“Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn” - Bài văn đạt giải Nhất quốc gia 2012

“Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn” - Câu nói của Fu-ku-za-wa Yuki-chi đã giúp chúng ta nhận thức được giá trị học vấn. 

Đỗ Thu Nga
15:23 30/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Fu-kun wa Yu-ki-chi viết: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn”. (Khuyến học hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản – Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Tri thức, Hà Nội, 2008, trang 24).

Anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.

BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT 2012:

“Tôi không phải là người khổng lồ. Tôi có tầm nhìn xa vì tôi đứng trên vai của người khổng lồ”.

Đó là lời phát biểu khiêm tốn của nhà bác học Newton khi được ca tụng là nhà khoa học khổng lồ của thế giới. Nó khiến tôi nghiệm ra rằng: con người ta sinh ra trên đời không có kẻ thấp người cao mà chỉ có sự hơn kém về hành trang tri thức. Cũng như Fukuzawa Yukichi đã từng tâm niệm: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn” (Khuyến học hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản).

Có ai đó đã từng nói rằng: “Ông trời không sinh ra người đứng trên người. Ông trời không sinh ra người đứng dưới người. Tất cả do tự học mà ra.” Fu-ku-za-wa Yu-ki-chi cũng đã thức nghiệm được điều đó để cho ta một quan điểm đúng đắn về vai trò của học vấn. Ta thấy được rằng: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng”. Chúng ta được hưởng mọi quyền lợi tất yếu, không có sự phân biệt đối xử hay phân chia tầng lớp. Cái tạo nên sự khác biệt chính là “học vấn”. Vốn tri thức sẽ làm nên vị thế cho con người trong cuộc đời, sẽ quyết định bản thân chúng ta là kẻ thành công hay thất bại. Tất cả đều do sự học mà ra.

Trước những thành công của người khác, con người chúng ta hay tìm cách thanh viên cho sự kém cỏi của mình. Ta cho rằng họ may mắn, ta nghĩ rằng họ có một điều kiện sống tốt, tất cả chỉ là cách an ủi bản thân vô vọng. Thực chất mọi người sinh ra đều bình đẳng. Ta thấm nhuần tư tưởng ấy từ lời tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ vĩ đại. Chúng ta sinh ra trên cuộc đời đều có quyền được sống và được khẳng định mình. Điều ấy nào ai có quyền kìm hãm? Ai cũng có quyền được ước người, được sống với chính nguyên bản của mình. Không ai được phép ép buộc ta sống như một bản sao. Có đôi chút thua thiệt về mặt tài chính, điều kiện sống nhưng đó chẳng phải là thứ để ta phân bua về sự bình đẳng. Ta được bình đẳng sống bình đẳng thể hiện và bình đẳng ước mơ. Xã hội này luôn công bằng với bất cứ ai!

Nhưng nếu xã hội luôn có sự bình đẳng nhạt nhẽo, nhàm chán, ai cũng giống ai thì điều ấy thật tệ hại biết bao! Nó chẳng khác gì một cuộc đời Tỏa nhị Kiều không ước mơ, không đấu tranh, không cảm xúc. Trước cái nền của sự bình đẳng, con người cần thể hiện vị thể của bản thân bằng vốn tri thức của mình. Học vấn chính là những nấc thang vàng để chúng ta dấn bước trên con đường khẳng định mình.

Hành trang của con người trên cuộc đời không thể thiếu tri thức làm vũ khí đấu tranh. Đời là một cuộc hành trình đầy gian truân. Học vấn sẽ là đôi giày đồng hành với ta trên bước đường đầy chông gai đó. Trước một thử thách, một mối nguy nan, học vấn sẽ tạo cho chúng ta niềm tin vào sức mạnh của bản thân. Thử hỏi nếu lúc đó không có xe nâng bước của hành trang tri thức, chúng ta sẽ hoang mang và cảm thấy mất niềm tin đến thế nào! Vốn tri thức cũng cung cấp cho chúng ta bề dày kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề khúc mắc mà lí lẽ đơn thuần của đời sống không thể hoá giải được. Có tri thức trong tay, ta như thêm đôi cánh để tiến nhanh hơn đến bước đường thành công, cũng là tiến nhanh hơn đến dáng dấp của một con người hoàn thiện và đầy bản lĩnh. Học vấn sẽ quyết định vị thế của ta trong cuộc đời và trong con mắt của người khác.

Moi-nguoi-sinh-ra-deu-binh-dang-neu-co-khac-biet-la-do-hoc-van-0

Đôi khi ta nghĩ rằng, kinh nghiệm đời sống mới là điều căn cốt của thành công. Nhưng chỉ có học vấn mới thực sự làm nên đẳng cấp cho một con người. Sự học luôn gắn bó với cuộc sống, gắn bó với đạo đức con người. Chính vì thế mà Lu-i Paxtơ đã quyết tâm học thật giỏi để cậu bạn kiêu ngạo trong lớp sẽ phải nể phục mình. A-đam Khao cũng say mê học tập dù bị bạn bè trêu chọc, để rồi trở thành một học sinh giỏi dù trước đó ông vô cùng yếu kém. Những con người ấy đều đã nhận thức được sự quan trọng của học vấn mà ra sức trau dồi. Và có học vấn là có sức mạnh, có học vấn là có niềm tin. Cứ thế ta tiến gần hơn với cái đích của con đường tự khẳng định mình.

Bác Hồ đã từng dạy thanh niên rằng: “Có đức mà không có tài thì làm việc cũng khó”. Và quả thực nếu thiếu đi kiến thức ta sẽ thiếu tự tin biết bao trên con đường thành công. Trước những vấn đề đời sống, sao có thể tránh được sự hoang mang khi không thể tìm ra cách giải quyết, vì ta không có kiến thức! Thiếu học vấn coi như là ta lùi một bước với vòng xoay cuộc đời. Khi ngước đầu nhìn lên ai cũng đi trước ta, bản thân mình chỉ là số không vì không học vấn. Khi ấy, liệu ta có giành được sự tôn trọng của người đời? Không học vấn sẽ mất đi niềm tin, mất đi niềm tin là mất tất cả!

Học vấn là hành trang tất yếu của con người trên bước đường đời. Nhưng học vấn luôn phải gắn liền với thực tế đời sống. Những kiến thức trong sách vở, những bài học trừu tượng sẽ chỉ là tri thức chết hoàn toàn vô hiệu trong thực tế cuộc sống. Tiếp thu tri thức luôn phải gắn liền với một quá trình sàng lọc, thai nghén để cho ra một sản phẩm của riêng mình. Nguồn tri thức ấy phải gắn với cuộc sống. Học vấn cũng không phải là ta đưa ra một tấm bằng đại học, đưa ra một chứng chỉ cao cấp thì đã là người có tri thức. Nó chỉ được công nhận khi chúng ta áp dụng một cách nhạy bén vào công việc của mình. Những nhà tỷ phú như Bin Ghết, Steve Job đểu đã từ bỏ trường đại học. Nhưng đã ai nói họ nghèo nàn tri thức. Vì rõ ràng, vốn tri thức đã được họ áp dụng khéo léo vào công việc chuyên môn. Những bằng cấp, chứng chỉ giả dối sẽ không chứng minh được tri thức của bất cứ ai, nếu họ không biết thể hiện nó.

Câu nói của Fu-ku-za-wa Yu-ki-chi đã giúp chúng ta nhận thức được giá trị học vấn. Người ta sinh ra không có kẻ thua thiệt hay người may mắn, tất cả đều do học. Nó thôi thúc tôi học tập vì sự hoàn thiện thay vì điểm số. Nó mở cho tôi chặng đường phía trước. Tôi sẽ học, học vì sự hoàn thiện của chính mình, học theo cách của riêng mình. Đó là sự học gắn bó với cuộc đời thực chứ không phải học như một cái máy được lập trình sẵn. Một tấm bằng hạng A hay hạng B? Điều đó chẳng quan trọng nữa. Điều quan trọng là tôi có học vấn và biết dùng học vấn khẳng định sự khác biệt của mình.

Đã có lúc tôi tự đổ lỗi cho số phận.

Đã có lúc tôi tủi thân vì thấy mình thua thiệt.

Tôi đòi quần áo mới, đòi một chiếc xe mới.

Vì tôi nghĩ nó đem lại sự thành công và được coi trọng!

Nhưng giờ thì thực sự tôi đã sai! Bản thân tôi đâu thua kém gì bạn bè về điều kiện vật chất! Vẻ ngoài sang trọng chẳng nói lên được điều gì. Chỉ có học vấn mới xứng đáng được coi trọng. “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Nếu có khác biệt là do học vấn”. Newton khác biệt vì ông đã đứng trên vai người khổng lồ tri thức. Chính chúng ta cũng có thể trở thành đặc biệt nhờ vốn tri thức của mình.

Xem thêm: "Phải chăng, sống là tỏa sáng" - Bài văn đoạt giải quốc gia năm 2014

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận