Kiến thức văn học [P12]: Vì sao tác phẩm văn học cần chi tiết nghệ thuật?

Chi tiết nghệ thuật được xem như linh hồn của văn bản nghệ thuật. Đan dệt hàng loạt chi tiết với nhau mới có được một bức tranh ngôn ngữ ấn tượng.

Đỗ Thu Nga
15:15 08/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chi tiết nghệ thuật là gì?

Nhà văn Nga - Macxim Gorki từng phát biểu: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.Cái làm nên tầm vóc của nhà văn không hẳn là quy mô tác phẩm mà chính là "chi tiết" - yếu tố đôi khi được coi là nhỏ, là vặt vãnh...

Chi tiết nghệ thuật không chỉ là yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn là nơi gửi gắm những quan niệm nghệ thuật về con người, cuộc đời... của nhà văn, nơi ký thác ưu tư, trăn trở của nhà văn trước cuộc đời...

Theo từ điển tiếng Việt, chi tiết là: "Phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung sự việc hoặc hiện tượng”. Trong đời sống hàng ngày, từ “chi tiết” được hiểu và dùng như là một thành tố, một bộ phận nhỏ của một sự việc, tổng thể. Chi tiết được hiểu như là một thành phần thuộc về cấu tạo.

Kien-thuc-van-hoc-Vi-sao-tac-pham-van-hoc-can-chi-tiet-nghe-thuat-0

Trong văn học, “chi tiết” theo định nghĩa của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997) là: “Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng” và họ gọi chung là chi tiết nghệ thuật. Cũng theo nhóm tác giả này thì: “Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể, chi tiết nghệ thuật có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật gắn với “quan niệm nghệ thuật” về thế giới con người, với truyền thống văn hoá nghệ thuật nhất định”

Như vậy, chi tiết nghệ thuật được xem như là linh hồn của một văn bản nghệ thuật. Muốn hiểu, nắm chắc văn bản, phải hiểu rõ chi tiết nghệ thuật. Khái niệm "chi tiết" được đặt ra nhằm phân biệt với tổng thể nhưng nó không tách rời tổng thể.

Sự hòa hợp giữa chi tiết và tổng thể sẽ tạo thành chỉnh thể. Chi tiết nghệ thuật được xem là thành tố nhỏ nhất trong một chỉnh thể nghệ thuật. 

Vì sao tác phẩm văn học cần chi tiết nghệ thuật?

Bàn về tương quan giữa chi tiết và tổng thể, có ý kiến cho rằng: “Đôi khi chỉ vì một đôi mắt mà người ta phải cưới nguyên một người đàn bà”. Câu nói đó khẳng định một thực tế: Đôi khi, chi tiết có thể đánh gục được cả tổng thể, thậm chí nó thay thế, lấn át tổng thể. 

Trong tác phẩm văn học, chi tiết có thể nhỏ về quy mô, tầm vóc nhưng nó chứa đựng tư tưởng lớn, tình cảm lớn. Không nhà văn vĩ đại nào không tập trung xây dựng hình tượng nghệ thuật từ chi tiết nhỏ, đặc sắc. 

Ví dụ thực thế, chỉ bằng những chi tiết nhỏ, tiêu biểu kết hợp với lối hành văn nhiều ẩn ý, nhà văn đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc bằng những hình tượng nghệ thuật độc đáo, giàu sức sống. Nhân vật Bêlicôp (“Người trong bao” – A. Sêkhôp), nhân vật AQ (“AQ chính truyện” – Lỗ Tấn), nhân vật Grăngđê (“Ơgiêri Grăngđê” – H. Banlzac), nhân vật Chí Phèo (“Chí Phèo” – Nam Cao)…

Kien-thuc-van-hoc-Vi-sao-tac-pham-van-hoc-can-chi-tiet-nghe-thuat-5
Chi tiết bát cháo hành của Thị Nở

Nhờ các chi tiết này mà cốt truyện được triển khai và phát triển đầy đặn, thông qua chi tiết nghệ thuật mà cảnh trí, tình huống, tính cách, tâm trạng, hình dáng, số phận của nhân vật được khắc họa và bộc lộ một cách đầy đủ nhất.

Chi tiết còn trở thành điểm sáng thẩm mỹ của tác phẩm, có vị trí không thể thiếu trong sự phát triển của cốt truyện, gắn liền với những bước ngoặt trong cuộc đời, số phận của nhân vật.

Thiếu chi tiết là thiếu sự đặc tả, thiếu tính cụ thể, truyện sẽ trở nên nhạt nhẽo, hời hợt, thiếu sức hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu ôm đồm nhiều chi tiết thì rối rắm, rườm rà, giá trị thẩm mỹ có tác phẩm bị giảm đi.

Còn ở trong thơ, nhờ các chi tiết, hình ảnh mà cảm xúc của nhà thơ được nương náu. Trong thơ, hình ảnh chính là chi tiết. Một cánh chim, một chiếc lá... đi vào thơ không còn là vật vô tri nước. Nó là hình ảnh phản chiếu tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ...

Tóm lại, dù là thơ hay văn xuôi, đều cần xây dựng chi tiết. Trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam) hình ảnh Liên và An ngồi nhìn bầu trời đêm “ngàn sao ganh nhau lấp lánh” không phải là chi tiết vu vơ. Đằng sau nó chứa đựng niềm khao khát rất lớn của hai đứa trẻ, niềm khát khao hướng tới một bầu trời khác, nguồn sáng khác, không phải là cuộc sống đang lụi tàn trong vô vọng như ở phố huyện. Từ khát vọng mơ hồ đó của tuổi thơ, nhà văn đã lay tỉnh những tâm hồn mệt mỏi đang sống lay lắt, héo úa như cảnh ngày tàn ở những miền quê nghèo xác xơ, mòn mỏi trong xã hội cũ.

Xem thêm: "Thơ mới là một dàn đồng ca của những điệu sầu"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận