Ôn thi tốt nghiệp: Kết bài nhẹ nhàng nhưng đầy rung cảm dành cho các tác phẩm 12
Dưới đây là một số kết bài ấn tượng mà các bạn 2k6 có thể lưu lại để tham khảo.
Tây Tiến
Nếu như một tấm ảnh có thể lưu giữ một khoảnh khắc, một thước phim có thể ghi lại một phần của cuộc đời thì một bài thơ, hơn thế, có thể nuôi dưỡng và khiến cho những kí ức, kỉ niệm sống mãi trong lòng mọi người. Bởi lẽ thơ không chỉ là câu từ, thơ nên câu thành chữ từ cảm xúc, chính vì vậy mà thơ có sức sống dai dẳng, mãnh liệt qua thời gian. Bốn mươi ba câu thơ viết nên một “Tây Tiến” với nỗi nhớ thương dạt dào của nhà thơ Quang Dũng chính là những vần thơ như thế, đặc biệt là trong mười bốn câu thơ đầu - những câu thơ “thi trung hữu họa” đã vẽ lên sinh động chặng đường hành quân nhiều khó khăn, gian khổ của những chàng trai Tây Tiến can đảm, hào hùng:
[Trích thơ]
Việt Bắc
Nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận xét về Tố Hữu: “Cái sức mạnh lớn nhất của thơ Tố Hữu chính là quả tim anh. Tố Hữu rất ít làm thơ tình. Nhưng thơ anh là thơ của một tình nhân. Anh đã nói các vấn đề bằng một trái tim của một người say đắm.” Tố Hữu quả là một người say đắm thiên nhiên. Ông không những nhìn thiên nhiên chỉ dưới hai mùa đông – xuân mà còn phóng lăng kính để vừa cảm thụ vừa lắng nghe sự rộn rã, nhộn nhịp của tiếng hè, của rừng thu ấm áp. Khi hè gọi, thu sang, trái tim thi sĩ lỡ một nhịp để rồi bức tranh thiên nhiên và con người Việt Bắc hiện lên đầy sống động hơn bao giờ, bởi những nghĩa tình, kỉ niệm sao nỡ chẳng đắm say. Tất cả đã thể hiện trong mười câu thơ được xếp vào hàng “tuyệt bút”:
“Ta về, mình có nhớ ta
...
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.
Đất Nước
Kho tàng thơ văn của dân tộc Việt Nam ta tựa như một bản hợp xướng du dương với những nốt trầm bổng làm đắm say lòng người… Ta nghe đâu đây lời thơ hùng tráng về một “Nam quốc sơn hà” vừa tự hào lại không kém phần kiêu hãnh; rồi một dấu luyến ngân lên của một thời đại mang đậm nét dân tộc; đột ngột lại giáng một âm dài thâm trầm, đau thương để rồi bản đàn ấy lại thăng lên những âm hào hùng, mang theo khí thế của một dân tộc nồng nàn yêu nước, kiên trung quật cường. Bản hùng ca ấy nên thanh, thành điệu chính là từ ngòi bút và xúc cảm chân thành của rất nhiều thi nhân, mà trong đó, mỗi nhà thơ mang một âm sắc khác nhau. Trong số đó, một trong những nốt hay nhất, dịu dàng và du dương nhất hòa thành hợp âm được viết nên bởi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mà điển hình là đoạn thơ mở đầu bài thơ Đất Nước - chín câu thơ lý giải cho hai tiếng “Đất Nước” tưởng như xa xăm mà gần gũi, lớn lao mà mộc mạc - mở đầu cho chương thứ năm của bản trường ca “ Mặt đường khát vọng”:
[Trích thơ]
Sóng
Biển khơi tự ngàn xưa đã là nguồn thi cảm lãng mạn đầy sức sống mà khó tâm hồn yêu cái đẹp nào có thể chối từ. Quả thực, trước muôn trùng biển lớn, trước sóng gợn trào dâng, dường như sóng không chỉ hiện hữu trước cửa sổ tâm hồn mà còn có cơn sóng lòng chợt như được khơi lên trong tâm tư, khiến ta bỗng chốc xao xuyến đến lạ. Sóng đi từ thẳm sâu muôn trùng, len lỏi vào thơ ca, dạt dào vỗ về nên câu thành chữ. Cùng với cảm xúc của thi nhân, sóng bước từ đời thực sang trang thơ mà điển hình là những con sóng đầy khát khao trong “Sóng” của nữ sĩ Xuân Quỳnh, sáng tác năm 1967. Năm mươi ba năm trôi qua, thi phẩm vẫn khôn nguôi da diết trong lòng người đọc, đặc biệt là những đoạn thơ kí họa đậm nét hành trình đi tìm tình yêu của sóng và em: [trích thơ].
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận