Xót xa cảnh hơn trăm học sinh nghèo tá túc trong ký túc xá dột nát để bám trường, bám lớp

Để học được con chữ, để có tương lai tương sáng, các em học sinh nghèo ở xã biên giới Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã phải tá túc trong ký túc xá dột nát, ngủ trên sập gỗ, giường tre tạm bợ...

Xót xa cảnh hơn trăm học sinh nghèo tá túc trong ký túc xá dột nát để bám trường, bám lớp

Để học được con chữ, để có tương lai tương sáng, các em học sinh nghèo ở xã biên giới Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã phải tá túc trong ký túc xá dột nát, ngủ trên sập gỗ, giường tre tạm bợ...

Báo Dân trí đưa tin, sau khi vượt qua hơn 350km từ TP Vinh, phóng viên mới đến được trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Mai Sơn, xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Đây là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương, cách trung tâm huyện 120km. Trường PTDTBT - Tiểu học Mai Sơn có 5 điểm lẻ với 268 học sinh, đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số (Thái, Khơ Mú, Mông). Các điểm trường nằm rải rác, cách xa trung tâm xã trên 10 km, đi lại khó khăn, nguy cơ sạt lở cao. Để đến được trường, học sinh tại nhiều bản như: Phá Kháo, Piêng Coọc, phải đi bộ hàng giờ đồng hồ.

Phụ huynh đến dựng giường che cho học sinh ngủ (Ảnh: Dân trí)

Vì địa bàn là miền núi cao, có diện tích tự nhiên rộng lớn, chia cắt, phân tán, nhiều điểm dân cư nhỏ lẻ, giao thông đi lại khó khăn... nên hệ thống trường học bị ảnh hưởng lớn, dẫn đến việc quy hoạch các điểm trường, nhất là bậc Tiểu học gặp nhiều bất lợi.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, giảm thiểu tình trạng quy mô trường lớp manh mún, năm học 2021 - 2022, Trường PTDTBT - Tiểu học Mai Sơn đã triển khai mô hình trường học bán trú bậc Tiểu học cho học sinh lớp 3-5. 

Khu trọ được Trường PTDTBT - Tiểu học Mai Sơn thuê tạm bên ngoài cho 80 học sinh ở học tập (Ảnh: Dân trí)

Thầy Đào Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường PTDTBT - Tiểu học Mai Sơn cho biết: Nhằm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là việc tổ chức dạy và học môn tin học, ngoại ngữ, năm học 2021-2022, nhà trường đã xây dựng kế hoạch dồn học sinh lớp 3, 4, 5 toàn xã về học tại trường chính ở bản Huồi Tố 1.

"Địa bàn đi lại khó khăn, thời gian từ nhà học sinh đến trường chính của các bản Piêng Coọc, Phá Kháo, Chà Lò, Na Kha, Na Hang phải mất hơn một giờ đồng hồ. Hiện trường có 120 em học sinh thuộc các bản nói trên phải ở lại bán trú tại điểm trường chính trong suốt cả tuần để tham gia học tập.

Học sinh xa nhà nằm ngủ trên những chiếc giường tầng được làm tạm bợ bằng tre, nứa... Diện tích ký túc xá khoảng 63m2, đây là nơi ở của gần 80 em học sinh (Ảnh: Dân trí)

Do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, hiện nay nhà trường phải trưng dụng, cải tạo lại nhà kho để hàng hóa của một gia đình gần trường làm chỗ ở cho 80 em học sinh bán trú. Do đó rất khó khăn trong công việc quản lý học sinh, qua Báo điện tử Dân trí, nhà trường mong muốn bạn đọc ủng hộ xây dựng một nhà bán trú để các em học sinh có chỗ ở ổn định và an tâm học tập tốt hơn", thầy Hải tha thiết. 

Đầu năm mới, nhà trường đã huy động phụ huynh học sinh, giáo viên tổ chức làm sập bằng tre, nứa, gỗ lấy chỗ cho các em học sinh ngủ. Thế nhưng, mùa đông ở đây rất lạnh, nước ấm cho các em tắm rửa vẫn đang là vấn đề thầy cô rất lo lắng.

Đa số các em đều là con em của những gia đình nghèo đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Khơ Mú (Ảnh: Dân trí)

Không chỉ thiếu chỗ ở cho học sinh, trường còn thiếu 3 phòng học văn hóa, 1 phòng tin học, 1 phòng học tiếng Anh. Các vật dụng để phục vụ cho việc ăn, ở bán trú như giường tầng, khay đựng thức ăn, bàn ăn, ghế ngồi... cũng thiếu. Nếu không sớm được bổ sung thì việc triển khai dạy tin học, ngoại ngữ cho các em từ khối lớp 3 - 5 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Kha Văn Lập - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết, hiện huyện có 85 điểm trường, trong đó có 66 điểm trường lẻ. Khoảng cách từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính từ 3 km trở lên, có những điểm lên tới 20 km, giao thông đi lại rất khó khăn.

Học sinh nằm trên những tấm liếp được làm bằng nứa đập dẹt, phơi khô (Ảnh: Dân trí)

"Theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các môn ngoại ngữ, tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3-5. Với quy mô trường lớp của cấp Tiểu học như hiện nay thì việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, bố trí đủ giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học ở tất cả các điểm trường là không thể thực hiện được, nhất là tại các điểm trường lẻ", ông Kha Văn Lập chia sẻ.

Cũng theo ông Lập, trước thực tế đó, nhiều trường trên địa bàn huyện đã tổ chức  gom học sinh vào các điểm chính để triển khai học bán trú. 

Ảnh: Dân trí

"Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 trường đang triển khai mô hình bán trú bậc Tiểu học gồm: Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông, Lưu Kiền và Yên Thắng. Tuy nhiên, nhiều trường lại không đủ nhà ở bán trú cho học sinh. Hầu hết các trường Tiểu học trên địa bàn huyện đang thiếu hụt trầm trọng về cơ sở vật chất, giáo viên dạy ngoại ngữ, trang thiết bị dạy, học môn tin học…", ông Lập cho biết thêm.

Ông Lập cho biết, để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, huyện Tương Dương đã có đề án "Xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có tổ chức bán trú cấp Tiểu học trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

Để các em học sinh có nơi ăn chốn ở ổn định, có phòng học văn hóa, tiếng Anh, rất mong cộng đồng, các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi trực tiếp về:

Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Mai Sơn, xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương.

Thầy Đào Xuân Hải - Hiệu trưởng (ĐT: 0942204966)

(Theo Nguyễn Phê/Dân trí)

Xem thêm: Mẹ bệnh liệt giường, bố bị di chứng sau tai nạn, tương lai 5 đứa trẻ thơ vô định