Lê Minh Giao - chàng trai trở thành thủ khoa kép nhờ lòng tốt của cộng đồng
Tuổi thơ của Lê Minh Dao là chuỗi ngày nghèo đói bủa vây, nhất là khi cậu học lớp 5, người anh trai phát bệnh tâm thần. Kinh tế gia đình ngày càng khánh kiệt...
Cha Giao, ông Lê Văn Chí, 57 tuổi, ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú ngày làm bảo vệ, tối tranh thủ đạp xe vào thị trấn nhặt ve chai. Nhà nghèo, ông thường xuyên nhịn đói nhường cái ăn cho 7 người con nên nhiều lần ngất xỉu, cuối cùng bị đuổi việc đành phải về quê làm thuê làm mướn.
Mẹ cậu, bà Lê Thị Hòa, 58 tuổi, làm đủ nghề từ mò cua bắt ốc, dặm lúa, cho đến bán bánh mỳ, vé số. Đôi chân bà đi khắp các ấp để bán bánh từ mờ sáng đến tận lúc mặt trời tắt bóng.
"Ngày nào mẹ đi làm về đôi chân cũng sưng phồng, khuôn mặt mỏi mệt. Có những bữa về được đến nhà, mệt quá xỉu luôn", Lê Minh Giao, 24 tuổi, kể.
Hoàn cảnh gia đình lâm vào cùng cực khi con gái út cũng mắc bệnh tâm thần. Người con cả thường xuyên lên cơn đập phá đồ đạc, đánh đuổi mọi người. Minh Giao luôn phải kè kè sách vở bên người, phòng trường hợp anh đuổi đánh không có cái học.
Một tối năm Giao học lớp 7, cả gia đình đang ngủ trong căn nhà lá trống trước hở sau. Người con cả nổi lửa đốt nhà, ông Chí chỉ kịp hô vợ con tháo chạy. Mọi đồ đạc bị thiêu rụi hết.
Cả gia đình phải chuyển tới căn nhà bỏ hoang của bà ngoại, 9 thành viên chen chúc, không điện, không nước sạch. Giao và em trai Minh Hảo phải học bài dưới ánh đèn cầy. Nhiều bữa mẹ hết tiền mua dầu, hai anh em dắt nhau sang hàng xóm học ké ánh điện.
"Đó là thời kỳ tăm tối nhất của tuổi thơ em", Giao nói.
Mặc cảm với hoàn cảnh nên cậu đã xin cô chủ nhiệm cho nghỉ học để đi làm. Nhưng cô giáo động viên chỉ có học mới thay đổi được vận mệnh gia đình. "Cô giáo như bà tiên, tự bỏ tiền đóng góp mọi khoản ở trường và thường xuyên hỗ trợ thực phẩm cho gia đình em", Giao kể.
Không phụ lòng cô giáo, cậu bé đạt điểm tổng kết trung bình THCS cao nhất toàn khóa và nhận bằng khen của chủ tịch tỉnh. Đến cuối năm lớp 9, Giao quyết tâm thi vào trường dân tộc nội trú để đỡ gánh nặng cho cha mẹ và trở thành người có điểm thi đầu vào cao nhất năm ấy.
Song song học tập, Giao còn đi làm thêm mỗi cuối tuần và nghỉ hè. Chàng trai còn nhớ ngày đầu tiên làm trong nhà máy chế biến hải sản, hai bàn tay tái nhợt, bê vác rất mệt mỏi nhưng cuối ngày được trả công 80.000 đồng là bao nhiêu vất vả tan biến hết. Giao mang về đưa cho mẹ, nhưng bà nói cứ giữ lại để lo cho học tập.
Từ đó, mỗi mùa hè cậu thiếu niên lại nuôi con lợn đất, bỏ tất cả tiền kiếm được vào để chi tiêu học hành. Khoản tiền có hạn nên nhiều khi nhớ cha mẹ, anh em, Giao cũng không dám về thăm nhà. Cha có xuống thăm, cho vài chục nghìn nhưng Giao không lấy, bảo để lo cho anh hai và em gái.
"Từ cuối những năm cấp hai, thằng bé đã tự lập cuộc sống của mình, không để bố mẹ phải lo nữa", ông Chí chia sẻ.
Trong các môn học, Minh Giao có đam mê đặc biệt với Lịch sử do ngày bé thường được nằm trong lòng cha nghe kể chuyện chiến trường. Năm lớp 11, cậu đoạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử cấp tỉnh và được vào vòng quốc gia. Cậu cũng được kết nạp Đảng từ lớp 12 và chọn thi ngành Xây dựng đảng và chính quyền nhà nước của Học viện Cán bộ TP. HCM
Một ngày giữa tháng 8/2019, Minh Giao đang làm việc trong một công ty điện tử ở Bình Dương thì nhận được tin báo trúng tuyển và còn là thủ khoa đầu vào của Học viện. Cậu sung sướng và bất ngờ, liền điện ngay về cho cha mẹ.
Ông Chí tự hào chạy đi khoe khắp xóm. Nhưng rồi ông cũng lo "biết lấy tiền đâu cho con đi nhập học bây giờ?". Con trai nói sẽ lên trường bảo lưu kết quả để đi làm một năm dành dụm.
Trong nỗi trằn trọc, ông chợt nhớ đến chương trình từ thiện Sát cánh cùng gia đình Việt của Đài tiếng nói nhân dân TP HCM. "Khoan đã con ơi, ngày mai cha lên đó cùng con đi tìm chương trình nhờ giúp đỡ", ông Chí nhắn nhủ. Sau cuộc gọi, Giao đã nhắn tin cho chương trình chia sẻ về hoàn cảnh.
Vừa lúc đó, ekip của chương trình đang đi khánh thành cầu ở Sóc Trăng nên tìm đường đến thăm nhà Giao luôn. Nhà báo Hồng Thúy chia sẻ, khi vừa đến nơi, cả ekip đứng lặng trước căn nhà lá xơ xác, nền đất lô nhô, ba chiếc giường kê ọp ẹp. Người mẹ và em út đứng bên nhau thất thần, còn người con cả cởi trần cầm gậy.
Câu chuyện "Thằng Giao trúng thủ khoa rồi bà con ơi", được phát sóng đã lay động triệu con tim và nhận được gần một tỷ đồng hỗ trợ. Cuộc sống của gia đình thay đổi chỉ sau một đêm. Gia đình được xây tặng một căn nhà kiên cố. Anh hai và em út của Giao được đưa đi khám chữa bệnh. Từ khi được uống thuốc đều đặn sức khỏe hai người ổn định, hiện có thể làm được việc nhà. Em trai Minh Hảo cũng được hỗ trợ học cấp ba, năm sau trúng tuyển vào Học viện Biên phòng ở Hà Nội.
Riêng Minh Giao được chương trình làm cho một cuốn sổ tiết kiệm 240 triệu để yên tâm học hành. "Mọi thứ cứ như một giấc mơ đẹp", Giao nói. Cậu và gia đình ủng hộ lại chương trình 400 triệu đồng để để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn khác.
Có khoản tiết kiệm nhưng Giao không ỷ lại vì cho rằng "sự nhàn nhã làm con người thui chột ý chí". Bắt đầu từ kỳ hai năm nhất, nam sinh này đi làm nhân viên cửa hàng tiện lợi. Nhưng vì làm ca từ 22h đến 6h sáng, sau đó lại lên giảng đường nên cậu mệt mỏi, tiếp thu bài không tốt và điểm số không đạt kỳ vọng. Giữa một bên là khát khao được dành thời gian học với một bên phải trang trải cuộc sống khiến chàng trai áp lực.
"Có những lúc em tủi thân khi nhìn các bạn được gia đình bao bọc, còn bản thân phải xoay theo vòng quay cơm áo. Em đã muốn gọi về nói cho bố mẹ biết áp lực của mình", Giao bộc bạch.
Nhưng cũng chỉ có vài ngày đuối lòng đó, chàng trai vực dậy bản thân. Thay vì làm thêm cố định, Giao chuyển sang làm các công việc nhận lương theo ngày để có thể chủ động thời gian. Hai ngày cuối tuần cậu thường "chạy sô" ba công việc, nhiều hôm trở về lúc đã quá nửa đêm, thời gian ngủ chỉ 4-5 tiếng mỗi ngày.
Do ít thời gian học tập nên Minh Giao cố gắng tiếp thu 60% kiến thức ngay trên lớp. Đến gần ngày thi, cậu sẽ dành 100% thời gian ôn luyện ở thư viện. Dù bận đi làm, chàng trai vẫn tích cực tham gia công tác đoàn.
Bằng tiền đi làm thêm, Giao trang trải cuộc sống sinh viên. Học phí gần như không mất vì đã có học bổng bù lại. Giao chỉ sử dụng đến khoản mạnh thường quân tặng cho những chi phí học tập khác như các khóa học tiếng Anh, Tin học, hỗ trợ bố mẹ ở nhà và em trai học trường quân đội.
Một ngày cuối tháng 10 vừa qua, Lê Minh Giao thông báo cho cha mẹ và những người giúp đỡ em đã tốt nghiệp với điểm trung bình tích lũy 8,57/10, là thủ khoa đầu ra của Học viện cán bộ TP HCM 2023. Lần này, vợ chồng ông Chí không còn sự lo lắng nào, chỉ có niềm vui.
"Có những thời điểm rất khó khăn trong bốn năm qua, nhưng nghĩ đến mẹ cha và các cô chú đã giúp đỡ là em lại có động lực vực dậy", chàng thủ khoa kép nói.
(Theo VnExpress)
Xem thêm: Lòng tốt cần được đặt đúng chỗ - Câu chuyện sâu sắc đáng suy ngẫm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận