Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu
Người đọc là người cứu tác phẩm ra khỏi hầm mộ của sách, giúp nó sống lại và bước đi giữa cuộc đời và hồn người. Tác phẩm tái sinh trong lòng bạn đọc...
ĐỀ BÀI:
Có ý kiến cho rằng: Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu.
Anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
BÀI LÀM:
Cuộc sống trôi đi, bốn mùa luôn luân chuyển, sự vật cứ bị cuốn vào vòng xoay của tạo hóa. Sinh ra, tồn tại, rồi lại tan biến vào hư vô. Có chăng còn lại mãi với đời chỉ là cái đẹp, phải thế chăng mà vượt qua bao sự băng hoại của thời gian, những tác phẩm văn học vẫn cháy lên một sức sống mãnh liệt với đời như thế để minh chứng một sự thiên vị rất có lí của tạo hóa? Nhưng văn học lại có những quy luật đào thải riêng của nó, chẳng phải tác phẩm nào sinh ra cũng còn mãi với đời. Sự sống của chúng bắt đầu từ bao giờ? Phải chăng sự tồn tại của nó được quyết định ngay từ phút kết thúc như một lời nhận định: “Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống thực sự của nó mới bắt đầu”.
Nhận định đề cập đến số phận của tác phẩm đặt trong quá trình sáng tác của nhà văn: “Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống thực sự của nó mới bắt đầu”. Để làm ra được một tác phẩm cho đời, nhà văn phải như “con ong chăm chỉ một giọt mật cho đời từ vạn chuyến ong bay” (Chế Lan Viên). Gian khổ, khó nhọc, có khi cả sự quằn quại đau đớn của cảm xúc, người nghệ sĩ mới có thể làm ra một tác phẩm cho cuộc đời. Họ thai nghén, ấp ủ những điều mình tâm đắc từ rất lâu, chỉ chờ đến phút cảm xúc thăng hoa mà nếu không nói ra có thể chết như lời ai đó từng nói, chính khi ấy tác phẩm được hình thành. Có tác phẩm trôi chảy theo dòng cảm xúc rất trơn tru. Có tác phẩm viết xong rồi lại phải sửa chữa, uốn nắn rất nhiều. Và cho đến khi tác giả đặt bút kết thúc một tác phẩm – hoàn thiện, đó mới thực sự là lúc tác phẩm kết thúc. Sự kết thúc ấy chính là một sự hoàn thành và nó là sự kết thúc để mở ra một khởi đầu mới: Số phận của tác phẩm: “Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống thực sự của nó mới bắt đầu”. Tác phẩm kết thúc là đứa con tinh thần của nhà văn ra đời, nhưng người nghệ sĩ không thể tự quyết định cho số phận của nó. Cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu là khi nó đến với công chúng; có thể sẽ được hưởng ứng, được trân trọng; cũng có thể sẽ rơi vào quên lãng.
Phải chăng đó là một sự nghiệt ngã của nghiệp văn chương, một sự xót xa trớ trêu cho những ai đã mang vào thân cái duyên nghiên bút? Không, đó hoàn toàn là một sự lí giải rất hợp lí của quy luật văn học muôn đời. Quy luật của văn chương bao đời nay vẫn vậy. Nó chỉ giữ lại những gì là thực chất, là sáng tạo, là có ý nghĩa. Tác phẩm văn học chỉ tồn tại khi nó có ý nghĩa với cuộc đời. Điều này không phải do nhà văn quyết định. Tác phẩm của anh viết ra, dù có thể là gan ruột, là tâm huyết, là sự kì công gọt giũa của bản thân anh, nhưng hỡi ôi, nếu nó quá xa vời với cuộc sống ngoài kia, nó chỉ diễn được những ý quá ư “bằng phẳng và dễ dãi” (Nam Cao), nó không có gì sáng tạo, nó không làm người đọc rung động… thì quy luật của văn chương chắc chắn sẽ vẫn đào thải và phủ định sự cố gắng của anh. Người nghệ sĩ làm ra tác phẩm nhưng không thể quyết định số phận của nó là bởi lẽ vậy. Tác phẩm ấy là nỗi lòng của nhà văn, nhưng với nó phải đến được với công chúng và quan trọng hơn phải đi được vào lòng công chúng. Độc giả chính là một bộ phận quan trọng quyết định đến sự thành hay bại, tồn hay vong của một tác phẩm. Một tác phẩm đến được với công chúng phải là tác phẩm không chỉ nói riêng nỗi lòng của người cầm bút, mà phải là “Tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình” (Tố Hữu) của tất cả mọi người.
“Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống thực sự của nó mới bắt đầu” là bởi lẽ ấy.
Bất cứ một người nghệ sĩ nào khi cầm bút đều mong muốn mình tìm được một tấc lòng tri âm nơi người đón nhận, luôn mong muốn tác phẩm của mình sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi người. Có ai khi gửi lòng mình lên trang giấy lại không khao khát một điều như vậy? Thế nhưng chẳng phải tác phẩm nào cũng theo ý muốn của họ. Có những người cả đời theo nghiệp bút nghiên vẫn không làm được điều gì đáng kể.
Tác phẩm chính là một văn bản mở, chỉ khi nào có sự đánh giá tiếp nhận từ nhiều hướng của độc giả thì lúc đó nó mới trở thành một tác phẩm nghệ thuật theo đúng nghĩa. Nói như M. Gorki: “Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm nhưng chính người đọc tạo nên số phận cho nó”. Bằng trình độ và vốn hiểu biết của mình, người đọc đi sâu vào tác phẩm, dùng trí tưởng tượng phong phú để tái hiện hình ảnh cuộc sống được phản ánh. Tuy có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng tựu trung lại đều không nằm ngoài cái ý cốt lõi ban đầu của tác giả.
Như loài hoa phải nhờ đến những cánh bướm mới có thể khoe sắc, khoe hương, tác phẩm văn học cũng vậy. Sáng tạo nghệ thuật là hành trình vươn tới tự do, còn tiếp nhận văn học cũng là sự khao khát hướng tới khám phá chân trời tự do ấy. Nói như Ê-gô I-sa-ép: “Cuộc sống trong ngôn từ lâu dài hơn bản thân đời người”, bởi khi khép trang sách lại, người đọc vẫn không ngừng miên man nghĩ về những câu chuyện mà nhà văn đã gợi ra và dường như còn bỏ lửng. Thiết nghĩ văn chương không thể tự nó vượt thời gian mà phải bay lên nhờ đôi cánh của người đọc.
Hiện thực cuộc sống vốn dĩ phong phú và muôn màu, khi đi qua lăng kính sáng tạo của nghệ sĩ lại càng thêm lung linh nhiều góc cạnh. Tiếp nhận văn học hay cảm thụ văn học chính là sống hết mình với nó, rung động tận độ với tác phẩm, vừa đắm mình trong thế giới nghệ thuật của nhà văn, vừa tỉnh táo lí trí lắng nghe tiếng nói của tác giả. Một người đọc thông minh sẽ biết xem xét tác phẩm ở mọi ngóc ngách, phương diện, như đang cầm trên tay một khối vuông ru bích mà xoay nó theo nhiều chiều. Ở mỗi góc độ ta lại khám phá ra những nội dung mới lạ. Chính vì thế mà có người cho rằng, xét đến cùng thì lịch sử văn học cũng chính là lịch sử của quá trình tiếp nhận.
Ai đó đã từng nói: “Viết hay là không nói hết”. Nhà văn phải là người trao cho độc giả chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cửa đi vào tác phẩm, còn mở được đến đâu thì điều đó lại phụ thuộc vào trình độ và khả năng giải mã các kí hiệu thẩm mĩ, vào tri thức, vốn sống và trí tưởng tượng của người đọc. Vì thế, có nhiều ý kiến thậm chí trái chiều nhau được đưa ra về cùng một tác phẩm. Ai cũng biết Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác “thiên thu tuyệt diệu từ” nhưng xung quanh tác phẩm cũng có những đánh giá mâu thuẫn. Các nhà phê bình hiện đại với cảm quan tiến bộ nhìn cuộc đời Kiều như một “tấm gương oan khổ” nhưng đồng thời cũng là một viên ngọc, một bông sen giữa đầm “Gần bùn mà chằng hôi tanh mùi bùn”.
Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lắm truân chuyên.
, (Chế Lan Viên)
Thế nhưng, nhà nho Nguyễn Công Trứ lại viết những câu thơ oán trách nàng Kiều:
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.
Hai cái nhìn hoàn toàn khác nhau nhưng do bị chi phối bởi thời đại và xã hội. Có phải thế chăng mà không bao giờ có được tiếng nói cuối cùng trong nghệ thuật. Cũng có những tác phẩm ngay khi ra đời đã được chào đón nồng nhiệt nhưng cũng có những trường hợp bị chê trách, sau đó mới được nhìn nhận đánh giá lại như tác phẩm Bà Bô-va-ry của Phlô-be hay An-na Ka-rê-ni-a của L.Tôn-xtôi. Trong văn học Việt Nam, Vũ Trọng Phụng với tác phẩm Số đỏ cũng là một điển hình tiêu biểu. Khi đứa con tinh thần của Vũ chào đời, nó đã bị quy kết là “dâm thư” và mãi đến sau này có một thời người sinh ra nó còn bị đánh đồng với nhóm Nhân văn giai phẩm. Cho đến mấy chục năm sau, “đứa con nghịch tử” ấy mới được đưa vào giảng dạy trong nhà trường bởi sự nhận thức giá trị hiện thực sâu sắc cùng bút pháp trào phúng sắc sảo có một không hai của một tác phẩm “ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học” (Nguyễn Khải) này.
Có thể nói, tiếp nhận tác phẩm chính là công đoạn cuối cùng trong cuộc hành trình sáng tạo đầy gian truân, khó nhọc. Bằng trái tim và khối óc, người đọc thâm nhập vào tầng sâu của văn bản để khôi phục lại những nét mờ, lấp đầy những khoảng trống, làm hồi sinh tác phẩm một lần nữa, biến nó thành một sinh thể sống có số phận, có suy nghĩ và nhận thức.
Nói như Lưu Hiệp trong thiên Tri âm của Văn tâm điêu long: “Người làm văn tình cảm rung động mà phát ra lời, người xem văn phải rẽ văn để thâm nhập vào tác phẩm”. Người nghệ sĩ muốn cho đứa con tinh thần của mình có thể bất tử được với thời gian phải tạo nên mối đối thoại nhiều chiều với độc giả, phải tuân thủ theo nguyên lí “tảng băng trôi” (Hê-minh-uê) với bảy phần tám tảng băng trôi dưới nước để cho một phần lộ ra. Cây bút tài hoa là người biết tạo cho tác phẩm những khoảng trống, những nốt lặng để người đọc tha hồ khám phá. Ngay chỉ với một Đôn Ki-hô-tê nhưng Xéc-van-téc đã tạo cho người đọc nhiều cách hiểu. Đối với người Tây Ban Nha thì đó là một người điên, buồn cười; người Pháp gọi là chú hề đáng thương; các môn đệ của chủ nghĩa lãng mạn gọi Đôn Ki-hô-tê là người hùng còn sót lại; nhưng với người Anh thì Đôn Ki-hô-tê lại là một bi kịch. Trong khi đó, những nhà nghiên cứu mang cảm quan hiện thực chủ nghĩa lại cho nhân vật này là sự hạ bệ lí tưởng anh hùng phi thực tế, ảo tưởng… Vậy rõ ràng, những môi trường văn hóa khác nhau tạo ra những “phạm trù hiểu” không cùng hướng. Ta coi tác phẩm như cái đài nhiều dải tần, ai thích nghe sóng nào thì nghe, nhưng phải bắt đúng dải sóng nếu không chỉ có tạp âm thôi.
Như vậy, muốn hiểu rõ và nắm bắt được linh hồn của tác phẩm thì người đọc không chỉ dùng tình cảm để cảm nhận mà còn phải dùng lí trí để phân tích. Văn bản kết thúc nhưng dư âm của nó thì còn vang vọng mãi. Nó đòi hỏi người đọc phải tự nâng mình lên, trau dồi tri thức, hiểu biết để biến vốn sống thành chất sống. Có như thế mới đồng hành cùng nhà văn trong việc sáng tạo tác phẩm chân chính.
Trước sự ra đi bất tử của một nhà văn ta nghĩ đến sự bất tử của một ngòi bút. Như những ngôi sao băng đã kịp lóe rạng một lần trước khi tắt, bằng tác phẩm văn học người nghệ sĩ chân chính đã để lại cho bạn đọc một lẽ sống cao cả của tâm hồn. Đời xa, không ai thấy mặt nhà văn nhưng khi xem văn liền thấy lòng của họ. Quy luật văn chương nghiệt ngã nhưng chắc chắn sẽ vẫn có những nghệ sĩ được đền đáp xứng đáng với tài năng và tâm huyết của mình. Và sự đền đáp lớn lao nhất chính là khi tác phẩm của họ được sinh ra, được tồn tại mãi mãi với cuộc đời.
(Triệu Văn Mỹ Duyên - Lớp 12B10 – THPT Vũng Tàu – Thành phố Vũng Tàu)
Xem thêm: Đề đọc hiểu và gợi ý cách giải ôn thi tốt nghiệp quốc gia
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận