Mong ước của người đàn ông có 48 lần hiến máu cứu người

Anh Phạm Phú Mỹ (44 tuổi, Quảng Ngãi) có 48 lần hiến máu hiếm AB. Anh là 1 trong số 100 người hiến máu tiêu biểu được tôn vinh năm 2023.

Đỗ Thu Nga
08:00 01/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngày 27/7, tại lễ tôn vinh diễn ra tại Viện Truyền máu Huyết học Trung ương (Hà Nội), anh Phạm Phú Mỹ tâm sự: "Tôi mong có sức khỏe để được hiến máu và tiểu cầu trong nhiều năm nữa, góp phần bé nhỏ trong việc cứu chữa người bệnh".

Ở Việt Nam, người có nhóm máu AB chỉ chiếm 5% dân số. Tỷ lệ này thấp hơn so với các nhóm máu khác của hệ nhóm máu ABO. Hồng cầu của máu AB tồn tại hai kháng nguyên A và B nhưng huyết tương không có kháng thể. Do đó người mang nhóm máu AB Rh+ có thể nhận bất kỳ máu nào nhưng chỉ hiến cho người cùng nhóm máu.

Anh Mỹ nhớ mãi lần nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông lạ, giọng gấp gáp "giúp em với". Một thai phụ máu AB đang cấp cứu song không có đủ máu truyền. Trong hơn 200 thành viên ngân hàng máu chỉ có 6 người nhóm máu AB, không may họ vừa hiến cách đó không lâu. Anh Mỹ cùng vợ, cũng máu AB, hiến đủ máu giúp sản phụ sinh mổ thành công, em bé chào đời, mẹ con khỏe mạnh.

mong-uoc-cua-nguoi-dan-ong-co-48-lan-hien-mau-cuu-nguoi-9
Những người hiến máu tiêu biểu năm 2023 được tôn vinh, ngày 27/7

Anh Mỹ là một trong số 60 người đã hiến máu 30-49 lần, được vinh danh năm nay. Trong 100 người được tôn vinh, lớn tuổi nhất là 61, trẻ nhất 22 tuổi, tổng cộng hiến gần 4.500 đơn vị máu và tiểu cầu. Nhiều người còn hiến máu nhiều hơn anh Mỹ. Có 20 người hiến 50-69 lần, 8 người hiến 70-99 lần, hai người hiến từ 100 lần trở lên.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương, cho biết ở nhiều nước phổ biến hiến huyết tương gạn tách. Còn tại Việt Nam, hiến huyết tương chưa được triển khai rộng rãi như hiến tiểu cầu, nhưng là xu hướng được ngành huyết học - truyền máu hướng tới.

"Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về người hiến như cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến lâu hơn, nhưng bù lại chỉ cần sau 2-3 tuần có thể hiến nhắc lại", ông Thanh chia sẻ.

Tại Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, công tác hiến máu tình nguyện ổn định cả về số lượng và chất lượng, theo ông Thanh. Lượng máu vận động và tiếp nhận năm 2022 hơn 1,43 triệu đơn vị máu. 99% máu là từ người hiến tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu.

Những tháng đầu năm, cả nước tiếp nhận gần 900.000 đơn vị máu, cung cấp đủ cho các cơ sở khám chữa bệnh.

(Theo VnExpress)

Xem thêm: Người đàn ông nhiệt tình tham gia hiến máu hơn 102 lần, nghỉ việc để đi vận động

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận