Lý Nhật Quang- Mãnh tướng trấn giữ phên dậu phía Nam được dân tôn 'thánh' khi còn sống

Giới khoa học nhận định, Lý Nhật Quang xứng đáng là Danh nhân lịch sử, đã có nhiều cống hiến to lớn vào việc ổn định và phát triển đất nước, trước hết là vùng đất Nghệ An vào những thập niên đầu của Vương triều Lý.

Đỗ Thu Nga
09:00 15/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lý Nhật Quang (995 - 1057) có tên húy là Lý Hoảng. Ông là con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ và vợ là Linh Hiền Hoàng hậu (theo các nhà nghiên cứu là con của Lê Đại Hành và Hoàng hậu Dương Vân Nga), hiệu là Bát lang Hoàng tử. Như vậy, ông là anh em cùng mẹ với vua Lý Thái Tông.

Từ bé, Lý Nhật Quang đã nổi tiếng thông minh. Năm 8 tuổi biết làm thơ, lên 10 tuổi thông hiểu kinh sử. Ông được vua cha và hoàng tộc chăm lo dạy dỗ để sớm trở thành rường cột nước nhà.

Vào năm 1028, vua Lý Thái Tổ băng hà, anh cùng mẹ với Lý Nhật Quang là Lý Phật Mã đăng cơ, tức là vua Lý Thái Tông sau này. Đến năm Càn Phù Hữu Đạo thứ nhất (1039), U Minh Hầu Lý Hoảng được vua Lý Thái Tông cử vào châu Nghệ An lo việc thu thuế. 

Ở đây, ông cần mẫn làm việc, thu đủ số thuế được giao. Lý Nhật Quang không giống các vị quan tiền nhiệm hà lạm thuế của dân chúng. Ông thu khoản thuế nào cũng rõ ràng, công tâm. Chính vì thế ông nổi tiếng là người thanh liêm, chính trực.

manh-tuong-ly-nhat-quang-la-ai
Tượng thờ mãnh tướng Lý Nhật Quang

Có thể nói, thời kỳ Lê Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An, vùng đất này là một vùng biên viễn của đất nước với nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân địa phương có tính chất "phản loạn" xảy ra khiến triều đình phải nhiều phen đánh dẹp. 

Được giao đảm trách Tri châu (người đứng đầu bộ máy hành chính ở Nghệ An), ông luôn lấy đức làm trọng, kiên quyết trừng trị bọn tham quan, đạo tặc, kiên quyết bảo vệ từng tấc đất của Đại Việt. Vì vậy, trong suốt thời gian ông cai trị và nhiều thập kỷ sau đó, miền đất này rất yên bình.

Tình hình chính trị - xã hội ổn định là tiền đề thuận lợi để Lý Nhật Quang tiến hành tổ chức hoàn thiện bộ máy chính quyền cấp cơ sở, động viên sức dân khai khẩn, mở mang đất đai, lập xóm ấp, chăm lo sản xuất nông nghiệp, dạy dân làm ruộng, nuôi tằm, phát triển kinh tế...

Đến năm 1044, vua Lý Thái Tông đem quân đánh Chiêm Thành. Trong cuộc Nam chinh này, Uy Minh hầu Lý Nhật Quang được giao nhiệm vụ tiếp tế và vận chuyển quân lương từ nguồn cung cấp chủ yếu của Nghệ An đầy đủ cho quân đội. Sau khi đánh thắng Chiêm Thành trở  về, Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước hầu lên tước Vương và ban cho ông Tiết Việt, được định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An.

manh-tuong-ly-nhat-quang-la-ai-7
Trong thời gian trấn giữ vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã có công đánh bại quân Chiêm Thành, giữ yên cương giới cho Đại Việt

Trong 16 năm được giao giữ chức Tri châu Nghệ An, từ năm 1041 đến khoảng giữa năm 1057, với tài kinh bang tế thế, với tầm nhìn có tính chiến lược và những chủ trương đúng đắn, táo bạo, Lý Nhật Quang đã đề ra những chính sách tiến bộ để phát triển sản xuất, bảo vệ trật tự trị an, giữ yên bờ cõi, đặc biệt là chính sách khoan thư sức dân, vỗ về dân, lấy việc dân được no ấm, yên vui làm gốc của việc cai trị.

Lý Nhật Quang là người có công xây dựng và phát triển Nghệ An từ một vùng quê hẻo lánh với nhiều biến loạn thời Lý trở thành một châu phồn thịnh về mọi mặt, làm hậu thuẫn vững chắc cho các triều đại sau, tạo một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển Nghệ An. 

Trong thời gian trấn giữ vùng đất này, ông đã  tổ chức cho nhân dân khai hoang nhiều vùng để mở rộng diện tích trồng trọt, đắp đê sông Lam để phát triển nông nghiệp, mở 2 con đường thượng đạo từ Đô Lương ra Thanh Hoá rồi Thăng Long và từ Đô Lương lên Kỳ Sơn.

Lý Nhật Quang còn coi trọng việc phát triển kinh tế, khuyến khích, hướng dẫn nhân dân mở mang nghề nghiệp. Cùng việc chiêu dân, khai hoang, lập ấp, ông còn dạy cho dân chúng trồng trọt, dệt lụa, dệt vải... trở thành tổ sư của nhiều ngành nghề thủ công nghiệp ở Nghệ Tĩnh.

Trên cương vị Hoàng tử, Tri châu Nghệ An, Uy Minh vương Lý Nhật Quang đã được các sử sách đề cao, xếp là 1 trong 9 vị danh nhân của đất Đại Việt. Trong “Việt Điện u linh" của Lý Thế Xuyên nói về Lý Nhật Quang với một ngôn từ rất trang trọng “một đại phúc thần cải châu, trung trực, liêm khiết" và đặc biệt về xếp thứ tự, theo quan niệm của Lý Thế Xuyên, những vị thần nào mà công đức lớn hơn được ông xếp lên trên sau các vị vua và các đại thần chứ không xếp theo thời gian thì Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được viết đầu tiên.

Các nhà khoa học cũng nhận định: Lý Nhật Quang xứng đáng là một Danh nhân lịch sử, đã có những cống hiến to lớn vào việc ổn định và phát triển đất nước, trước hết là vùng đất Nghệ An vào những thập niên đầu của Vương triều Lý. 

manh-tuong-ly-nhat-quang-la-ai-3
Đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (xã Bồi Sơn, Đô Lương, Nghệ An)

Chính vì những công lao to lớn đối với nhân dân, đất nước mà sinh thời Lý Nhật Quang được người dân vùng Nghệ Tĩnh tôn làm "thánh" ngay khi còn sống.

Nhắc đến cái chết của Lý Nhật Quang đến nay vẫn còn nhiều giả thuyết. Thần phả đền Quả Sơn viết rằng Lý Nhật Quang hi sinh trong trận chiến với giặc, bị chém ngang cổ nhưng đầu không lìa, đến núi Quả thì ngựa quỵ xuống, ông qua đời vào ngày 17 tháng 8 năm 1057.

Sách Việt điện u linh tập chép rằng một tối ông thấy ba con quạ bay 3 vòng quanh Vương rồi sà vào lòng thành tờ giấy trắng. Ông thiếp đi thì gặp thần sao Vũ Khúc mời về trời làm quan. Vương không bệnh mà mất. Lý Thái Tông phong Lý Nhật Quang từ tước Hầu lên Tước Vương. Nhân dân suy tôn Lý Nhật Quang là "Thượng thượng thượng Đẳng thần".

Câu đối tại đền Quả khái quát được công trạng của ông:

Hiển hách thần linh, hương khói miếu đền lưu vạn đại,

Lừng danh tông tộc, núi sông ghi nhớ đến nghìn năm.

Theo thống kê, tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa có hơn 60 đền thờ Lý Nhật Quang. Trong đó ngôi đền thờ chính nổi bật nhất là đền Quả ở Đô Lương và lễ hội tạ ơn bà Bụt vào ngày 19 đến 21 tháng Giêng hàng năm.

Gần 1.000 năm qua, công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang luôn được nhân dân Xứ Nghệ và nhân dân cả nước khắc sâu ghi nhớ. Công lao và sự nghiệp của ông mãi mãi được tôn vinh trong sử sách và được tôn thờ trong tâm thức của nhân dân cá nước như là một biểu tượng thiêng liêng nhất. 

Xem thêm: Công chúa Nguyệt Sinh: Mối nhân duyên trời định với người thợ rèn và cuộc dấy binh 'báo thù' cho nhà Lý

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận