Hy sinh nào cũng đau khổ, quan trọng là mình hy sinh vì điều gì
Tình yêu của mẹ là thứ tình yêu duy nhất trong cuộc đời mà khi cho đi 99% chỉ nhận lại được 1%!
Người mẹ khổ hạnh trong Chiếc Thuyền Ngoài Xa: Trên đời này, không ai hung dữ hơn một người mẹ thấy con mình tổn thương
Người ta thường nói rằng thế giới này rộng lớn là thế, có hàng vạn con người đã lướt qua cuộc đời nhau, gặp gỡ rồi lại vụt đi, chỉ có duy nhất là mẹ và tình yêu của mẹ sẽ luôn bên bạn mãi mãi. Tình yêu của mẹ vốn chẳng cần hồi đáp, bản thân nó cũng bao la đến độ chúng ta không thể trả nổi, chúng ta chỉ có thể trân trọng, biết ơn và dành những câu chữ đẹp nhất trên đời để ca tụng nó mà thôi.
Tình mẫu tử từ lâu đã đi vào văn thơ, những câu chuyện về cuộc đời, về những đức tính hy sinh của người mẹ đã được rất nhiều nhà văn nhà thơ kể qua từng năm tháng. Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi vẫn nhớ như in rằng sau tiết học "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu trên lớp, tôi chạy về nhà, ôm mẹ một hồi lâu. Bởi lúc bấy giờ tôi mới nhận ra rằng: Tình yêu của mẹ là thứ tình yêu duy nhất trong cuộc đời mà khi cho đi 99% chỉ nhận lại được 1%!
"Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc". Sau này dù bạn có trưởng thành đến nhường nào, có bay cao bay xa như nào đi chăng nữa thì mẹ vẫn luôn là vòng tay ấm đón bạn trở về và tình yêu của mẹ sẽ hóa thành phép màu bảo vệ bạn trên mọi con đường bạn sẽ qua.
"Hy sinh nào cũng đau khổ, quan trọng là mình hy sinh vì điều gì"
Có lẽ chẳng cần nói ra thì tất cả đều có chung câu trả lời cho câu hỏi ai là người phụ nữ vĩ đại nhất trên thế giới này, bởi đó chính là những người mẹ. Mẹ và tình yêu của mẹ như con suối dịu dàng chảy trôi khắp sinh mệnh chúng ta, cho chúng ta ấm áp, cho chúng ta sức mạnh, cho chúng ta một nơi chốn bình yên để trở về.
Người đàn bà vô danh trong "Chiếc thuyền ngoài xa" kia cũng giống như bao người mẹ của những người con khác. Họ cũng từng một thời thiếu nữ, một thời mộng mơ, một thời bé nhỏ, một thời yếu đuối nhưng kể từ khi chúng ta xuất hiện trong cuộc đời mẹ, mẹ đã giang rộng đôi tay và trở thành một nữ anh hùng thật sự. Những vất vả mẹ chưa bao giờ kể, những muộn phiền mẹ chưa một lần nói ra, những cô đơn mẹ luôn giấu trong lòng, tất cả vì bạn, chỉ vì bạn mà thôi.
Bằng lòng bao dung và tình thương con sâu sắc, người phụ nữ hàng chài kia dẫu có bị chồng đánh đập, hành hạ thường xuyên "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" thì vẫn cố chịu đựng "cơn giận như lửa cháy" một cách nhẫn nhục "không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn".
Người mẹ đó xem chuyện chịu đựng như là một lẽ đương nhiên mà những người đàn bà vùng biển như mình phải chấp nhận. "Hy sinh nào cũng đau khổ, quan trọng là mình hy sinh vì điều gì" giống như một quy luật không đổi, với họ muốn tồn tại thì phải chấp nhận. Chấp nhận bị đánh vì người phụ nữ ấy hiểu rằng nguồn gốc cơn giận của chồng… nên chấp nhận đau đớn, làm chỗ cho chồng trút giận mỗi ngày.
Người ta vẫn nói đấy thôi, trên thế giới này, không có ai mạnh mẽ và hung dữ hơn một người mẹ khi nhìn thấy con mình bị tổn thương
Bị chồng đánh mỗi ngày, không phải người đàn bà vô danh kia không ý thức được quyền sống của mình bị xâm phạm; cũng không phải bị đòn nhiều đến mức không còn biết đau. Vẫn ý thức được nỗi đau thân phận… nhưng với cô, trong hoàn cảnh ấy, không còn sự lựa chọn nào khác bởi lẽ "người đàn bà ở thuyền phải sống cho con chứ không thể sống cho mình".
Đó là đức hy sinh cao quý của cô, cũng là vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Cô vui khi nhìn đàn con "được ăn no", lại sợ con cái bị tổn thương vì cảnh bạo lực trong gia đình, nên xin chồng đưa mình lên bờ mà đánh. Người ta vẫn nói đấy thôi, trên thế giới này, không có ai mạnh mẽ và hung dữ hơn một người mẹ khi nhìn thấy con mình bị tổn thương. Người chồng đánh xong, người phụ nữ ấy lại cùng chồng trở về thuyền vì "cần có người đàn ông chèo chống lúc phong ba", cùng làm ăn để nuôi con khôn lớn.
Người phụ nữ luôn "sống cho con chứ không thể sống cho mình", cho dù thân thể bị chà đạp, nhân phẩm bị xúc phạm nhưng không hề để ý, không hề bận tâm bởi cô là một người mẹ giàu lòng vị tha, chấp nhận hy sinh, thua thiệt về mình chứ không oán trách người khác. Dưới cái nhìn cái nhìn của nhà văn Nguyễn Minh Châu, bao nhiêu đau khổ, cô đều gánh chịu: "tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự âm thầm trong việc hiểu thấu cái lẽ đời, hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài".
"Tình yêu của người mẹ không giống tình yêu bình thường, cuồng nhiệt và lửa cháy, nó nhẹ nhàng và hiển nhiên như thể không khí bạn đang hít thở vậy"
Bạn biết đấy, suốt cuộc đời mình, chúng ta có thể gặp gỡ và yêu rất nhiều người... Bạn có thể có nguyên một đám bạn, có rất nhiều người thân, có cả một danh sách những chàng trai bạn từng hẹn hò... Họ tới rồi đi, và thường thì chỉ một vài người trong số họ ở lại bên bạn đến cuối cùng.
Trong đó, có một người duy nhất bạn biết và bạn tin, dù có chuyện gì xảy ra, người ấy cũng không bao giờ rời xa bạn, và người ấy sẽ luôn yêu thương bạn vô điều kiện. Đó chính là mẹ! Tất cả những bà mẹ trên thế giới này có lẽ đều như vậy, luôn yêu con bằng tất cả những gì mình có. Tình yêu của mẹ có đôi khi không thể hiện bằng điều gì đao to búa lớn, mà đến từ các hành động, thói quen nho nhỏ thôi. Tình yêu của người mẹ cũng không giống tình yêu bình thường, cuồng nhiệt và lửa cháy, nó nhẹ nhàng và hiển nhiên như thể không khí bạn đang hít thở vậy.
Đã bao lâu rồi bạn chưa gọi điện về nhà? Đã bao lâu rồi bạn quên mất rằng, bố mẹ cũng cần được yêu thương, hỏi han hàng ngày. Hơn cả những câu chuyện về tình yêu, gia đình luôn là suối nguồn trong lành và thiêng liêng nhất đối với con người. Đó là nơi bạn được yêu thương vô điều kiện, là nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón bạn sau những sóng gió, xô bồ của cuộc đời!
(Nguồn: Công Hiếu/Kênh14)
Xem thêm: "Update" những dẫn chứng mới cho đoạn văn NLXH 200 chữ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận