Doanh nhân Minh Nhựa: Phía sau tay chơi xế hộp khét tiếng là người đàn ông ngộ đạo, dùng Phật pháp để hàn gắn gia đình
Doanh nhân Minh Nhựa tâm niệm rằng, những niềm tin tâm linh thường vô hình lại có thể gắn kết con người trong một khoảng thời gian rất dài, có khi là cả đời người.
Minh Nhựa (tên thật là Phạm Trần Nhật Minh, SN 1983) - cậu thiếu gia nhà doanh nhân Phạm Văn Mười, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhựa Long Thành.
Tại Công ty nhựa Long Thành, Minh Nhựa phụ trách nhiệm vụ quản lý mảng cung ứng, tài chính kế toán, hành chính nhân sự và sản xuất. Đây là những mảng kinh doanh gần như chủ chốt của doanh nghiệp này.
Không chỉ được biết đến với vai trò là doanh nhân trên thương trường, Minh Nhựa còn được mệnh danh là "tay chơi xế hộp khét tiếng" ở Sài Gòn. Minh Nhựa không ngại chi các khoản tiền "siêu lớn" để tậu các loại xế hộp thời thượng nhất. Có thể kể đến như Bugatti Veyron, Lamborghini Murcielago LP670-4 SV, Ferrari 485 Italia và mới nhất là Lamborghini Aventador LP700-4, Rolls-Royce Ghost và Rolls-Royce Phantom.
Thế nhưng, ít ai biết đến, phía sau một doanh nhân có tiếng, một tay chơi siêu xe lại là một người Phật tử hướng đạo. Ở nơi cửa Phật, doanh nhân Minh Nhựa có pháp danh Như Phú.
Ở trong tập 4 của series MINHsHOW phát sóng trên YouTube, thiếu gia nhà Nhựa Long Thành đã tiết nhiều thông tin thú vị về con đường tu tập của mình. Anh nói, từ bé, mỗi khi đi du lịch trong và ngoài nước cùng gia đình đều bị thu hút bởi những bức tượng Phật tôn nghiêm trong chùa. Song cái duyên đến với tu tập chỉ xuất hiện khi anh gặp biến cố.
Theo tâm sự, anh từng phạm "giới thứ ba" (tức là tà dâm) trong 5 giới của nhà Phật đối với một người cư sĩ. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến hôn nhân của anh và vợ Mina Phạm đứng trước bờ vực đổ vỡ.
Khi vợ dẫn các con ra nước ngoài, cắt đứt liên lạc, Minh Nhựa đã từng có những hành động tiêu cực. Nhưng sau đó, anh quyết định tìm đến Đạo Phật để gắn kết và lấy lại niềm tin từ vợ mình.
Doanh nhân Minh Nhựa cũng rất thẳng thắn khi chia sẻ chi tiết về quá trình tu tập của mình. Anh nói, vì vẻ ngoài được đầu tư chỉn chu, đắt tiền trong quá khứ nên chính bản thân đã từng phạm nhiều sai lầm với vợ con. Nhưng thay vì chọn cách tiếp tục giữ im lặng để vợ ghen tuông, bồn bồn, lo lắng, anh quyết định quy y Tam bảo, lấy pháp danh Như Phú, thực hành Ngũ giới, trong đó có giới thứ 3 (tôn trọng đời sống gia đình, không tà dâm).
"Niềm tin thực sự phải cần có thời gian. Việc tu tập sẽ là một thứ vô hình giúp gắn kết chúng ta, khác hoàn toàn với những thứ xa xỉ rồi sẽ đi", nam doanh nhân chia sẻ.
Lý do anh đến với Phật giáo chính là: Không còn coi trọng những vật phẩm xa xỉ, những linh kiện chỉ đến và đi chóng vánh trong quá khứ, mà giờ đây Minh Nhựa tâm niệm rằng những niềm tin tâm linh thường vô hình lại có thể gắn kết con người trong một khoảng thời gian rất dài, có khi là cả đời người. Kể từ đó, để hàn gắn lại với vợ, anh đã làm các bài thực hành trong Phật Giáo mỗi ngày, đến mức chính vợ anh cũng trở thành một Phật tử.
Minh Nhựa cũng chia sẻ về sự thay đổi hoàn toàn của bản thân so với thời gian trước: "Những lần đi bar, pub chưa chắc tôi đã nhớ, nhưng mỗi lần tu tập và thực hành mình lại nhớ như in vì đó là mỗi lần mình được lột xác, được thay đổi, cảm nhận được bừng sáng, sự đẹp đẽ ngay trong thời điểm, khoảnh khắc đó".
Cũng kể từ đó, Minh Nhựa thường xuyên chia sẻ hình ảnh cùng vợ đến hành hương ở những ngôi chùa nổi tiếng ở cả trong nước và ngoài nước. Anh từng đăng ảnh sang Ấn Độ dự lễ Phật Đản, hay leo lên tu viện trên vách núi ở Bhutan. Ngoài ra, gia đình vị doanh nhân này cũng tham gia tích cực vào các chuyến từ thiện, quyên góp tiền thực hiện các hoạt động phóng sinh.
Sau 4 năm tĩnh tâm và tu tập, Minh Nhựa đã lấy lại được niềm tin từ vợ. Anh cũng cảm thấy cuộc sống hạnh phúc hơn, không còn lo lắng về những điều đã xảy ra trong quá khứ. "Tu tập là con đường giúp cuộc sống của chúng ta thêm an lạc, tâm tỉnh thức", vị doanh nhân chia sẻ.
Để minh chứng cho những sự cố gắng, niềm tin của mình vào Đạo Phật, anh chỉ dẫn về quá trình mình tu tập của mình: Mỗi bài tu tập thường khá dài, người nào học chậm phải mất tới 4 năm, còn anh tiếp thu tốt nên hoàn thành chỉ từ 33 ngày đến 1 năm. Thời gian đầu, anh dành tới 6 tiếng/ngày trong phòng thờ để hành thiền. Sau này, khi đã thành thói quen, quá trình tu tập của anh diễn ra nhanh và dễ dàng hơn.
Vị doanh nhân này còn lấy ví dụ về bài thực hành lạy gồm 120.000 cái. Người bình thường phải lạy tối thiểu 100 cái/ngày, tổng cộng là mất 4 năm để hoàn thành. Tuy nhiên, thiếu gia nhà Nhựa Long Thành đã thực hành xong chỉ trong vỏn vẹn 1 năm. Anh nâng dần các mốc từ 100 lên 300, rồi lên tới 500-1.000 cái/ngày.
Minh Nhựa cũng thừa nhận, việc tu tập tuy hay nhưng khó. Điều quan trọng nhất là khi hành thiền phải kiểm soát được dòng suy nghĩ của mình: "Bạn có thể ngồi cà phê ‘chém gió’ suốt 1-3 tiếng, nhưng ngồi thiền 1 tiếng thì không hề dễ đâu. Trong 1 tiếng này, bạn phải ngồi bất động ở tư thế kiết già (hai chân đan chéo lên nhau), quán niệm hơi thở và nghĩ về Đức Phật. Nếu trong đầu mình vẫn chứa hàng loạt những suy nghĩ khác, 1 tiếng ngồi thiền cũng là vô nghĩa".
Cũng theo Minh Nhựa, nếu chăm chỉ thực hành theo đúng lời dạy, rất nhiều khúc mắc trong cuộc sống tưởng như không thể tháo gỡ sẽ được hóa giải một cách dễ dàng: "Mỗi chặng đường mình vượt qua đều là một bài tập, một sự thực hành, một sự lột xác ngoạn mục. Tôi cảm thấy hạnh phúc ngay trong hiện tại".
Chưa kể, việc tu tập cũng giúp cho mọi người hiểu thêm về cơ thể và sức khỏe của bản thân: "Khi ngồi thiền, nhiều vấn đề về sức khỏe mới bắt đầu lộ ra. Nhờ đó, tôi biết được thời điểm nào nên khám bác sĩ, thay đổi bài tập thể dục hoặc điều chỉnh tư thế của mình".
Có thể thấy, Minh Nhựa rất coi trọng việc tu tập. Thậm chí anh còn xây dựng cả một phòng thờ lớn để lấy chỗ thiền mỗi ngày.
"Mỗi ngày tôi đều hành trì tại nhà. Các con tôi cũng được tôi khuyến khích, nhắc nhở thực tập theo phương pháp mà tôi đang thực hành. Vợ tôi ít hơn, nhưng cô ấy cũng là người có sự thực tập", vị doanh nhân này từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn.
Tại công ty, góc làm việc của anh cũng thể hiện sự tín Phật. Phòng được trang trí tuy đơn giản nhưng luôn bóng dáng Phật giáo. Ngoài thời gian làm việc, vị doanh nhân này cũng dành thời gian đọc kinh và hành thiền tại công ty.
Từ khi hướng đạo, Minh Nhựa cũng dành nhiều thời gian quan sát nhân viên. Anh khuyên mọi người tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc mỗi ngày đi làm. Đừng chỉ quá chú tâm đến mưu sinh.
Nhìn lại và so sánh thời gian trước và sau khi thực tập Phật pháp, Minh Nhựa cho biết, cái anh đạt được lớn nhất không phải là doanh số mà là tạo ra được những con người làm việc có niềm vui. Có lẽ vì cảm được sự thay đổi tích cực của anh trong công việc nên cũng có nhiều đồng nghiệp, cộng sự đã thay đổi theo.
Xem thêm: Người hướng đạo nhất định phải biết: 5 thời điểm nên tụng kinh niệm Phật
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận