Lý luận văn học: "Để mặn lòng cho những kẻ muốn vô tư"

Đề bài: “Người dưới vực sâu vẫn cứu kẻ trên bờ/Nếu dưới vực sâu còn dũng khí/Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể/Để mặn lòng cho những kẻ muốn vô tư” (Chế Lan Viên). Trình bày suy nghĩ của Anh/Chị về quá trình sáng tác.

Đỗ Thu Nga
11:00 30/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Ta muốn máu trào ra đầu ngọn bút

Mỗi lời thơ như dính não thơ ta

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt

Như mê man chết điếng cả làn da”

Từng được Chế Lan Viên nói rằng “mai sau trong cái tầm thường, mực thước kia tan đi, và còn lại của thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”, Hàn đã dành cả cuộc đời của mình với tất cả say mê, niềm đau và tiếc nuối cho việc làm thơ, sáng tác. Mặc kệ những cuồng điên đến thét gào trong bao cơn mê man của những máu và hồn chực chờ tan biến, Hàn Mặc Tử vẫn chọn thi ca như một sự cứu rỗi cho mình và cho cả tha nhân. Tâm tư đó cũng hệt như nỗi lòng mà Chế Lan Viên hướng đến khi viết “Ánh sáng và phù sa” để nói về nhà văn, nhà thơ và quá trình sáng tác của họ:

“Người dưới vực sâu cứu kẻ trên bờ

Nếu dưới vực sâu còn dũng khí

Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể

Để mặn lòng cho những kẻ muốn vô tư”

Với vỏn vẹn bốn câu thơ, Chế Lan Viên gói ghém ở đó một cái nhìn, một định nghĩa về hoạt động sáng tác: đó là sự một sự cứu chuộc. Người nghệ sĩ, đứng giữa vực sâu của niềm đau, đảo điên, loạn lạc trong chính cuộc đời mình vẫn nguyện đưa tay ra cứu lấy kẻ trên bờ, cứu lấy những kiếp nhân sinh vốn dĩ là xa lạ. Bằng tất cả dũng khí, sức lực và niềm yêu, họ không nề công “làm mặn lòng” những kẻ “vô tư”, những người không đau, chưa đau để ấp ôm, vỗ về và thức tỉnh cho lòng người khỏi phải chơi vơi, hỗn loạn. Để rồi, họ biến văn chương của mình thành một điểm tựa, một ánh dương rừng rực soi sáng cho những kẻ lầm đường, cho sự đơn côi lạnh lẽo mà con người phải mang vác trong cõi đời lao đao. Sáng tác Văn chương chính vì lẽ đó, có sức mạnh chữa lành, như một cách xoa dịu lòng người, hồn người đi qua những cơn bão giông, để lại dạt dào niềm tin, lại căng tràn sức sống.

Trong lời đề tựa cho tập “Lửa thiêng”, Xuân Diệu đã không chỉ viết về “cái buồn vô hạn hoá thành cái tủi vô cùng” Huy Cận đã mang lấy suốt cả kiếp người mà cũng thông qua đó “thở than” rằng, nỗi buồn Huy Cận cũng là “nỗi buồn chung của con người, bọn thi sĩ chúng tôi nhẹ lòng, nhẹ dạ nên mang lĩnh dùm tất cả nhân gian”. Quả nhiên, người thi sĩ bao đời nay nguyện gắn đời mình, lòng mình với thế gian để hiểu, để thương, để yêu và để đau. Sinh ra với một sự tinh tế, nhạy cảm và dễ rung động, người nghệ sĩ đứng trước một thế giới đầy biến động với những vết nứt, những tan hoang tiềm tàng, họ như chờ sẵn để giữ lấy những mảnh vỡ, những niềm đau ấy, nguyện dấn thân mình vào cuộc bể dâu để giải thoát con người khỏi bị lưu đày vào cõi vong thân. Dũng cảm, bạo dạn: Văn nhân nhìn thẳng vào lòng mình, lấy ra trong đó những nỗi hoang mang, những tâm tình để nói lên nỗi lòng được che giấu dưới đáy sâu hồn người. Để rồi, trong niềm đau của mình, nhà văn vươn lên, cứu lấy những niềm đau của người để xoa dịu và chữa lành cho nó.

Lại nói về “Một chiếc linh hồn nhỏ/Mang mang thiên cổ sầu”, hình như chưa một lúc nào Huy Cận ngừng bơ vơ, ngừng đeo đẳng nỗi buồn và niềm trơ trọi. Giữa một cuộc đời mà lúc nào nỗi cô đơn cũng thường trực, lúc nào cũng hoài nghi như một thói quen, Huy Cận không chỉ hiểu, mà còn hiểu rất rõ con người với những hồ mơ, ngập ngừng và miên man. Để rồi không kiềm được mà kêu lên rằng “Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thế”, không khỏi lạc lõng mà não nề một câu “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Không chỉ là xót xa cho cái “rời rạc trong hồn” của riêng nỗi lòng mình, Huy Cận còn rõ ràng biết bao nhiêu là ảo não, đơn côi của kiếp nhân sinh thoáng chốc trôi đi như một giấc mộng vô thường:

“Thâu trong một cái ngáp dài vô tận

Hình ảnh lung lay vũ trụ tàn”

ly-luan-van-hoc-de-man-long-cho-nhung-ke-muon-vo-tu-6

Tất cả như một cái ngáp dài, tưởng chừng vô tận mà ngoảnh đầu lại như chỉ trong thời khắc thoáng qua của cơn gió heo hút. Để rồi còn lại là một chút chơ vơ, một chút mơ màng của một vũ trụ lụi tàn đang dần khuất bóng cùng với sinh mệnh trôi nổi sớm ngày trở thành hư không của con người. Huy Cận đem niềm đau riêng hoá thành khúc bi ca của nhân gian, khúc bi ca đầy thê thiết về nỗi mặc cảm tan biến cứ hoài quẩn quanh đến triền miên không sao lý giải được của đời người. Và con người ấy, tâm hồn ấy đã làm “mặn lòng” những hồn đau đầy day dứt bằng những áng thơ ca da diết, như một người hùng không ngại đưa đôi tay mình ra để thấu hiểu, nâng đỡ những lầm than trong đời.

Trong “Lược khảo văn học”, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung có từng viết: “Trước một thế giới tan vỡ hay có nguy cơ tan vỡ, nhà văn nhặt nhạnh những mảnh vỡ để tái tạo lại chính nó đồng thời kích hoạt những dây đàn cảm xúc của con người. Vì vậy xã hội càng bất an, càng cần đến văn chương”. Dường như, được sinh ra với một sứ mệnh là người hàn gắn cho những vết nứt của cuộc đời, Văn nhân luôn “Tự mang lấy một chữ tình” để dìu dắt con người đi qua những cuộc bể dâu. Nhìn thấy những vô nghĩa lý trong đời để viết về nó, nhà văn làm cho con người cảm nhận được cuộc đời thực, tìm thấy hơi thở của nhịp sống đang hiện hữu thay vì chìm đắm trong những ảo mộng hoang đường. Quẩn quanh dưới đáy vực sâu, người nghệ sĩ ngược lại là người đi tìm lối thoát cho nhân gian, từ nghịch cảnh đầy đau thương đó phải không ngừng vươn lên để thanh lọc, tái tạo cuộc đời. Dẫu cho ở tận cùng bi kịch, dẫu cho là cái chết hay sự phá huỷ thì cái kết thê thảm đến đâu phải là một cuộc tái sinh để con người trở về với cuộc đời thực để lại sống, lại hiện sinh.

Trong “Đèn không hắt bóng”, Watanabe Junichi đã làm “mặn” lòng người bởi sự thật đầy cay đắng: mỗi một người đều đang ở trong tận cùng cô đơn giữa một thế gian vội vã, vô tình. Thế nhưng, dẫu nhìn cuộc đời như một tấn bi kịch không hồi kết, nhà văn đã dùng ẩn dụ hình tượng “đèn không hắt bóng” về một cuộc đời không được tái sinh, về một ánh sáng không thể lại vùng lên để chói loà như một sự thôi thúc vào lòng người để lại khơi lên cái khát khao sống thật mãnh liệt. “Không quan trọng sống bao lâu mà là sống như thế nào”. Có thể, ngọn đèn mang tên Naoe không bao giờ trở lại được, chiếc bóng của anh có chăng cũng không cách nào vọng về để người ta đừng quên mất con người đó. Nhưng mà, Naoe vẫn không đẩy người ta xuống hồ băng lạnh ngắt mang tên tuyệt vọng như cách anh chọn để từ bỏ cuộc đời. Mà ngược lại, nhân vật này khiến người ta nhận ra giá trị của sự sống, của việc được làm một ánh đèn vẫn còn cơ hội soi rọi những ánh sáng ấm áp lên cuộc đời bằng tình yêu thương, sự thấu hiểu và trân trọng. Nhìn cuộc đời bằng một sự thê lương với những cái chết lớn dần cùng nỗi cô đơn bất tử, Watanabe Junichi đã lấy chính những điều đó để con người nhìn thấy được ý nghĩa về sự tồn tại của mình, để khát vọng sống vẫn không ngừng mà trào dâng, không ngừng đẩy người ta vào cuộc dấn thân để sống, để trân trọng thêm cuộc đời của mình.

“Trong mỗi thời khắc đều đang có một cuộc ra đi như thế, thời gian chia tay với không gian, với con người, chia tay với chính nó”: đó là một lời dẫn bình về Thơ Mới, một trào lưu văn chương luôn gắn liền mình với những xa xôi và mặc cảm chia lìa. Thơ Mới ám ảnh người ta bởi một Hàn Mặc Tử luôn đau đáu về “Một hồn đau rã lẫn theo sương khói”, làm chạnh lòng ta bởi “Tiếng nức nở gởi gió đường quạnh quẽ” của Huy Cận hay nỗi bơ vơ vì “Anh là anh, em vẫn cứ là em” của Xuân Diệu. Thơ Mới, đã buồn như thế, đã quấn lấy mình bởi những nghĩ suy, mơ màng trong những trơ trọi, hoang mang như thế. Nhưng cũng Thơ Mới, gieo lên trong lòng người một niềm tin yêu cuộc sống đầy mãnh liệt. Là một “Mau với chứ, vội vàng với chứ/Em, em ơi, tình non đã già rồi”. Là niềm yêu đến say mê, hối hả và tràn đầy: “Đường không dài, người tránh để thêm xa/Gặp ngay đi! Đời may rủi lắm mà”. Và còn là sự hoà hợp, đồng điệu của “Vô tâm nhưng giữa bài thơ dịu/Anh với em như một cặp vần”. Tất cả những “Vội vàng”, những niềm say mê cuộc đời đầy hối hả đều là cách mà những thi nhân đã sưởi ấm cho lòng người trong cái lạnh giá của cõi lòng mình. Mang lấy nỗi ám ảnh đến dai dẳng về chia lìa, xa vắng và tan hoang, nhà thơ vẫn không ngừng viết về sự sống, về sự ươm mầm để không chỉ là xoa dịu, chở che hồn người mà hơn cả là tưới mát nó, nuôi lớn sức sống trong nó mà như Nguyễn Văn Trung đã nói, bằng cách “kích hoạt những dây đàn cảm xúc”.

Mang lấy những vết nứt mà cuộc đời xuyên qua trái tim mình, những “Người mơ” đã “ở vực sâu” cứu kẻ trên bờ như một sứ mệnh đầy thiêng liêng và cao cả. Họ dùng vết thương của mình để làm lành những vết sẹo hằn ngang dọc trong trái tim kẻ khác. Họ dùng nỗi lòng đầy chua chát của mình trước cuộc sống để biến cuộc đời ấy thành những câu chuyện cổ tích với kết thúc thật có hậu, nơi mà sự sống được tiếp thêm sinh lực, nơi mà tình yêu không ngừng nảy nở, sinh sôi và ước mơ, hy vọng không hề dừng để biến thành sự thật.

Sinh ra giữa “một vũ trụ hung bạo”, như bao người khác, những nhà thi sĩ cũng không cách nào trốn chạy được khỏi những chấn thương, những khúc mắc như một nỗi ám ảnh dai dẳng trong tâm trí họ. Đó là một tuổi thơ bất hạnh, là hành trình trưởng thành gian nan, là những biến cố khiến họ không thể tự buông tha cho chính linh hồn mình,… Tất cả những điều đó tụ lại cùng nhau để người nghệ sĩ luôn sống trong nỗi hoang mang ngờ nghệch đến triền miên cùng những niềm đau, những hỗn loạn của tâm trí. Và rồi, những ẩn ức bị dồn nén đó bật ra thành từng tiếng một, là lời thơ, là câu chữ, ngôn từ như một sự giải thoát cho chính mình. Họ tìm đến thơ ca, hơn cả để cứu rỗi người khác mà còn là cứu rỗi cho chính bản thân mình. Như tỉnh dậy từ một cơn mơ với những xích xiềng của nỗi u uất, nhà thi sĩ viết về niềm đau như một lối thoát, một con đường để chạy trốn sự huỷ diệt và cũng là để đi tìm chính con người chân thật của mình.

Mang trong mình những thổn thức về khao khát được sống, được yêu, được là chính mình đầy mãnh liệt, nhiều cây bút nữ đã biến cuộc đời bị kìm hãm của mình trở thành sức mạnh. Để rồi, Văn chương như một sự nguồn động lực để họ đủ dũng cảm đối diện với cuộc đời mình, mở toang lòng mình ra để viết về nó, biến lời và chữ của riêng họ trở thành một “mảnh đất” đầy sức sống, nơi mà tính nữ được thăng hoa và phụ nữ thôi bị xem như một tấm gương phóng chiếu cho sức mạnh nam giới. Nhìn vào Hồ Xuân Hương với “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!”, “Trơ cái hồng nhan với nước non”, người ta không chỉ tìm thấy được sức mạnh tự thân đầy mạnh mẽ của một nữ nhân đầy uất hận với xã hội phong kiến, với chế độ phụ quyền. Mà ở trong Hồ Xuân Hương, đằng sau những tiếng thơ đanh tai như tiếng tát ấy, là một linh hồn đầy hiu quạnh luôn khao khát yêu và được yêu, luôn ước ao về một hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn để vầng trăng thôi phải “bóng xế khuyết chưa tròn”. Thơ Hồ Xuân Hương vì lẽ ấy mà không chỉ là một bản cáo trạng đối với xã hội phong kiến đầy bất công mà còn là những lời tự thuật đầy thâm tình như một cách giải toả những nỗi ẩn ức của bà và cả những người phụ nữ khác. Trong căn phòng tối không lối ra với những ràng buộc của định kiến và gia giáo, người phụ nữ ấy đã tìm đến văn chương như một lối thoát để giữ lại bản thân mình: một con người chân thật, tĩnh tại và khép kín đã bị làm cho nhạt nhoà suốt bao nhiêu năm. Để rồi, đứng từ vực sâu không lối thoát của đời mình, những nữ sĩ vẫn đầy dũng khí, đầy hăng say để yêu lấy những người tri âm “đồng bệnh tương lân”, vẫn cùng nhau gắn kết thành một làn sóng nữ quyền mạnh mẽ cứu lấy nhau, làm “mặn” lòng người bởi nỗi lòng mong manh đầy thanh thuần.

Vừa làm “người dưới vực sâu cứu kẻ trên bờ”, vừa muốn được cứu rỗi chính linh hồn mình thông qua việc “Trải lòng mình trên mảnh giấy mong manh”, Văn nhân đã để những sáng tác của mình thành một sợi dây gắn kết hồn mình với hồn người. Văn chương từ đây, trở thành một một tương giao giữa người với người, là cách để nhà văn đi từ niềm đau của mình đến niềm đau của người, xoá nhoà đi ranh giới ở giữa và thật sự trở thành một người bạn, một tri âm. Chính cái tâm thế này đã khiến cho hàng trăm nghìn những cuộc đối thoại văn chương vô hình không ngừng diễn ra, để con người ta luôn được sống thật với chính mình, sống những cuộc đời gần gũi lẫn xa lạ, sống để hiểu mình và hiểu người, để thôi là “những kẻ muốn vô tư”.

Để Văn chương trở thành một liều thuốc an thần sau những lần chao đảo, nhà văn không chỉ đầy hăng hái, say mê mang hết nỗi lòng mình vào trong câu từ, không chỉ trải lòng để viết đến thừa thãi, nhạt nhoà. Muốn cứu rỗi, chữa lành những vết thương, nhà văn phải biết nói đúng, nói đủ để chạm được chìa khoá mở cửa trái tim người. Không thể đâm sầm vào thế giới của một ai đó để “cứu vớt” họ mà ngược lại, nhà văn phải khéo léo, tinh tế để lần theo những ngóc ngách tâm tư: bằng nghệ thuật ngôn từ điêu luyện, bằng ngòi bút cứng cỏi, chừng mực.

Virginia Woolf từng viết rằng “Nhà thơ mạnh mẽ trong sự khốn khổ chết chóc” như một lời khẳng định đầy trực quan về nhà văn và quá trình sáng tác. Họ mạnh mẽ sống trong nghịch cảnh, trong những khốn khổ để nhìn rõ nó, đối diện với nó và viết về nó. Họ mạnh mẽ để không chỉ mang nỗi đau của riêng mình mà nguyện chìa đôi tay mình ra đỡ lấy những linh hồn chực chờ ngã quỵ giữa sa mạc cuộc đời. Và vì lẽ đó, nhà văn dẫu ở dưới vực sâu vẫn đủ sức mạnh mà cứu lấy kẻ trên bờ, đủ thành tâm mà làm mặn lòng những kẻ muốn vô tư.

(Nguyễn Đức Lam Thảo - HS lớp 12CV - trường THTH ĐHSP, niên khóa 2017 - 2020)

Xem thêm: Lý luận văn học: "Văn chương là sự cất lời của lòng hiếu sinh..."

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận