Ấn Độ giữa "địa ngục" COVID-19: Khung sắt trong lò hỏa táng tan chảy vì không có thời gian để nguội
Ấn Độ đã trở thành "tâm chấn" hoành hành của đại dịch COVID-19. Những dàn hỏa thiêu dựng giữa thủ đô New Delhi giống một "địa ngục" giữa trần gian khiến cho người chứng kiến bị ám ảnh.
Ấn Độ đang rất bi đát
Sáng 24/4, tờ Reuters đưa tin, Ấn Độ đã trở thành "tâm chấn" hoành hành của đại dịch COVID-19. Kèm theo đó là những bức ảnh chụp từ trên không xuống cho thấy những dàn thiêu bằng củi đã được dựng lên ở thủ đô New Delhi, trông chẳng khác gì địa ngục ở giữa mặt đất.
Số người chết dự kiến sẽ ngày càng tăng sau khi Ấn Độ ghi nhận kỷ lục toàn cầu về 314.835 ca nhiễm COVID-19 chỉ trong 1 ngày 22/4. Quốc gia này đang nỗ lực trong tuyệt vọng để bổ sung nguồn cung cấp khí oxy y tế trợ thở khi các bệnh viện đang vật lộn để đối phó với tình trạng lây nhiễm tăng vọt. Mọi thứ như giường bệnh, trang thiết bị y tế, thuốc men đều đang rất thiếu thốn ở nước này.
Hệ quả khi mọi thứ trở nên quá tải, số người chết tăng nhanh chóng, dồn ứ đến mức các cơ sở hỏa táng không kịp vận hành. Chưa bao giờ ranh giới giữa sự sống và cái chết lại mong manh đến thế.
Thân nhân của những người thiệt mạng vì dịch bệnh đang phải vật lộn tìm chỗ hỏa táng. Khi những nơi hỏa táng đã đầy người chết chờ đến lượt được thiêu thì nhiều gia đình buộc phải giữ thi thể của những người thân đã chết vì COVID-19 ở nhà trong nhiều ngày.
Thủ đô New Delhi những ngày qua chứng kiến những giàn hỏa táng đỏ lửa đêm ngày. 6 bệnh viện ở Thủ đô này đã hết oxy, theo thông tin được chia sẻ bởi chính quyền thành phố. Điều này khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 tiến triển nặng cần thở máy thiệt mạng.
Những người đã mất người thân vì COVID-19 ở Ấn Độ, nơi có 306 người thiệt mạng vì dịch bệnh trong 24 giờ qua đang chuyển sang các cơ sở tạm bợ tiến hành chôn cất hàng loạt và hỏa táng ngoài trời. Nhiều khu vực của thành phố gần 22 triệu dân, các giàn hỏa thiêu dã chiến đã được dựng liên.
Các đài hóa thân quá tải trầm trọng
Các đài hóa thân ở Ấn Độ đang phải hoạt động 24/7, do tình trạng tử vong vì dịch bệnh tiếp tục ở con số kỷ lục. Nhiều đài hóa thân nhỏ đang tiếp nhận lượng yêu cầu chưa từng có, lên đến hàng chục ca mỗi ngày. Nhiều ca hỏa thiêu phải để ngoài trời, dọc sông Hằng.
Hôm 22/4, ông Madan Kumar - Người nhà nạn nhân COVID-19 ở Ấn Độ cho biết: "Người ta đòi 12.000 đến 14.000 rupee tiền hỏa thiêu, người nghèo thì làm sao trả được? Tôi đang ở đây để hỏa thiêu bố vợ bị COVID-19. Chúng tôi đã trả tiền rồi, nhưng đã xong đâu. Họ cầm tiền, nhưng không chất đủ củi, cứ thế bỏ đi. Củi không đủ hỏa thiêu hết thi hài. Chúng tôi đi tìm mà chẳng thấy họ đâu".
Ở Surat - thành phố lớn thứ 2 của bang Gujarat, lò hỏa táng Kurukshetra và Umra đã xử lý hơn 100 thi thể mỗi ngày theo các quy định về COVID-19 vào tuần trước. Số lượng thi thể được hỏa táng tăng cao hơn nhiều số người chết hằng ngày.
Ông Prashant Kabrawala - đại diện của Narayan Trust, công ty quản lý lò hỏa táng Ashwinikumar đã từ chối cung cấp số lượng thi thể nhận được theo giao thức COVID-19. Nhưng cho biết số lượng thi thể đã tăng gấp 3 lần trong những tuần gần đây.
Ông cho biết, tuy thường xuyên đến lò hỏa táng từ năm 1987 và tham gia vào hoạt động hàng ngày ở đây từ năm 2005, nhưng chưa bao giờ thấy nhiều thi thể như thế này, kể cả khi bệnh dịch hạch bùng phát năm 1994 và lũ lụt năm 2006.
Các khung sắt bên trong một lò hỏa táng khác ở Surat đã tan chảy vì không có thời gian để chúng nguội đi. Trong khi đó, ống khói của một lò điện ở Ahmedabad bị nứt và sụp đổ sau khi hoạt động liên tục trong 20 giờ mỗi ngày trong 2 tuần qua.
Thiếu củi để hỏa táng
Tại thủ phủ Lucknow của bang Uttar Pradesh, dữ liệu từ lò hỏa táng dành riêng cho nạn nhân COVID-19 lớn nhất cho thấy, trong 6 ngày khác nhau của tháng 4, số thi thể cao gấp đôi so với số ca tử vong của toàn bộ thành phố mà chính phủ đã đưa ra.
Tại 2 lò hỏa táng ở Lucknow, người dân phải chờ đến 12 tiếng để hỏa táng cho người thân. Một người tên là Rohit Singh có cha đã qua đời vì dịch bệnh cho biết, chi phí hỏa táng là 7.000 rupee (100 USD), gần gấp 20 lần so với mức bình thường.
Một số lò hỏa táng ở Lucknow hết gỗ và phải nhờ người dân tự mang gỗ đến. Những bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều xe chở gỗ đến các lò hỏa táng.
Còn tại Ghaziabad, ngoại ô New Delhi, những thi thể được bọc trong tấm vải liệm xếp thành hàng trên vỉa hè, bên cạnh là người thân của họ đang khóc lóc để chờ đến lượt.
Nơi hỏa táng cuối cùng của những người theo đạo Hindu là Varanasi – thành phố cổ đại mà từ xa xưa, các thi thể được thiêu bên bờ sông Hằng. Một người tên là Belbhadra làm việc tại bờ sông nói rằng họ hỏa táng ít nhất 200 nạn nhân nghi nhiễm bệnh mỗi ngày.
Người dân cho biết, thời gian từ đường chính qua các ngõ hẹp đến bờ kè sông dành cho hỏa táng thông thường mất 3 - 4 phút. Nhưng bây giờ mất 20 phút vì các làn đường đông đúc với những người chờ được hỏa táng cho người thân.
Đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận 16,6 triệu ca nhiễm COVID-19 và số người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine còn chưa đến 10% dân số. Nhiều bệnh viện trên khắp Ấn Độ đã phát đi cảnh báo trong tuyệt vọng, rằng bệnh nhân có thể chết nếu không được truyền dưỡng khí.
Reuters dẫn lời các chuyên gia y tế nhận định, một số biến chủng mới của virus corona, đặc biệt là loại đột biến kép có nguồn gốc từ Ấn Độ là nguyên nhân chính khiến số ca nhiễm mới ở nước này tăng vọt. Ngoài ra, Ấn Độ cũng được cho là đã mất cảnh giác khi đại dịch có vẻ được kiểm soát vào hồi đầu năm. Thời điểm đó, số ca nhiễm mới hằng ngày chỉ khoảng 10.000 ca và nhà chức trách bắt đầu nới lỏng hạn chế, cho phép tụ tập đông người.
Năm ngoái, Chính phủ của Thủ tướng Modi đã áp dụng lệnh phong tỏa trên diện rộng để chống dịch nhưng vẫn lo ngại về các thiệt hại kinh tế mà những biện pháp hạn chế mạnh tay có thể gây ra. Tuần này, ông Modi kêu gọi chính quyền các bang sử dụng phong tỏa như biện pháp cuối cùng, đồng thời đề nghị người dân ở yên trong nhà để làm giảm tốc độ lây lan của virus. Ông cũng hứa chính phủ sẽ nỗ lực để tăng nguồn cung oxy và vaccine ngừa bệnh.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus: "Đại dịch COVID-19 còn lâu mới chấm dứt"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận