng thịt). Rằng, “Mạnh hơn cả quỷ dữ, cao hơn mọi quyền lực, chỉ có tình yêu và lòng tin vào con người là cứu được con người” (Nàng Sita). Rằng, “Những bông cúc xanh vẫn còn kia … đừng chịu lút trong đầm lầy … Trong mỗi các bạn đều có một con người kỳ diệu, đừng để chúng đi, hãy để chính ta được sống ở trong ta” (Hoa cúc xanh trên đầm lầy). Rằng, phải chống lại bệnh quan liêu, tệ tham nhũng, thói vô ơn, bệnh hư danh, sĩ diện (Tôi và chúng ta, Nếu anh không đốt lửa, Bệnh sĩ). Rằng, “Lẽ phải, nhân cách và lòng trung thực phải là những giá trị tuyệt đối” (Mùa hạ cuối cùng) … Bằng chính tác phẩm của mình, nhất là kịch, Lưu Quang Vũ thuộc những người tiên phong thúc đẩy sự ra đời của công cuộc Đổi mới đất nước. Kinh tế- xã hội chi phối tư tưởng, văn hóa, văn học nghệ thuật nhưng tư tưởng, văn hóa, văn học nghệ thuật cũng góp phần quan trọng thúc đẩy, dẫn dắt sự đổi mới. Kịch Lưu Quang Vũ đã không ngần ngại phê phán có trách nhiệm những cơ chế xơ cứng lỗi thời, bệnh quan liêu, say mê quyền lực, tệ tham nhũng kìm hãm sự sáng tạo của con người, làm tha hóa đạo đức xã hội, dự báo vượt thời đại những bi kịch, cả bi kịch sống ảo trong thế giới hiện đại khi con người phụ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật, công nghệ, quên đời sống thực tại, đời sống tâm hồn.
????. Những “Người khổng lồ” tôi vừa nói, vừa hữu hình vừa vô hình. Và hình như, ai cũng có bên cạnh. Tầm vóc có thể khác nhau. Vấn đề là biết đi tìm, đánh thức và nuôi dưỡng.Tất nhiên, không phải ai cũng làm được như thế! Không phải ai cũng biết đứng và đứng được trên vai “người khổng lồ”. Đứng trên vai “ người khổng lồ” để sáng tạo, vươn cao. Để vẫn là mình. Phải có khát vọng lớn, tài năng, trái tim nhân hậu, bản lĩnh, mới làm được như thế để cống hiến cho đất nước, nhân dân, nhân loại. Lưu Quang Vũ trong cuộc đời có nhiều vất vả, thiệt thòi nhưng anh đã có hạnh phúc ấy. Sức hấp dẫn của kịch Lưu Quang Vũ còn dài lâu![8]
Hà Nội, tháng 7 năm 2018.
B. M. N
[KỶ NIỆM 70 NĂM NĂM SINH, 30 NĂM NGÀY MẤT LƯU QUANG VŨ].
[1] PGS. TSKH, - Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước
[2] C.G.Jung: “Bí ẩn của những siêu mẫu”, trong Phân tâm học và Văn hóa nghệ thuật, Nxb. Văn hóa Thông tin, H., 2010, tr. 81.
[3] C.G.Jung: Sđd, tr. 82.
[4] Lưu Khánh Thơ: “Tích truyện dân gian trong chuyện Lưu Quang Vũ”, trong Nàng Sita, Nxb. Trẻ, Tp. HCM, 2018, tr. 8.
[5] Ngô Thảo: “Sức sống kịch Lưu Quang Vũ”, trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, Sđd, tr. 386.
[6] Lưu Quang Vũ: “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, Nxb. Hội Nhà văn liên kết với Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam, Tp. HCM, 2013, tr. Bìa 4.
[7] Ngô Thảo: “Sức sống kịch Lưu Quang Vũ”, Sđd, tr. 382-386.
[8] Tác giả xin chân thành cám ơn GS. Trần Văn Nhung, PGS Lưu Khánh Thơ, PGS. Nguyễn Minh Mẫn, ThS. Nguyễn Đức Huy đã góp những ý kiến quý báu cho bài báo này!
(PSG. TSKH Bùi Mạnh Nhị)
Xem thêm: Có hay không chuyện Lưu Quang Vũ tự dự báo về cái chết của mình và vợ con?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận