Nghị lực phi thường của nữ sinh trường Y có đôi chân khuyết tật: Đó là bất tiện chứ không bất hạnh

Sinh ra với đôi chân không bình thường, không thể chạy nhảy như bao người. Thế nhưng Vũ Thị Hương Giang vẫn cố gắng vươn lên, sống lạc quan để hiện thực hóa ước mơ ở thành bác sĩ.

Đỗ Thu Nga
15:00 25/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Tôi đã bật khóc khi không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người thậm chí không có chân để đi giày" - đó là câu nói từng khiến Vũ Thị Hương Giang (SN 1999, Ninh Bình) khóc rất nhiều khi lần đầu nghe được. Hương Giang đồng cảm, vì một đôi chân lành lặn, khỏe mạnh cũng là điều cô mơ ước bao năm. 

Hơn 20 năm đồng hành với đôi chân đặc biệt

Không may mắn như những người khác, cả Hương Giang và anh trai đều tật nguyền. Người anh không thể đi lại, phải ngồi xe lăn. Còn Hương Giang may mắn hơn khi đôi chân vẫn có thể nhấc từng bước chậm chạp. 

Suốt nhiều năm qua, gia đình Hương Giang đã đi đến rất nhiều bệnh viện ở khắp miền Bắc nhưng vẫn không thể tìm ra căn nguyên bệnh. Chỉ biết đó là do di truyền, có thể do ảnh hưởng của chất độc màu da cam.

Đôi chân của Giang một bên nhỏ hơn hẳn, không thẳng, thỉnh thoảng đau nhức khiến sinh hoạt khó khăn. Khi di chuyển thì phải nhờ người thân, bạn bè xung quanh và chiếc xe lăn.

Nghi-luc-phi-thuong-cua-nu-sinh-truong-Y-co-doi-chan-khuyet-tat
Giang có thể đi một đoạn ngắn nếu có điểm tựa. Bình thường, cô di chuyển bằng xe lăn

Còn nhớ, hồi cấp 2, có lần trường tổ chức cho các bạn học sinh giỏi lên Hà Nội tham quan. Suốt chuyến đi, các thầy cô luôn phải cõng Giang để di chuyển giữa các địa điểm. Tội lỗi, thấy bản thân như gánh nặng là điều duy nhất đọng lại trong cô sau chuyến đi ấy. Cô gái sinh năm 1999 trở nên tự ti, thu mình hơn hẳn.

“Lên cấp 3, các bạn thi nhau sắm giày, dép đẹp nhưng chân mình như vậy, một bên còn bị lật nên dù muốn cũng chẳng thể xỏ. Mùa đông trời lạnh, chân mình tím lại vì chỉ đi tất, nhìn các bạn chạy nhảy, mình tủi thân, cảm nhận được rõ ràng sự khác biệt giữa mình và mọi người”.

Sau ca phẫu thuật năm lớp 10, chân của Giang có thể úp lại gần như người bình thường. Khi có điểm tựa, cô đi được một đoạn ngắn, còn lại sẽ di chuyển bằng xe lăn. Vì dựa phần lớn vào sức đôi tay, dáng đi của Giang xiêu vẹo, lâu dần khiến cô cong cả cột sống.

"Nếu khỏe mạnh, chưa chắc mình đã học y"

Trong 18 năm đầu đời, đôi chân là điều khiến Hương Giang phải đi đến khắp các bệnh viện lớn nhỏ chạy chữa. Song cũng chính đôi chân ấy là nguyên nhân thôi thúc Hương Giang trở quyết tâm trở thành sinh viên trường Y.

“Ban đầu, mình tính học ngành kinh tế để sau này kinh doanh kiếm thật nhiều tiền phụ giúp bố mẹ. Nhưng sau đó, một phần nghe lời khuyên từ bố mẹ, một phần muốn tự tìm ra phương pháp điều trị đôi chân, mình quyết định chuyển hướng thi khối B vào năm lớp 12”.

Biết tin đỗ ngành Y tế dự phòng của ĐH Y Hà Nội, vui và tự hào có. Nhưng Hương Giang cũng buồn và lo lắng nhiều. Một sinh viên bình thường lăn lội nơi xa đã khó, với Hương Giang, đó là thử thách rất lớn.

Nghi-luc-phi-thuong-cua-nu-sinh-truong-Y-co-doi-chan-khuyet-tat-7

“Khó khăn lớn nhất là bố trí thời gian học và sinh hoạt sao cho hợp lý. Ở nhà, có gia đình hỗ trợ nhưng khi đi học xa, mình phải tự làm mọi thứ, chưa kể việc học đã chiếm rất nhiều thời gian”.

Hầu hết các môn học ở trường đều có lượng kiến thức nặng, sinh viên phải đến viện thực hành ngay sau khi học lý thuyết. Vì gặp bất tiện trong việc đi lại nên phần lớn buổi đi viện, Giang không có nhiều cơ hội luyện tập. Điều đó khiến cô gặp khó khăn trong việc áp dụng, ghi nhớ kiến thức chuyên ngành.

Biết mình như thế nên Hương Giang chăm chỉ đọc sách, nghiền ngẫm các tài liệu, giáo trình. “Nếu khỏe mạnh như người bình thường, chưa chắc mình đã học ngành y. Những gì xảy ra ở hiện tại, theo mình, chính là duyên nợ”.

Bất tiện chứ không bất hạnh

Những bất tiện, đau đớn về thể xác không khiến Hương Giang chùn bước. Nhưng những lời vô tình, ánh nhìn khó chịu hay sự thiếu cảm thông của người khác khi có đôi chân không lành lặn. Đó là lời trêu chọc vô tâm nhưng đủ sức khiến cô buồn cả ngày dài của đám trẻ con: “Cái chị kia đi đứng buồn cười thế”.

Đó là những câu hỏi: “Sao lại ngồi xe lăn vậy?”, “Lấy xe của bệnh nhân đi à?”, “Ngồi xe lăn thì mai sau làm bác sĩ kiểu gì?” khi đến bệnh viện thực tập, khiến cô nhiều lúc không dám khoác lên mình chiếc áo blouse trắng.

Đó là những ánh nhì mỉa mai, châm chọc "chân cẳng đã như thế rồi còn không an phận, học y làm cái gì". 

Đỉnh điểm là vào năm nhất Đại học, gia đình bạn trai mới quen biết về tình trạng của Hương Giang nên ra sức ngăn cấm, dùng nhiều lời lẽ khó nghe. “Từ bé đến giờ, mình chỉ đơn phương nhưng đây là lần đầu được một chàng trai mình thích đáp lại tình cảm. Anh ấy lớn hơn mình và cũng đến độ tuổi lập gia đình. Mình biết, với nhiều yếu tố, bọn mình không thể có tương lai”.

Nhiều lúc Hương Giang ước mình được sinh ra với đôi chân bình thường thì mọi chuyện đã khác. “Sao lại là mình?”, câu hỏi vô thức hiện lên trong đầu cô gái sinh năm 1999 những khi ấm ức.

Nghi-luc-phi-thuong-cua-nu-sinh-truong-Y-co-doi-chan-khuyet-tat-8

Nhưng sau tất cả, Hương Giang biến khó khăn thành động lực. Cô dần trở thành người mạnh mẽ, lạc quan, không dễ gục ngã. Giang nói cô không có một đôi chân bình thường, điều đó bất tiện chứ không thể khiến cô bất hạnh.

“Bây giờ mình không còn lưu tâm nhiều đến những lời trêu chọc, chê bai của mọi người, chỉ cần bản thân sống tích cực hơn và tốt hơn mình của ngày hôm qua 1% là vui rồi. Việc nhiều người có lời lẽ không hay có thể do họ chưa hiểu hoàn cảnh của mình thôi”.

Dù gặp khó khăn về đôi chân nhưng từ năm nhất Đại học, Hương Giang đã đi làm gia sư để trang trải chi phí sinh hoạt. 6 học kỳ qua, cô gái Ninh Bình luôn đạt điểm tổng kết trên 7, một kỳ giành học bổng của trường.

Mỗi ngày trôi qua, Hương Giang đều sống rất lạc quan, hướng về lý tưởng trong tương lai: “Mình tin rằng mỗi người sinh ra đều mang một sứ mệnh và tỏa sáng theo nhiều cách khác nhau. Sau khi tốt nghiệp, ngoài công việc đúng chuyên ngành, mình hy vọng có thể trở thành diễn giả, đến nhiều nơi truyền cảm hứng và năng lượng tích cực cho mọi người”.

Xem thêm: Thông điệp truyền cảm hứng từ câu chuyện tình yêu và nghị lực phi thường của nghệ sĩ múa không chân

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận