"Ước mơ cho Quang" - câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình 10 năm "thiết kế tương lai độc lập" cho con trai tự kỷ của bà mẹ HN

Chị Trương Thị Vân Anh đã kiên trì suốt 1 thập kỷ dạy con trai tự kỷ cách đi chợ, mua đồ... để trở thành một "nhân sự cứng" trong bếp ăn online. Câu chuyện của mẹ con chị từng gây xúc động và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng.

Đỗ Thu Nga
08:00 06/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Ước mơ cho Quang"  là những chia sẻ đầy xúc động của chị Trương Thị Vân Anh (46 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, từng công tác tại ĐH Bách khoa Hà Nội), nhân Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4). Năm nay, con chị - trẻ tự kỷ Vũ Duy Quang vừa bước sang tuổi 20.

Mẹ nghỉ việc để đồng hành cùng con

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị, khi Vũ Duy Quang 24 tháng tuổi, chị Vân Anh đã đưa con đi khám và phát hiện con mang chứng tự kỷ dạng thoái lui (1 trong những dạng nặng của tự kỷ). Căn bệnh của con khiến gia đình chị rất sốc và buồn. Sau đó, vợ chồng chị đã phải cố gắng vực dậy tinh thần, làm việc quần quật kiếm khoản chi không nhỏ để can thiệp cho con trong nhiều năm.

Vào thời điểm đó, hễ ai hỏi "con học lớp mấy rồi"... là chị Vân Anh lại bật khóc. Chị không hiểu tại sao con trai mình lại mắc căn bệnh này? Từ xưa đến nay, chị Vân Anh vẫn sống rất tốt với mọi người, lúc nào cũng đặt cái tâm lên trên hết, vậy tại sao ông trời chẳng thương?

Hanh-trinh-10-nam-nuoi-day-con-trai-tu-ky-cua-me-Viet
Chị Vân Anh đã dùng tình yêu thương bao la của người mẹ để nuôi dạy con trai tự kỷ trở thành chàng trai khỏe mạnh, có thể sống độc lập

Khi được 5 tuổi Quang mới bắt đầu học nhai cơm, đi bộ, nghe, nói. Năm 7 tuổi, Quang mới noi được các từ đơn như cơm, nước, mẹ, bố. Năm 10 tuổi, Quang vào lớp 1 và biết nói một số từ phức như ăn cơm, uống nước, mẹ ơi... Và Quang chỉ hiểu duy nhất 2 từ có và không.

Đến năm 16 tuổi, Quang tốt nghiệp tiểu học. Thời gian này, chị Vân Anh nhận thấy con không thể đi xa hơn trong con đường học vấn nên đã quyết định xin nghỉ việc để dành toàn thời gian chăm sóc con, dạy con kỹ năng sống độc lập. Việc làm này của chị nhằm mục đích mong con có thể hòa nhập cộng đồng, sống như một người bình thường.

Sau khi nghỉ việc, chị Vân Anh quyết định mở bếp online tại nhà chuyên bán thực phẩm sạch. Thông qua công việc kinh doanh này, chị muốn dạy cho con cách đi chợ, cách nấu cơm, cách chế biến món ăn. 

Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó rồi thì dạy Quang lại vất vả gấp bội. Đây là hành trình đầy gian nan và cần sự kiên trì tuyệt đối từ cả hai mẹ con. Những ngày đầu, chị Vân Anh giao đủ tiền cho con mua một món, có ghi trong giấy từng mục rõ ràng với nội dung: Mua gì, mua của ai?

Hanh-trinh-10-nam-nuoi-day-con-trai-tu-ky-cua-me-Viet-4
Quang đón sinh nhật tuổi 20

Khoảng 6 tháng sau, tường giấy ghi chú đó có thêm dòng tương ứng với món ăn. Và chị Vân Anh cũng tăng cấp độ khó, dạy con thêm cách nhận tiền thừa. 

Cái "món đi chợ này" chị Vân Anh đã tốn đến 10 năm để dạy Quang. Và thành quả của chị là giờ đây con có thể thành thạo việc đi chị, mẹ không cần phải lo lắng về một điều gì cả. Mẹ dặn mua 2 món Quang có thể nhớ được. Còn nếu mẹ dặn mua 5 món thì Quang sẽ chủ động ghi vào giấy nhớ.

Cũng trong thời gian này, chị Vân Anh còn dạy con trai cách nấu ăn. Ban đầu chị cũng ghi công thức ra giấy để Quang nắm bắt được. Sau đó chị xóa dần để Quang tự nhớ. Giờ đây, nếu Quang quên có thể hỏi mẹ hoặc sử dụng các công cụ hỗ trợ như điện thoại, laptop để tra cứu trên internet.

"Tôi đi làm về đã thấy con nấu cho mình bữa cơm ngon. Đó hạnh phúc của tôi, nó đơn giản lắm!", chị Vân Anh vô cùng xúc động về sự tiến bộ của con trai.

Trở thành "nhân sự cứng" trong bếp của mẹ

Sau nhiều năm rèn luyện, giờ đây, Quang đã trở thành "nhân sự cứng" trong bếp của mẹ. Cũng như những nhân viên khác, khi làm việc, Quang nhận được lương. Mẹ đã lập cho quang một tài khoản riêng và hàng tháng sẽ trả lương đúng ngày 15. 

Chị Vân Anh vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên được nhận lương, Quang vui sướng vô cùng. Và khi đó, chị Vân Anh cũng xúc động lắm. Chị tự hào vì đã nuôi dạy được một cậu con trai khác với những đứa trẻ bình thường trở thành một người độc lập, sống có ích.

Hanh-trinh-10-nam-nuoi-day-con-trai-tu-ky-cua-me-Viet-0
Không không chỉ biết đi chợ mà còn rất thành tục việc nấu ăn, trở thành "nhân sự cứng" trong bếp của mẹ

Chị Vân Anh tâm sự, trước kia Quang không biết các mệnh giá tiền nhưng giờ thì thuộc lòng hết. Khi đi xem phim, Quang còn biết dùng tiền tiết kiệm của mình để mua vé, còn việc gia đình, em dùng tiền của mẹ.

Được biết, tất cả những gì chị Vân Anh dạy con đều nằm trong kế hoạch "thiết kế tương lai độc lập" cho con của bà mẹ vĩ đại này. Chị dày công trong nhiều năm trời, áp dụng nhiều phương pháp khác nhau cũng chỉ mong một ngày nào đó, con có thể độc lập bước đi trên đôi chân của mình. 

Với lượng khách có sẵn và đang ngày càng tăng của bếp, chị sẽ đưa con về quê học cách sống độc lập giữa tình yêu thương của ông bà, họ hàng, làng xóm.

Khi đó, vợ chồng chị sẽ dạy con trồng rau, nuôi gà, trồng hoa, làm những món ăn tươi ngon từ nông sản sạch. Và đây cũng là nguồn cung thực phẩm cho bếp ăn. 

Chị Vân cũng xác định, khi dạy con không đặt nặng về thu nhập, chỉ cần  con có việc làm, thu nhập đủ đong gạo. "Nếu một ngày nào đó, bố mẹ không còn nữa thì đã có người thân giúp Quang. Mưa gió, bão bùng chỉ cần cô chú và các em chạy sang xem Quang thế nào là ổn. Mỗi tháng, Vinh (em trai Quang) sẽ về thăm anh đôi ba lần, anh cần gì em sẽ lo", chị Vân Anh chia sẻ.

Hanh-trinh-10-nam-nuoi-day-con-trai-tu-ky-cua-me-Viet-3

Để tương lai của con trở nên vững vàng hơn, vợ chồng chị Vân Anh còn làm cho con một sổ tiết kiệm. Mỗi năm sẽ gửi vào một ít. Về sau mỗi tháng Quang sẽ rút một ít để phục vụ chi tiêu.

Ngoài việc mong con có tương lai tốt, có thể sống tự lập thì chị Vân Anh cũng mong con sẽ có một gia đình nhỏ của mình. "Nhưng đấy chỉ là ước ao của người mẹ có con trưởng thành và thành đạt như bao người. Còn trong sâu thẳm bản thân tôi – mẹ của chàng trai đặc biệt, chưa bao giờ nghĩ đến việc con có gia đình riêng.

Tôi không thể đặt gánh nặng lên vai một cô gái tốt, càng không thể chăm nom bế bồng cả con lẫn cháu cho một thế hệ nữa. Như vậy là không có trách nhiệm với cháu của mình, đứa trẻ sinh ra đã phải gánh một trọng trách: Chăm sóc bố mẹ mình", chị Vân Anh tâm sự.

(Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị)

Xem thêm: Nghị lực phi thường của nữ sinh trường Y có đôi chân khuyết tật: Đó là bất tiện chứ không bất hạnh

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận